Trung Quốc bơm tiền, liệu thị trường crypto có tăng trưởng bền vững?
Thời gian qua, thị trường crypto chứng kiến đợt tăng trưởng mạnh mẽ của các dự án crypto Trung Quốc. Nhiều chứng cứ ủng hộ lẫn bác bỏ luận điểm cho rằng thị trường tăng giá là do Trung Quốc bơm tiền nhằm cứu lấy nền kinh tế sau đại dịch Covid.
Trung Quốc mở cửa, bơm tiền
Sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid" quyết liệt trong 3 năm, đóng cửa xuất khẩu, yêu cầu người dân không được ra ngoài tự do… Nền kinh tế nước này đã có dấu hiệu suy sụp. Lương thực thiếu thốn, cuộc sống gò bó đã châm ngòi cho các cuộc nổi loạn chống chính sách Covid của người Trung Quốc nổi vào cuối 2022.
Phản hồi sự việc, Trung Quốc đã cho tạm hủy các chính sách “Zero Covid” vào đầu tháng 1/2023. Bên cạnh đó, đất nước này cũng tăng cường hỗ trợ về mặt tài chính nhằm phục hồi kinh tế, giảm chi phí vay ngân hàng bằng cách bơm một lượng tiền khổng lồ vào hệ thống tài chính của mình.
Cụ thể, vào ngày 17/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cung cấp 835 tỷ nhân dân tệ (121 tỷ USD) tiền mặt thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repurchase) trong 7 ngày. Kết quả, hơn 632 tỷ nhân dân tệ (khoảng 90 triệu USD) đã được bơm vào nền kinh tế Trung Quốc chỉ trong 1 ngày, con số lớn nhất trong lịch sử.
(Cần lưu ý rằng dù hành động nới lỏng định lượng này của Trung Quốc được thực hiện nhằm kích thích hoạt động kinh tế, duy trì thanh khoản dồi dào cho thị trường, Trung Quốc không thể thực hiện điều này một cách quá hung hăng nếu không muốn nền tài chính Trung Quốc trở nên quá khác biệt so với các quốc gia diều hâu trên toàn cầu. Điều mà có thể làm suy yếu đồng nhân dân tệ và kích hoạt dòng vốn nước ngoài chảy ra ngoài.)
Trái ngược với Trung Quốc, thời gian qua Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) lại thực hiện chính sách thắt chặt định lượng khi liên tục tăng lãi suất, thu hẹp danh mục đầu tư 9 nghìn tỷ (tăng 95 tỷ mỗi tháng).
Hành động này của Trung Quốc đã châm ngòi cho sự tăng giá mạnh mẽ của thị trường crypto nói chung cũng như những dự án crypto liên quan Trung Quốc nói riêng. Việc Trung Quốc bơm tiền vào thị trường để thúc đẩy kinh tế phát triển sau các chính sách “Zero Covid" của mình cũng giống như việc Mỹ tăng cường bơm 2.3 nghìn tỷ USD vào thị trường để thúc đẩy kinh tế phát triển hậu Covid vào tháng 4/2020 - điều khiến thị trường crypto tăng trưởng mạnh mẽ từ 8,500 USD lên mức 69,000 USD.
Hồng Kông hợp thức hóa crypto - Con mồi của Trung Quốc?
Bên cạnh đó, Hồng Kông cũng thông báo về việc sẽ chính thức hợp pháp hóa việc mua bán, giao dịch crypto cho các tổ chức tài chính thuộc quản lý của mình bắt đầu từ ngày 01/06/2023. Điều này thể hiện rằng một lượng tiền lớn từ châu Á đang có khả năng sẽ đổ vào thị trường crypto trong tương lai, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc. Cũng cần xem xét thêm trường hợp việc Hồng Kông hợp thức hóa việc giao dịch crypto là bàn đạp để thử nghiệm tính hiệu quả trước khi thử nghiệm chính thức ở Trung Quốc.
