Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Biến stablecoin trong ví từ "vốn chết" thành "vốn sống" với TMF

Quỹ BUIDL của BlackRock vượt mốc 1 tỷ USD, cho thấy nhu cầu lớn về quỹ thị trường tiền tệ token hóa (TMF) – sản phẩm mang lợi suất chất lượng cao từ tài chính truyền thống lên blockchain.
nghianq
Published Mar 28 2025
7 min read
tokenized money market fund

TMF là gì và hoạt động như thế nào?

Token hóa đang làm thay đổi thế giới tài chính khi đưa các tài sản truyền thống lên blockchain. Một trong những xu hướng đáng chú ý nhất là sự phát triển mạnh mẽ của các quỹ thị trường tiền tệ token hóa (Tokenized Money Market Fund - TMF) – phiên bản trên blockchain của các quỹ thị trường tiền tệ truyền thống (MMF).

MMF vốn là kênh đầu tư an toàn, tập trung vào các tài sản có tính thanh khoản cao và rủi ro thấp như tiền mặt, các khoản tương đương tiền, trái phiếu Kho bạc Mỹ và hợp đồng mua lại (repurchase agreement).

Khi được token hóa, TMF tạo ra một token trên blockchain đại diện cho quyền sở hữu một phần của MMF. Token này còn có thể được lập trình với các quy tắc giao dịch riêng. Lợi suất từ MMF có thể được phân phối cho người nắm giữ TMF theo nhiều cách, như airdrop (rebasing) hoặc để giá token tăng dần theo thời gian.

Hiện tại, tổng giá trị bị khóa (TVL) trong lĩnh vực token hoá tài sản thực (RWA) đã vượt 10 tỷ USD. Các quỹ lớn như BUIDL của BlackRock, RWA của Maker và USDtb của Ethena đều đang nắm giữ hơn 1 tỷ USD.

Trong đó, quỹ BUIDL của BlackRock – đại diện tiêu biểu của TMF và là quỹ RWA lớn nhất, chỉ mất chưa đầy một năm để đạt cột mốc này, cho thấy nhu cầu lớn với những sản phẩm tài chính chất lượng cao trên blockchain.

buidl blackrock

Các tập đoàn tài chính lớn như Citi và Fidelity cũng đã thử nghiệm các giải pháp TMF, trong khi State Street cho phép nhà giao dịch đòn bẩy dùng TMF làm tài sản thế chấp.

“Đưa các sản phẩm tài chính lên blockchain đang là chủ đề nóng tại các tập đoàn tài chính truyền thống”, Colin Butler – Giám đốc toàn cầu về vốn tổ chức tại Polygon Labs, nhận xét. “Gần như tất cả công ty trong top 20 về tài sản quản lý đều có kế hoạch áp dụng blockchain”.

Sức hút của quỹ thị trường tiền tệ token hoá đến từ đâu?

Hiện tại, lợi suất trái phiếu ngắn hạn ngày càng tăng, việc giữ stablecoin không có lãi trở nên lãng phí. Trong khi đó, các quỹ thị trường tiền tệ token hóa mang lại lợi suất ngay trên blockchain, điều mà stablecoin hay tài sản truyền thống không làm được.

“Tiền nằm trong tài khoản ngân hàng hay stablecoin để trong ví là vốn chết”, Paul Kremsky – Giám đốc kinh doanh toàn cầu tại Cumberland, nói. “Nhưng với TMF, chúng có thể trở thành tài sản tạo ra lợi nhuận”.

Bên cạnh đó, theo Aaron Kaplan – đồng sáng lập Prometheum, stablecoin tự sinh lời đang không được đảm bảo về mặt pháp lý. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự bùng nổ của TMF – vốn được “chống lưng” bởi những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới.

TMF không chỉ tạo lợi suất mà còn có thể được sử dụng linh hoạt trong hệ sinh thái DeFi. “Nếu quỹ tiền tệ nằm trong tài khoản Schwab (một dịch vụ tài chính), bạn chỉ có thể thế chấp trong Schwab. Nhưng khi đưa lên blockchain, chúng có thể được dùng làm tài sản thế chấp ở bất cứ đâu”, Paul Kremsky giải thích.

