Tường tận về vụ kiện giữa Do Kwon (Terraform Labs) và SEC trong 30 câu
Trong những ngày vừa qua đã có một tin tức khiến dư luận rất xôn xao, đó là sự kiện tranh chấp về mặt pháp lý giữa Terraform Labs và Uỷ ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC). Tuy khá nhiều báo chí đã đưa tin về sự kiện này, nhưng nhìn chung các thông tin được đưa ra khá chung chung và chưa có nhiều Insights trong đó. Do vậy, trong bài viết này, với 30 câu ngắn gọn, mình sẽ trình bày các nội dung sau về sự việc kể trên:
- Bối cảnh cũng như chi tiết diễn biến vụ kiện.
- Ảnh hưởng của sự kiện này đến hệ sinh thái Terra.
- Và liệu tranh chấp này sẽ đi đến đâu?
Bối cảnh và diễn biến vụ kiện
1. Vào thời gian cách đây khoảng 1 tháng, trong sự kiện Messari Mainnet 2021, nơi quy tụ rất nhiều các Leader, Builder, Investors,… nổi tiếng trong thị trường Crypto, một diễn giả nổi tiếng đã bị luật sư đại diện cho Uỷ ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) gửi trát đòi hầu tòa gây xôn xao dư luận.
Trong hệ thống pháp luật của Mỹ, trát đòi hầu tòa là một lệnh tòa bằng văn bản yêu cầu cung cấp các tài liệu hoặc lời khai của tòa án.
2. Khi đó, những người ngoài cuộc chưa hề biết thông tin chi tiết về vị diễn giả đó cho đến nay, khi thông tin đã được xác nhận rằng người được gửi trát hầu tòa chính là Do Kwon - CEO của Terraform Labs, công ty xây dựng và phát triển mạng lưới cũng như hệ sinh thái Terra.
3. Lý do cho việc Do Kwon được gửi trát đòi hầu tòa đó chính là việc Terraform Labs là đơn vị phát triển Mirror Protocol, một giao thức cho phép tạo và giao dịch các tài sản tổng hợp (Synthetic Assets), trong đó có các tài sản là cổ phiếu Hoa Kỳ (mTSLA, mGOOGL, mAAPL, …).
4. Khi Launching Mirror Protocol, Do Kwon chỉ ra rằng dự án sẽ giúp các nhà đầu tư trên toàn cầu dễ dàng tiếp cận với thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ hơn, tất nhiên trong đó có cả cư dân Hoa Kỳ, và khi một sản phẩm liên quan đến US Stock cho phép người Mỹ giao dịch được phát triển, họ phải đăng ký với SEC.
5. SEC chỉ ra rằng họ chưa có bằng chứng nào cho việc Terraform đã đăng ký, đó là lý do chính dẫn đến sự kiện này xảy ra.
6. Trên thực tế, việc SEC gửi thông điệp đến Terraform yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan phục vụ cho việc điều tra đã diễn ra từ cuối tháng 5/2021, tuy nhiên với sự kiện tại Messari Mainnet 2021 đã dẫn đến sự kiện tiếp theo - Do Kwon và Terraform đã đệ đơn kiện chống lại SEC.
Chi tiết về đơn kiện anh em có thể tìm đọc tại đây.
7. Lý do cho vụ kiện được Do Kwon đưa ra đó là SEC đã hiểu nhầm bản chất của Terraform cũng như tính Decentralized của Mirror protocol, và SEC đã không giữ bí mật về việc điều tra Mirror Protocol (do đã gửi trát đòi hầu tòa trước công chúng ngay tại một sự kiện lớn), điều này đã vi phạm vào luật do chính SEC phát hành.
Sự đáp trả từ phía Do Kwon & Terraform Labs
8. Đầu tiên, có một chi tiết đó là tại sao SEC lại gửi trát hầu toà cho Do Kwon và Terraform Labs mà không phải là Mirror Protocol - nhân vật chính dẫn đến sự kiện này, đó là bởi vì SEC cho rằng Terraform, một công ty có trụ sở tại Singapore, là đơn vị phát triển và sở hữu Mirror.
