Unichain: Tăng tiện ích cho token UNI và thiết kế lại cơ chế MEV
Cấu trúc Unichain của Uniswap
Unichain được xây dựng trên công nghệ OP Stack và là thành viên mới nhất của liên minh Superchain phát triển bởi Uniswap Labs. Không chỉ có Uniswap, Unichain còn có sự tham gia đóng góp của các đối tác bao gồm Flashbots, OP Labs và Paradigm.
Đội ngũ Uniswap hướng tới xây dựng Unichain trở thành một app-chain dành riêng cho DeFi, nhanh hơn, rẻ hơn và là tâm điểm của thanh khoản trên phương diện multichain.
Ưu điểm của Unichain
Unichain của Uniswap tập trung vào 3 vấn đề chính liên quan tới thực hiện giao dịch:
- Tốc độ giao dịch cao: Unichain sẽ ra mắt với thời gian hoàn thành block chỉ 1 giây, sau đó giảm dần xuống chỉ 250 ms. Giảm độ trễ giao dịch có thể cải thiện đáng kể hiệu quả thị trường bằng cách tăng tần suất giao dịch chênh lệch giá (arbitrage) và giảm giá trị bị mất cho MEV.
- Giảm chi phí và tăng sự phi tập trung: Unichain sẽ giảm phí L1 Ethereum khoảng 95%, đồng thời chỉ sử dụng một sequencer (người sắp xếp giao dịch). Điều này giống với nhiều L2 khác của Ethereum.
- Thanh khoản cross-chain: Unichain được xây dựng để giao dịch liền mạch giữa nhiều chain, bước đầu là khả năng tương tác native giữa các chain trong Superchain.
Đọc thêm: Unichain là gì? Vai trò của Unichain trong hệ sinh thái Uniswap.
Cấu trúc đặc biệt của Unichain
Unichain là tổng hợp của nhiều nghiên cứu và sự cộng tác từ nhiều bên đối tác. Đây là sự kết hợp của quá trình tập trung phát triển UX lâu dài của Uniswap, những nghiên cứu xoay quanh MEV của Flashbot và công nghệ cơ sở hạ tầng của OP Stack.
Unichain với mục tiêu phát triển DeFi, MEV, thanh khoản toàn thị trường cũng đã giới thiệu những chủ đề mới có liên quan như TEE (Trusted Execution Environment), sắp xếp thứ tự ưu tiên giao dịch, MEV-tax… Để làm được điều này, Unichain có 2 tính năng đặc biệt:
- Verifiable Block Building
- Unichain Validation Network
1/ Verifiable Block Building:
Được hỗ trợ thông qua Rollup-Boost - một tính năng cơ bản khác được phát triển với sự hợp tác cùng với Flashbots. Trong Rollup-Boost lại có 2 chức năng cơ bản:
- Flashblocks: Là một loại xác nhận sớm tạo ra bởi TEE builder, Unichain tách một block thông thường thành 4 phần, mỗi phần được tạo và gửi đến đến sequencer sau mỗi 250ms. Các phần nhỏ này sẽ luôn được đưa vào đề xuất cuối của sequencer. Quy trình này cho phép cập nhật trạng thái nhanh hơn, giảm độ trễ, giảm thiểu MEV.
- Priority Ordering: Là một cơ chế xây dựng khối do Dan Robinson và Dave White của Paradigm đề xuất. Nó giả định rằng những người đề xuất khối chỉ sắp xếp các giao dịch dựa trên phí ưu tiên và không tham gia vào việc kiểm duyệt hoặc trì hoãn giao dịch.
- Mô hình này chỉ khả thi khi có một người đề xuất khối duy nhất hoặc đáng tin cậy. Trong các môi trường cạnh tranh như Ethereum L1, khi có nhiều người đề xuất xây dựng khối (block proposer), Priority Ordering là không khả thi.
- Mục đích của việc sắp xếp giao dịch riêng tư là cho phép các dApp trên mạng chính áp dụng thuế MEV (MEV-tax) đối với các giao dịch tương tác với chúng, cho phép trích xuất một phần giá trị MEV. Giá trị này có thể được dApp sử dụng nội bộ hoặc phân phối lại cho người dùng.
*Thuế MEV là một khoản phí do hợp đồng thông minh áp dụng cho các giao dịch, có thể được như một chức năng của phí giao dịch ưu tiên. Ví dụ về MEV-tax:
Sàn DEX A trên Unichain L2 muốn trực tiếp trích xuất giá trị MEV từ các giao dịch MEV diễn ra trên sàn giao dịch của mình. Các block trên Unichain sử dụng Priority Ordering, điều này có nghĩa là giá trị MEV của bất kỳ giao dịch nào chỉ được xác định bởi phí ưu tiên của giao dịch đó.
DEX A đặt thuế MEV bằng 99 lần phí ưu tiên của giao dịch. Khi đó, nếu có cơ hội arbitrage giá trị 100 ETH, MEV searcher có thể nộp phí tối đa là 1 ETH. Phí ưu tiên là 1 ETH + 99 ETH phí MEV. Nếu phí ưu tiên quá 1 ETH, cơ hội arbitrage sẽ thành lỗ.
Với người dùng bình thường không trích xuất MEV, phí ưu tiên sẽ được đặt thấp hơn nhiều (DEX A không lấy giá trị MEV từ những giao dịch này).
