Đây là những gì thế giới crypto sẽ phải đối mặt trong năm 2023
Alex Svanevik, CEO Nansen, nền tảng phân tích Blockchain hàng đầu thế giới, dự đoán 2023 sẽ có nhiều biến động lớn của ngành công nghệ nói chung và crypto nói riêng.
“Tôi nghĩ 2023 sẽ là một cuộc tắm máu đối với các công ty khởi nghiệp tiền điện tử", Alex nhận định. Theo chuyên gia này, hầu hết công ty khởi nghiệp hạt giống giai đoạn 21/22 sẽ rơi vào cảnh hết tiền, một số được mua lại, một số kêu gọi vòng mới với định giá thấp hơn (downround).
Nhìn rộng ra toàn ngành công nghệ, lương trong nhóm ngành này sẽ giảm. Các quỹ đầu tư sẽ tìm đến những mảng khác đang nóng hơn, chẳng hạn AI.
Tuy nhiên, theo Vitalik Buterin - sáng lập Ethereum và các chuyên gia khác trong ngành, 2023 cũng là năm để crypto trưởng thành và đón đợi những đổi mới lớn.
DeFi: Vùng sáng dApps, mảng tối kiểm duyệt
Sự sụp đổ đúng lúc của FTX đã tránh cho cộng đồng crypto một viên đạn mang tên "lập pháp".
Không nhiều người nhận ra tương lai tự do và cởi mở của DeFi đã ở trong tình thế ngặt nghèo như thế nào vào mùa thu 2022, với Digital Commodities Consumer Protection Act (DCCPA - Dự luật bảo vệ người tiêu dùng hàng hóa kỹ thuật số) và sự can dự của FTX.
FTX từng có cơ hội góp tiếng nói “nặng ký” vào các bản sửa đổi cuối cùng của dự luật giám sát các giao thức tiền điện tử trong tương lai - tiếng nói mà theo nhiều bên nhận định là có lợi cho FTX và tổn hại đến những người chơi khác trong ngành.
Sự sụp đổ của FTX và làn sóng hoang mang về tính minh bạch của các sàn giao dịch tập trung cũng đã đưa cộng đồng crypto về với DeFi.
Trong năm 2023, DeFi được mong đợi sẽ phát triển nhiều ứng dụng hữu ích hơn cho người dùng và tìm ra tiếng nói chung với các nhà làm luật.
Sự trỗi dậy của các ứng dụng phi tập trung (dApps)
Uniswap, Lido và OpenSea (ba ứng dụng lớn nhất trên Ethereum) mỗi tháng đang tạo ra nhiều khoản phí hơn toàn bộ Ethereum Layer-1 (L1). Một phần lớn khối lượng (volume) đang chuyển từ Ethereum sang các giải pháp mở rộng quy mô của nó (đặc biệt là Polygon và Optimistic Rollups) hoặc sang các appchain mới (dYdX trên Cosmos), nơi các dApp có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với cơ chế nắm bắt giá trị và quy tắc đồng thuận.
Trong năm nay, Aave và Uniswap đã ra mắt giao thức trên nhiều mạng mới nổi và nhanh chóng thống trị các phân khúc của mình về volume và TVL. Điều này cho thấy hầu hết người dùng đang chuyển hướng sang các ứng dụng hàng đầu, thay vì các chain gốc cho lending và DEX.
Do đó, trong năm 2023, Aave có khả năng thống trị trên bất kỳ L1 nào mà họ gia nhập, còn các DEX khác sẽ khó lòng truất ngôi Uniswap với chiêu bài tokenomics hay cải thiện giá cận biên.
Bạn không cạnh tranh về phí, bạn cạnh tranh về giá trị và Uniswap đã chứng minh Uniswap là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chính mình về phương diện tạo giá trị gia tăng cho người dùng. Câu hỏi đặt ra trong năm mới là cộng đồng Uniswap sẽ thiết kế và triển khai chuyển đổi phí giao thức như thế nào, trong đó chủ sở hữu token UNI sẽ bỏ phiếu cho việc chuyển một phần phí giao dịch của giao thức vào treasury (kho bạc).
Về phần dYdX, năm mới sẽ là năm có những thay đổi tốt đẹp hơn với sự ra mắt của dYdX V4, một appchain chuyên dụng trên Cosmos, giúp mang đến cơ hội tuyệt vời để phi tập trung hóa giao thức và khắc phục vấn đề tokenomics. Validators (trình xác thực) trong V4 sẽ chạy trên sổ lệnh dYdX thay vì dYdX tập trung.
