SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Cẩm nang giao dịch NFT: Các tiêu chí đánh giá và chọn lọc dự án NFT

Bài viết hôm nay sẽ gửi tới anh em Bí quyết giao dịch NFT được tổng hợp từ những chia sẻ của Binance và một chút kinh nghiệm cá nhân. Hy vọng bài viết sẽ giúp anh em dễ dàng tìm kiếm cơ hội với các bộ sưu tập NFT.
Avatar
LilYang
Published Apr 16 2022
Updated Oct 20 2022
17 min read
thumbnail

NFT là một mảng không thể thiếu của thị trường crypto. NFT đã thu hút hàng triệu người dùng, mang đến sự phổ biến cho thị trường tiền điện tử bởi khả năng tiếp cận dễ dàng, cho dù anh em không phải là một người tham gia vào thị trường crypto.

Không chỉ vậy, NFT cũng là cơ hội đổi đời cho người sở hữu, rất nhiều NFT đã được giao dịch trên thị trường với giá trị trăm ngàn đô hay thậm chí cả triệu đô. Từ đó có thể hiểu việc định giá và lựa chọn bộ sưu tập NFT, kinh nghiệm giao dịch NFT cũng là rất quan trọng.

Nếu chưa hiểu rõ về bản chất của NFT, anh em có thể bắt đầu tìm hiểu: NFT là gì?

Tại sao cần đánh giá trước khi giao dịch NFT?

Thị trường NFT đã tăng trưởng nóng trong năm 2021 và chưa hề có dấu hiệu dừng lại, càng ngày các bộ sưu tập NFT càng phổ biến và được chú ý nhiều hơn, số lượng các bộ sưu tập NFT ra mắt mỗi ngày vì thế cũng càng ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc đánh giá và lựa chọn NFT cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Việc đánh giá dự án NFT chính xác có thể đem lại nguồn lợi nhuận khủng lồ, để quá trình này diễn ra đơn giản hơn, sẽ có một vài tiêu chí giúp anh em lọc dự án.

Khối lượng giao dịch NFT hằng ngày từ 2017 đến nay (Nguồn: Cryptoslam)

Các chỉ số giúp định giá NFT

Floor Price - Giá sàn

Với các bộ sưu tập NFT, anh em có thể dễ dàng tìm thấy mức giá floor price. Giá sàn ở đây là mức giá thấp nhất của một tác phẩm NFT trong tổng thể một bộ sưu tập. Mua với giá sàn cũng là một chiến lược khởi đầu tốt cho những người mới vì nó khá dễ tiếp cận.

Giá sàn có thể xem như một thước đo để đánh giá mức độ đón nhận của cộng đồng với dự án, dự án được săn đón nhiều, nhu cầu tăng thì giá sàn sẽ tăng. Chiến lược đơn giản nhất là anh em mua một NFT giá rẻ nhất trong bộ sưu tập, trong tương lai anh em có thể bán khi BST trở nên phổ biến hơn và giá sàn tăng.

Giá sàn cũng có thể xem như thước đo cho độ phổ biến của cả bộ sưu tập.

Mục đích cuối cùng là tìm một dự án cân bằng giữa giá trị và khả năng tiếp cận. Những dự án có giá sàn cao chắc chắn đã khẳng định được giá trị, nhưng những trader với số vốn nhỏ hơn sẽ khó tiếp cận.

Bộ sưu tập BAYC nổi tiếng với giá sàn 109 ETH (~327 nghìn đô).

Ceiling Price - Giá trần

Giá trần là mức giá cao nhất của một NFT trong bộ sưu tập hoặc giá cao nhất mà NFT đã từng được giao dịch thành công. Mua giá trần là một chiến lược giao dịch rủi ro cao, lợi nhuận khủng.

