Vessel Finance - Sàn DEX kết hợp mô hình AMM và Order-book
Vessel Finance là gì?
Vessel Finance là sàn giao dịch DEX, được xây dựng trên Layer 3 của chính dự án - Vessel Layer 3. Mục tiêu của Vessel Finance là tận dụng cơ chế Zk Rollup của Layer 3, để tạo dựng nên một sàn DEX minh bạch, phí mạng lưới rẻ và giao diện thân thiện.
Ngoài ra, Vessel Finance đang trong giai đoạn phát testnet và chưa ra mắt token. Coin98 Insights sẽ cập nhật ngay khi có thông tin mới nhất.
Mô hình hoạt động của Vessel Finance
Tương tự như các mạng lưới Zk Rollup, Vessel Layer 3 cũng bao gồm các thành phần gồm Prover, Sequencer và Contract. Trong đó, khi một giao dịch thực hiện trên Vessel Finance, dữ liệu của giao dịch này được xác thực bởi Sequencer.
Theo đội ngũ, Sequencer của Vessel Finance đi theo mô hình Sequencer tập trung (sử dụng 1 Sequencer duy nhất). Ưu điểm của Sequencer tập trung là giúp mạng lưới có tốc độ giao dịch nhanh và tối ưu hoá chi phí cho chính đội ngũ. Tuy nhiên, nhược điểm là khiến mạng lưới phụ thuộc vào một Sequencer, hiệu suất Layer 3 giảm mạnh nếu Sequencer gặp trục trặc.
Sau đó, khi giao dịch được xác thực và sắp xếp bởi Sequencer, dữ liệu sẽ được truyền cho *Prover. Tại Vessel Finance, Prover sử dụng cơ chế zk-SNARK để tạo bằng chứng, nhằm có những lợi thế về tốc độ tạo bằng chứng nhanh, khối lượng lưu trữ dữ liệu thấp… Nhưng bù lại, zk-SNARK cần yêu cầu đội ngũ có phần cứng tốt và chuyên dụng.
*Prover là những thực thể đóng vai trò tạo bằng chứng từ dữ liệu của Sequencer. Sau đó, gửi dữ liệu xuống cho các Verifier hoặc Full node để xác thực tính đúng đắn của bằng chứng. Tại Vessel, các bằng chứng được xác minh bởi SNARK Verifier.
Đọc thêm: zk-SNARK là gì mà Vitalik đề cao như công nghệ của tương lai.
Sau khi chứng minh tính đúng đắn từ Verifier, dữ liệu giao dịch tiếp tục được chuyển xuống Ethereum để hoàn tất tác vụ Data Availability, sau đó lưu trữ tại các block của Ethereum.
Ngoài ra, Vessel Finance kết hợp hai cơ chế AMM và Order-book để tạo nên một mô hình hoạt động có lợi cho người cung cấp thanh khoản (LPs) và người dùng.
Ví dụ, trong một trường hợp có lệnh Limit mua 1 ETH với giá 3810 USDT, thì Vessel chia thành hai lệnh bao gồm:
- Lệnh đầu mua 0.7 ETH với giá 3800 USDT. Trong đó, 0.4 ETH được lấy từ AMM và 0.3 ETH được bán bởi người dùng khác.
- Lệnh tiếp theo là 0.3 ETH với giá 3801 USDT, và lệnh được thực hiện hoàn toàn bởi AMM.
Từ đây, mô hình của Vessel Finance cho phép người dùng giao dịch với giá ưu đãi hơn, nhưng phí giao dịch cao hơn so với thông thường. Theo ví dụ trên, phí giao dịch sẽ giao động từ 1 - 2 USD. Tuy nhiên, phí giao dịch cao đồng nghĩa phần thưởng dành các LPs cũng lớn hơn so với mô hình AMM thông thường.
Roadmap và cập nhật của Vessel Finance
Dưới đây là roadmap của Vessel Finance:
- Q1/2024: Ra mắt testnet.
- Q2/2024: Tích hợp cơ chế AMM vào phiên bản testnet.
- Q3/2024: Ra mắt mainnet.
- Q4/2024: TGE token, tích hợp giao dịch phái sinh…
Đội ngũ, nhà đầu tư và đối tác dự án Vessel
Đội ngũ dự án
Hiện tại, đội ngũ đằng sau Vessel Finance vẫn trong tình trạng ẩn danh. Coin98 Insights sẽ cập nhật ngay khi có thông tin mới nhất.
Nhà đầu tư và đối tác
Ngày 8/8/2024, Vessel Finance huy động thành công 10 triệu USD vòng Seed, với sự tham gia của nhiều quỹ đầu lớn như Sequoia, Avalanche Foundation, Algorand Foundation, Folius Ventures…
Ngoài ra, Vessel Finance vẫn trong giai đoạn phát triển, nên đối tác chiến lược của dự án còn khá ít. Hiện đối tác duy nhất của Vessel là dự án Radius.