Với thanh khoản dồi dào, thị trường crypto phản ứng giá tích cực, Hồng Kông hợp thức hóa việc giao dịch crypto có thể là nhân tố giúp thị trường tăng trưởng mạnh vào thời gian tới.
Cơ quan tiền tệ Hồng Kông cũng giới thiệu kế hoạch quản lý stablecoin với thời gian thực thi chính thức vào năm 2023 hoặc 2024. Các hoạt động khác nhau sẽ yêu cầu loại giấy phép khác nhau với trọng tâm có thể tham chiếu một hoặc nhiều loại tiền tệ fiat. Những stablecoin được hỗ trợ (backed) bởi tiền tệ fiat sẽ phải được hỗ trợ đầy đủ (fully backed) và có thể quy đổi theo mệnh giá.
Nếu Hồng Kông thành công trong việc quản lý stablecoin và ra mắt stablecoin của riêng mình, vị thế của Mỹ sẽ bị lung lay.
Trước đây, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) thường xuyên gây khó khăn cho việc hoạt động của các stablecoin. Vào tháng 2/2023, SEC đã khởi kiện Paxos với cáo buộc stablecoin BUSD là chứng khoán, yêu cầu ngừng phát hành BUSD. Việc SEC gây khó khăn, không tạo điều kiện phát triển cho các stablecoin sẽ khiến Mỹ mất cơ hội trong việc biến USD thành điểm neo stablecoin cho toàn thị trường crypto. Các loại tiền tệ khác có thể lên ngôi. Trong trường hợp Hồng Kông thành công, CNY sẽ có khả năng thế chân USD.
Do đó, các quốc gia nên cân nhắc cơ hội này để phát triển CBDC của riêng mình và tạo cơ hội để nó trở thành đồng stablecoin được thị trường tín nhiệm.
Trước đó, vào ngày 16/02, CoinMarketCap đã đưa tin ngân hàng lớn nhất ở Đông Nam Á đã báo cáo các khách hàng tổ chức của mình đã tăng lượng mua Bitcoin lên 80% trong năm 2022, dù thị trường trải qua nhiều cú sập. Điều này cho thấy sự gia tăng chấp nhận tiền điện tử ở những đất nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Do đó, châu Á có thể là con rồng cưỡi trên thị trường bò (bull market) trong tương lai.
Có ai đó đứng sau xu hướng “China Narrative" này?
Nhiều nhà đầu tư tin rằng sự tăng trưởng của thị trường crypto nói chung và các dự án crypto Trung Quốc nói riêng không xảy ra do sự kiện bơm tiền của quốc gia này. Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán của Trung Quốc vẫn chưa có sự tăng trưởng mạnh.
Có thể lý do khiến thị trường tăng mạnh đến từ các nhà đầu tư ở Mỹ đang tìm cách xoay chuyển các khoản nắm giữ trì trệ sang những lĩnh vực của thị trường có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp các Market Maker lợi dụng thông tin để thao túng thị trường.
Cũng cần nhắc lại sự kiện tương tự xảy ra vào tháng 10/2019. Khi Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - Tập Cận Bình đã chia sẻ về việc Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh vào công nghệ nền tảng của Bitcoin, blockchain và khiến Bitcoin tăng mạnh 22%. Nhiều nhà đầu tư tin rằng Trung Quốc sẽ mua phần lớn lượng Bitcoin đang lưu hành. Thế nhưng Bitcoin đã giảm mạnh sau đó từ 9.600 USD xuống còn 4,500 USD trong 5 tháng sau đó.
Dù là trung tâm khai thác Bitcoin lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã có nhiều động thái trấn áp hành động này, đặc biệt là cấm hoàn toàn việc giao dịch Bitcoin vào năm 2022. Trung Quốc vẫn đang từng bước tiếp cận thị trường này một cách cực kỳ cẩn thận.