Nếu anh em sẵn sàng bỏ một số tiền lớn vào NFT có thể cân nhắc tới chiến lược này. Những NFT có giá trần trong một bộ sưu tập thường là NFT hiếm nhất, phổ biến nhất và đặc trưng nhất, biểu tượng của cả bộ sưu tập đó.

Giống như giá sàn, khi bộ sưu tập trở nên phổ biến giá trần sẽ tăng, nhưng biên độ tăng của giá sàn là khủng hơn nhiều so với giá sàn. Ngược lại, khi bộ sưu tập không thành công, anh em có thể chịu thiệt hại lớn do không đủ thanh khoản.

Giá bán kỉ lục của một BST

Volume - Khối lượng giao dịch

Khối lượng giao dịch là một chỉ số quan trọng thể hiện tổng khối lượng giao dịch được thực hiện, cho thấy nhu cầu tổng thể cho dự án. Các dự án đã có tiếng sẽ có khối lượng giao dịch rất cao.

Khối lượng giao dịch có thể xem như chỉ số thể hiện rõ ràng nhất độ phổ biến của bộ sưu tập NFT đó. Để một bộ sưu tập có khối lượng giao dịch lớn, luôn phải có người sẵn sàng mua và bán, thanh khoản là một vấn đề rất quan trọng với việc giao dịch NFT.

Bằng cách nhìn vào tổng khối lượng giao dịch hoặc khối lượng giao dịch hằng ngày, anh em có thể dễ dàng đánh giá liệu một bộ sưu tập có đang được quan tâm hay không. Với những dự án có thanh khoản cao, anh em cũng có thể dễ dàng vào và thoát các vị thế NFT hơn.

Khối lượng giao dịch có thể được dùng song song với giá sàn để xem mức độ quan tâm tới bộ sưu tập. Nếu khối lượng giao dịch tăng cao, nhiều NFT holders bán NFT và giá sàn xuống thấp, đây có thể là dự báo cho một đợt panic sell - bán tháo.

Với những dự án vẫn giữ được giá sàn và khối lượng giao dịch ở mức ổn định ngay cả trong bear market thì rất có khá năng sẽ tăng cao khi thị trường ổn định trở lại.

Khối lượng giao dịch của bộ sưu tập Azuki (Nguồn NFT Stats)

Anh em có thể theo dõi chỉ số này trên trang marketplace của dự án hoặc các trang chuyên tracking NFT.

Tổng cung

Tổng cung chỉ tổng số NFT trong một bộ sưu tập.

Tổng cung của các NFT cũng ảnh hưởng tới giá của bộ sưu tập. Các bộ sưu tập với tổng cung lớn thường có giá trị mỗi NFT thấp hơn, ngược lại những bộ sưu tập có tổng cung ít thường có giá sàn cao hơn nhờ độ hiếm của các NFT.

Các dự án NFT hot trên Ethereum đa phần có tổng cung ở mức 10,000 NFT do thị trường NFT đã lớn mạnh ở hệ sinh thái này, trên Solana các dự án thường có tổng cung nhỏ hơn. Con số này anh em cũng có thể tìm ở trang chủ dự án hoặc tìm trên các Marketplace như Opensea.

Xếp hạng độ hiếm

Độ hiếm của một NFT trong bộ sưu tập được xác định bởi các thuộc tính, các đặc tính mà NFT đó sở hữu. Với những đặc tính hiếm, tỉ lệ xuất hiện sẽ là rất thấp. Chỉ số này cũng có thể cho anh em biết độ khó để có một NFT cụ thể.

Xếp hạng độ hiếm là một số liệu giúp các nhà đầu tư đánh giá giá trị của NFT trong mỗi bộ sưu tập. Những NFT với độ hiếm cao và nhu cầu lớn chắc chắn sẽ có giá cao hơn các NFT khác trong cùng bộ sưu tập. Hơn nữa, những NFT có độ hiếm cao có thể đi kèm với các tiện ích độc quyền như là nhận được nhiều thưởng hơn trong các game Play to Earn, nhận airdrop token, airdrop NFT khác,...

