SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Vì sao Aave phát triển Lens Protocol?

Bài viết đưa góc nhìn về việc vì sao Aave phát triển Lens Protocol, nền tảng mạng xã hội có vẻ không liên quan đến mảng vay mượn.
Avatar
Khang Kỳ
Published May 25 2022
Updated Mar 02 2023
12 min read
thumbnail

Lens Protocol - nền tảng mạng xã hội phi tập trung đã ra mắt testnet vào 18/5/2022. Nhưng điều ít ai để ý là dự án được phát triển bởi bên không liên quan đến mảng này. Đó là team đứng sau nền tảng vay mượn Aave. Vì sao họ lại phát triển Lens Protocol? Bài viết dưới đây sẽ giúp làm rõ hơn phần nào về nền tảng này.

Aave và sự phát triển trong thời gian qua

Aave là nền tảng vay mượn hàng đầu DeFi với TVL đỉnh điểm khoảng 20 tỉ USD. Trong nửa đầu năm 2022, thị trường trong trạng thái tiêu cực, với BTC giảm dần hơn 50% từ đỉnh 60,000 USD được lập từ tháng 11/2021. Nhưng điều này không ngăn được Aave đứng hạng nhất về TVL trong mảng Lending trên Defillama.

Những nền tảng Lending có TVL cao nhất

Aave đã đạt đến ngưỡng phát triển?

Dù là dự án lớn mạnh trong DeFi, Aave đang có dấu hiệu chững lại bởi những thông số sau:

Total Value Locked giảm mạnh

Từ lúc DeFi bùng nổ vào hè 2020, Aave cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ ở TVL. Trong vòng 1 năm tính từ 9/2020, TVL chạm mức cao nhất gần 20 tỉ USD.

TVL của Aave chia 2 từ đỉnh

Tuy nhiên sau đó, TVL bị giảm dần. Dẫn đến giữa tháng 5/2022, giá trị tài sản khóa trong Aave chỉ còn khoảng 10 tỉ USD.

Outstanding Loan giảm gần 100 lần

Outstanding Loan là số tài sản đang được vay ra ngoài của giao thức Lending. Nếu số này lớn, nghĩa là đang có nhiều tài sản đang được vay ra và ngược lại.

Không nhiều tài sản đang được vay ra trên Aave

Giá trị lớn nhất của Outstanding Loan của Aave là khoảng gần 700 triệu USD vào tháng 4/2021. Tuy nhiên, từ đó đến tháng 6/2021, con số này giảm mạnh đến gần 10 lần. Gần một năm sau đó, số tiền vay ra nhỏ hơn 100 lần so với đỉnh điểm.

Ngày càng ít người vay

Tương tự các chỉ số trên, có đến hơn 600 người đi vay mỗi ngày vào khoảng tháng 9/2020. Nhưng con số này chỉ còn là dưới 10 người, thậm chí là 1 hoặc 2 người vào tháng 5/2022.

Số người đi vay <10 trong khoảng tháng 5/2022

Từ các chỉ số trên, dễ thấy Aave đang trong đà giảm.

Nguyên nhân & Giải pháp của Aave là gì?

Nguyên nhân suy giảm của Aave

Đầu tiên là thị trường nói chung. Tính từ tháng 11/2021, BTC lập đỉnh với khoảng 69 nghìn USD. Nhưng sau đó thì giảm dần, dẫn đến chia hai lần từ đỉnh vào tháng 5/2022.

Ngoài ra, tổng số tiền trong crypto cũng giảm dần từ tháng 11/2021. Đồng nghĩa với việc đã nửa năm chưa có dòng tiền mới chảy vào crypto.

Dòng tiền đổ vào crypto suy giảm

Tiếp theo là DeFi, TVL của tổng thị trường tài chính phi tập trung giảm mạnh từ hơn 100 tỉ USD về khoảng 50 tỉ USD vào tháng 5/2022.

TVL của DeFi giảm mạnh

Từ việc cả thị trường và DeFi đều trong trạng thái xấu. Nên Aave cũng như các dự án khác, đều bị ảnh hưởng nặng.

Aave đã làm gì?

Trong thời gian qua, Aave liên tục cập nhật những tính năng mới. Cuối năm 2020, dự án ra mắt Aave V2 với những tính năng độc đáo như Flash Loan, Credit Lending…

Sau đó, dự án ra mắt Aave V3 vào đầu năm 2022, cho phép tài sản chuyển đi dễ dàng để vay tiền, và hàng loạt tính năng khác.