We’re committed to creating the best product and establishing the gold standard in DeFi 🥇
— dYdX (@dYdX) August 23, 2022
To that end, we will provide periodic updates on what we are planning for the rollout of v4 and our first one can be read here: https://t.co/w5PZOxjION
Việc chuyển đổi sắp tới sẽ tiềm ẩn rủi ro, nhưng cũng có thể tạo ra sản phẩm perpetuals chất lượng cao nhất trên thị trường và cạnh tranh với các giải pháp tập trung. Đây là một nước đi đúng lúc trong bối cảnh một trong những marketplace lớn nhất thế giới về hợp đồng tương lai crypto vừa biến mất.
DeFi lending: Minh bạch hơn, được thế chấp tốt hơn
Điều kỳ khôi là những người cho vay tập trung lại là bên tung ra những vụ đánh cược đầy hưng phấn và thế chấp tài sản bằng token không lành mạnh, trong khi những bên cho vay lớn nhất trong DeFi dường như đang thực hiện các khoản cho vay “sạch sẽ” hơn.
Ít nhất trong đó có MakerDAO.
MakerDAO bắt đầu lấn sân sang các tài sản trong thế giới thực (bất động sản, hóa đơn, khoản vay thương mại…) vào năm 2021 và hiện tại phần lớn tài sản thế chấp làm nền tảng cho Dai stablecoin là các stablecoin dự trữ hoàn toàn bằng USD. Mùa thu 2022, họ đã thêm 500 triệu USD vào Kho bạc Hoa Kỳ trong lúc lợi suất (yield) phi rủi ro tăng cao hơn và yield DeFi sụt giảm.
Khi tỷ giá tăng lên, Aave cũng quyết định tham gia vào sân chơi stablecoin thế chấp vượt chuẩn (overcollateralized). GHO stablecoin của họ cho phép “facilitator” của giao thức mint một lượng GHO hạn chế và người dùng có thể vay GHO trong khi kiếm yield từ tài sản thế chấp ký gửi. Giao thức Aave sẽ thu 100% doanh thu lãi của GHO, trong khi con số này đối với tài sản trên các giao thức khác là 10%, vì thế GHO thành công sẽ đem lại lợi ích lớn cho dự án.
Trong 2023, các giao thức lending phi tập trung này được trông đợi sẽ trở nên minh bạch hơn, được thế chấp tốt hơn và hiểu rõ hơn về cách quản lý rủi ro.
Năm qua, hàng chục công ty lending thế chấp dưới chuẩn (undercollateralized) lớn trong mảng tập trung đã bị thổi bay. Tình hình cũng không mấy êm đẹp hơn đối với những nền tảng tương tự trong thế giới phi tập trung như Maple và Goldfinch. Goldfinch đã giảm hơn 90% kể từ khi ra mắt vào đầu năm 2022, còn Maple giảm hơn 90% kể từ mức cao nhất trong tháng 4/2022.
Khó lòng biết crypto có cửa cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống ở quy mô lớn nếu không có những nền tảng lending thế chấp dưới chuẩn này không.
Câu hỏi đặt ra trong năm 2023 là liệu tiền điện tử có sở hữu những viên gạch phù hợp (điểm tín dụng, bảo hiểm và các hợp đồng hoán đổi nợ xấu) để giúp lĩnh vực DeFi này có thể tồn tại trong một thời gian không? Hay liệu crypto có thể sử dụng hợp đồng thông minh, dữ liệu on-chain, NFT soulbound (không thể chuyển nhượng) và danh tính phi tập trung để thay thế nhân viên cho vay không?
“Đây là những câu hỏi còn quá sớm để trả lời,” theo Ryan Selkis, người sáng lập Messari.
Kiểm duyệt gay gắt hơn
Thật khó để biết DeFi sẽ sống sót thế nào trong cuộc “so găng” với quy định toàn cầu từ các nhà lập pháp trong năm 2023. Các thành viên Quốc hội Mỹ đã xem DeFi là phân ngành có rủi ro cao nhất của tiền điện tử và sẽ không dễ để phác ra một kết luận thuyết phục khác.
Việc sử dụng Tornado Cash đã giảm mạnh sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt và bắt giữ một trong những nhà phát triển nòng cốt của giao thức. Uniswap Labs đã từng hủy niêm yết một số token và Aave đã quyết định đặt rào cản địa lý đối với người dùng Mỹ, dẫn đến việc loại bỏ một trong những cơ sở người dùng lớn nhất của họ. Ngoài ra, hầu hết ví trình duyệt và giao diện người dùng đang thực hiện theo dõi IP cho các mục đích tuân thủ chống rửa tiền ở một cấp độ nào đó.
