Token ES của Eclipse sắp lên sàn: Định giá 350 triệu USD có hợp lý?

Dàn backer khủng đứng sau Eclipse
Ngay từ khi còn là một ý tưởng, Eclipse, dự án Layer 2 trên Ethereum sử dụng máy ảo Solana (SVM), đã thu hút được sự chú ý lớn từ giới đầu tư mạo hiểm. Dự án này huy động tổng cộng khoảng 65 triệu USD qua nhiều vòng gọi vốn, với sự góp mặt của hàng loạt quỹ "khét tiếng" trong crypto.
Ở vòng Pre-Seed ngày 27/9/2022, Eclipse gọi được 6 triệu USD, dẫn đầu bởi Polychain Capital. Đây là một nước đi đáng chú ý, vì Polychain thường chỉ xuống tiền sớm với những dự án mà họ thực sự tin là "có cửa".
Cũng trong ngày hôm đó, Eclipse tiếp tục gọi được thêm 9 triệu USD ở vòng Seed do Tribe Capital và Tabiya dẫn đầu. Tổng cộng, chỉ trong năm 2022, dự án đã gom được 15 triệu USD, con số này cho thấy cái danh “Solana trên Ethereum” rõ ràng đã tạo FOMO cho không ít quỹ.

Đến tháng 3/2024, Eclipse công bố vòng Series A trị giá 50 triệu USD, nâng tổng vốn gọi được lên 65 triệu USD. Hack VC và Placeholder Ventures đồng dẫn đầu, cùng với đó là những cái tên nặng ký như Polychain, Delphi Ventures, Fenbushi Capital, Maven 11 Capital…
Cả Accel và gã khổng lồ tài chính Apollo Global Management cũng tham gia các vòng gọi vốn, cho thấy sức hút của Eclipse không chỉ gói gọn trong crypto.
Đọc thêm: Eclipse là gì? Chi tiết về Layer 2 Eclipse sử dụng máy ảo SVM
Số liệu on-chain nói gì về thực trạng của Eclipse?
Muốn biết một chain có thật sự “sống” hay không, chỉ cần nhìn vào dữ liệu. Với Eclipse, những con số on-chain đang cho thấy một bức tranh kém lạc quan hơn rất nhiều so với vẻ ngoài hào nhoáng.
Giao dịch bùng nổ nhờ airdrop farmer rồi lao dốc không phanh
Thời điểm mainnet cuối 2024 - đầu 2025, Eclipse ghi nhận số liệu tăng trưởng chóng mặt khi cộng đồng kỳ vọng dự án sẽ airdrop quy mô lớn cho người tương tác sớm.
Tính đến tháng 7/2025, tổng số giao dịch trên Eclipse vượt mốc 22 tỷ, một con số khủng ngang ngửa nhiều blockchain kỳ cựu. Đỉnh điểm là trong giai đoạn diễn ra “Turbo Tap”, có ngày mạng ghi nhận tới gần 300 triệu giao dịch trong 24 giờ. Giai đoạn này cũng chứng minh lợi thế của Eclipse khi phí giao dịch trung bình chỉ khoảng 0.00018 USD, đúng “chất” Solana, cực rẻ và nhanh.

Tuy nhiên, phần lớn giao dịch trên Eclipse được thực hiện vào cuối tháng 12/2024 đến đầu tháng 4/2025. Khi Eclipse snapshot điểm Turbo Tap vào ngày 12/4/2025, đám đông dần rút lui. Số giao dịch hàng ngày rơi tự do, giảm hàng chục lần chỉ sau vài tuần. Tình trạng này là ví dụ điển hình của mô hình “farm rồi bỏ”, giống như nhiều chương trình incentive trước đó của các blockchain.
Dòng tiền cũng không khá hơn
Theo Nansen, vào ngày 8/1/2025, tổng tài sản trên mạng Eclipse đạt 162 triệu USD nhưng 83% trong số đó chỉ nằm bất động trong ví, không tham gia DeFi. Chỉ khoảng 17% (28 triệu USD) thực sự được đưa vào các giao thức như DEX hoặc lending, nghĩa là phần lớn dòng tiền chỉ mang tính “giữ chỗ” để đủ điều kiện nhận airdrop.