Tính năng Portal của Aave V3 cho phép vay dễ dàng hơn trên các chain

Để biết được Aave năng động như thế nào, chúng ta cùng nhìn qua đối thủ cùng mảng là Compound. Lần cập nhật gần nhất của họ là tháng 6/2021, với việc ra mắt Compound Treasury cho tổ chức tài chính truyền thống gửi tiền vào nhận lãi suất 4% cố định. Hay phiên bản V2 của Compound ra đời cách đây tận 2 năm.

Nhưng dựa vào các số liệu nói trên, chừng đó nỗ lực là chưa đủ để Aave thu hút người dùng như xưa. Do đó, họ bắt đầu thực hiện dự án mới. Đó là Lens Protocol.

Sơ lược về Lens Protocol

Tóm tắt về Lens Protocol

Tweet đầu tiên của Lens Protocol là vào ngày 20/1. Lens Protocol là nền tảng mạng xã hội phi tập trung, không chịu quyền kiểm soát của bất kì ai. Cộng đồng có thể xây dựng các dự án trên nền tảng của Lens Protocol. Do đó, có thể hiểu Lens Protocol là một lớp nền, dùng để xây dựng những dự án liên quan đến mạng xã hội.

Giao diện trang chủ Lens Protocol

Lens Protocol giải quyết vấn đề gì?

Lens Protocol cho phép người dùng xây dựng Social Graph trên blockchain. Social Graph có thể hiểu đơn giản là mối quan hệ giữa các thực thể (người dùng chẳng hạn) với nhau. Social Graph chứa nhiều thông tin như tên, tuổi, bạn follow ai, ai follow bạn…

Theo CBS, năm 2018, các Social Graph của người dùng trên các mạng xã hội như Meta (trước đây là Facebook) đã bị rò rỉ. Điều này cho thấy các nền tảng tập trung hiện tại sở hữu nhiều thông tin người dùng.

Với Lens Protocol, các thông tin này đều thuộc quyền sở hữu của người dùng. Thậm chí không cần cung cấp email, chứng minh thư… để đăng ký, mà chỉ cần một địa chỉ ví.

Nói về tính phi tập trung, người dùng Twitter chắc hẳn không lạ gì những đợt “càn quét” những tài khoản không tuân thủ quy định. Nhưng thực tế, có nhiều người không làm gì vi phạm cũng bị khóa tài khoản. Chưa hết, những người này dù có nộp đơn giải thích nhưng chỉ một phần được mở khóa. Phần còn lại phải tạo tài khoản khác.

Ngoài ra, có lần Stani - Founder của Aave tweet vui rằng mình trở thành CEO tạm thời của Twitter. Sau đó thì bị khóa tài khoản. Điều này cho thấy sự kiểm soát nội dung chặt chẽ của Twitter, hạn chế người dùng sáng tạo nội dung.

Stani bảo mình đang là CEO tạm thời của Twitter

Với Lens Protocol, người dùng có thể tự do đăng tải bất kì thứ gì mà không sợ bị kiểm duyệt hay khóa tài khoản.

Lens Protocol có thể làm được những gì?

Người dùng không cần nghĩ họ có thể làm được gì với Lens Protocol, vì chính dự án đã gợi ý khá nhiều trên trang chủ, cũng như tweet trên Twitter. Đó là nền tảng kết nối công bằng giữa KOL và người hâm mộ; mạng xã hội như Twitter; dự án hỗ trợ người dùng trong việc toàn quyền sử dụng dữ liệu của mình (kiếm lợi nhuận chẳng hạn)...

Tiềm năng mạng xã hội của Lens Protocol

Trước khi biết được Lens Protocol có tác dụng như thế nào với Aave, chúng ta cùng xem qua tiềm năng của mạng xã hội.

Trong bảng báo cáo Digital 2022 của We Are Social, số người sử dụng mạng xã hội luôn tăng dần theo thời gian tính từ 2012. Hay gần nhất năm 2022 là tăng 10% so với 2021.

Mức tăng trưởng người dùng mạng xã hội

Cùng với đó là có gần 5 tỉ người dùng trên Internet.

Chỉ số người dùng Internet

Điều này nghĩa là khoảng 93% người dùng trên Internet đều sử dụng mạng xã hội. Qua đó cho thấy nhu cầu sử dụng mạng xã hội mạnh mẽ trên thế giới, và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nói về doanh thu, theo Statista, Meta có Revenue và Net Income tăng trưởng mạnh từ 2007 đến 2021.

Doanh thu Meta từ 2007 đến 2021

Qua đó cho thấy mạng xã hội có sức hút rất lớn từ lâu, và hiện tại vẫn phát triển mạnh. Thậm chí, với một số người, mạng xã hội chính là Internet.

Vì sao Aave xây dựng Lens Protocol?

Với vị trí hàng đầu trong mảng Lending cùng với các chỉ số giảm dần, Aave cho thấy mình đang chạm ngưỡng phát triển của mảng này.