Tuy nhiên, bất chấp phần lớn người dùng và volume trong DeFi có thể phải KYC trong vài năm tới và sự phẫn nộ xung quanh việc kiểm duyệt cấp độ mạng sau các lệnh trừng phạt của OFAC (Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài), 30–40% block Ethereum vẫn đang xử lý các giao dịch đến và đi từ các địa chỉ trong danh sách “đen” của Mỹ.
“Không có lý do gì để tin rằng phương pháp 70/30 này sẽ không tiếp tục ở những nơi khác trong DeFi. Nó cũng sẽ giống như nền kinh tế hiện tại, nơi những người dùng trong “danh sách trắng” sẽ đóng góp phần lớn volume trong khi chúng ta tìm cách quét sạch “danh sách đen” và bảo vệ vùng màu xám,” Ryan Selkis nói.
Xương sống DeFi và “cuộc đua” CBDC
Với vai trò là hoá tệ (commodity money), hệ thống thanh toán an toàn, Bitcoin đã chứng minh độ bền vững của mình và sẽ tiếp tục là biện pháp kiểm soát mạnh mẽ đối với quyền lực tối cao.
Tuy nhiên, người ta vẫn sẽ nghi ngờ Bitcoin với tư cách một loại tiền tệ có thể sử dụng. Việc Bitcoin được tích hợp vào các ngân hàng trung ương do nhà nước quản lý như một nguồn dự trữ chính khó xảy ra trong một sớm một chiều. Vì thế, trong năm 2023 và những năm kế tiếp, việc xây dựng cơ sở hạ tầng stablecoin song song một cách đúng đắn trở nên cực kỳ quan trọng. Stablecoin là tiền tệ đóng vai trò cầu nối để các quốc gia có thể quản lý tập trung nền kinh tế của mình.
Ngoài ra, với tương lai do tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) dẫn đầu, tài chính có vẻ độc đoán và không mấy sáng sủa.
“Bộ ba bất khả thi” của stablecoin
Nhu cầu cho các stablecoin peg với USD đang tăng lên ở các quốc gia có lạm phát cao ngất ngưởng như Argentina - nơi có hàng chục tỷ giá hối đoái mâu thuẫn nhau và chính phủ đang tạo ra các quy tắc mới về việc ai có thể tiếp cận USD. Chúng ta có thể trông đợi stablecoin sẽ là nơi quả bóng crypto sẽ bay tới trong năm 2023.
Tuy nhiên, stablecoin cũng có “trilemma” của mình. Hiện tại, nó không thể sở hữu cả ba tính chất: khả năng chống kiểm duyệt, tính ổn định về giá và khả năng kiểm toán dự trữ.
Các stablecoin được quản lý tốt như USDC từ Circle ổn định và đã được kiểm toán, nhưng chúng cũng có thể bị kiểm duyệt. Đồng USDT của Tether ổn định và khó kiểm duyệt, nhưng người dùng phải đặt niềm tin rất lớn vào khả năng tiếp cận các nguồn dự trữ cơ bản của nó. Các stablecoin thuật toán như UST của Terra thì hoạt động tốt… cho đến khi bị depeg.
Trong năm tới, để hướng đến việc biến stablecoin trở thành xương sống của DeFi và các mạng thanh toán tiền điện tử toàn cầu, có lẽ các nhà phát triển cần phải thử nghiệm cả ba phiên bản stablecoin này.
Các quốc gia sẽ ra mắt CBDC
“Đối với xã hội, điều gì tồi tệ hơn sự sụp đổ và phá sản của stablecoin thuật toán trị giá 60 tỷ USD? Đó là một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC),” theo lời của Ryan Selkis.
Năm 2023 sẽ là năm các quốc gia trên toàn thế giới tăng tốc để biến CBDC thành hiện thực. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại ngày càng quan tâm đến không gian này sẽ bắt đầu (hoặc tiếp tục) hợp tác với các ngân hàng trung ương và nhà cung cấp phần mềm để đảm bảo áp dụng thành công CBDC trên diện rộng.
Trung Quốc hiện đang dẫn đầu “cuộc đua” với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, tuy nhiên nhiều quốc gia khác cũng đang có những bước đi lớn. Ngân hàng Nhật Bản đang thí điểm triển khai với các ngân hàng lớn vào đầu năm 2023. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ ra mắt CBDC vào năm tới, trong khi Ngân hàng trung ương châu Âu dự định phát triển một quy tắc vào đầu năm 2023 về việc triển khai đồng euro kỹ thuật số.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành không có cái nhìn quá thiện cảm với CBDC. Dante Disparte, Trưởng phòng Chính sách của Circle, nói rằng cơn sốt CBDC thực sự bắt đầu với Libra. Không phải họ tức giận với sự táo bạo của Facebook, mà là do ghen tị với tiềm năng của nó và muốn chiếm nó cho riêng mình. “Để ngăn chặn mối nguy từ những gã khổng lồ công nghệ, 105 ngân hàng trung ương bắt đầu chơi đùa với một viễn cảnh xã hội thậm chí còn nguy hiểm hơn, đó là các ngân hàng trung ương sẽ trở thành ngân hàng bán lẻ,” ông nói.
