Nên đầu tư vào coin mới hay coin cũ?
Thị trường crypto đã có những bước chuyển mình đáng ngạc nhiên. Năm 2020, có hơn 8,100 đồng coin trên thị trường. Phần lớn trong số này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, đặc biệt là các memecoin. Đến năm 2023, gần 23,000 đồng coin được phát triển, vốn hoá thị trường đạt hơn 1.1 nghìn tỷ USD, theo CoinMarketCap.
Quá nhiều đồng coin trên thị trường khiến các nhà đầu tư lúng túng trong việc ra quyết định đầu tư, đặc biệt là những người mới. Một trong những câu hỏi lớn nhất thường được đặt ra là nên đầu tư vào:
- Coin cũ: Đã phát hành từ lâu, ít bị áp lực bán do đã unlock gần hết token, nhưng “câu chuyện" đã cũ, sản phẩm không phù hợp với xu hướng thị trường hiện tại.
- Coin mới: Mới được phát hành, cung cấp sản phẩm mà thị trường đang có nhu cầu, nhưng cũng chịu áp lực bán cao.
Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng Coin98 Insights xem xét cơ hội và rủi ro của 2 loại tài sản này.
Coin cũ, coin mới là gì?
Sau khi blockchain và Bitcoin ra đời, nhiều loại coin mới đã được phát triển. Nếu chia chúng theo thời gian phát hành, ta có các nhóm sau:
Nhóm 1:
- Phát hành trước năm 2017.
- Mở khoá từ 80-100%, tỷ lệ lạm phát và áp lực bán thấp.
- Gọi vốn từ cộng đồng thông qua ICO, ít bị tác động bởi quỹ đầu tư (Venture Capital) hay Market Maker.
- Vốn hoá thị trường ban đầu thấp từ 10 USD đến 20 triệu USD. Hiện tại, các dự án vẫn còn hoạt động thì vốn hoá có thể đạt đến tỷ USD do vốn hoá thị trường tăng.
- Sản phẩm thiên về phục vụ xu hướng thị trường trong quá khứ.
Nhóm 2:
- Phát hành từ năm 2017 tới 2021, đây là giai đoạn bắt đầu có sự tham gia của quỹ đầu tư.
- Coin được mở khoá từ 40-60%.
- Dự án gọi vốn từ 2 nhóm, gồm quỹ đầu tư và cộng đồng.
- Vốn hoá thị trường tăng lên thành 50 triệu USD đến 100 triệu USD. Điều này là do dòng tiền mới vào thị trường tăng mạnh khi Bitcoin đạt đỉnh vào năm 2017.
Nhóm 3:
- Phát hành từ năm 2022 về sau.
- Mở khoá từ 10-20%, tỷ lệ lạm phát và áp lực bán cao ở giai đoạn sau, thấp ở giai đoạn đầu.
- Gọi vốn từ quỹ đầu tư vì lý do pháp lý, kiểm soát nguồn cung. Chịu nhiều tác động từ quỹ đầu tư và market maker.
- Vốn hoá thị trường ban đầu cao, trên 100 triệu USD nên khó tăng giá mạnh như nhóm 1. Để mang lại lợi nhuận cho các quỹ đầu tư, tổng cung ban đầu cần thấp để dễ kiểm soát.
- Sản phẩm phù hợp xu hướng thị trường hiện tại.
Ở phần bên dưới của bài viết, cách định nghĩa coin cũ, coin mới được mô tả như sau:
- Coin cũ: Token được unlock gần hết, tỷ lệ lạm phát thấp, áp lực bán thấp.
- Coin mới: Token được unlock ít, tỷ lệ lạm phát cao, chịu áp lực bán cao.
Đọc thêm: Các yếu tố ảnh hưởng đến giá khi unlock token.
Để tìm ra chiến lược đầu tư tốt ưu, hãy cùng xem xét từng trường hợp coin cũ, coin mới dưới đây.
