The Token Show Podcast - Lê Thanh Coin98: “Crypto không nhất thiết dành cho tất cả”
Đồng thời, theo anh Thanh, nên xem crypto như một thứ mới và tiếp cận nó với mức rủi ro có thể chịu được.
Cũng trong chương trình “The Token Show” của Zing Podcast, anh còn chia sẻ về cảnh quan xây dựng và pháp lý của crypto startup tại Việt Nam. Ngoài ra, người đứng đầu Coin98 cũng bật mí 5 đồng coin đang sở hữu và những câu chuyện thú vị khác.
Đánh cược và sống cùng Crypto
Hỏi: Con đường nào dẫn anh đến crypto và sau này là Coin98?
Năm 2018, Bitcoin giảm từ 20,000 về 6,000 USD, hầu như tất cả đều bỏ thị trường. Sau khi dành 8 tháng nghiên cứu, mình nghĩ nên đặt cược vào ngành này. Mình có niềm tin và thấy cơ hội.
Lúc này, cuộc chơi đã được khởi động lại, những người chơi có chỗ đứng nhất định những năm trước đó đã rời bỏ thị trường. Nếu mình thực sự tin vào Bitcoin, tin vào sự tiến bộ không ngừng của công nghệ blockchain, mình nên bắt đầu hành trình này càng sớm càng tốt. Mình nghĩ 2 - 3 năm sau sẽ gặt hái những thành quả nhất định.
Và thực tế đúng như vậy. Đến tháng 6/2018, mình bắt đầu dành toàn bộ thời gian cho Crypto, xây dựng đội ngũ và nghĩ làm sao biến Coin98 trở thành một công ty thực thụ.
Hỏi: Giai đoạn đầu có khó khăn không?
Khó chứ. Vô cùng khó khăn. Bây giờ năm 2022, mọi người biết đến Bitcoin và blockchain rộng rãi hơn ngày xưa rất nhiều. Ngày trước nhắc đến Bitcoin, ấn tượng đầu tiên là lừa đảo. Vì vậy, mình gặp khó khăn trong việc mang công nghệ mới đến nhiều người hơn - một cách tử tế, phản ánh đúng giá trị của nó.
Cách tiếp cận của mình ở thời điểm đấy: tập trung vào năng lực của bản thân trước. Mình không có kiến thức, năng lực thì không thể giúp người khác hiểu đúng. Mình phải hiểu đúng trước, phải thật sự dấn thân, sống cùng nó để hiểu.
Mình cũng chỉ mới tham gia thị trường vào cuối 2017, nên thời điểm đầu chia sẻ về crypto, mình vẫn luôn nói với mọi người: đây là những gì mình tìm hiểu được, mong nhận được góp ý, chia sẻ của nhiều người khác. Từ đó để học hỏi thêm lẫn nhau.
Sau này làm thêm các sản phẩm khác, hiểu ngành hơn, có mối quan hệ với các player trên thế giới, mình mới có hình dung rõ hơn về bối cảnh blockchain, làm thế nào khiến nó trở nên dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn với người mới.
Wallet là cánh cửa bước vào thế giới blockchain
Hỏi: Vì sao Coin98 hướng đến việc phát triển ví (Wallet)?
Trong không gian blockchain, ví là thứ đầu tiên người dùng tương tác trước khi tương tác với các DApp (ứng dụng phi tập trung), blockchain hay giao thức khác. Ví là cánh cửa mở ra để bước vào thế giới blockchain. Đây là loại sản phẩm mà ai cũng dùng, và chắc chắn sẽ tạo ra nhiều giá trị.
Tìm hiểu thêm: Coin98 Wallet là gì?
Hỏi: Anh nghĩ DeFi sẽ làm thay đổi bộ mặt tài chính?
Mình nghĩ DeFi ko nhất thiết phải “đấu” với định chế tài chính truyền thống. Blockchain có thể có ứng dụng trong những lĩnh vực khác như AI, robot, các nền tảng công nghệ mới. Ví dụ để robot phối hợp, giao tiếp với nhau hiệu quả, chúng cần một mạng lưới xuyên suốt. Và blockchain có thể cung cấp điều đó.
Nhân lực trong crypto: Cầu cao, cung thiếu
Hỏi: Anh đánh giá như thế nào về tiềm năng của các dự án Việt Nam làm về blockchain?
Cái này dựa trên quan sát và góc nhìn chủ quan của mình, các builder khác có thể có góc nhìn khác. Nếu hỏi các dự án crypto Việt Nam hiện tại có cơ hội không, thì câu trả lời là chắc chắn cơ hội rất lớn.
Ví dụ nhìn vào các startup công nghệ truyền thống phát triển giải pháp công nghệ mới không liên quan đến blockchain và crypto. Với họ, việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển doanh nghiệp, mở rộng thị trường trước giờ rất khó khăn. Nhưng đây không phải là vấn đề của các dự án làm về blockchain.
Blockchain là sân chơi phẳng toàn cầu, những nhà đầu tư ở Mỹ, Singapore, đôi khi ở Campuchia, Philippines vẫn có thể đầu tư nếu thấy tiềm năng. Khả năng tiếp cận nguồn vốn của các dự án này lớn hơn nhiều.
Tiếp theo là với nguồn nhân lực crypto trên toàn thế giới, nhu cầu về dev (lập trình viên) đang rất cao, trong khi nguồn cung thì thiếu. Cụ thể, khi một startup được đầu tư, họ cần giải ngân nguồn quỹ để tăng trưởng nhanh nhất có thể. Cách họ thường làm nhất là đổ tiền vào để phát triển đội ngũ, xây nhiều sản phẩm hơn để mở rộng thị trường. Họ rất cần người. Có thể thấy trong crypto hiện tại, cơ hội nghề nghiệp đang nhiều hơn những ngành truyền thống.