DAO & Web3: “Chân ái” của crypto và mảnh đất mới tiềm năng
Balaji Srinivasan, cựu Giám đốc Công nghệ Coinbase đã nhắc đến khái niệm Layer-0 (hay “ngăn xếp đạo đức”) như là nền móng cho các trạng thái mạng. Đây là những công cụ mà con người sử dụng để mã hóa nền tảng đạo đức trong cộng đồng của mình.
Tại mọi thời điểm, hầu hết các công ty tốt coi văn hóa, sứ mệnh và giá trị quan trọng hơn chiến lược hoặc sản phẩm. Và điều thiếu nhất trong tiền điện tử không phải là tài năng, mà là việc quản trị hiệu quả và những nguyên tắc xã hội giúp mã hóa tốt hơn các giá trị Layer-0 ở cấp độ cộng đồng, đặc biệt là sau năm 2022. Xu hướng này dự đoán sự nở rộ của các DAO vào năm 2023.
Ngoài ra, các chuyên gia trong ngành dự đoán trong năm mới, crypto sẽ chứng kiến một nỗ lực để thoát khỏi sự phụ thuộc các tay chơi công nghệ lớn trong thế giới tập trung, như vào Amazon, Google và Microsoft để lưu trữ; Apple, Facebook hoặc Google để duyệt web; hay bất kỳ gã khổng lồ Big Data nào để cung cấp dữ liệu oracle cho các dApp. Và với đó, phần cứng, ví, trình duyệt, đường dẫn dữ liệu an toàn, nguyên tắc quản trị mới và hợp đồng xã hội sẽ “lên ngôi”.
Media DAOs
2023 có thể là thời điểm thích hợp để xây dựng Media DAOs, xét trong bối cảnh hai trong số các đơn vị media hàng đầu của crypto có vẻ đang trên bờ vực nguy hiểm do hậu quả của vụ phá sản FTX.
Cụ thể, Mike McCaffrey, CEO đương nhiệm của The Block, đã âm thầm nhận khoản vay trị giá 43 triệu USD từ Sam Bankman-Friend để thực hiện cuộc đảo chính Mike Dudas - người sáng lập ban đầu của The Block, vào năm 2021. Sau đó, McCaffrey đã tuyên bố từ chức CEO, nhưng chừng nào ông vẫn còn là cổ đông lớn của công ty, thì vẫn có nguy cơ về việc “chảy máu” nhân tài.
Trong khi đó, chúng ta cũng có CoinDesk, được Digital Currency Group (DCG) mua trong đợt bán đấu giá vào năm 2016. Vụ phá sản của FTX đã góp phần châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tại Genesis Capital, công ty “chị em” của DCG và hiện đe dọa sức khỏe của toàn bộ tập đoàn. Vì thế, có vẻ CoinDesk cũng đang trong tình thế không an toàn.
Ngoài ra, các cấu trúc doanh nghiệp căng thẳng và tiềm ẩn xung đột có thể khiến các nhà báo muốn thay đổi môi trường, và Media DAOs là một ứng viên sáng giá. Chúng có thể được cấu trúc theo cách giúp các nhà báo kiếm được nhiều tiền nhất nhưng không cảm thấy mâu thuẫn với việc đưa tin của mình. Mô hình cấp vốn cộng đồng với nguồn cộng tác viên đa dạng cũng có thể tạo ra một tường lửa biên tập tốt.
“Tôi nghĩ với 10 triệu USD/năm, bạn có thể tài trợ cho một công ty báo chí tiền điện tử với 50 nhà nghiên cứu và nhà báo hàng đầu trong ngành thông qua DAO,” Ryan Selkis nói.
Đọc thêm: Đọc vị Dao: 11 câu hỏi giúp người mới bắt gọn "DAO" rơi
Ví & Trình duyệt
Sau cuộc khủng hoảng của những sàn tập trung, người dùng đang dần nhận ra mình cần đến ví cá nhân, không phải lệ thuộc hoàn toàn vào một tài khoản trên các sàn CEX. Chính điều này càng mở thêm không gian phát triển cho ứng dụng ví trong năm 2023.
