Tether lãi 13 tỷ USD: Luật MiCA và bài toán sinh tồn của USDT

Tether và 13 tỷ USD lợi nhuận
Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với Tether khi nhà phát hành stablecoin này ghi nhận mức lợi nhuận ròng kỷ lục hơn 13.5 tỷ USD, theo báo cáo chứng thực quý 4/2024.
Vốn chủ sở hữu của công ty tăng mạnh lên 20 tỷ USD, gần gấp 3 so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản cũng tăng từ 98.6 tỷ USD lên 157.6 tỷ USD, phản ánh hiệu quả hoạt động và mức tăng trưởng vượt bậc của công ty này.

Đặc biệt, Tether tiếp tục củng cố vị thế trên thị trường với lượng trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ nắm giữ đạt kỷ lục 113 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay.
Dự trữ đảm bảo cũng tăng 36% lên hơn 7 tỷ USD, giúp tăng cường khả năng thanh khoản và đảm bảo sự ổn định của stablecoin USDT. Song song với đó, lượng USDT lưu hành đã tăng thêm 45 tỷ USD trong năm 2024, nâng tổng vốn hóa stablecoin này lên 140 tỷ USD.
Theo thống kê từ Tether, USDT không chỉ là stablecoin có vốn hóa lớn nhất mà còn là tài sản kỹ thuật số phổ biến nhất. Tính đến quý 4/2024, có 109 triệu ví on-chain nắm giữ USDT, cao gấp đôi số ví giữ Bitcoin và gần bằng Ethereum.

“Báo cáo chứng thực quý 4/2024 củng cố vị thế của chúng tôi trong vai trò công ty dẫn đầu toàn cầu về tính minh bạch tài chính, tính thanh khoản và đổi mới”, Paolo Ardoino - CEO Tether, cho biết.
Với hàng triệu người dùng trên toàn thế giới, Tether tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái tài chính phi tập trung. Tuy nhiên, bất chấp những thành tựu ấn tượng này, Tether đang đối mặt thách thức pháp lý lớn từ MiCA. Bộ luật crypto của châu Âu có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của USDT trong khu vực này.
Đọc thêm: Bộ luật MiCA - Framework "mẫu" cho khung pháp lý crypto
Sinh tồn tại châu Âu
Luật MiCA (Markets in Crypto Assets - Quy định về Thị trường tài sản tiền điện tử) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2025 đang làm thay đổi hoàn toàn cách stablecoin hoạt động tại châu Âu.
Quy định này yêu cầu các nhà phát hành stablecoin như Tether hay Circle phải đảm bảo tính minh bạch và duy trì lượng lớn tài sản thế chấp tại các ngân hàng châu Âu.
Đây chính là vấn đề lớn đối với Tether khi hiện tại hơn 80% lượng tài sản dự trữ của USDT đang được giữ trong Kho bạc Hoa Kỳ. Việc chuyển đổi phần lớn tài sản này sang các ngân hàng châu Âu không chỉ làm tăng rủi ro thanh khoản mà còn khiến Tether mất đi một phần đáng kể lợi thế về quản lý tài chính.
Các tác động thực tế của MiCA đã bắt đầu xuất hiện. Coinbase, Kraken và Crypto.com đã tuyên bố hủy niêm yết (delist) USDT tại châu Âu do lo ngại không đáp ứng được yêu cầu pháp lý mới.
“Thật đáng thất vọng khi chứng kiến các hành động vội vàng được đưa ra dựa trên những tuyên bố thiếu cơ sở”, đại diện Tether chia sẻ.
Điều này dẫn đến sự sụt giảm thanh khoản của USDT tại thị trường châu Âu, mở đường cho các đối thủ như USDC và DAI mở rộng thị phần. Trong khi đó, Binance - sàn giao dịch lớn nhất thế giới, vẫn tiếp tục hỗ trợ USDT nhờ một số điều khoản chuyển tiếp của MiCA, cụ thể là điều khoản “miễn trừ” (grandfathering) giúp tạm thời giảm bớt tác động từ quy định mới.
Trong trường hợp của MiCA và Tether, điều khoản này cho phép Binance (và các sàn giao dịch khác) tạm thời tiếp tục cung cấp USDT mà không cần tuân thủ ngay lập tức tất cả yêu cầu mới của luật MiCA. Tuy nhiên, sự “miễn trừ” này chỉ tạm thời, và Binance cuối cùng sẽ phải tuân thủ đầy đủ MiCA hoặc ngừng cung cấp USDT ở EU.
Xét về dài hạn, nếu Tether không có giải pháp thích ứng với MiCA, công ty có nguy cơ mất một phần lớn thị phần tại châu Âu vào tay các nhà phát hành stablecoin khác, đặc biệt là Circle.
Dữ liệu từ Token Terminal cho thấy hiện tại USDT vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với tổng cung hơn 140 tỷ USD, gấp ba lần USDC. Nếu MiCA làm giảm khả năng tiếp cận thị trường châu Âu của Tether, lợi thế này có thể bị đe dọa, mở đường cho sự dịch chuyển thị phần stablecoin tại khu vực này.

