TVL Unichain tăng trưởng 50,000%: Vốn từ tay trái chuyển qua tay phải?

Sau hai tháng ra mắt mainnet, đến tháng 4/2025, TVL của Unichain tăng trưởng vượt bậc, từ 2 triệu USD đến hơn 170 triệu USD, đạt mức tăng hơn 8,300%. Hiện nay con số này đã lên đến hơn 50,000%.
Chất xúc tác tăng trưởng của Unichain
Theo dữ liệu on-chain, phần lớn sự bùng nổ TVL (tổng giá trị bị khoá) của Layer 2 Unichain do Uniswap Labs phát triển bắt nguồn từ chương trình incentive khuyến khích thanh khoản. Chương trình này do giao thức quản lý rủi ro Gauntlet triển khai trên Unichain và Uniswap v4.
Tổng giá trị phần thưởng 5 triệu USD token UNI của chương trình tập trung vào hoạt động cung cấp thanh khoản cho 12 pool tài sản trên Unichain và Uniswap v4 trong vòng hai tuần, bắt đầu từ ngày 15/4/2025.
Các pool chủ yếu là các cặp giao dịch cốt lõi như ETH, WBTC và stablecoin, chương trình cũng đồng thời khuyến khích sử dụng các hook của Uniswap v4 để tối ưu hóa thanh khoản. Cơ chế phân bổ phần thưởng được thiết kế để ưu tiên phí giao dịch, với 98% phần thưởng dành cho nhà cung cấp thanh khoản (LP) tham gia các pool fee-level cụ thể, ví dụ pool USDC/USDT0, với mức phí 0.01%.

Kết quả, trong khoảng thời gian từ 16/4 đến 17/4/2025, TVL của Unichain từ dưới 9 triệu USD tăng vọt lên hơn 71 triệu USD và tiếp tục vượt mốc 170 triệu USD.
Các chỉ số on-chain cũng cho thấy hoạt động sôi nổi của cộng đồng: số lượng UOPS (hoạt động duy nhất) trong 24 giờ tăng 33.7%, tổng cộng 7 triệu giao dịch được ghi nhận trong vòng 30 ngày, theo Dune Analytics.
Đọc thêm: Unichain: Tăng tiện ích cho token UNI và thiết kế lại cơ chế MEV
Bài toán phân mảnh thanh khoản và vấn đề quản trị
Không có dòng vốn mới
Tuy nhiên, bản chất sự tăng trưởng TVL hiện tại trên Unichain đang phụ thuộc vào "vốn cơ hội" (mercenary capital) – dòng vốn được thu hút bởi tỷ suất lợi nhuận cao từ các chương trình khuyến khích. Trong khi đó, số lượng người dùng thực tế của nền tảng vẫn tương đối nhỏ so với các Layer 2 khác trên các hệ Solana, Base hay BNB Chain.
Ngoài ra, chương trình khuyến khích thanh khoản trên Unichain, thông qua việc gắn phần thưởng token UNI với phí giao dịch, vô hình trung "buộc" các LP tối ưu hóa phạm vi giá đến mức cực kỳ hẹp để tối đa hóa phí giao dịch và phần thưởng UNI.
Điều này xuất phát từ cơ chế hook của Uniswap v4, nơi LP cần tập trung thanh khoản trong các khoảng giá nhỏ để tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn và thu phí từ các giao dịch diễn ra trong phạm vi đó.
Điển hình như dữ liệu từ pool USDC/USDT0. Dù ghi nhận TVL ấn tượng (lên đến 100 triệu USD), số liệu pool lại cho thấy phí giao dịch thu được trong 24 giờ tương đối thấp, trung bình từ vài trăm đến vài nghìn USD.

Một dữ liệu khác từ cặp ETH/weETH cho thấy, mặc dù TVL pool tăng trưởng hơn 30 triệu USD, khối lượng giao dịch hằng ngày chỉ rơi vào khoảng 3 triệu USD. Trong khi đó phí giao dịch thu về còn thấp hơn nhiều, dao động trong vài USD.
Như vậy, mặc dù Uniswap đã chi ra lượng ngân sách đáng kể để khuyến khích người dùng, về mặt hoạt động, kết quả thu về dựa trên giao dịch thực tế và phí lại rất khiêm tốn. Dưới góc độ tạo doanh thu thực tế cho giao thức, điều này đặt ra câu hỏi lớn về hiệu quả đầu tư của chương trình khuyến khích.
Ngoài ra, chương trình incentive của Unichain còn tạo ra mối lo ngại về rủi ro phân mảnh thanh khoản. Theo đó, các ưu đãi tài chính hấp dẫn có thể không thực sự thu hút dòng vốn mới, mà chỉ chủ yếu tạo ra sự dịch chuyển dòng vốn nội bộ từ các pool thanh khoản hiện có của Uniswap sang Unichain trên Ethereum.
Nhà phân tích DeFi Ignas với hơn 130,000 người theo dõi trên X cho rằng, việc khuyến khích di chuyển thanh khoản ồ ạt sang Unichain có thể làm suy yếu thị phần của Uniswap trên chính mạng lưới Ethereum, tạo điều kiện thuận lợi cho các sàn DEX đối thủ cạnh tranh thị phần.
Hệ quả tiềm ẩn của việc phân mảnh thanh khoản này là tình trạng trượt giá cao khi giao dịch và việc người dùng giao dịch kém thuận lợi hơn trên toàn bộ hệ sinh thái DeFi, không riêng Uniswap hay Unichain.
Việc cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng cho một Layer 2 mới như Unichain và duy trì ổn định cũng như thanh khoản cho mạng lưới Ethereum là bài toán không dễ đối với Uniswap DAO.
UNI holder bị "gạt ra lề"?
Ngoài ra, một số thành viên cộng đồng Uniswap cũng bày tỏ thất vọng khi những người nắm giữ token UNI không có tiếng nói trong các quyết định quan trọng liên quan đến phát triển và tài trợ cho Unichain.
Mặc dù Uniswap Foundation đã phê duyệt khoản tài trợ khổng lồ trị giá 165.5 triệu USD để hỗ trợ phát triển Unichain và khuyến khích việc di chuyển thanh khoản, nhiều người trong cộng đồng cho rằng khoản tài trợ này chủ yếu mang lợi ích cho Uniswap Labs và Uniswap Foundation. Người nắm giữ token UNI không có lợi gì từ thành công của Unichain.
Ignas cũng chỉ ra rằng, dù Uniswap Labs đã thu về 171 triệu USD phí giao dịch trong hai năm qua, người nắm giữ UNI không nhận được bất kỳ phần doanh thu chia sẻ nào. Điều này trái ngược với các giao thức như Aave hay Maker với việc thiết lập mô hình chia sẻ doanh thu nhằm củng cố lòng tin và giá trị dài hạn cho token của mình.
Tóm lại, Unichain có thể đang đi đúng hướng về mặt công nghệ và chiến lược ngắn hạn, tuy nhiên, giá trị thực của nền tảng cũng như tính bền vững và công bằng cho tất cả người tham gia vẫn là câu hỏi lớn cần đặt ra.