Cơ sở hạ tầng ví tốt giúp người dùng quản lý vấn đề “not your keys, not your coins” và cũng làm giảm sự tương phản giữa CeFi và DeFi, đồng thời mang đến cho người dùng những trải nghiệm liền mạch hơn.
Mặc dù chúng ta đã có những quả ngọt nhất định về các ứng dụng ví, nhưng đối với trình duyệt và cửa hàng ứng dụng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Brave, trình duyệt thân thiện nhất với tiền điện tử, đã phát triển vượt bậc, tăng gấp đôi từ 24 triệu lên 50 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (MAU) từ 2020-2021. Họ cũng triển khai chương trình quảng cáo bảo vệ quyền riêng tư trong phiên bản beta, tạo chương trình Wallet Partner bao gồm 75 ứng dụng dApp và tích hợp với Solana và IPFS.
Tuy nhiên, khoảng trống truy cập để lại trên thiết bị di động vẫn còn mênh mông. Không gian crypto sẽ có một “cuộc chiến” để đảm bảo người dùng có quyền truy cập không hạn chế vào các ứng dụng tiền điện tử trong cửa hàng ứng dụng iOS và Android. Rất có thể ngành cần một cửa hàng dApp dành riêng cho tiền điện tử hoặc các công cụ “jailbreak” (bẻ khoá) tốt hơn để tìm lối đi xung quanh các nhà độc quyền.
Ai sẽ là bên xây dựng các công cụ này?
Ethereum & các L1 khác: Năm để xây dựng
2022 là năm của những vụ sụp đổ nhưng cũng là năm của các nhà phát triển tiền điện tử.
The Merge của Ethereum là một cột mốc quan trọng đối với crypto: một mạng trị giá 200 tỷ USD chuyển sang sổ cái giao dịch hoàn toàn mới, có thể mở rộng với mô hình bảo mật mới trong thời gian thực mà không gặp trục trặc nào. Đây gần như là một điều kỳ diệu dù người xem có thể cảm thấy không hứng thú lắm.
Tuy nhiên, Vitalik và nhóm Ethereum không phải là những người duy nhất đang tiến lên. Các hệ sinh thái L1 khác cũng đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Chúng ta có Solana với sức hút cộng đồng rộng lớn, Optimistic và ZK-rollup không ngừng tích hợp các ứng dụng mới, Cosmos chứng tỏ là một đối thủ cạnh tranh thực sự khi thu hút nhiều appchain vào hệ sinh thái của mình, Sui và Aptos ra mắt mạng chính.
Xu hướng này có vẻ sẽ tiếp tục trong năm mới.
Vitalik hào hứng về điều gì trong năm 2023?
Ý tưởng trong một bài viết (tại đây) năm 2017 của Vitalik về các nhà tạo lập thị trường đã thành hình với Uniswap, nay được xem là xương sống của DeFi, với trị giá 5 tỷ USD và có khối lượng cạnh tranh với Coinbase. Vì thế, rất đáng chú ý để xem nhà sáng lập Ethereum nhận định gì trong năm 2023.
1. Các stablecoin bảo vệ quyền riêng tư và được hỗ trợ bằng tài sản trong thế giới thực.
2. Thị trường dự đoán. Tuy nhiên Vitalik không mong đợi phân khúc này sẽ tạo ra những khoản tiền khổng lồ mà tiếp tục phát triển đều đặn và trở nên hữu ích hơn theo thời gian.
3. Các module nhận dạng xung quanh việc xác thực (đăng nhập bằng Ethereum), tên (ENS), chứng thực (mạng xã hội phi tập trung), bằng chứng con người (proof-of-humanity)...
4. DAO, được Vitalik chia thành các cộng đồng phi tập trung với những mục tiêu khác nhau: đảm bảo tính mạnh mẽ, hiệu quả hoặc khả năng tương tác.
5. Các ứng dụng kết hợp sử dụng các hệ thống blockchain và non-blockchain như bỏ phiếu, “các dịch vụ tập trung có thể kiểm toán”...
Đọc thêm: Vitalil Buterin - Thiên tài cô đơn và cuộc "đả phá" quyền lực phi tập trung
Nền kinh tế Ethereum sau The Merge
The Merge đánh dấu một thay đổi cơ bản trong mô hình kinh tế của Ethereum. Nó làm giảm 90% việc phát hành token mới và loại bỏ gần 500 triệu USD áp lực bán hàng tháng từ các công ty khai thác. Ngoài ra, nó cũng tạo ra một tài sản giảm phát ròng với lợi suất thực (real yield) nhờ cơ chế đốt phí Ethereum được triển khai vào tháng 8/2021 với EIP-1559.
