SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Social Token có đang bị thổi phồng quá mức?

Social Token trong thời gian vừa qua là một từ khóa khá hot và được nhiều người chú ý bởi tính độc đáo trong mô hình của mình. Tuy nhiên, liệu nó có thật sự hot hay chỉ đang bị thổi phồng quá mức? Những điểm yếu trong cách thiết kế token use case của Social Token là gì? Đâu là giải pháp cho các nghịch lý đó? Tìm hiểu tại đây!!!
Avatar
trangtran.c98
Published Mar 21 2022
Updated Oct 19 2022
19 min read
thumbnail

Bản chất của Social Token

Social token là một loại token được tạo ra bởi một cá nhân, một đội nhóm, một nhà sáng tạo nội dung hay một brand nào đó nhằm tạo ra một cộng đồng người dùng hay “fan” nhằm xây dựng danh tiếng cho chính họ, củng cố một nền tảng người dùng với các mục đích riêng.

Về bản chất, social token sẽ tạo ra một nền kinh tế riêng biệt phi tập trung. Nền kinh tế này dựa trên “tính sở hữu các tài sản mang tính chất kĩ thuật số”, là cầu nối để thiết lập một mối quan hệ với mục đích gia tăng giá trị cho cả hai bên, người dùng - người tạo ra token. 

Người dùng có thể sử dụng token này để tham gia giao dịch hưởng lợi nhuận. hay đơn giản chỉ nắm giữ token vì là một fan chân chính của người tạo ra token hoặc một mục đích cá nhân nào đó. 

Mỗi một loại Social token sẽ có các ứng dụng (use case) khác nhau tùy thuộc vào bên phát hành token, và như tên gọi, cộng đồng của bên phát hành token càng mạnh thì giá trị token càng cao.  

Social token còn có tên gọi khác là Personal token, Community coin hay Creator coin. Nhìn chung chúng được xây dựng dựa trên mô hình khá giống với các loại tài sản kĩ thuật số hàng đầu hiện có như Bitcoin và Ether. 

Để hiểu thêm về Social Token, bạn có thể xem video phân tích chi tiết và trực quan dưới đây:

Phân loại Social token và dự án nổi bật

Hiện tại, Social token được chia làm 3 loại chính: 

phân loại social token
Phân loại Social Token

Nhóm Social Platform token (Token nền tảng)

Social Platform token là token đại điện cho platform, hỗ trợ người dùng tạo và giao dịch các Social token. Các token holder sẽ nhận được: 

  • Quyền quản trị giao thức.
  • Một phần phí giao dịch hoặc hưởng lợi từ cơ chế của nền tảng.

Ví dụ: Rally (RLY), Chilliz (CHILLIZ), Fyooz,...

Nhóm Community token (Token cộng đồng)

Community token được phát hành và quản trị bởi một đội nhóm, thường được quản lí dưới hình thức DAO. Các token holder sẽ nhận được:

  • Tất cả quyền lợi của Personal token. 
  • Quyền quản trị giao thức và sức ảnh hưởng tới một cộng đồng người dùng nhất định. 
  • Lợi nhuận từ các tài sản đặc trưng được sử dụng trong cộng đồng hay các dịch vụ đi kèm.  

Ví dụ: Whale, Friends With Benefits Pro, CPA Proam League,..

các dự án social token community
Token cộng đồng

Nhóm Personal token (Token cá nhân)

Personal token là token đại diện cho một cá nhân nào đó. Fan cần mua đồng coin để được hưởng những quyền lợi từ người tạo ra token. Các token hodler sẽ nhận được: 

  • Quyền truy cập vào các đội nhóm. 
  • Các khoản discount hoặc quyền tham gia vào các đội nhóm, đặc quyền tham gia các sự kiện, sở hữu NFT,…
  • Tình trạng hoặc các thông tin liên quan đến token. 
  • Được hưởng quyền lợi từ người tạo ra token, tùy thuộc vào tiềm lực tài chính của người phân bổ.

Ví dụ: RAC, Rally Creater Coins, Roll Personal Tokens,...

