Bộ luật MiCA: Framework "mẫu" cho khung pháp lý crypto

Bộ luật MiCA là gì?
MiCA (Markets in Crypto-Assets) là bộ quy tắc của Liên minh châu Âu (EU), được thiết lập nhằm tạo ra một hệ thống quản lý thống nhất cho thị trường crypto. Quy định này bao quát một phạm vi rộng, áp dụng lên nhiều loại tài sản mã hóa, bao gồm token, stablecoin và các dịch vụ liên quan.
Mục tiêu của MiCA là cung cấp một khung pháp lý rõ ràng cho các tổ chức phát hành token, nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng MiCA không chỉ tác động đến EU mà còn có tiềm năng trở thành tiêu chuẩn tham chiếu cho các khu vực khác trên thế giới.
MiCA được phê duyệt vào tháng 6/2022 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Tại sao EU tạo luật riêng cho crypto?
Trước khi MiCA ra đời, một số quốc gia thành viên EU như Cộng hòa Séc, Đức, Pháp… đã có các quy định riêng về tài sản mã hóa. Tuy nhiên, sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa các nước khiến thị trường trở nên phân mảnh.
Điều này vô hình trung tạo ra rào cản lớn cho doanh nghiệp crypto muốn mở rộng hoạt động trên toàn khu vực, đồng thời gây khó khăn cho nhà đầu tư khi phải tuân thủ nhiều bộ quy tắc khác nhau tùy theo từng quốc gia.
Bên cạnh sự thiếu đồng bộ, một loạt sự kiện tiêu cực trong thị trường crypto đã khiến EU nhận ra sự cấp thiết của một khung pháp lý toàn diện, tiêu biểu như:
- Đế chế Luna sụp đổ, stablecoin UST mất peg khiến 60 tỷ USD bốc hơi.
- FTX - một trong những sàn giao dịch lớn nhất, gian lận tài chính cùng việc quản lý thiếu hiệu quả khiến hàng triệu người dùng mất tiền.
Bên cạnh các vụ sụp đổ lớn, EU cũng nhận thấy rằng nếu không có quy định phù hợp, crypto có thể trở thành một rủi ro hệ thống đối với thị trường tài chính rộng lớn hơn.
MiCA đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để đảm bảo thị trường crypto hoạt động minh bạch và an toàn. Các tổ chức phát hành token phải công khai thông tin đầy đủ về dự án, trong khi sàn giao dịch và nhà cung cấp dịch vụ crypto phải tuân thủ quy định chống rửa tiền (AML), bảo vệ tài sản người dùng và chịu sự giám sát từ cơ quan quản lý.
Bộ luật này cũng yêu cầu các tổ chức phát hành stablecoin duy trì tài sản bảo chứng đầy đủ để đảm bảo tính thanh khoản và ổn định giá trị. Ngoài ra, hành vi thao túng thị trường sẽ bị kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo vệ nhà đầu tư và giữ vững trật tự thị trường crypto trong EU.
MiCA sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh mới cho lãnh thổ EU
“Bộ luật này sẽ giúp người dùng có mọi thông tin cần thiết cũng như nhận biết các rủi ro cơ bản xung quanh tài sản số. Theo đó, MiCA sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho lãnh thổ EU”, Stefan Berger MEP - báo cáo viên của MiCA, nhận định.
Cấu trúc của MiCA
MiCA được xây dựng như một bộ khung pháp lý toàn diện, gồm ba thành phần chính: phạm vi điều chỉnh, quy định đối với tổ chức phát hành tài sản số, và quy định đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số (CASPs - Crypto Asset Service Providers).
Về phạm vi điều chỉnh, MiCA áp dụng cho ba nhóm tài sản số chính:
- Asset-Referenced Tokens (ARTs) - token được hỗ trợ bởi một rổ tài sản như tiền pháp định, hàng hóa hoặc các tài sản khác.
- E-Money Tokens (EMTs) - stablecoin được bảo chứng 1:1 với một loại tiền pháp định cụ thể, tương tự như USDT hoặc USDC.
- Other Crypto Assets - bao gồm token tiện ích và các loại tài sản số không thuộc hai nhóm trên.