Với cơ chế EIP-1559, Ethereum đã “đốt” khoảng 85% tất cả các khoản phí giao dịch, 15% còn lại được chia cho những người khai thác dưới dạng “tiền tip”. Nguồn cung ETH sẽ trở nên giảm phát ròng nếu phí giao dịch bị đốt vượt quá tỷ lệ phát hành staking của mạng. Các chuyên gia trong ngành cho rằng mạng có thể giảm phát ở trạng thái ổn định 1–2%/năm tùy thuộc vào nhu cầu về blockspace. Không có dự án nào khác trong lĩnh vực tiền điện tử đạt được thành tựu này.
Cũng theo các chuyên gia, tùy thuộc vào số lượng người stake đang hoạt động trên mạng cũng như mức độ hoạt động của mạng, lợi suất có thể dao động từ 5-7% vào năm 2023, thiết lập một loại “tỷ lệ phi rủi ro” cho hệ thống tài chính của Ethereum. Trong tương lai, việc stake trên Ethereum sẽ trở nên dễ dàng hơn và các công cụ phái sinh như ETH staking của Lido (stETH) cũng sẽ phổ biến hơn.
Solana, Cosmos & Appchain
Solana đã “hứng bão” trong cơn sụp đổ của FTX nhưng bằng cách chấp nhận tâm lý “chịu đau ăn đòn” để phát triển, họ có khả năng phục hồi trong 2023 sau khi bão qua.
Solana dường như là hệ sinh thái có những nỗ lực mạnh mẽ nhất trong việc gia tăng khả năng truy cập trên thiết bị di động. Solana Mobile Stack là một ván cược lớn của hệ vào cơ sở hạ tầng di động để phát triển một thế hệ ứng dụng tiền điện tử mới. Bộ công cụ phát triển phần mềm (SDK) Web3 của Solana được xây dựng trên hệ điều hành Android của Google với smartphone Saga tương thích. SDK cho phép mọi điện thoại Android chạy phần mềm của Solana, trong khi Saga cung cấp phần mềm gốc của hệ với giá 1.000 USD.
Saga cũng có kế hoạch tận dụng Helium để phủ sóng di động. Nếu dự án thành công, nó có thể thúc đẩy việc áp dụng một giao thức không dây phi tập trung chính khác. Vì thế, tin tưởng vào tương lai của Solana là tin tưởng vào phần cứng, nền tảng di động và những tiến bộ của mạng. Các chuyên gia cho rằng, ngoài Ethereum thì khó có L1 nào vạch ra những kế hoạch đáng tin cậy như Solana.
Về phần Cosmos, hệ sinh thái vẫn là lựa chọn hàng đầu cho các nhà phát triển appchain với tính linh hoạt và cơ chế tích lũy giá trị. Không cần tìm đâu xa, dYdX - được cho là ứng dụng lớn nhất trong tiền điện tử, đã chuyển từ ZK-rollup sang appchain trong 2022.
Mặc dù các L2 có thể kế thừa ngân sách bảo mật trị giá 100 tỷ USD của Ethereum mà hầu như không mất phí, việc kết hợp với EVM tạo ra tính linh hoạt kém, nhiều thách thức về khả năng tương tác, thông lượng thấp và chi phí trực tiếp cao hơn.
Theo các chuyên gia trong ngành, trừ khi tốc độ L2 tăng lên đáng kể hoặc nhiều giao dịch phi tài chính được đẩy ra off-chain, nếu không các ứng dụng mà mọi người sử dụng có thể kết thúc trên Cosmos. Mô hình hoạt động tiêu chuẩn mới cho các dApp thành công có thể là tận dụng L1 làm bệ phóng ban đầu: xây dựng, mở rộng quy mô và sau đó di chuyển sang một appchain tùy chỉnh.
Sei là L1 mới được xây dựng trên Cosmos SDK, tập trung vào các ứng dụng DeFi. Sei có sổ lệnh giới hạn trung tâm (CLOB) tích hợp sẵn với công cụ khớp lệnh song song. Mục tiêu của dự án là trở thành NASDAQ của tiền điện tử và mô hình sổ lệnh tập trung và thanh khoản chung giúp họ trở nên tối ưu hóa cho các ứng dụng DeFi.
Về phần Cardano, hệ sinh thái đã có một năm nâng cấp kỹ thuật lớn, bao gồm khả năng của hợp đồng thông minh Plutus và hard fork Vasil với các bản nâng cấp cho Plutus và mở rộng quy mô tốt hơn. Tuy nhiên cho đến hiện tại, khối lượng của Cardano (giao dịch, TVL và hoạt động của nhà phát triển) đã giảm sút so với các hệ sinh thái lớn khác. Và năm 2023 sẽ là năm bản lề cho hệ sinh thái này.
