Viction World Wide Chain: Appchain là xu thế tất yếu của thị trường
Tối ưu tuỳ chỉnh phí gas, giao tiếp giữa các appchain
Trong cuốn sách Read.Write.Own, Chris Dixon - General Partner của a16z - đã cho rằng kỷ nguyên tiếp theo của internet, ở đây là Web3, được đặc trưng bởi tính sở hữu.
Chính vì lẽ đó, đến cuối cùng, các dự án đều sẽ muốn có một “ngôi nhà” để xây dựng cộng đồng của riêng mình. Tại đây, họ có toàn quyền kiểm soát các nguyên tắc xây dựng và ra mắt token riêng. Và họ làm điều này bằng cách triển khai appchain (blockchain xây dựng riêng cho một ứng dụng cụ thể).
Ngoài ra, thị trường hiện tại đang ưu ái token của các dự án làm về cơ sở hạ tầng hơn là token của các ứng dụng. Do đó, để có thể tăng định giá của mình, những ứng dụng đang sở hữu đông đảo người dùng có xu hướng đi về hướng cơ sở hạ tầng, tức là xây dựng chain.
VWWC ra đời để đáp ứng nhu cầu này. “Xu hướng tất yếu là các dự án mảng ứng dụng sẽ chuyển sang triển khai chain. Nếu đây là viễn cảnh không thể tránh khỏi, Viction không thể nào chỉ đứng cạnh để nhìn”, ông Lê Thanh - sáng lập Ninety Eight và nhà xây dựng của Viction nói.
VWWC cung cấp giải pháp để các appchain chạy song song trên hệ sinh thái giao tiếp được với nhau dưới cơ chế đồng thuận chung là nền tảng Viction. VWWC sử dụng bộ kit phát triển chain chủ yếu từ Polygon CDK và GlitchD CDK, tiếp theo là OP Stack, Arbitrum Orbit và ZK Stack.
Ở thời điểm hiện tại, Polygon CDK là stack duy nhất cho phép tuỳ chỉnh phí gas một cách tối ưu nhất.
Theo ông Lê Thanh, phí gas là một trong hai yếu tố chủ chốt ngăn cản người dùng đến với thế giới Web3. Mạng Viction trước đó đã ra mắt tính năng VRC-25 nổi bật, cho phép nền tảng hoặc nhà phát triển tài trợ gas cho các giao dịch. Sắp tới, Ethereum cũng sẽ giới thiệu bản nâng cấp EIP-3074 với tính năng tương tự.
Về phần GlitchD CDK, đây là một lựa chọn chiến lược của Viction. Đội ngũ cốt cán của GlitchD gồm các thành viên từng làm trong các dự án nổi tiếng, chẳng hạn Diem của Facebook. Ngoài ra, stack của GlitchD đa nhiệm, gần như có thể hoạt động trên tất cả EVM (máy ảo Ethereum) và sở hữu cơ chế khá giống Cosmos.
“Ngay từ đầu, Cosmos đã chủ động không làm chain. Họ xây dựng SDK để cung cấp công cụ cho các dự án khác triển khai chain. Tất cả những chain này sau đó có khả năng liên kết với nhau, trở thành mạng blockchain mà có thể gọi là ‘internet của blockchain’”, ông Lê Thanh nói. “Những nhà phát triển trên Ethereum cũng đang cố gắng tái tạo tầm nhìn đó. Điều này chứng tỏ Cosmos đang làm đúng”.
GlitchD cũng đang đi theo con đường này. Stack của họ sẽ cho phép các appchain trên Viction giao tiếp với nhau trên toàn hệ sinh thái, với đó người dùng có thể lấy một tài sản ở chain này để sử dụng ở các chain khác.
Trước đó, các chain trên thị trường ở trong cảnh cô lập, không thể “nói chuyện” với nhau, dẫn đến tình trạng phân mảnh giá trị. Các giao thức cross-chain messaging (truyền tin nhắn xuyên chuỗi) ra đời để giải quyết thách thức đó.
Tuy nhiên, giải pháp này đi kèm sự phức tạp và rủi ro về bảo mật. Stack của GlitchD có thể loại bỏ nhu cầu sử dụng các giao thức này với tính năng liên kết các appchain nằm sẵn trong thiết kế.
VWWC cũng sử dụng Lớp khả dụng dữ liệu (Data Availability-DA) của Celestia, EigenDA, VictionDA, AvailDA và NearDA.
Giải thích lý do Viction đã có block space (không gian khối) nhưng vẫn xây dựng thêm DA, ông Lê Thanh lấy ví dụ người dùng máy tính bình thường chỉ cần 8GB để lưu trữ dữ liệu, nhưng với những người chơi game với cấu hình mạnh hơn, họ sẽ cần đến 32GB, nghĩa là cần nhiều block space hơn.