Ví dụ, nền tảng giao dịch tài sản số Copper cho phép trader dùng USYC – một TMF của Hashnote, làm tài sản thế chấp. Theo Robert Leshner – nhà sáng lập Superstate, tài sản thế chấp trong lĩnh vực cho vay và phái sinh gần như không thay đổi trong hàng chục năm qua, và sự ra đời của TMF là cơ hội để tạo ra loại tài sản thế chấp linh hoạt và hiệu quả hơn.

Bên cạnh lợi suất và tính ứng dụng, tốc độ giao dịch của TMF cũng là một lợi thế lớn. Nhà đầu tư có thể nhanh chóng chuyển đổi giữa các tài sản sinh lời chỉ trong một block giao dịch.

“Trader có thể giữ vốn trong TMF, kiếm lợi suất trong khi chờ giao dịch, rồi ngay lập tức hoán đổi sang stablecoin để mua ETH”, Paul Kremsky nói. Đây là điều mà tài chính truyền thống – nơi việc thanh toán và chuyển khoản thường mất từ vài giờ đến vài ngày, khó có thể cạnh tranh.

Quỹ thị trường tiền tệ token hoá cần một hệ sinh thái mở

Bài toán hạ tầng cho TMF

Hệ thống thị trường hiện tại chưa thực sự hỗ trợ quỹ thị trường tiền tệ token hoá một cách trơn tru. Hiện nay, nhiều sản phẩm token hóa từ BlackRock, Franklin Templeton vẫn hoạt động trong mô hình khép kín, chỉ dành cho một số nhóm nhà đầu tư, với khả năng kết nối giữa các blockchain còn hạn chế. Điều này làm giảm tính thanh khoản và ứng dụng của TMF.

Kaplan nhận xét: “Muốn TMF thực sự phát huy tiềm năng, cần một hạ tầng công khai, nơi tài sản có thể được giao dịch, thanh toán và lưu ký dễ dàng”.

Để giải quyết những điểm nghẽn này, hệ thống tài chính sẽ phải phát triển theo hướng mở rộng tính liên kết giữa các blockchain và xây dựng các sàn giao dịch phi tập trung có kiểm soát (permissioned DEX) – tức là các DEX nhưng có yêu cầu KYC.

“Nếu các permissioned DEX chỉ cho phép nhà đầu tư đã KYC tham gia, các tổ chức sẽ yên tâm hơn khi đưa tài sản của họ lên đây”, Paul Kremsky nói. Ngoài ra, các quầy giao dịch OTC cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa TMF và stablecoin, giúp tài sản này có tính thanh khoản tốt hơn.

Sự kết hợp với stablecoin

Từng có ý kiến cho rằng quỹ thị trường tiền tệ token hóa sẽ thay thế stablecoin trong thế giới tài sản số. Nhưng thực tế lại kể một câu chuyện khác: TMF và stablecoin không đối đầu mà bổ trợ lẫn nhau, tạo ra hệ sinh thái tài chính linh hoạt và hiệu quả hơn.

“TMF sẽ là phương tiện lưu trữ giá trị chính, còn stablecoin vẫn giữ vai trò cốt lõi trong thanh toán và giao dịch”, Robbie Mitchnick – Giám đốc tài sản kỹ thuật số tại BlackRock, nói.

buidl usdc redemption

Làm rõ hơn ý kiến này, Paul Kremsky ví von stablecoin như “tiền mặt kỹ thuật số”, hỗ trợ thanh toán nhanh chóng và là tài sản thế chấp quan trọng trong DeFi. Trong khi đó, TMF giống như "tài khoản tiết kiệm", mang lại lợi suất từ các tài sản truyền thống như trái phiếu chính phủ Mỹ.

Điểm mạnh thực sự của TMF và stablecoin nằm ở khả năng kết hợp linh hoạt. Theo Robbie Mitchnick, nếu có thể giảm tối đa chi phí và thời gian chuyển đổi giữa TMF và stablecoin, “chúng ta sẽ có một hệ thống tài chính cực kỳ mạnh mẽ”.

Ví dụ, BlackRock đang thử nghiệm việc dùng BUIDL làm tài sản thế chấp cho giao dịch phái sinh trên DeFi, trong khi stablecoin giúp nhà đầu tư có thể rút thanh khoản nhanh chóng. Điều này tạo ra một cơ chế linh hoạt: vừa có lợi suất từ TMF, vừa dễ dàng chuyển đổi sang stablecoin để giao dịch hoặc đầu tư.

Đọc thêm: Real World Assets: Cuộc chiến cạnh tranh thị phần và hướng đi tiếp theo

RELEVANT SERIES