NFT & Mạng xã hội phi tập trung (DeSoc)
Ryan Selkis của Messari đã dự đoán thị trường NFT từ năm 2023 trở về sau sẽ giống như những gì đã diễn ra trong giai đoạn 2013-2015 với Bitcoin:
“NFT giống như các ICO của chu kỳ này: thổi phồng kinh hoàng, biến động điên cuồng, rất nhiều người trúng xổ số sớm nhưng hoàn toàn đều là rác. Nhưng với tư cách là một loại tài sản mới, NFT sẽ biến đổi thế giới… chúng đại diện cho các phần tài sản kỹ thuật số khan hiếm, di động và tài sản kỹ thuật số có thể lập trình... Tất cả những điều này khiến tiềm năng của NFT về cơ bản là không giới hạn khi các blockchain trở thành sổ cái giao dịch toàn cầu cho cả tài sản ảo và tài sản vật chất.”
Các chuyên gia trong ngành cũng dự đoán rằng Mạng xã hội phi tập trung (Decentralized Social - DeSoc) sẽ bén rễ trong năm 2023.
Theo đó, DeSoc sẽ thiết kế lại social media Web2 trên đường ray tiền điện tử. Nó có tiềm năng là nhân tố quan trọng cho phép trao đổi giá trị trên internet. DeSoc mang đến cho mọi người danh tiếng on-chain, tổ chức (DAO) và quyền sở hữu nội dung. Nó cũng giới thiệu những cách mới để mọi người nắm bắt tốt hơn giá trị từ IP trực tuyến của mình.
Đọc thêm: Hào quang và bóng tối của NFT
DeSoc: Xương sống truyền thông cho DAOs và guild
Hiện tại, lĩnh vực DeSoc được chia thành ba lớp: giao diện người dùng (front-end), lớp biểu đồ xã hội (social graph) và lưu trữ nội dung. Giao diện người dùng như Lenster giống với các ứng dụng social media truyền thống, nhưng chúng đọc và ghi dữ liệu vào lớp biểu đồ xã hội (Lens, Farcaster) và lớp lưu trữ nội dung (IPFS, Arweave) thay vì ứng dụng của riêng chúng.
Tuy nhiên, hầu hết giá trị trong DeSoc có thể sẽ tích lũy cho các lớp nội dung và biểu đồ xã hội. Khi các kết nối và nội dung của người dùng được lưu trữ trong lớp biểu đồ xã hội, họ có thể sử dụng chúng ở bất kỳ giao diện người dùng nào khác. Các hiệu ứng mạng của social media Web2 sẽ không bị khóa vào một giao diện người dùng duy nhất (có thể kiểm duyệt) như chúng ta thấy ngày nay.
Thách thức cơ sở hạ tầng cốt lõi mà DeSoc phải đối mặt là khả năng mở rộng của các mạng lớp cơ sở như Polygon và Etheruem. Số địa chỉ hoạt động hàng ngày cao nhất của Polygon là 1,5 triệu, trong khi đó con số này ở mạng xã hội hạng trung đã hơn 140 triệu MAU. Để tiến đến việc áp dụng rộng rãi, các giao thức DeSoc sẽ cần hoạt động dựa trên các giải pháp mở rộng tiên tiến như rollup, hay tính khả dụng của dữ liệu (data availability)...
Các chuyên gia nhận định rằng nếu giải quyết được những thách thức về khả năng mở rộng, đến cuối cùng, DeSoc có thể đóng vai trò như xương sống truyền thông của nhiều DAO và guild.
NFT và kỷ nguyên tiêu dùng
Trong năm 2021, các thương hiệu cao cấp (Gucci, Dolce & Gabbana), các giải đấu thể thao chuyên nghiệp (NBA Top Shots), các công ty thực phẩm và đồ uống (Starbucks) đã nhảy lên chuyến tàu NFT khi thị trường đang “nóng sốt” với xu hướng này.
Tuy nhiên trong năm rồi, rất ít các bộ sưu tập này duy trì được giá trị, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến những động thái mạnh mẽ từ các thương hiệu lâu đời và các công ty công nghệ non-crypto tìm cách tích hợp NFT vào nền tảng của mình. Reddit đã khởi chạy một chương trình avatar có thể sưu tập, thu hút 3 triệu người dùng. Meta đang tạo một thị trường NFT sẽ được tích hợp vào nền tảng Facebook và Instagram. Và trong trương lai, rất có thể chúng ta sẽ tiếp tục thấy nhiều thử nghiệm hơn với NFT trên Twitter của Elon Musk.
