Sell in May là gì? Chiến thuật Sell in May có đúng trong Crypto?
Sell in May là gì?
Sell in May là một chiến thuật đầu tư trong giới tài chính - kinh doanh, với mục đích khuyên nhà đầu tư bán hết cổ phiếu, trái phiếu… vào đầu tháng 5 và mua lại vào tháng 11.
Sell in May thường được áp dụng phổ biến trong chứng khoán trên thế giới, dựa trên quan niệm thị trường có xu hướng tăng mạnh hơn từ tháng 11 đến tháng 4 so với các tháng còn lại.
Nguồn gốc của Sell in May
Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc ra đời của chiến thuật Sell in May. Tuy nhiên, nguồn gốc của Sell in May phổ biến nhất bắt nguồn từ câu ngạn ngữ tại Anh Quốc vào thế kỷ 17, với phiên bản đầy đủ: "Sell in May and go away, and come on back on St. Leger's Day" (Bán hết vào tháng 5 và nghỉ ngơi, sau đó quay lại vào ngày Thánh St. Leger).
*St. Leger’s Day là ngày diễn ra cuộc đua ngựa nổi tiếng vào giữa tháng 9 hàng năm tại Anh.
Câu ngạn ngữ trên gắn liền với phong tục của giới quý tộc Anh Quốc. Vào mùa hè, họ thường rời khỏi thành phố London để nghỉ dưỡng ở các vùng quê. Sau đó, quay trở lại tham dự St. Leger's Day và bắt đầu một mùa đầu tư mới vào cuối năm.
Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn trên cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ Anh (vì từng là nước thuộc địa). Do đó, một số nhà đầu tư Mỹ cũng áp dụng chiến thuật Sell in May từ ngày Memorial Day (Ngày lễ chiến sĩ trận vong) vào tháng 5 đến ngày Labor Day (Ngày lễ Lao động) vào cuối tháng 9.
Tại sao Sell in May trở nên phổ biến?
Kể từ giữa thế kỷ 20, chiến thuật Sell in May ngày càng phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt ở thị trường chứng khoán Anh, Mỹ. Theo thống kê, thị trường chứng khoán có xu hướng tăng mạnh trong khoảng từ tháng 11 đến tháng 4 so với giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10.
Biểu đồ dưới đây minh họa mức lợi nhuận chênh lệch giữa hai giai đoạn (từ tháng 5 đến tháng 10 và từ tháng 11 đến tháng 4) của 3 chỉ số quan trọng: S&P 500, Dow Jones và Nasdaq, được đo lường từ năm 1970 đến năm 2023.
Trong đó, chỉ số S&P 500 đạt mức tăng trung bình 6.5% từ tháng 11 đến tháng 4, trong khi khoảng thời gian còn lại chỉ tăng 1.6% (chênh lệch 4.9%). Thậm chí, các chỉ số Nasdaq và DJIA còn có mức chênh lệch cao hơn, lần lượt là 5.9% và 6.9%.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, câu nói Sell in May cũng thể hiện khá rõ nét. Cụ thể, nếu nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu từ tháng 5 đến tháng 10, tỷ suất sinh lời trung bình chỉ đạt 0.87%. Trong khi đó, tỷ suất của giai đoạn còn lại (từ tháng 11 đến tháng 4) đạt 12.2%, với mức tăng tương đương 12 lần.
Sell in May có hiệu quả trong crypto?
Trên thị trường chứng khoán, chiến thuật Sell in May đã được chứng minh hiệu quả dựa trên dữ liệu tăng trưởng trong quá khứ. Tuy nhiên khi áp dụng vào crypto, Sell in May vẫn là một lời khuyên còn gây nhiều tranh cãi.
Đầu tiên, so với chứng khoán, thị trường crypto vẫn tương đối mới với tốc độ phát triển nhanh chóng. Ngoài ra, biên độ dao động của crypto khá lớn và không thể dự đoán trước.
Thứ hai, thời gian giao dịch của crypto là 24/7, do đó nhà đầu tư cần theo dõi thị trường sát sao để nắm bắt cơ hội thay vì hạn chế đầu tư vì áp dụng chiến thuật Sell in May.
Cuối cùng, không chỉ riêng crypto, việc thị trường tài chính tăng hay giảm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ vĩ mô đến vi mô. Do đó, nhà đầu tư không nên đưa ra quyết định vội vàng khi chỉ dựa vào chiến thuật trên. Thay vào đó, nhà đầu tư nên kết hợp sử dụng các phương pháp khác nhau như phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, theo dõi thị trường… để đưa ra chiến lược phù hợp nhất.
Tìm hiểu thêm: ‘Sell in May’ - nỗi ám ảnh nhà đầu tư mỗi tháng 5