9. Tuy nhiên, là một Dapp với tính decentralized nên Mirror không thuộc sở hữu của Terraform hay Do Kwon mà thuộc sở hữu của cộng đồng, do đó việc SEC gửi trát hầu toà cho Do Kwon hay Terraform Labs là không hợp lý (Theo Do Kwon).
10. Theo góc nhìn cá nhân của mình, SEC nhắm tới Do Kwon là vì không thể kiện được Mirror Protocol do “cộng đồng” của protocol là hoàn toàn ẩn danh, và Terraform Labs, một công ty có pháp nhân tại Singapore, là sự lựa chọn duy nhất của SEC.
11. Hơn nữa, việc SEC không giữ bí mật về cuộc điều tra đã vi phạm chính điều luật mà SEC đề ra đã là căn cứ chính để Do Kwon đâm đơn kiện ngược lại SEC.
12. Nếu vụ kiện này thành công thì trong tương lai SEC sẽ không thể điều tra lại Mirror Protocol - một hành động được nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng nhằm “phủ đầu" những động thái sắp tới của SEC với Terraform Labs.
Ảnh hướng đối với hệ sinh thái Terra
13. Khi tin tức về sự kiện này được đưa lên thì theo mình quan sát, giá cả của LUNA và MIR không có sự biến động lớn, cho thấy dường như tin tức này không ảnh hưởng nhiều đến Mirror Protocol cũng như hệ sinh thái Terra.
14. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét đến rủi ro về việc Do Kwon thua kiện và SEC có thể buộc Mirror Protocol không cung cấp các sản phẩm tài sản tổng hợp là cổ phiếu Hoa Kỳ nữa.
15. Hiện nay, Mirror vẫn là một trong 4 protocol có TVL lớn nhất trong hệ sinh thái Terra, tuy đang mất dần thị phần nhưng nếu mất đi Mirror vẫn sẽ là một tổn thất rất lớn cho hệ sinh thái.
16. Vào thời điểm mình viết bài, TVL của Mirror là $1.6B, trong đó các tài sản tổng hợp có vốn hoá khoảng $430M, điểm đáng chú ý đó là hầu hết các tài sản tổng hợp có vốn hoá cao là các cổ phiếu Hoa Kỳ, trong khi mETH và mBTC có vốn hoá khá thấp.
17. Hơn nữa, trong số các tài sản có khối lượng giao dịch lớn nhất trên nền tảng thì có rất nhiều tài sản là các cổ phiếu.
18. Do đó, nếu rủi ro kể trên xảy ra thì sẽ gây nên tổn thất khá nặng nề cho hệ sinh thái Terra, khi các sản phẩm chính của một protocol có TVL đứng top trong hệ bị yêu cầu dừng hoạt động.
19. Điều này làm chúng ta nhớ đến sự kiện các sản phẩm “stock token" của Binance bị dừng giao dịch do các vấn đề về pháp lý diễn ra hồi tháng 07/2021.
20. Tuy nhiên, các DeFi protocol khác ngày càng phát triển đã khiến tầm quan trọng của Mirror trong hệ sinh thái giảm đi (thị phần TVL giảm dần), do đó việc mất đi một protocol như Mirror (nếu trong trường hợp xấu nhất) mình cho rằng sẽ chỉ ảnh hưởng tới hệ sinh thái Terra trong ngắn hạn.
21. Ngoài ra, còn một rủi ro nữa có thể đề cập đến đó là các cơ quan pháp lý sẽ điều tra về UST - Stablecoin được tạo ra từ cơ chế Mint/burn LUNA trong bối cảnh các Stablecoin như USDT hay USDC gặp rất nhiều cản trở từ phía chính phủ Mỹ.