Những dự án crypto Trung Quốc nổi bật
Dù vậy, các dự án crypto được phát triển ở Trung Quốc đã có sự tăng trưởng không hề nhẹ thời gian qua. Các nhà đầu tư cần xem xét giá Bitcoin trước khi xem xét đầu tư những đồng coin khác (altcoin), vì nếu Bitcoin sập, các altcoin khó có khả năng tăng giá. Ngược lại, nếu thị trường có nhiều tín hiệu tích cực thì nhà đầu tư có thể tìm vị thế thích hợp cho mình.
Dưới đây là một vài dự án crypto Trung Quốc nổi bật, đã tăng trưởng mạnh trong những ngày qua.
Conflux Network (CFX)
Conflux là dự án blockchain mở (permissionless), công khai (public) và tuân thủ quy định duy nhất của Trung Quốc. Đây là một Layer 1 blockchain, hoạt động trên cơ sở kết hợp giữa Proof-of-Work (PoW) và Proof-of-Stake (PoS).
Vào ngày 15/02, dự án đã thông báo về việc hợp tác với nhà mạng không dây lớn thứ hai Trung Quốc - China Telecom, với hơn 390 triệu thuê bao di động, để phát triển thẻ SIM hỗ trợ blockchain - BSIM. Chương trình thử nghiệm BSIM đầu tiên sẽ được tổ chức ở Hồng Kông vào cuối 2023.
China Telecom, 2nd largest wireless carrier in China 🇨🇳 (390+ million mobile subscribers), has partnered with Conflux to develop Blockchain-enabled SIM cards - BSIM! pic.twitter.com/LQxz34L432
— Conflux Network Official (@Conflux_Network) February 15, 2023
BSIM sẽ được tích hợp:
- Tree-Graph của Conflux: Giúp tối ưu bảo mật và khả năng mở rộng trong khi vẫn giữ tính phi tập trung, cho phép xử lý song song các block và giao dịch, đồng thời tạo thành một chuỗi (chain) nối tiếp cuối cùng).
- Công nghệ PoS
- Công nghệ PoW
Điều này sẽ giúp BSIM hạ thấp các rào cản gia nhập đối với Web3 và Metaverse.
BSIM cũng sẽ quản lý và lưu trữ khóa (key) chung và khóa riêng của người dùng trong thẻ và thực hiện chữ ký số theo cách mà khóa riêng (private key) không ra khỏi thẻ.Thẻ BSIM cũng cho phép lưu trữ mã hóa, truy xuất khóa và các hoạt động khác. Dự án cũng hợp tác với XiaohongShu và được chính quyền Shanghai đầu tư.
Conflux Network được các nhà đầu tư bàn tán rất nhiều trên các kênh truyền thông như Twitter, Telegram, Youtube, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc. Ngoài ra, Conflux còn được liên tục tìm kiếm trên Google từ tháng 1 đến tháng 2/2023. Hiện giá của CFX đã tăng hơn 450% và đạt 0.3445 vào ngày 21/02. Dù vậy, hiện token CFX đã chạm vùng quá mua theo phân tích kỹ thuật. Nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi quyết định đầu tư.
Trước đó, Solana cũng ra mắt điện thoại blockchain mang tên Solana Mobile chạy hệ điều hành Androi và hỗ trợ bởi Solana Mobile Stack SDK.
Filecoin (FIL)
Filecoin là dự án thuộc hệ sinh thái lưu trữ (storage), cho phép người dùng thuê và cho thuê không gian lưu trữ dự phòng trên máy tính của họ. Sắp tới, dự án sẽ giới thiệu hợp đồng thông minh FVM (Filecoin Virtual Machine) vào ngày 23/03.
FVM sẽ cho phép kiểm soát người có quyền truy cập vào các tệp nhất định, tự động hóa các giao dịch để lưu trữ tệp hoặc cho phép định hướng dữ liệu các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO).
Giá token FIL đã tăng từ 5.2 USD lên 9.4 USD chỉ trong vài ngày. Dự án này được giới thiệu rộng rãi ở Trung Quốc và được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Thậm chí, nhiều người chưa từng đầu tư crypto ở Trung Quốc bao giờ cũng tìm hiểu và mong muốn mua đồng token này, theo thông tin từ Twitter.