Các chuyên gia trong ngành nhận định kỷ nguyên tạm thời của NFT với tư cách là “khoản đầu tư” phần lớn đã qua, và kỷ nguyên NFT với tư cách là “hàng tiêu dùng” kỹ thuật số đang bắt đầu lăn bánh.
OpenAI & ChatGPT: AI không xấu nhưng dữ liệu thì có thể
Có thể nào trong vài năm nữa, tác giả những bài viết tương tự thế này sẽ là AI chứ không phải một con người bằng xương bằng thịt?
Với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Liệu xu hướng này sẽ nâng cấp hay hạ cấp khả năng nhận thức của con người hay chỉ đơn thuần điều chỉnh lại não bộ của chúng ta giống như GPS và mạng xã hội đã làm? Chúng ta kém hơn về phương hướng và nhận thức về không gian so với trước khi có GPS, nhưng dù sao vẫn được hưởng lợi nhiều hơn. Chúng ta kết nối tốt hơn trên mạng xã hội, nhưng tinh thần lại kém khỏe mạnh hơn. ChatGPT sẽ đi theo hướng nào?
Nhà phân tích Ben Thompson nhận định ChatGPT sẽ tạo ra một cú hích cực lớn về năng suất trong thập kỷ tới, tuy nhiên nó sẽ giống một công cụ hỗ trợ như Excel, Wikipedia hơn là một “đấng toàn năng”. Tuy nhiên, ChatGPT làm dấy lên mối lo ngại về tính riêng tư trong việc truyền thông. Thật kinh hoàng khi nghĩ rằng tất cả các dòng tweet, văn bản và email có thể được tải hàng loạt lên AI và các nhà điều tra, chính quyền hay kẻ thù có thể dễ dàng truy vấn ngôn ngữ để tìm bằng chứng về trạng thái tinh thần và hồ sơ tâm lý của bạn.
Nhưng theo lý thuyết mà nói, người dùng giờ đây cũng có thể nắm trong tay những dữ liệu này. Trong crypto, các dự án như Ocean Protocol đang thúc đẩy xu hướng này bằng cách giúp người dùng dễ dàng sở hữu nội dung và lời nói của mình.
“AI chỉ đơn giản là sự phản ánh các bộ dữ liệu làm nền tảng cho các mô hình ngôn ngữ lớn. Dữ liệu hiện tại hầu như chỉ được lấy từ internet hoặc mạng nội bộ của các công ty công nghệ. Nội dung do AI tạo ra không đại diện cho nhân loại nhưng nó được đánh giá cao bởi những người đang sử dụng internet và những người chiếm ưu thế trong việc sản xuất nội dung thuộc nhóm đó. AI không tốt hay xấu, nhưng dữ liệu thì có thể,” Ryan Selkis nói.
GameFi & Cryptoverse: Không nhiều tín hiệu lạc quan
Các chuyên gia dự đoán rằng để GameFi có thể “lội ngược dòng” trong những năm tới, nó cần giải quyết nhiều vấn đề, tiêu biểu như:
1. Xây dựng một trò chơi thực sự thú vị để người dùng tiêu khiển. Những tựa game play-to-earn hiện tại trong crypto có vui không, hay chỉ giống như một tia chớp loé lên trong đêm hay như các pool DeFi 2.000% APY tăng vọt trong một lúc sau đó giảm xuống không phanh? Các chuyên gia đặt câu hỏi.
2. Để tạo ra một trò chơi thú vị, thường cần rất nhiều tiền, thời gian phát triển kéo dài và sản phẩm cuối thì đắt đỏ. Ngoài ra, việc kết hợp các vật phẩm trò chơi NFT và cơ chế token phức tạp càng kéo dài quá trình phát triển game và khiến nó khó thay đổi hơn so với các lĩnh vực khác của phần mềm tiền điện tử.
Hiện tại, thị trường game có quy mô khổng lồ gần 200 tỷ USD/năm và nhiều người mong đợi một số cái tên nổi trội sẽ xuất hiện vào thời điểm nào đó và thống lĩnh thị trường này. Tuy nhiên, GameFi vẫn được nhận định là lĩnh vực tiền điện tử được thổi phồng nhiều nhất hiện nay.
Nhiều người vẫn lạc quan về tương lai AR/VR nhưng có vẻ nó sẽ không diễn ra sớm khi Meta vừa chứng kiến một năm sụt giảm thê thảm. Tuy nhiên, trong tiền điện tử vẫn xuất hiện một vài cái tên đáng chú ý như Decentraland và Decentral Games - một DAO với các phòng chơi bài poker kết hợp crypto + metaverse và mô hình kinh doanh thực thụ thu phí 2 triệu USD/năm.