Coin cũ, áp lực bán thấp liệu có tăng giá mạnh?
Case study 1: Injective (INJ)
Injective (INJ) là Layer 1 trên Cosmos SDK, được ra mắt trên Binance Launchpad vào tháng 10/2020. Vào tháng 5/2021, giá INJ từng tăng từ 1 USD lên 24 USD. Vốn hoá dự án cũng tăng từ 10 triệu USD lên 600 triệu USD, gấp 60 lần.
Đến mùa downtrend năm 2022, dự án thực hiện mở khoá thêm token, lượng cung tăng lên, giá INJ đã giảm 20 lần chỉ còn 1 USD vào tháng 6/2022, mức giảm gấp 3 lần vốn hoá Injective. Điều này khiến phần lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ sợ hãi và bán đi INJ.
Lúc này, lượng cung lưu thông trên thị trường của INJ là 88%. Vào tháng 8/2022, Injective gọi vốn thành công từ một số quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu thị trường Jump Crypto và BH Digital với số tiền 40 triệu USD.
Kể từ thời điểm này, giá INJ đã có sức bật tăng mạnh mẽ từ 1.5 USD (vào tháng 1/2023) lên mức 52 USD (vào tháng 3/2024). Giá INJ tăng mạnh do Injective ra mắt INJ Tokenomics 2.0, thực hiện đốt INJ để giảm nguồn cung INJ, giúp INJ trở thành động coin giảm phát.
Đây là mức tăng trưởng 34 lần chỉ trong chưa đến 1 năm. Thế nhưng, có phải coin cũ có áp lực bán thấp nào cũng có kết quả như vậy không?
Case study 2: Mithril (MITH), Augur (REP), Tellor (TRB)
Không phải dự án nào có lượng token đã mở khoá phần lớn cũng tăng mạnh như Injective. Không khó để tìm ra một số dự án thuộc nhóm coin cũ. Nhóm này sau khi mở khoá token gần hết cho đội ngũ, nhà đầu tư, cộng đồng, đã không thể bắt kịp các xu hướng hiện hành và cũng không đủ tiềm lực để tiếp tục phát triển.
Do đó, nhiều đội ngũ phát triển đã rời bỏ dự án, hoạt động thưa thớt trên các kênh xã hội. Các quỹ đầu tư những dự án này cũng bán token, thu hồi vốn để tìm những thương vụ mới hơn. Điều này khiến giá đồng coin của dự án có xu hướng giảm. Thậm chí, một số dự án còn bị huỷ niêm yết trên Binance.
Mithril (MITH) là dự án có nguồn cung được mở khoá 100%, hoạt động trên kênh xã hội thưa thớt, giá của MITH có xu hướng giảm liên tục sau khi ra mắt vào đầu năm 2018. Đến cuối năm 2022, MITH bị huỷ niêm yết trên Binance.
Augur (REP) là dự án có nguồn cung mở khoá 100% khác, có hoạt động lần cuối trên X của dự án là vào tháng 11/2021. Từ đó cho đến nay, giá của REP liên tục giảm và cuối cùng bị huỷ niêm yết trên Binance vào cuối năm 2022.
Một số dự án tương tự, đã mở khoá phần lớn nguồn cung, hoạt động trên các kênh xã hội thưa thớt, bị huỷ niêm yết trên các nền tảng nổi tiếng là Bitcoin Standard Hashrate Token price (BTCST), Bitcoin Diamond (BCD), Bitcoin Gold (BTG)...
Một số nhà đầu tư nhận định đây là cơ hội để bán khống (short) những đồng coin nàym, tuy nhiên việc này mang tính rủi ro cao. Một số đồng coin có thể xảy ra tình trạng short-squeeze, hoặc bị thao túng giá, chẳng hạn như Tellor (TRB).