Unichain tách riêng vai trò của sequencer và block builder, đồng thời bắt buộc builder phải sử dụng môi trường TEE (Trusted Execution Environment). Đây là một phần an toàn trong phần cứng, chẳng hạn như CPU, hoạt động độc lập với phần còn lại của hệ thống để xử lý dữ liệu nhạy cảm một cách an toàn (TrustZone của ARM hay SGX của Intel).
Block builders có thể gửi một minh chứng sử dụng cơ chế tạo block Priority Ordering trong môi trường TEE được tin cậy.
2/ Unichain Validation Network
Unichain Validation Network hay Mạng xác thực Unichain là một mạng lưới phi tập trung tập hợp các node chịu trách nhiệm xác thực trạng thái mới nhất của Unichain và cung cấp tính cuối cùng (finality) một cách nhanh chóng.
Ý tưởng này tương đồng với MACH của AltLayer và Nuffle, sử dụng EigenLayer và Symbiotic để đạt được hoàn thiện giao dịch nhanh chóng. Để trở thành node trên Unichain, người tham gia phải stake UNI trên Ethereum, UNI holder cũng có quyền ủy quyền phần toke của mình.
Ý nghĩa đằng sau Unichain
Giải quyết vấn đề MEV
Hiện tại Ethereum nói chung và Uniswap nói riêng đang là nơi có nhiều thanh khoản nhất thị trường, nhưng các giao dịch trên Ethereum phải chịu khả năng bị tấn công MEV và khả năng mở rộng kém. Nhiều Rollup đã tham gia giải quyết vấn đề nhưng lại gặp phải một vấn đề mới liên quan tới sự tập trung của sequencer.
Quy trình tạo ra block trên Ethereum và hầu hết các Rollup khác đều liên quan tới một mempool công khai, tạo ra môi trường cho searcher trích xuất MEV từ người dùng khác. Những giá trị MEV này bị chiếm giữ bởi nhóm người thay vì mang lại lợi ích cho người dùng.
Hướng tới thanh khoản cross-chain
Thị trường ngày càng có nhiều blockchain dẫn tới vấn đề phân mảnh thanh khoản, và phân mảnh người dùng, khi đó một blockchain có thanh khoản lớn có khả năng tương tác cross-chain sẽ là lợi thế lớn.
Unichain gia nhập Superchain, kết hợp với OP Labs để tạo ra giải pháp triển khai tương tác gốc, cho phép truyền tải thông tin xuyên chuỗi qua Superchain. Sau đó, sẽ mở rộng ra 25 blockchain Uniswap đang hoạt động và nhiều blockchain khác.
Là thành viên của Superchain đồng nghĩa với việc Unichain sẽ sử dụng hệ thống quản trị và tham gia đóng góp doanh thu cho OP Collective.
Việc Uniswap chuyển dần các sản phẩm lên Unichain cũng có thể khiến L1 Ethereum giảm doanh thu khi Uniswap là một trong những dApp kiếm được nhiều phí nhất.
Các L2 lớn như Base có thể đạt mức margin 95% sau Dencun, nghĩa là với mỗi 1 USD tạo ra từ doanh thu trên Base, chỉ có 0.05% USD được trả lại cho Ethereum thông qua phí giao dịch (ETH burn).
Tạo ra giải pháp toàn diện cho người dùng
Unichain sẽ là đích đến quan trọng, tập hợp hầu hết các sản phẩm liên quan của Uniswap và các đối tác, từ đó tạo ra một hệ thống cung ứng thanh khoản từ đầu đến cuối cho người dùng.
Uniswap V4 sắp tới sẽ cho phép người dùng tùy chỉnh thông số pool, tạo ra nhiều pool hơn và nhiều đường đi của giao dịch hơn. Đồng thời, Uniswap Labs hợp tác với Across Protocol phát triển ERC-7683 tiêu chuẩn hóa giao dịch cross-chain swap. Kết hợp các giải pháp này tạo ra một chuỗi liền mạch về trải nghiệm người dùng.
Tìm hiểu thêm: Uniswap V4 trở thành giao thức do cộng đồng phát triển?
Mở ra ứng dụng cho UNI token
Một trong những cập nhât có tác động mạnh nhất đến nền kinh tế xoay quanh token UNI là việc Unichain yêu cầu validator stake UNI, đồng thời cho phép stake UNI để kiếm phí từ việc làm sequencer.
Đây sẽ là khoản bù cho việc không thể chia sẻ phí giao dịch cho UNI holder, tạo ra dòng tiền cho stakers. Hiện tại, Uniswap đang chia sẻ 0.3% phí giao dịch toàn bộ cho người cung cấp thanh khoản (LP).
Giả định chia phí 0.05% cho UNI staker và 0.25% cho LP, với mức phí một năm hiện tại là khoảng 650 triệu USD, UNI staker sẽ chia sẻ 110 triệu USD/năm, với mức FDV khoảng 8 tỷ USD, chỉ số P/E ở mức 72 (trung bình).
Dù doanh thu từ hoạt động L2 có thể khác với doanh thu từ phí giao dịch đang được cộng đồng thảo luận (fee switch). Đây vẫn là động lực tăng trưởng của UNI token trong ngắn hạn.