Ngoài ra, còn có các Creator token (người tạo ra token), anh em tham khảo ở hình dưới: 

social token creator token
Người tạo ra token

Thiết kế token use case trong Social Token

Social token hiện đang là một mảnh ghép khá hot, mang lại nhiều lợi ích cho cả cộng đồng người dùng và các chủ sở hữu token. 

Mặc dù về bản chất, social token đang được định hướng để gia tăng tính hữu ích cho các tính năng của token thay vì chỉ đơn thuần là mở rộng phạm vi thuần tài chính cho cộng đồng và người tạo ra token. 

Từ góc độ cộng đồng, Social token sẽ đem lại các tiềm lực về kinh tế đầu tiên, đơn giản được thể hiện thông qua việc tiền tệ hóa các tính năng cũng như việc trở thành công cụ thanh toán, mở khóa các chức năng hay các ứng dụng đồng thời thúc đẩy hiệu ứng mạng lưới.

Bên cạnh đó, từ góc độ người dùng, anh em có thể sử dụng social token với nhiều tính năng hữu ích khác thay vì đơn thuần trong phạm vi tài chính. Đồng thời, mỗi cộng đồng người dùng cần liên tục thúc đẩy và có chế độ phân bổ reward một cách hợp lí để phát triển tính kinh tế của token.

Nhìn chung, social token sẽ phục vụ cho các mục đích sau:  

Khuyến khích người dùng gắn bó với cộng đồng:

  • Social token sẽ được sử dụng như một công cụ hay một loại tài sản để thu hút và khiến cho người dùng có mức độ cam kết với mạng lưới cao hơn.
  • Các hình thức để thúc đẩy có thể kể đến như: reward, sự tương tác, thăng cấp người dùng theo mức độ đóng góp, tham gia vào quản lí cộng đồng hoặc các hành động/ thái độ/ nhiệm vụ xây dựng các giá trị cho nền tảng. 

Quản lí cộng đồng:

  • Quản lí và khai thác các giá trị của một mạng lưới online sẽ là một thách thức đối với người dùng.
  • Yêu cầu về các nỗ lực “cóp nhặt” thông tin một cách đều đặn, thường xuyên hoạt động trên mạng lưới dù cho có các khác biệt về chênh lệch múi giờ.
  • Social token sẽ là một phần reward cho người dùng với những công việc mà anh em hỗ trợ cho nền tảng. 
  • Một số nhiệm vụ mà anh em làm có thể kể đến như: điều hành Discord, quản lí các nhóm Telegram, hỗ trợ Twitter, tổ chức và điều hành các vấn đề liên quan đến cộng đồng,...

Quản trị cộng đồng: Social token có thể được sử dụng để quản trị cộng đồng người dùng, cho phép các hodler tham gia vào các quyết định quản trị ảnh hưởng đến sự phát triển dài hạn của mạng lưới. 

Tạo ra giá trị cho cộng đồng:

  • Theo như các định nghĩa đã có trước đó, social token sẽ được sử dụng để đại diện cho tiền tệ của mạng lưới hay trở thành dấu hiệu riêng cho một cộng đồng.
  • Anh em đóng góp càng nhiều thì sẽ nhận được càng nhiều token, đối với anh em nắm giữ token thì sẽ đồng hành cùng dự án một cách lâu dài, theo sát tầm nhìn của dự án. 

Tạo ra các giá trị về tiền tệ: Không riêng gì token nào, social token cũng được phát triển dựa trên chuẩn token của ERC20, ngầm hiểu rằng social token sẽ được giao dịch trên các sàn và có thể mở khóa thanh khoản để cân bằng các tính năng trong thị trường tài chính. 