TRB là đồng coin đã được mở khoá gần 100%. Vào ngày 31/12/2023, giá TRB tăng mạnh từ 260 USD lên trên 500 USD trong 1 ngày, trước khi giảm mạnh 80% chỉ trong vài giờ, và giảm 500% trong 4 ngày sau đó. Điều này khiến gần 74 triệu USD bị thanh lý trên thị trường phái sinh.
Lookonchain đã đưa ra các bằng chứng cho thấy các ví cá voi nắm giữ lượng lớn TRB có nhiều hoạt động đáng chú ý trong khoảng thời gian TRB có mức giá biến động lớn. Đặc biệt, có lượng lớn TRB đã được gửi lên sàn sau khi giá TRB tăng mạnh trên 500 USD.
Tìm hiểu thêm chủ đề Coin cũ coin mới tại video này:
Coin mới, áp lực bán cao nhưng giá có giảm?
Những dự án mới ra mắt có mức lạm phát và áp lực bán cao do chưa được mở khoá nhiều, cung lưu thông thấp liệu có khiến giá giảm mạnh hay không?
Case Study 1: Solana (SOL)
Trước ngày 11/1/2021, Solana có lượng cung lưu thông khoảng 150 triệu SOL, vốn hoá 850 triệu USD cùng khối lượng giao dịch 24h là 70 triệu USD.
Sau ngày này, Solana sẽ được mở khoá 320 triệu SOL, khiến cung lưu thông của SOL lúc này tăng lên 470 triệu SOL, tương đương mức tăng 213%. Tổng giá trị SOL được mở khoá thậm chí còn cao hơn nhiều lần khối lượng giao dịch 24h lúc này.
Nếu vốn hoá không đổi, cung lưu thông tăng có thể khiến giá SOL giảm từ 3 USD trước đó xuống còn 1.8 USD (Vốn hoá 850 triệu USD/ nguồn cung 470 triệu SOL).
Thực tế, sau khi được mở khoá, giá SOL không hề giảm mà tăng mạnh lên 240 USD vào tháng 11/2021, mức lợi nhuận khoảng 80 lần. Đây được xem là một trong những khoản đầu tư có lợi nhuận tốt nhất lúc này.
Case Study 2: Serum (SRM)
Vào tháng 9/2021, tổng cung lưu hành của Serum chỉ là 1%, vốn hoá đạt 1.2 tỷ USD và FDV của Serum đạt 121 tỷ USD.
Khi thị trường bước vào mùa downtrend, vốn hoá của Serum giảm 75 lần từ 1.2 tỷ USD xuống còn 16 triệu USD. Nguồn cung của Serum được mở khoá, tăng từ 1% lên 2.6%, giá của Serum đã không giảm 75 lần như vốn hoá mà giảm tận 200 lần từ 12 USD xuống còn 0.06 USD.
Như vậy, sau khi lượng coin mới được mở khoá, giá Serum đã giảm mạnh hơn 200 lần, chứ không tăng 80 lần như Solana.
Cần chú ý gì khi phân tích coin cũ coin mới?
Không có công thức đầu tư dành cho coin mới có lạm phát cao và coin cũ có lạm phát thấp. Cả 2 loại tài sản này đều có khả năng tăng trưởng hay giảm giá như nhau. Thay vào đó, nhà đầu tư cần xem xét 3 yếu tố quan trọng:
- Dự án còn động lực để phát triển không?
- Nếu giá coin tăng thì ai là người có lợi nhất?
- Xu hướng di chuyển của giá Bitcoin.
Động lực phát triển của dự án
Nếu là dự án đã ra mắt từ lâu nhưng liên tục có những thay đổi, cải tiến sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường, thậm chí còn nhận được dòng tiền lớn hơn các đối thủ cùng ngành thì có thể xem nhóm này là các dự án "mới", ví dụ như:
- BNB dù ra mắt từ 2017 nhưng được hậu thuẫn bởi Binance, vẫn luôn bắt kịp xu hướng thị trường thông qua các sự kiện Launchpool, Launchpad.