Điều này không có nghĩa dự án không thể tăng trưởng. Nếu dòng tiền trở lại, theo cơ chế “nước lên thuyền lên”, Aave vẫn sẽ “nổi” cùng cả crypto. Nhưng nếu muốn đi ngược xu hướng giảm hiện tại, họ cần đổi mới.

Dựa theo các số liệu về mạng xã hội, có thể thấy đây là mảng tiềm năng trong 10 năm nay, và chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, Lens Protocol có thể dùng để accquire thêm người dùng hiệu quả.

Đây là nước đi hay của Aave. Ban đầu, chúng ta có thể thấy không có sự liên quan về phát triển của dự án Lending và nền tảng mạng xã hội. Nhưng mục tiêu chính không chỉ 2 mảng này, mà bất kì ngành nghề nào, là thu hút càng nhiều người dùng càng tốt.

Khi đã có lượng người dùng lớn, họ có thể đổ giá trị này về Aave. Hoặc trường hợp xấu hơn, khi Aave không còn được người dùng sử dụng nhiều, Stani và đồng đội vẫn còn “quân bài khác” là Lens Protocol, thứ mà họ đang phát triển khi Aave vẫn còn trụ được ở vị trí top trong Lending.

Liệu Lens Protocol có giải quyết được vấn đề vay tín dụng (Credit Lending)?

Đây là câu hỏi mình vẫn đang suy nghĩ. Hiện mình không tìm được số liệu về vay tín dụng trên Aave. Nhưng với việc Aave tăng trưởng nhanh khi chỉ có tính năng Money Market, cũng như cách sử dụng Credit Lending phức tạp (đòi hỏi biết code). Nên có lẽ không nhiều người sử dụng tính năng này.

Hạn chế khác của vay tín dụng trong crypto là khó để đánh giá độ uy tín của người dùng. Bởi vì chỉ có thể đánh giá họ qua tài sản trong ví, hay tốt hơn chỉ là hành vi của ví trước đây với dự án khác.

Các ví khi tạo tài khoản ở Lens Protocol, có thể dùng cho các dự án xây dựng ở trên. Nên ngoài việc chứng minh độ tin cậy bằng tài sản, ví có thể cho thấy mức tín dụng thông qua hoạt động trên mạng xã hội. Và không chỉ được công nhận trên một mạng xã hội, ví có thể tích lũy điểm tín dụng thông qua nhiều nền tảng khác nhau trên Lens Protrocol.

Khi Lens Protocol thành công trong việc chứng minh độ uy tín của ví, điều này sẽ làm tăng lượng người dùng sử dụng Aave lên đáng kể, vì đơn giản hóa quy trình cho vay tín dụng. Khi người dùng tăng thì doanh thu sẽ tăng, từ đó đổ giá trị về token AAVE.

Thử thách của Lens Protocol

Nói vậy không có nghĩa Lens Protocol sẽ đi trên con đường bằng phẳng. Thực tế, mạng xã hội không kiểm soát người dùng giúp nội dung đa dạng. Nhưng mặt trái của nó là những tin xấu, tin không chính xác cũng không ai quản lý. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dùng.

Trở lại với ví dụ Stani tweet đùa về CEO Twitter. Nếu Twitter không có hành động kịp thời, nhiều người tin thật thì không biết có những chuyện gì xảy ra. Liệu họ có bán tháo cổ phiếu Twitter? Hay mua mạnh? Không ai biết cả.

Nếu Youtube không kiểm duyệt và phân loại nội dung cho người lớn và trẻ em, liệu có bao nhiêu phụ huynh chấp nhận cho con mình sử dụng Youtube? Họ sẽ kiểm soát con mình như thế nào khi suốt ngày bận việc?

Câu chuyện mạng xã hội nên kiểm duyệt hay không, thực chất giống với việc blockchain nên minh bạch hay không, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Nếu blockchain minh bạch, các quỹ không thể giấu giao dịch riêng, nhưng đồng thời chúng ta cũng bị công khai mọi thứ, và ngược lại.

Vì vậy, Lens Protocol cần chứng minh sự phân quyền, không kiểm duyệt nhưng vẫn đảm bảo nội dung mang giá trị tốt. Đó là thách thức không nhỏ.

Tổng kết

Web3 hiện đang chứng minh là xu hướng sắp tới của thế giới. Trong đó mạng xã hội là mảng có nhiều tiềm năng. Lens Protocol chỉ đang ở bước đầu phát triển, chưa biết sắp tới có thành công không, nhưng cho thấy định hướng của Aave đang đúng trend.

Liệu điều này có giúp Aave trở lại thời kì hoàng kim? Anh em có thể comment ý kiến của mình bên dưới để thảo luận.

RELEVANT SERIES