Tạo ra các đặc quyền cho người dùng trong cộng đồng: Social token có thể được sử dụng như một tài sản hỗ trợ việc lưu thông tiền tệ duy trì nền kinh tế của một cộng đồng với các đặc điểm riêng biệt hay các quyền tiếp cận đặc biệt giữa các người dùng với nhau. Một số đặc quyền có thể kể đến như: 

  • Tiếp cận các thông tin token: Discord thông qua Collab, Land, Docs thông qua Mintgate.
  • Có quyền truy cập sớm: Có cơ hội tìm hiểu về RAC token sớm hơn các người dùng khác.
  • Tiếp cận các token thông qua các cộng đồng đặc biệt riêng: Tham gia vào cộng đồng $FWB với các đặc quyền riêng.
  • Tận hưởng thời gian với các chủ sở hữu token: Ví dụ như Zoom hay Calendly.
  • Hưởng các mức ưu đãi trên các cửa hàng online khi tham gia giao dịch. 

Lí do cho sự “sinh sôi” của Social token

Token đóng vai trò như một chất xúc tác để "hạ nhiệt" cho các vấn đề mà hầu như các mạng lưới đầu tiên đều phải đối diện. Tất cả các vấn đề hiện tại - tương tự như trường hợp "con gà và quả trứng" - liên quan đặc biệt tới những người dùng tạo ra token hay những người dùng có sức ảnh hưởng lớn (influencer) tới cộng đồng. 

social token ultility
Sự "đánh đổi" của người tạo ra token

Người tạo ra token khi tạo ra đồng token cho chính mình sẽ: 

  • Trong trường hợp người tạo ra token đã có danh tiếng và có một lượng fan nhất định, việc tạo ra token sẽ tạo ra thêm một phần lợi nhuận phục vụ cho các mục đích riêng như “Lấy danh nghĩa fan để đi làm từ thiện”,... tạo thêm thu nhập, xây dựng danh tiếng của bản thân ngày càng thu hút được nhiều người dùng hơn. Và quá trình kiếm được lợi nhuận này cũng diễn ra nhanh hơn. 
  • Trong trường hợp người tạo ra token chưa có nhiều danh tiếng, thì người tạo ra token cần một khoảng thời gian dài hơn để có thể thu hút người dùng sử dụng đồng token, từ đó mới bắt đầu tạo ra lợi nhuận cho bản thân và cộng đồng. Và đương nhiên khoảng thời gian lợi nhuận được sinh ra cũng sẽ lâu hơn. 

Trong cả hai trường hợp trên, người tạo ra token đều sẽ phải chịu một phần chi phí được gọi là “chi phí cơ hội”, hiểu đơn giản sẽ là một phần chi phí ban đầu phải bỏ ra để có thể đổi lấy giá trị tương lai cho đồng token mình tạo ra cùng các lợi ích đi kèm cho người tạo ra token. Đồng thời, người dùng là fan hay non-fan cũng đều sẽ được hưởng các nguồn lợi từ chính đồng token hay hưởng thêm các ưu đãi từ người tạo ra token. 

Social token đóng vai trò là “đòn bẩy” cho sự cộng hưởng giữa việc “dùng vốn để tạo ra lợi nhuận” và thu hút người dùng mới - một yếu tố quan trọng là và vấn đề cho bất cứ mạng lưới hay đồng token nào. 

Social token có thực sự "HOT" hay chỉ được thổi phồng quá mức?

Social token đang dần biến đổi hành vi và thái độ tiếp cận thông tin của các cộng đồng người dùng online. Từ việc cho phép trả các khoản phí đến hợp tác với các hoạt động của cộng đồng, những đồng token này sẽ phá vỡ các giới hạn trước đó về các mối quan hệ online hay cung cấp một bộ công cụ để xây dựng một thế giới hoàn toàn khác.  

Nhưng liệu các social token có thực sự đang hot hay không?

dữ liệu của social token
Dữ liệu của Social Token

Nhìn từ dữ liệu của Dune Analytics, có thể thấy từ tháng 7/2021 đến 9/2021 là khoảng thời gian social token có mức tăng trưởng vượt trội nhất:

  • Tổng vốn hóa social token vượt mốc $303M, tăng tổng 500% so với năm 2020.
  • Tổng số lượng địa chỉ ví tăng 200% từ 6,000 lên tới 19,000 địa chỉ ví được gia tăng.

Sau đó dần hạ nhiệt tới thời điểm hiện tại.