Vechain (VET)
Vechain là một Layer 1 blockchain cho phép các nhà phát triển tạo các hợp đồng thông minh (smart contract) và DApp trên nền tảng của mình. CEO của Vechain là Sunny Lu có quốc tịch Trung Quốc. Vào 2020, Vechain đã hợp tác với Walmart China để quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm bằng blockchain. Dự án cũng tham gia Liên minh An toàn Thực phẩm và Thú y Trung Quốc (CAFA) với tư cách là Thành viên Hội đồng để Cung cấp Công nghệ Chuỗi khối cho các Thành viên Doanh nghiệp.
Vào ngày 04/03, Vechain sẽ tổ chức sự kiện The Hive, một Hội nghị thượng đỉnh tập trung vào Web3 và tính bền vững được xây dựng để ủng hộ các ứng dụng tiên phong của công nghệ blockchain vì mục đích bền vững.
Tiếp nối làn sóng China Narrative, token VET của Vechain cũng được cộng đồng chú ý, nhắc đến nhiều trên các kênh truyền thông, đặc biệt là Twitter. Hiện VET đã tăng trưởng mạnh hơn 100% từ 0.016 USD lên 0.032 kể từ tháng 1/2023.
Audius (AUDIO)
Audius là dự án cho phép người dùng chia sẻ nhạc trực tuyến, kết nối với nghệ sĩ hay quản lý các nội dung âm thanh. Vào 2021, dự án đã thông báo hợp tác cùng Tiktok, cho phép các nghệ sĩ tải nhạc của họ lên TikTok để sử dụng trong video.
Bất kỳ nghệ sĩ nào cũng có thể lấy một bài hát mà họ đã có trên Audius và chỉ cần xuất nó sang TikTok chỉ bằng một cú nhấp chuột. Tiktok là sản phẩm phát triển bởi một công ty Trung Quốc có tên gọi ByteDance.
Audius cũng được cộng đồng quan tâm mạnh mẽ, đặc biệt lượt tìm kiếm Audius trên Google đã đạt đỉnh vào ngày 05/02. Token AUDIO cửa dự án cũng có sự tăng trưởng mạnh 200% trong thời gian qua từ 0.13 USD lên 0.36 USD.
Phoenix Global (PHX)
Phoenix là blockchain công khai, cung cấp cơ sở hạ tầng cho phép các nhà phát triển xây dựng ứng dụng của mình. Công nghệ AI cũng được dự án phát triển với tính năng Federated Learning (FL), hỗ trợ người dùng học tập. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ phân tích dữ liệu, hỗ trợ ứng dụng Web3. Phoenix có thể được ứng dụng trong mảng tài chính, chuỗi cung ứng, quản lý sức khỏe, xây dựng trò chơi…
Dự án hợp tác với nhiều tổ chức lớn ở Trung Quốc bao gồm Unionpay, China Telecom, WeChat… Lượt tìm kiếm Phoenix trên Google cũng tăng trưởng mạnh trong tháng 2/2023.
Ngoài những dự án trên, còn có rất nhiều dự án nhỏ khác cũng đang được cộng đồng nhà đầu tư "săn lùng". Những hoạt động này mang tính đầu cơ cao hơn đầu tư, đồng thời mang rủi ro rất cao. Các dự án crypto Trung Quốc vẫn chưa chứng minh được những thành tựu mình đạt được nổi trội hơn những dự án khác nhiều hơn ra sao mà hầu hết là do nhà đầu tư FOMO.
Tổng kết
Trung Quốc là một trong những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh nhất thế giới. Nếu thị trường crypto bùng nổ ở Trung Quốc, nhiều dự án sẽ có mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Các nhà đầu tư có thể tìm hiểu thêm về những dự án được biết nhiều ở Trung Quốc, có sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư, chính quyền Trung Quốc, được chú ý ở châu Âu và có lộ trình phát triển cụ thể, chi tiết, mang ý nghĩa tích cực.