22. Tuy nhiên, USDT hay USDC bị điều tra do nghi ngờ về việc không có đủ tài sản để đảm bảo giá trị $1, cũng như liên quan khá nhiều đến thị trường tài chính truyền thống, do đó với UST - một Decentralized Algorithm Stablecoin thì rủi ro này rất khó có thể xảy ra.
Liệu Terraform Labs và Do Kwon có cơ hội chiến thắng?
Tuy không có chuyên môn về pháp lý, nhưng mình cũng sẽ phân tích và đưa ra dự đoán với sự kiện này dựa trên một vài dữ kiện lịch sử.
23. Sự kiện một DeFi protocol gặp cản trở pháp lý nổi bật gần đây nhất có thể kể đến Uniswap, khi nền tảng này bắt buộc phải gỡ 100 tokens khỏi interface, đặc biệt chú ý đó là có các Tokenized stock (các tài sản tổng hợp là cổ phiếu) của Synthetix hay Mirror Protocol.
24. Trong trường hợp này, các yêu cầu từ phía nhà cầm quyền chỉ có tác dụng với Uniswap Interface, sở hữu (Centralized) bởi Uniswap Labs (có trụ sở chính ở New York), chứ không có tác dụng với Uniswap Protocol ⇒ Delist về mặt hình thức, và các token này vẫn có thể được giao dịch thông qua On-chain, Wallet, Interface khác,…
25. Như vậy, dù có công ty ở New York, Founder không ẩn danh, tuy nhiên các cơ quan pháp lý vẫn không thể gây tác động lớn đến Uniswap protocol; tuy nhiên một câu hỏi khác sẽ được đưa ra đó là tại sao hiện tại, chúng ta lại không thấy các Tokenized Stock được giao dịch trên Synthetix, phải chăng đã có sự can thiệp của SEC?
26. Câu trả lời là không, Synthetix chỉ tạm thời không hỗ trợ giao dịch các synths này bởi lý do có khối lượng giao dịch thấp và sẽ re-listing trong tương lai.
27. Nếu để ý về timeline thì anh em có thể thấy rằng sự kiện Uniswap “delist" 100 tokens (trong đó có các tokenized stock của Synthetix) diễn ra vào tháng 7/2021, việc Synthetix tạm thời không hỗ trợ tokenized stock trên nền tảng diễn ra vào tháng 9/2021, do đó có thể thấy rằng chính phủ không thể gây tác động lên Synthetix.
28. Một điểm nữa anh em cần chú ý đó là Founder của Synthetix là Kain Warwick, cũng không hề ẩn danh và SEC cũng không thể can thiệp gì trong trường hợp này.
29. Tóm lại, dựa trên 2 case study trên có thể kết luận được rằng, SEC chỉ có thể gây áp lực được với Do Kwon và Terraform Labs về mặt pháp lý, chứ khó có thể ép được Mirror Protocol delist các tokenized stock trên nền tảng, do việc sở hữu nền tảng thuộc về một cộng đồng hoàn toàn ẩn danh và phi tập trung.
30. Hơn nữa, Do Kwon cũng đã có các lập luận và cơ sở để có thể thắng vụ kiện này, và nếu trường hợp xấu xảy ra, thì mình cho rằng nền tảng này cũng sẽ chỉ “delist" các tokenized stock dưới dạng hình thức như Uniswap, và các nhà phát triển cũng sẽ xây dựng các Interface khác để users có thể giao dịch được bình thường ⇒ Hoàn toàn không gây ảnh hưởng lớn đến Mirror và hệ sinh thái Terra.
Kết luận
Như vậy, thông qua case study này, anh em có thể thấy rằng DeFi vẫn đang khẳng định vững chắc tính “phi tập trung” của mình dù gặp nhiều sự can thiệp từ phía các nhà lập pháp.
Mình hy vọng, bài viết đã giúp anh em có thêm góc nhìn về vụ kiện của Do Kwon vơi SEC nói riêng và vấn đề pháp lý trong thị trường DeFi nói chung. Anh em nghĩ sao về sự kiện này? Hãy comment ở phía dưới để thảo luận cùng Coin98 nhé!