Một số cộng đồng có phát triển đột phá có thể kể đến như Friends With Benefits với 950%.

so sánh social token với toàn thị trường
Dữ liệu tổng quan so sánh toàn thị trường và Social Token

So sánh với số liệu toàn thị trường, có vẻ tổng vốn hóa của Social token hay vốn hóa của các token hàng đầu trong mảnh ghép này đang có mức tăng trưởng gần giống với dữ liệu chung, nghĩa là khi thị trường tăng trưởng thì mảnh ghép này cũng phát triển theo. 

Từ thời điểm cuối năm đến hiện tại, toàn thị trường rơi vào tình cảnh “xuống dốc đạp phanh tại mốc ~$35,000” và các mảnh ghép cũng phần nào bị ảnh hưởng theo.  

độ hot từ khóa social token
Dữ liệu từ Google Trend

Tuy nhiên, lấy dữ liệu từ Google thì Social token không còn là một từ khóa quá hot thu hút được sự chú ý của người dùng trong khoảng thời gian gần đây. Với số lượng tìm kiếm “khá ít” và lượng người quan tâm ngày càng thưa thớt, cùng với đó là một sự khan hiếm về những người dùng có khả năng tạo ra token và xây dựng một nền tảng cộng đồng có thể phát triển mạnh. Sự thiếu hụt về vốn đầu tư cũng làm cho mảnh ghép này ngày càng trở nên bão hòa. 

Nghịch lý của Social Token

Hiện tại, thị trường đang tồn tại một nghịch lý cho social token - giảm lợi nhuận biên khi cộng đồng càng đông hay còn gọi là quy luật hiệu suất giảm dần. 

mô hình quy luật hiệu suất giảm dần
Mô hình quy luật hiệu suất giảm dần

Trong kinh tế học, quy luật hiệu suất giảm dần diễn giải như sau, khi một giá trị đầu vào (input) được gia tăng tịnh tiến với giá trị đầu ra (output) thì tới thời điểm mốc hiệu suất cao nhất được đạt tới thì lợi nhuận cận biên hay hiệu suất tổng thể sẽ giảm dần. 

Ví dụ, khi anh em đang khát, uống ly nước đầu tiên mức độ vui vẻ đạt 100%, nhưng uống đến ly thứ 2 thì anh em không còn cảm thấy vui như lúc đầu, tương tự nếu anh em uống đến ly thứ 9 thì có thể lúc này anh em đã cảm thấy khó chịu chứ không còn là cảm giác thỏa mãn nữa. 

Trường hợp cụ thể với các lợi ích có thể đạt được cho cộng đồng của các social token đi kèm với tính năng “độc quyền các đặc quyền” cho người dùng. Thách thức đặt ra chung cho các dự án là cần phải có một hệ thống đánh giá và kiểm soát người dùng nhằm giữ cho cộng đồng của mình giữ được tính đặc quyền ở mức cao, đổi lại giá trị xã hội và các dịch vụ tiện ích đi kèm cũng được đánh giá cao tương tự. 

Do đó, việc mở rộng cộng đồng người dùng và yếu tố “độc quyền” đang là 2 nhân tố chính tạo nên mô hình nghịch lý của Social token - Social token Paradox. 

Ngoài ra, Social token còn được xem như một dạng của dự án đa cấp - tương tự như mô hình Ponzi. Người dùng mới tham gia vào dự án không tạo ra thêm giá trị mà chỉ muốn kêu gọi thêm người dùng khác tham gia để tạo thêm lợi nhuận cho chính bản thân mình.  
 

social token paradox
Social Token Paradox

Diễn giải quy trình nảy sinh nghịch lí như sau: 