Nguồn gốc NFT

Với đặc tính của NFT, anh em hoàn toàn có thể tra lịch sử sở hữu của NFT và giá của từng lần mua bán NFT đó từ lúc nó được mint.

Điều này giúp anh em có thể truy xuất nguồn gốc cũng như định giá NFT, tránh việc bị độn giá lên mức trên trời.

Anh em hoàn toàn có thể tra các thông tin này trên các marketplace như Opensea hoặc các Blockchain Explorer.

Lịch sử giao dịch của một NFT trên OpenSea

Bí quyết chọn lọc dự án và giao dịch NFT

NFT nếu được chọn lựa đúng cách cũng có thể xem như một cách đa dạng hóa danh mục đầu tư, NFT giống như các loại token khác, có thể đem lại nguồn lợi nhuận khủng lồ.

Nhưng tất nhiên không phải những thứ lấp lánh đều là kim cương. Rất nhiều dự án NFT được phát hành mỗi ngày, vì vậy việc nghiên cứu kĩ lưỡng theo các tiêu chí và đưa ra quyết định sáng suốt là rất quan trọng. Dưới đây là một vài tiêu chí anh em có thể tham khảo để lựa chọn một dự án NFT tiềm năng.

Yếu tố nghệ thuật

Đây vẫn luôn là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá một dự án NFT, tuy vậy, cũng là yếu tố khó xác định do mỗi người có một cái nhìn khác nhau về nghệ thuật. Đây là một vài gợi ý về tính nghệ thuật của các bộ sưu tập NFT, anh em có thể xem như một checklist khi mua một NFT:

  • Nét vẽ đơn giản, gọn gàng.
  • Background cũng nên đơn giản, dễ nhìn.
  • Khác biệt với các bộ sưu tập khác.
  • Có yếu tố khát vọng trong bộ sưu tập (Sư tử, Khỉ, Gods, thường hấp dẫn hơn chuột, thằn lằn,...).
  • NFT đó có đẹp khi được đem lên Twitter không? Đây là yếu tố giúp cộng đồng chú ý tới bộ sưu tập.
  • Bản thân có cảm thấy tự hào khi khoe NFT đó lên các trang mạng xã hội?

Twitter PFP

Như mình đã nói ở trên, NFT hiện nay đã có thể sử dụng làm ảnh đại diện trên Twitter. Đây có thể là một công cụ marketing hữu ích cho các dự án NFT. Anh em có thể check số người đang sử dụng NFT trong một bộ sưu tập làm ảnh đại diện và tìm kiếm thông tin về những người đó. Nếu một dự án đột nhiên có sự tăng vọt số người sử dụng, chắc chắn đang có tiếng vang trong cộng đồng.

Để làm được điều này, anh em có thể sử dụng công cụ NFT Inspect.

Theo dõi số lượng người đặt NFT làm Twitter PFP

Các chỉ số liên quan tới holder

Mỗi bộ sưu tập NFT sẽ đều có thông tin liên quan tới holder, các con số này có một vài ý nghĩa có thể khai thác:

  • Tỉ lệ chủ sở hữu riêng biệt (Unique Owner): Con số này càng lớn càng tốt, thể hiện bộ sưu tập được đón nhận nhiều.
  • Tỉ lệ được list lên marketplace: Càng thấp càng tốt, tăng độ khan hiếm, thể hiện người dùng sẵn sàng nắm giữ hoặc sử dụng cho use case khác. (Một vài NFT có thể stake,...).
  • Tỉ lệ phân bổ: Tìm kiếm những holders chiếm tỉ lệ lớn trong tổng cung, liệu đây có phải whale, holder dài hạn hay là chính đội ngũ dự án? Quan sát những holders này có hành động gì sẽ giúp anh em có nhiều thông tin. Các công cụ có thể giúp anh em như Nansen.io, Explorer như Etherscan, Bscscan,....