Nhưng dev Việt Nam đã bắt kịp xu hướng, tận dụng được cơ hội đó chưa? Mình thấy họ chưa thật sự quyết tâm, chưa bắt được cơ hội làm việc trong ngành lắm.
Hỏi: Pháp lý hiện là một vấn đề nhức nhối trong crypto. Anh có lời khuyên nào dành cho các startup trẻ?
Tùy vào tính chất của startup mà nó liên quan đến những mảng pháp lý khác nhau, đôi khi nằm ngoài crypto. Mình khuyên nên làm việc với một hãng luật có kinh nghiệm với các crypto startup. Họ có thể tư vấn và giúp đỡ cấu trúc công ty tuân theo hành lang pháp lý của quốc gia mà mình đang muốn đưa sản phẩm vào.
Chọn người mà follow
Hỏi: Hiện tại có nhiều KOLs (người có sức ảnh hưởng) nhận tiền quảng cáo để “lùa gà” vào các dự án không chất lượng, mang tiếng xấu cho crypto. Anh có lời khuyên nào cho những KOLs này?
Nếu nói về KOLs, mình không thật sự muốn khuyên họ nên làm gì. Mình chỉ muốn truyền thông cho các follower (người theo dõi) sự khác nhau giữa KOLs và chuyên gia (expert). Chuyên gia mang tính chuyên môn hơn, trong khi KOLs thiên về cộng đồng hơn. Có những KOLs không có độ hiểu sâu, có những chuyên gia không nổi tiếng. Cần tách biệt hai cái đó.
Vì thế, follower cần xác định đâu là bên có nền tảng vững để mình học hỏi kiến thức đúng. Nếu khán/thính giả có hiểu biết thì KOLs muốn “lùa gà” cũng không được, vì họ sẽ không tin tưởng người đó nữa và bỏ đi follow người khác. Khi follower trở nên thông minh hơn, người KOLs phải thay đổi, thích nghi để phù hợp với đối tượng khán/thính giả của mình, giúp thị trường trở nên “sạch” hơn.
Tổng kết lại, follower cần trở nên giỏi hơn, học hỏi nhiều hơn và xác định được nơi mình nên follow.
Hỏi: Vậy lời khuyên cho những người mới tham gia thị trường thì sao?
Xác định tâm thế: Đầu tiên là không nên bỏ qua. Đôi khi bỏ qua làm mình mất nhiều hơn là chịu bỏ công tìm hiểu. Tìm hiểu rồi thì có thể chọn bỏ qua, nhưng đã bỏ qua thì chắc chắc không còn cơ hội.
Dù kiến thức là cái cần đầu tiên, nhưng trong ngành này, đọc lý thuyết thì không đủ, mình phải trải nghiệm để hiểu thị trường. Trải nghiệm theo cách vui vẻ để học kiến thức. Hãy xem crypto như một thứ mới và tiếp cận nó trong mức rủi ro mình có thể chịu đựng được. Bình thường nếu đi học kỹ năng mới thì cũng phải mua khoá học, đóng học phí mà. Hãy xem đây như vốn bỏ ra đầu tư vào bản thân.
Nếu tìm hiểu rồi mà thấy đây không phải thứ mình đam mê, không phải thế mạnh thì có thể dừng lại. Mỗi người có một sở trường khác nhau và crypto không nhất thiết dành cho tất cả mọi người. Đôi khi việc hiểu một công nghệ mới có thể giúp đỡ mình trong môi trường, công việc khác. Không phải cứ nhất nhất đầu tư vào crypto thì mới đúng.
Nên trải nghiệm trước khi đưa ra nhận định. Lắng nghe bản thân mình xem có muốn tiếp tục hành trình này, hay rẽ sang hành trình khác.
Chat nhanh bên lề với anh Lê Thanh
1. Giữa vàng và crypto, anh chọn cái nào? ⇒ Crypto.
2. Trong tài khoản đầu tư của anh có bao nhiêu số 0? ⇒ Rất nhiều số 0, theo Việt Nam đồng.
3. Đồng coin mà anh mua nhiều nhất? ⇒ USDT. Mọi thứ đều bắt đầu từ USDT.
4. Người tạo ra bitcoin là ai? ⇒ Satoshi Nakamoto.
5. Ai là cá mập lớn nhất trong thị trường crypto? ⇒ Satoshi Nakamoto - người giàu có nhất.
6. 5 đồng coin anh đang sở hữu?
- Bitcoin
- SOL
- NEAR
- C98
- USDT
7. Giá trị lớn nhất 1 đồng bitcoin từng đạt được? ⇒ Khoảng 68,000 USD.
8. Nếu là host của một podcast, anh muốn mời ai tham gia nhất? ⇒ CZ (Changpeng Zhao) và SBF (Sam Bankman-Fried).
9. Hãy giải thích về blockchain một cách ngắn gọn và dễ hiểu cho người mới? ⇒ Blockchain là hệ điều hành thế hệ mới thứ 3.
- Thế hệ đầu tiên có Windows, Mac OS nằm trên máy tính, tất cả các phần mềm đó chỉ chạy offline và không kết nối với nhau.
- Thế hệ thứ hai trên Cloud. Tất cả mọi thứ trên đó có thể kết nối với nhau và kết nối với tất cả mọi người trên thế giới.
- Thế hệ thứ 3 là blockchain giải quyết hai vấn đề: nếu trên Cloud chỉ có một đơn vị “host server” như Amazon sở hữu dữ liệu, thì trên blockchain mỗi người sẽ host một server nhỏ và đóng góp vào mạng lưới chung.