Tuy nhiên, MiCA không áp dụng cho NFT hoặc các giao thức DeFi hoàn toàn phi tập trung. Nếu một NFT có tính năng giống chứng khoán hoặc một nền tảng DeFi có yếu tố tập trung (ví dụ: giao thức lending có thực thể kiểm soát) thì vẫn có thể chịu sự điều chỉnh của MiCA.
Về quy định đối với tổ chức phát hành tài sản số, các doanh nghiệp phải cung cấp whitepaper với đầy đủ thông tin về dự án, mô hình kinh doanh và rủi ro tiềm ẩn. Ngoài ra, họ còn phải tuân thủ nguyên tắc quản trị rủi ro, đảm bảo tính minh bạch và chịu trách nhiệm pháp lý đối với thông tin đã công bố.
Đối với CASPs, MiCA áp dụng cho sàn giao dịch, ví lưu ký, nhà môi giới crypto, nền tảng phái sinh và các dịch vụ tài chính liên quan. Các tổ chức này phải đăng ký và đáp ứng các quy định về AML và bảo vệ tài sản khách hàng. Một số nền tảng như MoonPay và BitStaete đã đạt tiêu chuẩn MiCA.
MiCA đặt ra các quy định nghiêm ngặt đối với stablecoin, đặc biệt là ARTs và EMTs, yêu cầu các tổ chức phát hành phải duy trì tài sản bảo chứng đầy đủ, đảm bảo tính thanh khoản và thực hiện báo cáo tài chính định kỳ.
So sánh MiCA và một số khung pháp khác
Quy định về crypto trên toàn cầu vẫn còn phân mảnh, với sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia. Dù một số nền kinh tế tiên tiến đã đạt được tiến bộ nhất định, nhưng các khung pháp lý hiện tại vẫn chưa toàn diện và thống nhất như MiCA của EU.
Tại Mỹ, hệ thống quản lý crypto gặp nhiều vấn đề phức tạp do sự chồng chéo giữa các cơ quan giám sát. CFTC coi Bitcoin và Ethereum là hàng hóa, trong khi SEC xem một số token là chứng khoán. Trong khi đó, FinCEN tập trung vào các quy định AML, tạo ra sự không nhất quán về pháp lý, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư gặp khó khăn. Ngoài ra, mỗi bang tại Mỹ có thể ban hành quy định riêng, làm tăng thêm sự phức tạp và cản trở sự phát triển thống nhất của thị trường.
Tại Anh, chính phủ đã đưa ra Crypto Assets Task Force với cách phân loại tài sản số tương tự MiCA. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Anh hẹp hơn, với định nghĩa về utility token và e-money token bị giới hạn so với MiCA. Điều này có nghĩa là một số loại tài sản số được quản lý theo MiCA tại EU nhưng có thể chưa thuộc phạm vi điều chỉnh tại Anh.
Thụy Sĩ có cách tiếp cận khác, tập trung vào tính rõ ràng về thuế và phân loại tài sản hơn là xây dựng một khung pháp lý toàn diện như MiCA. Quốc gia này coi crypto là một loại tài sản có thể đánh thuế, giúp thu hút nhiều doanh nghiệp blockchain.
Châu Á có sự đa dạng trong cách tiếp cận crypto. Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thiết lập các quy định quản lý, nhưng mỗi nước có một hệ thống riêng, chưa có bộ khung chung. Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Hong Kong áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc cấm giao dịch crypto. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng lên thị trường châu Á.

Nhìn chung, MiCA vẫn là mô hình nổi bật nhất nhờ cách tiếp cận toàn diện và thống nhất trên toàn EU so với các khung pháp lý khác.
Tuy nhiên, khung pháp lý này chưa bao quát hoàn toàn hai “vùng xám” NFT và DeFi. Ngoài ra, các tiêu chuẩn khắt khe của MiCA có thể gây khó khăn cho nhiều dự án và startup. Trường hợp USDT bị hủy niêm yết tại EU do không đáp ứng quy định về tài sản bảo chứng là một minh chứng rõ ràng.
Đọc thêm Tether lãi 13 tỷ USD - Luật MiCA và bài toán sinh tồn của USDT.