Tính sáng tạo, công dụng

Những dự án NFT thành công từ trước đến nay đều có sự góp mặt của yếu tố sáng tạo, có thể là ở trong nét vẽ, hoặc ở công dụng của NFT.

  • Crypto Punks: Dự án đi đầu, mở đường cho các PFP NFT, nét vẽ đơn giản, độc đáo.
  • Bored Ape Yacht Club (BAYC): Thêm nhiều công dụng cho NFT qua những airdrop đồ dùng đời thật, mở rộng bộ sưu tập qua airdrop NFT (MAYC),...
  • Azuki: Chất lượng hình ảnh anime cao.
  • MonkeDAO: Bộ sưu tập do cộng đồng quyết định (DAO NFT).
  • World of Women (WoW NFT): Các tác phẩm nghệ thuật độc quyền dành riêng cho phái nữ, do phái nữ sáng tạo.

Công dụng của NFT: Một NFT có thể có nhiều công dụng, nhất là trong bối cảnh GameFi nở rộ sẽ làm anh em khó đánh giá công dụng của NFT. Những công dụng của NFT nên đem giá trị ngược lại cho bộ sưu tập hoặc cho cộng đồng, nếu không thì không thực sự quan trọng.

Tìm hiểu thêm: Yuga Labs và 4 yếu tố giúp BST Bored Ape Yacht Club trở nên đột phá

Đội ngũ dự án

Đội ngũ dự án đóng vai trò then chốt cho sự thành công của một dự án NFT. Anh em nên tìm hiểu thông tin về đội ngũ dự án và đặt một vài câu hỏi về các vấn đề như:

  • Background: Họ có từng làm việc ở các công ty lớn không?
  • Kinh nghiệm: Họ có từng chạy một dự án, hoặc một công ty hay không?
  • Crypto-native:  Họ có nhiều kinh nghiệm trong thị trường crypto hay mảng NFT không?
  • Sự giao tiếp và rõ ràng, minh bạch: Họ có đón nhận feedback từ cộng đồng không? Họ có chia sẻ rõ ràng về tầm nhìn và kế hoạch trong tương lai không?
  • Thu hút sự chú ý: Họ có đang đi đúng roadmap? Có đang hợp tác với các đối tượng phù hợp? Có đạt được thành tựu gì không?

Cộng đồng

Cuối cùng nhưng lại là yếu tố quan trọng nhất, cộng đồng gần như là tất cả với một dự án NFT. Một dự án NFT sáng tạo nhưng không có cộng đồng thì cũng rất khó để thành công. Một vài yếu tố anh em có thể tham khảo:

  • Dự án có những cộng đồng nào?
  • Cộng đồng đó có active hay không?
  • Cộng đồng có thực sự quan tâm đến dự án hay chỉ chat và khen?
  • Rất nhiều dự án sử dụng phương pháp airdrop để có followers, hoặc thậm chí là mua bot để tăng followers. Những dự án thường xuyên sử dụng airdrop để thu hút lượt follower cũng là một điểm trừ.

Anh em có thể sử dụng công cụ này để check xem liệu followers đó có phải bot hay không. Ngoài ra, anh em có thể để ý thêm tỉ lệ lượt like/retweet so với lượng follower để xem có phải cộng đồng đang thực sự quan tâm dự án không.

Sử dụng công cụ Twitter Audit: https://www.twitteraudit.com/

Các NFT Marketplace nổi bật để giao dịch NFT

Để trading với NFT, anh em sẽ cần tham gia giao dịch trên các marketplace. Hiện đã có rất nhiều NFT Marketplace, mỗi blockchain sẽ có một đến một vài marketplace nổi bật, dưới đây là một vài gợi ý.

