Vận động hành lang trong Crypto, khi yếu tố pháp lý được Builders quan tâm
Như anh em có thể thấy, Crypto ngày nay đã trở nên phổ thông hơn với một mức độ phổ cập rất rộng rãi. Do đó, thị trường này đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp, tuy nhiên do hiểu sai bản chất của thị trường nên dường như các khung pháp lý được đưa ra dường như là chưa hợp lý.
Điều này đã dẫn đến những cuộc chiến về pháp lý xảy ra điển hình là sự việc giữa Do Kwon và SEC vừa qua. Vì thế trong thời gian gần đây, các Crypto builders đã và đang thực hiện các hoạt động vận động hành lang (Lobby) nhằm để các chính phủ hiểu hơn về thị trường và đưa ra các khung pháp lý một cách phù hợp.
Vậy làn sóng này đang diễn ra như thế nào? Anh em hãy cùng mình tìm hiểu ngay sau đây trong 30 câu ngắn gọn.
Hiểu về hoạt động vận động hành lang
1. Vận động hành lang (Lobby) là một thuật ngữ thường được sử dụng trong chính trị với các hoạt động nhằm cố gắng gây ảnh hưởng hợp pháp đến các hoạt động, chính sách hoặc quyết định của các quan chức chính phủ, thường là các nhà lập pháp hoặc thành viên của các cơ quan quản lý nhà nước.
2. Các hoạt động này bao gồm:
- Cải thiện mối quan hệ truyền thông với các cá nhân/cơ quan chính phủ.
- Đảm bảo quyền lợi của tổ chức, công ty có trong tất cả lĩnh vực quản lý của nhà nước.
- Tác động, gây ảnh hưởng tới luật pháp.
- Vận dụng các khả năng để các nhà làm luật hiểu được hoạt động và các vấn đề liên quan tới tổ chức.
- ...
3. Các nhà vận động hành lang (Lobbyist) sẽ là những cá nhân hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ để thực hiện các hoạt động kể trên.
4. Tuy nhiên, một nhà vận động hành lang bị cấm trả tiền cho một chính trị gia để bảo đảm phiếu bầu của họ về những vấn đề này (hoạt động này ở Việt Nam chúng ta thường gọi là “hối lộ").
5. Ở Việt Nam, chúng ta có thể không quen thuộc thậm chí có ác cảm với thuật ngữ này, nhưng đây lại là một hoạt động khá phổ biến ở Mỹ và các nước phương Tây.
5. Thậm chí, còn có các tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ vận động hành lang, theo số liệu mình thu thập được từ Open Secrets thì trong vòng 10 năm trở lại đây, chi tiêu cho hoạt động Lobby đều trên mức $3B hàng năm.
Tại sao các Crypto builders lại bắt đầu chú ý tới vấn đề pháp lý?
6. Trải qua các thời kỳ, Crypto nói chung đều phải chịu sự cản trở rất lớn từ các cơ quan pháp lý, một ví dụ điển hình có thể kể đến đó là trong đợt bán tháo hồi tháng 05/2021, các nhà lập pháp từ phía Trung Quốc đã góp một phần không hề nhỏ trong việc gây ra sự kiện này.
7. Một ví dụ khác là gói Cơ sở hạ tầng của Mỹ với quy định thu thuế thị trường Crypto → Gây hoang mang tạo ra một làn sóng tranh luận dữ dội về các quy định có phần mơ hồ với thị trường này (chi tiết anh em có thể tìm hiểu tại đây).
8. Vấn đề các nhà cầm quyền không có nhiều hiểu biết về thị trường này đã dẫn đến các hành động như cấm hoặc hạn chế hoạt động tại nhiều quốc gia.
9. Bên cạnh đó còn rất nhiều ví dụ khác về việc các khung pháp lý không rõ ràng gây cản trở sự phát triển của thị trường Crypto, có thể kể đến như các vấn đề với Stablecoin, hay giấy phép kinh doanh của một số sàn giao dịch,...
10. Dưới tác động của các sự kiện đó, các Crypto builders đã nhận ra tầm quan trọng của việc cần phải tác động tới các nhà cầm quyền để đảm bảo lợi ích của mình.
11. Nhìn chung, có một khung pháp lý ổn định sẽ mang lại rất nhiều lợi ích có thể kể đến như:
- Ít phải gặp “FUD” hơn trong tương lai.
- Thu hút được nhiều nhân tài để phát triển trong ngành.
- Mở rộng thị trường.
- Hạn chế được lừa đảo.
12. Từ đó, các hoạt động Lobby đã và đang dần được thiết lập để ủng hộ thị trường Crypto, cụ thể ra sao thì anh em hãy cùng mình đi đến phần tiếp theo của bài viết.
Một vài số liệu & thương vụ Lobby trong thị trường Crypto
13. Vận động hành lang cho thị trường Crypto thực chất đã được tiến hành từ rất lâu, khoảng từ năm 2016, nhưng chúng ta sẽ thấy hiện trạng này thường xuyên xuất hiện trong khoảng thời gian 2020 - 2021 khi Crypto được phổ cập rất rộng rãi.
14. Ví dụ đầu tiên có thể kể đến là công ty Ripple (XRP), theo Cointelegraph, Ripple trong năm 2020 đã chi tới $690,000 trong hoạt động Lobby để phục vụ cho vụ kiện với Uỷ ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC).
15. Tính trong năm 2020 thì đây được coi là khoản chi lớn nhất của một công ty Crypto trong việc vận động hành lang, một ví dụ nổi bật khác cùng năm là Coinbase khi công ty này đã chi $230,000 cho Lobby để phục vụ cho IPO.