“VictionDA sinh ra để trong trường hợp dự án có nhu cầu thì họ có thứ để sử dụng”, ông Lê Thanh nói.
Đọc thêm: Viction World Wide Chain: Để các nhà xây dựng giỏi không bị cô lập với cộng đồng.
Xây cộng đồng trước, appchain sau
Với VWWC, giá trị của mạng Viction sẽ gắn chặt cùng thành công của các appchain với các ứng dụng xây dựng phía trên.
Xu hướng token utility lúc này sẽ là người dùng stake token của chain mẹ để nhận được token ứng dụng. Ngoài ra, các appchain chạy trên mạng Viction thừa hưởng lớp đồng thuận bảo mật của Viction nên vẫn sẽ trả phí gas về chain mẹ.
“Quan sát sẽ thấy tất cả chain triển khai trên Ethereum không thể nào kéo được nhiều TVL (tổng giá trị tài sản bị khoá) hơn chain mẹ Ethereum”, ông Lê Thanh nói. “Nếu viễn cảnh xảy ra là mọi dự án đều làm appchain và khởi chạy token trên chain đấy, lúc đó chain mẹ sẽ trở thành trung tâm thanh khoản của tất cả các chain”.
Lý do cho điều này nằm ở tính bảo mật của chain mẹ. Đơn cử khi BlackRock quyết định phát hành các quỹ index được token hoá, họ đã chọn Ethereum vì tin tưởng vào tính bảo mật của mạng.
“Ở một hệ sinh thái phát triển, tài sản có giá trị nhất sẽ luôn nằm ở chain mẹ. Trong trường hợp VWWC, thanh khoản sẽ được tập trung xây dựng chính trên Viction, còn utility sẽ nằm trên các appchain”, ông Lê Thanh nói.
VWWC tạo điều kiện cho các appchain là một nước đi rất dài hạn của Viction. Dù xu thế tất yếu là các ứng dụng sẽ cần đến appchain, nhưng ban đầu họ sẽ ưu tiên xây dựng trên chain mẹ để phát triển cộng đồng.
Một trong những lý do là vì các tính năng on-ramp/off-ramp, bộ tool kit xây dựng hay sàn giao dịch… gần như có đầy đủ trên các chain mẹ, trong khi appchain sẽ cần thời gian phát triển những thứ đó.
Điển hình, game Axie Infinity ban đầu cũng xây dựng trên Ethereum. Khi có cộng đồng đủ mạnh và phí gas không còn đem lại trải nghiệm tốt cho người dùng, họ mới chuyển sang làm chain Ronin.
Theo ông Lê Thanh, thị trường đang chạm rất gần đến điểm mà bạn có thể vào một website, đăng nhập tạo tài khoản và bấm nút để tạo một chain mới với phí rất rẻ.
“Trong một thế giới mà ai cũng có thể làm chain thì việc ra mắt chain sẽ không ý nghĩa bằng việc sở hữu cộng đồng. Sẽ có hàng triệu chain, hàng triệu token được sinh ra nhưng rất khó để xây dựng một cộng đồng gắn bó theo năm tháng”, ông Lê Thanh nói.
Trong xu thế đó, Viction sẽ đóng vai trò quan trọng. Với kinh nghiệm lâu năm trong việc phát triển người dùng và làm việc với đa dạng đối tác, Viction ban đầu sẽ giúp các ứng dụng xây dựng cộng đồng trên mạng.
Sau đó, khi những ứng dụng phổ biến làm về game, social, payment này… đã lớn mạnh, Viction tiếp tục cung cấp công cụ VWWC để họ xây dựng appchain và trở nên phát triển hơn nữa.
Theo ông Lê Thanh, đây là một hướng đi bền vững nhưng ít bên mặn mà để làm, bởi vì ra mắt token sẽ đem lại lợi ích nhanh chóng hơn.
“Tuy nhiên theo thời gian, những giá trị ngắn hạn ngày càng khó kiếm, còn giá trị dài hạn lại cộng dồn với nhau. Lúc đó, những người theo đuổi những cuộc chơi chóng vánh sẽ bắt đầu quay lại với những thứ căn bản. Khi ấy, họ sẽ thấy Viction ở đó và đã đi trước một quãng xa”, ông Lê Thanh nói.
“Chúng tôi không phải bên xuất sắc nhất trên thị trường để làm những điều này, nhưng chúng tôi là bên cam kết thực hiện những điều này trong dài hạn”.