  • Phase 1: Một cộng đồng hoạt động dựa trên sự độc quyền được xây dựng thông qua các Social token, người dùng sở hữu token cũng phải thỏa mãn các điều kiện đặc biệt để có thể trở thành thành viên. 
  • Phase 2: Người dùng sớm của dự án sẽ có được token, người dùng mới khi tham gia vào đồng thời cung cấp thanh khoản nâng giá token đồng thời gia tăng giá trị xã hội cùng với tính độc quyền cũng được nâng cao hơn trong một khoảng thời gian nhất định. 
  • Phase 3: Tại một ngưỡng giá trị token đạt mức cao nhất đi kèm với một số yếu tố ngoại quan (thị trường, tin tức,...) thì số lượng người dùng liên tục tăng lên sẽ làm cho tổng lợi nhuận giảm, lợi nhuận cận biên chia cho người dùng trên tổng số lượng lợi nhuận giảm theo. 
  • Phase 4: Thành viên trong cộng đồng được khuyến khích để tuyển thêm các thành viên mới để đảm bảo token có thể mở rộng mức độ tương tác ở mức cao nhất. Tuy nhiên, tại quy mô cộng đồng đủ lớn, các thành viên mới sẽ giảm lợi ích cận biên trên giá trị độc quyền có thể nhận được. Tại thời điểm này, mã token tăng giá và số lượng thành viên có thể đạt đỉnh.  
  • Phase 5: Thành viên trong cộng đồng khi thấy token tăng giá đến một mức độ sẽ có hành vi chốt lời và tính độc quyền mạng lưới đồng thời giảm. Cuối cùng, cộng đồng sẽ đạt mức cân bằng trước khi có thể tiếp tục chu kỳ một lần nữa. 

⇒ Có thể thấy, nghịch lí tồn tại ở đây sẽ là: Người dùng cần có token thì mới tham gia được cộng đồng nhưng nếu cộng đồng quá đông thì lợi ích sẽ giảm. 

Vậy làm thế nào để giữ được tính độc quyền của dự án với nhiều lợi ích đặc quyền được phân bổ bởi người tạo ra token? 

Liệu lượng người dùng đạt đến mốc bão hòa giữa lợi ích cận biên và số lượng thành viên trong cộng đồng có phải là mục đích của người tạo ra token, khi mục đích của họ là ngày càng thu hút nhiều fan/ thành viên mới hơn và nâng cao danh tiếng của họ? 

Nghịch lí này sẽ không xảy ra đối với các cộng đồng không dựa trên lượng thành viên hay quy mô cộng đồng cần đạt hay các đặc quyền riêng với người tạo ra token. 

Giải pháp cho các vấn đề tồn đọng của Social Token

Việc nghịch lí xảy ra là vấn đề mà bất cứ token nào cũng sẽ có thể gặp phải, không chỉ riêng Social token paradox mà chúng còn tồn tại nhiều dạng cho mỗi loại token. Vậy một số giải pháp có thể được đặt ra như sau: 

Ví dụ:

Đối với mô hình Fan token: Các ngôi sao chỉ có một lượng fan nhất định ngoài đời và giá trị token họ tạo ra cũng sẽ phụ thuộc vào độ nổi tiếng của họ, tuy nhiên, mô hình này sẽ không có quy mô cụ thể và gây khó khăn cho người tạo ra token.

⇒ Model negative scale: Phụ thuộc vào danh tiếng của người tạo ra token, cộng đồng không được khuyến khích để đóng góp.

⇒ Giải pháp là tạo ra một model positive scale: Thành viên trong cộng đồng có thể tìm ra một nhánh riêng để có thể đóng góp và gia tăng giá trị cho cộng đồng. Ngoài ra, việc này đồng thời sẽ đảm bảo được tính kinh tế của token, tiền tệ hóa giá trị token. 

Tổng kết

Trong Web3, Social token là một trong những cách tiếp cận sáng tạo, nó giúp crypto đến gần hơn với công chúng. Giờ đây, không chỉ có investors & developers có thể kiếm được tiền trong thị trường Crypto mà cả những người non-crypto vẫn có thể kiếm sống được trên thị trường. Nhưng qua bài viết trên, chúng ta có thể thấy model Social token vẫn còn rất nhiều điểm hạn chế trong cách thiết kế token use case và nhiều vấn đề khác nữa, cần nhiều thời gian để cải tiến và phát triển.

Bạn suy nghĩ thế nào về tiềm năng phát triển của Social token trong làn sóng Web3.

RELEVANT SERIES