OpenSea - Ethereum

Trang chủ: https://opensea.io/

OpenSea chắc chắn là marketplace hàng đầu của Ethereum và cũng là hàng đầu trên thị trường từ trước đến nay. Hiện nay OpenSea đã hỗ trợ các NFT trên 4 blockchain, trong đó lớn nhất là Ethereum, ngoài ra có Polygon, Klaytn, và gần đây nhất là Solana.

OpenSea hỗ trợ quy trình đơn giản, giúp các nghệ sĩ và người sáng tạo dễ dàng tạo NFT cho riêng mình. Trên đây cũng có rất nhiều NFT thuộc các thể loại khác nhau từ âm nhạc, thể thao tới bộ sưu tập,...

Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn sử dụng OpenSea

Binance NFT Marketplace

Một trong những Marketplace được sử dụng nhiều nhất hiện nay là Marketplace của Binance.

BNB Chain là một hệ sinh thái phát triển mạnh về mảng Gaming, vì vậy anh em có thể trading rất nhiều bộ sưu tập NFT của các dự án gaming ở trên nền tảng này. Nếu muốn tiếp cận với số vốn nhỏ, anh em cũng có thể thử vận may với Mystery Box, mở Box sẽ nhận được NFT với mức độ hiếm khác nhau, tùy thuộc vào “nhân phẩm” của anh em.

Kalao - Avalanche

Kalao là NFT Marketplace nổi bật trên mạng Avalanche hiện nay, hiện đã hỗ trợ mạng lưới X-chain và C-chain, nhằm cung cấp nhiều hình thức đấu giá NFT trực tiếp trong Marketplace. Kalao cũng có rất nhiều các bộ sưu tập NFT chia theo thể loại đều được tổng hợp  và điều anh em cần làm chỉ là đến giao dịch trong Marketplace mà thôi.

Bên cạnh đó, Kalao đang dần hoàn thiện tính năng Kalao Gallery VR, giúp người dùng trải nghiệm NFT theo một phương thức đặc biệt trong thế giới ảo 3D và tạo cảm giác thân thuộc, dễ sử dụng.

Paras - Near Protocol

Với Near Protocol, NFT Marketplace nổi bật nhất đang là Paras.

Trang chủ: https://paras.id/

Paras là dự án NFT Marketplace tập trung vào sưu tập thẻ bài là chính. Dự án chạy trên NEAR, một blockchain có thể mở rộng nên có thể cung cấp các giao dịch rẻ và nhanh chóng cho người dùng.

Paras chọn cho mình một hướng đi khác biệt, đó là tập trung vào sưu tập thẻ bài, thú vui đã xuất hiện từ những thập niên 80.

Magic Eden - Solana

Magic Eden là sàn giao dịch NFT thống lĩnh trên Solana, chiếm hơn 90% tổng thị phần giao dịch thứ cấp.

Trang chủ: https://magiceden.io/

Với hơn 10 triệu lượt truy cập mỗi tháng, 100,000 ví mới được tạo mỗi ngày và 1 tỷ USD khối lượng giao dịch, Magic Eden là sàn giao dịch cung cấp trải nghiệm và giá trị thị trường lớn nhất cho cộng đồng NFT Solana.

Các bộ sưu tập trên Magic Eden khá phong phú, hiện đã có hơn 5000 bộ sưu tập khác nhau được giao dịch trên marketplace này.

Tổng kết

NFT hoàn toàn có thể trở thành một khoản đầu tư sinh lời lớn trong danh mục đầu tư của anh em. Trên đây là những kinh nghiệm giúp anh em dễ dàng lựa chọn và giao dịch các dự án NFT hơn. Hi vọng bài viết có thể giúp anh em lọc ra dự án NFT chất lượng trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các dự án NFT.

Anh em đừng quên tham gia thảo luận cùng các admin và nhiều member khác trong cộng đồng Coin98 Insights nhé!

Lưu ý: Bài viết chỉ mang mục đích chia sẻ thông tin, không phải là lời khuyên đầu tư cho bất kì dự án nào cho dù được nhắc tới.

RELEVANT SERIES