Ngoài ra, MiCA cũng “soi rõ nét” những vấn đề của Tether liên quan đến tính minh bạch và quản lý tài sản dự trữ.
Trong khi Circle - công ty phát hành USDC, thường xuyên công bố báo cáo kiểm toán chi tiết theo chuẩn mực kế toán Mỹ, Tether vẫn chưa thực hiện một cuộc kiểm toán đầy đủ nào được các cơ quan tài chính chấp nhận.
Hiện nay, Tether phát hành các báo cáo “chứng thực” (attestation) định kỳ về dự trữ, nhưng chúng không phải là kiểm toán đầy đủ (full audit) bởi một công ty kiểm toán độc lập, uy tín. Điều này khiến thị trường khó đánh giá chính xác giá trị và tính thanh khoản thực tế lượng tài sản bảo chứng cho USDT.
Cùng với áp lực gia tăng từ MiCA, nếu Tether không tăng cường tính minh bạch và cải thiện chiến lược pháp lý, khả năng công ty bị loại khỏi hệ sinh thái tài chính châu Âu là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
"Anh hùng xưng bá một phương": Tether châu Á, Circle châu Âu
Bất chấp áp lực từ MiCA, Tether vẫn có chiến lược riêng để duy trì vị thế trong miếng bánh stablecoin “béo bở”. Một trong những bước đi quan trọng nhất của công ty là mở rộng sang các thị trường mới nổi - nơi chưa bị ảnh hưởng bởi các quy định khắt khe như tại châu Âu.
Việc nhận giấy phép hoạt động tại El Salvador là một bước đi chiến lược, cho phép Tether tiếp tục cung cấp dịch vụ tại quốc gia có chính sách thân thiện với crypto này. Ngoài ra, Tether cũng đang tích cực mở rộng sang Trung Đông, đặc biệt là UAE - nơi công ty đã hợp tác với các đối tác để thúc đẩy thanh toán bằng USDT trong lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh việc mở rộng địa lý, Tether cũng đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược khác nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào stablecoin. Công ty đã rót vốn vào các công ty năng lượng tái tạo, khai thác Bitcoin và trí tuệ nhân tạo nhằm đa dạng hóa nguồn thu và tận dụng sự phát triển của công nghệ blockchain.
Những khoản đầu tư này không chỉ giúp Tether duy trì mức lợi nhuận “không tưởng” mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vị thế công ty khỏi những biến động trong thị trường stablecoin.
Đặc biệt, mới đây công ty đã đầu tư vào StablR - một nhà phát hành stablecoin châu Âu tuân thủ MiCA, nhằm mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực có các quy định ngày càng khắt khe.
StablR đã ra mắt EURR và USDR - hai stablecoin được thiết kế để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khung pháp lý mới, mang lại lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong thị trường stablecoin của EU.
"Thị trường stablecoin châu Âu đang phát triển mạnh mẽ và được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng theo xu hướng chung của ngành", Paolo Ardoino - CEO Tether, chia sẻ.
Thị trường stablecoin châu Âu đang phát triển mạnh mẽ và được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng theo xu hướng chung của ngành
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về tương lai của Tether, đặc biệt trong bối cảnh stablecoin ngày càng bị giám sát chặt chẽ hơn.
Một kịch bản tiềm năng là thị trường stablecoin bị phân chia thành hai khu vực rõ ràng: Mỹ và châu Âu sẽ ưu tiên USDC nhờ khả năng tuân thủ luật tốt hơn, trong khi USDT tiếp tục dẫn đầu ở châu Á và các thị trường mới nổi - nơi Binance vẫn đang nắm phần lớn thị phần.
Ngoài ra, yếu tố chính trị cũng là một biến số lớn đối với Tether. Chính quyền Trump và chính sách “America First” có thể ưu tiên các công ty Mỹ như Circle hơn là Tether.
Nếu điều này xảy ra, USDC có thể được hưởng lợi nhờ sự hậu thuẫn từ các cơ quan tài chính Mỹ trong khi Tether sẽ phải tiếp tục đối mặt với áp lực từ các nhà quản lý.