- Dự án Chainlink đã từng thống trị thị trường crypto với mảng Oracle vào những năm 2020, đến giờ lại tiếp tục gây tiếng vang với mảng CCIP.
- Ethereum dù ra đời từ 2015 nhưng vẫn luôn có khả năng tạo dựng xu hướng thông qua Dencun, Layer 2, Liquid Staking…
Đối với những dự án mới ra mắt, cần xem sản phẩm của họ có phù hợp với thị hiếu thị trường tại thời điểm đó không, đội ngũ dự án có tốt không, có kế hoạch phát triển lâu dài không… Ngoài ra, cần so sánh với những dự án khác trong ngành, dự án nào đang được cộng đồng quan tâm nhiều nhất.
Nguồn cung lưu hành của đồng coin
Nhà đầu tư cũng cần nghiên cứu những yếu tố như cung lưu thông, tỷ lệ lạm phát, những địa chỉ ví nắm giữ nhiều để biết liệu giá coin tăng mạnh thì ai sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Đối với những dự án có cung lưu thông thực (không phải cung lưu thông danh nghĩa - tokenomics) ngoài thị trường thấp, phần lớn nằm trong tay một thực thể nào đó như market maker, đội ngũ phát triển, sàn giao dịch, giá coin có thể tăng mạnh bất thường để phục vụ cho một số nhu cầu như:
- Tăng mạnh để thu hút sự chú ý từ cộng đồng
- Tăng mạnh trước những đợt mở khoá coin lớn để giữ vùng giá hỗ trợ không bị thủng.
- Tăng mạnh trước những hoạt động cần sử dụng đồng coin đó để tham gia.
Điều này có thể xảy ra với những dự án như Celestia (TIA) hay Injective (INJ).
Trong thời gian đầu, Celestia chỉ mới mở khoá 15% tổng cung, dù vốn hoá danh nghĩa cao, nhưng vốn hoá thực thấp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động MM.
Đối với Injective, dù đã ra đời khá lâu và mở khoá được 88% tổng cung, phần lớn các nhà đầu tư đã chán nản cắt lỗ. Sau giai đoạn này, dự án đã gọi vốn được từ Jump Capital. Đây có thể coi là bước khởi đầu cho các hoạt động liên quan tới Market Maker sau này của 2 bên.
Ngoài ra, một nhân tố quan trọng khác cần phải xem xét khi lựa chọn thời điểm đầu tư (kể cả đối với coin mới hay coin cũ) chính là xu hướng của Bitcoin và thị trường crypto. Đặc biệt, cần tránh mua những lúc thị trường quá nóng vì nếu Bitcoin tăng mạnh, giá của altcoin thường chỉ đi ngang. Giá altcoin chỉ tăng khi Bitcoin đi ngang và sẽ sập mạnh từ 15% đến 20% nếu Bitcoin sập chỉ 5%.
Việc kết hợp với phân tích kỹ thuật và dữ liệu on-chain khi đầu tư cũng cần thiết để tìm được vùng giá tốt, giảm rủi ro. Nếu mua lúc thị trường tăng mạnh, sau đó giảm thì sẽ mất khá lâu để nhà đầu tư quay lại mốc hoà vốn.
Tổng kết
Lựa chọn các dự án mới ra mắt có nguồn cung thấp, sản phẩm phù hợp với thị trường sẽ phần nào đó bớt rủi ro hơn. Điều này cũng tương tự với nhóm dự án đã phát hành từ lâu nhưng có sản phẩm mới bắt kịp xu hướng.
Các dự án cũ và mới đều có khả năng tăng trưởng, sụt giảm ngang nhau. Nhà đầu tư cần xem xét nhiều yếu tố khác thay vì việc chỉ quan tâm tới thời điểm ra mắt của chúng.