16. Các hoạt động Lobby trong năm 2021 được triển khai mạnh mẽ hơn rất nhiều, theo thống kê từ The Economist, các công ty Crypto đã chi $5M để vận động hành lang Thượng viện Hoa Kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021.
17. Với các hoạt động chi tiêu như trên, 86 nhân viên Full-time trong ngành Lobbyist đã được tuyển dụng vào các công ty Crypto (so với con số vỏn vẹn chỉ 1 vào năm 2016).
18. Một ví dụ khác là Block (trước đó là công ty Square) của Jack Dorsey đã chi $1.7M cho việc vận động hành lang các chính trị gia ở Mỹ kể từ tháng 4/2020 đến nay.
19. Ở châu Âu, cuộc chiến pháp lý cũng diễn ra khá sôi động với việc các chiến dịch Lobby đã được triển khai với khoảng 52 nhân viên vận động hành lang full-time.
20. Thậm chí, Crypto đang dần dần có sức ảnh hưởng trong chính trị, đặc biệt là chính trị Mỹ, thật vậy, thượng nghị sĩ Cynthia Lummis đã có các hành động có thể kể đến như:
- Lên tiếng ủng hộ và bày tỏ ý định muốn phổ cập Bitcoin.
- Đã sở hữu Bitcoin và kêu gọi đầu tư Bitcoin cho cho kế hoạch nghỉ hưu.
- Bỏ qua các câu hỏi của phóng viên và không tỏ ra lo ngại về những rủi ro của Bitcoin như trốn thuế hay rửa tiền.
21. Sở dĩ có được sự ủng hộ này một phần là do Cynthia Lummis có sự đứng sau của các cá nhân liên quan tới các công ty Crypto, những người đã ủng hộ rất lớn trong chiến dịch tranh cử 2026 của bà (Theo The Economist).
22. Các Decentralized Protocol, cũng không nằm ngoài “cuộc đua pháp lý” này, Uniswap vào cuối tháng 05/2021 đã có một Proposal nhằm sử dụng một số lượng UNI token trong Treasury để phục vụ cho việc Lobby - bảo vệ Protocol khỏi các hành lang pháp lý.
23. Tuy Proposal này đã không được thông qua, nhưng đây cũng là một dấu hiệu cho thấy các nhà phát triển trong thị trường Crypto đang ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề pháp lý để mở rộng hơn nữa tập người dùng trong trong tương lai.
Việc này có khiến Crypto dần mất tính Decentralized?
24. Nhìn chung với những nước đi như trên, để Crypto được tiếp cận và phổ cập rộng rãi hơn, chúng ta sẽ phải hy sinh một phần tính “Decentralized" vốn có khi sẽ phải tuân theo một vài quy định cụ thể.
25. Theo quan điểm của mình, nếu lợi ích mang lại lớn hơn những gì phải đánh đổi mà không mất đi bản chất vốn có, thì hoàn toàn chúng ta có thể đánh đổi để có một tương lai phát triển ổn định hơn.
26. Một ví dụ đơn giản về lợi ích của khung pháp lý đối với sự phát triển của DeFi và Crypto: Khi có các quy định cũng như các nhà chức trách hiểu về cách hoạt động của DeFi, thì các sàn giao dịch CEX hoàn toàn có thể kết hợp với các Dapps để cung cấp thêm nhiều dịch vụ cho khách hàng của mình (Staking, Lending, Farming,...).
27. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích cho các DeFi Protocol như tăng trưởng TVL, độ sâu thanh khoản cao hơn, giao dịch ít trượt giá,...
28. Anh em có thể thấy các dịch vụ kể trên đã được tích hợp trên các sàn giao dịch như Binance, Huobi, Gate.io,... nhưng các dịch vụ đó không được cho phép ở các khu vực có sự quản lý gắt gao như Mỹ hay các nước châu Âu ⇒ Khi được cho phép thì nhiều khả năng sẽ là một cơ hội lớn đối với thị trường Crypto, do đây là nơi tập trung rất nhiều tài sản của thế giới.
29. Trên thực tế thông qua vụ kiện với SEC và Do Kwon (Terraform Labs), anh em có thể thấy có những khía cạnh mà các nhà chức trách không thể tác động được ⇒ Tính Decentralized được bảo toàn.
30. Tóm lại, theo mình, tính decentralized sẽ không bị tác động trực tiếp mà sẽ được tác động gián tiếp thông qua các yếu tố như Centralized Stablecoin (USDT, USDC,...), các sàn giao dịch, các “Centralized” Blockchain (như BSC), các công ty CeDeFi,... khi yếu tố pháp lý xuất hiện.
Kết luận
Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường Crypto đã phát triển rất lớn mạnh với sự tham gia của các “tay chơi" với nhiều nguồn lực (cả về kinh tế lẫn chính trị) thì nhu cầu có một hành lang pháp lý rõ ràng và nhanh chóng để họ tiếp tục gia tăng tài sản của mình là điều tất yếu.
Do đó, rất nhiều các hoạt động vận động hành lang đã và đang được đẩy mạnh hơn trong thời gian gần đây. Như vậy, trong tương lai chúng ta có thể thấy thị trường này sẽ được “quản lý" và không còn hoàn toàn là một “vùng viễn Tây hoang dã” nữa. Tuy nhiên tính Decentralized nhiều khả năng vẫn sẽ được bảo toàn và các khung pháp lý sẽ khiến thị trường này ngày càng lớn mạnh.