Ngày 31/1/2025, tổng tài sản trên Eclipse đạt đỉnh 207 triệu USD (theo Flipside). Kể từ đó, đặc biệt là sau khi chiến dịch farm point kết thúc, dòng tiền bắt đầu chảy ra. Đến tháng 7/2025, tổng tài sản trên Eclipse chỉ còn khoảng 150 triệu USD và có xu hướng tiếp tục suy giảm.
Hơn 60 dApp nhưng toàn bản sao
Eclipse từng công bố có hơn 60 dApp và dịch vụ trên mainnet ngay từ ngày đầu, bao gồm DEX, NFT, cầu nối, ví… Một vài dự án từ Solana cũng được triển khai qua, như Orca (hiện có thanh khoản 9 triệu USD trên Eclipse so với 358 triệu USD trên Solana). Nhưng thực tế, gần như không có sản phẩm nào “made for Eclipse” mà phần lớn dApp chỉ là bản sao từ các blockchain khác.
Polychain Capital và nguy cơ “xả hàng”: Bài học từ quá khứ
Polychain Capital không chỉ là nhà đầu tư sớm mà còn là backer lớn của Eclipse, dẫn đầu vòng Pre-Seed và tiếp tục góp mặt ở vòng Series A. Điều này đồng nghĩa quỹ này đang nắm lượng token ES không nhỏ. Nhưng vấn đề là, nếu theo dõi hành vi từ trước đến nay của Polychain, cộng đồng Eclipse có lý do để lo ngại.
Celestia, Manta và hàng loạt trường hợp khác
Polychain từng đầu tư khoảng 20 triệu USD vào Celestia từ tháng 10/2022, nhưng chỉ vài tháng sau khi TIA lên sàn vào cuối năm 2023, quỹ đã bắt đầu “xả hàng”. Theo Foresight News, đến tháng 7/2025, Polychain đã bán hơn 242 triệu USD giá trị token TIA, tức hơn 10 lần số vốn bỏ ra.
Dù Polychain vẫn còn nắm 44.7 triệu TIA trị giá 64 triệu USD, nhưng phần lớn lợi nhuận đã được “cash out”. Kết quả của quá trình này là giá TIA đã giảm 92% so với đỉnh.
Polychain cũng từng dẫn đầu vòng gọi vốn Series A của Manta Network. Sau khi token MANTA lên sàn, giá lao dốc 95% từ đỉnh. Danh sách còn dài: Berachain (BERA) giảm 88%, Polyhedra (ZKJ) gần như về 0, StarkNet (STRK) cũng chia 40 lần từ đỉnh. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Polychain, nhưng mẫu số chung ở đây là: quỹ xả sớm, áp lực bán nặng, giá token “gãy”.
Kịch bản có thể lặp lại với Eclipse
Eclipse đã đưa ra biện pháp khóa token của đội ngũ dự án và quỹ đầu tư trong 12 tháng sau TGE. Sau đó, token sẽ được vesting dần trong 3 năm, nghĩa là Polychain và các quỹ khác sẽ chưa thể xả ES ngay trong năm đầu.
Nhưng cần nhấn mạnh: khóa 1 năm chỉ là trì hoãn, không phải là giải pháp triệt để. Khi thời gian khóa kết thúc (cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026), một lượng lớn token sẽ mở khóa đều đặn hàng tháng. Nếu giá thị trường cao hơn giá vốn vài lần, quỹ đã có đủ lý do để bắt đầu thoái vốn, giống như những gì đã làm với TIA hay MANTA. Áp lực bán sẽ kéo dài trong 3 năm liên tục.
Điều gì chờ đợi token ES?
Sau hơn 8 tháng mainnet, cộng đồng đang đếm ngược chờ ngày ES được niêm yết trên các sàn lớn. Eclipse hiện chưa đưa ra use case rõ ràng cho token ES, nhưng như các token Layer 2 trước đó, ES có thể được dùng để bỏ phiếu quản trị, làm incentive thúc đẩy hệ sinh thái, hoặc “xịn” hơn là có thể đem đi stake nhận lãi suất và dùng làm phí gas như STRK của Starknet.
Trên các thị trường Premarket như Whales Market, token ES đang được giao dịch quanh mức 0.35 USD, tương đương giá trị pha loãng hoàn toàn (FDV) khoảng 350 triệu USD.
Vì token của quỹ và đội ngũ bị khóa 1 năm nên nguồn cung của ES khi lên sàn sẽ rất hạn chế, chủ yếu là phần airdrop và thanh khoản ban đầu. Kết hợp với hiệu ứng FOMO, FDV có thể được đẩy lên cả tỷ USD, giống như trường hợp của MOVE (FDV 10 tỷ USD) hay STRK (FDV 40 tỷ USD lúc mới ra mắt).
Dù vậy, khả năng FOMO lên FDV 1 tỷ USD là khá thấp. Nếu lấy tổng tài sản trên mạng làm mốc, so với Scroll đang có tổng tài sản 210 triệu USD (theo L2BEAT), tổng tài sản của Eclipse đang thấp hơn khoảng 30%. Trong khi đó, FDV hiện tại của Scroll chỉ là 274 triệu USD, nên mức FDV 350 triệu USD cũng đã có phần “ưu ái” cho Eclipse.
Bên cạnh đó, số người dùng thật sự của Eclipse không nhiều, hệ sinh thái “èo uột” chưa có dApp nào nổi bật, người dùng không có nhu cầu giữ token nên các use case cũng sẽ trở nên mờ nhạt. Khi các airdrop farmer bắt đầu bán, cộng với việc token được mở khoá theo tháng từ năm thứ hai khiến nguồn cung liên tục tăng, giá ES dễ rơi vào chu kỳ “lên sốc - xuống dài” như ARB hay OP trước đó.
Đọc thêm: Sự phát triển của hệ sinh thái Starknet hậu Airdrop