Delta Neutral là gì? Chiến lược đầu tư Delta Neutral trong crypto
Thị trường DeFi ngày càng trở nên phức tạp. Đi cùng với sự phát triển đó là những mô hình hay thuật ngữ từ tài chính truyền thống được các crypto builder tận dụng để đưa vào xây dựng sản phẩm của mình.
Dạo quanh thị trường trong thời gian gần đây mình có phát hiện thấy nhiều dự án/ protocol có đề cập tới chỉ số Delta. Do đó, để anh em có thể hiểu rõ hơn về chỉ số này cũng như dễ dàng tiếp cận hơn với các sản phẩm trong tương lai thì trong khuôn khổ bài viết, mình sẽ giới thiệu chi tiết về Delta và các chiến lược đầu tư dựa trên đó.
Chỉ số Delta trong lĩnh vực tài chính
Delta là gì?
Theo cách hiểu đơn giản, trong lĩnh vực tài chính, Delta là một chỉ số đo lường sự nhạy cảm của giá tài sản phái sinh so với sự thay đổi giá tài sản cơ sở của chúng. Theo cách khó hiểu và “toán học” hơn thì Delta là đơn vị để đo sự biến thiên của một đại lượng thường được tính toán bằng cách đạo hàm bậc 1 của hàm số đại lượng đó.
Ví dụ: ETH Call Option (một sản phẩm phái sinh của ETH, hay còn gọi là quyền chọn ETH) có chỉ số Delta là 0.5. Điều này có nghĩa là:
- Khi giá ETH tăng thêm 1 USD thì giá của ETH Call Option sẽ tăng 0.5 USD.
- Ngược lại nếu giá ETH giảm 1 USD thì giá của ETH Call option sẽ giảm 0.5 USD.
Chỉ số Delta có thể âm, dương hoặc bằng 0 tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:
- Sản phẩm phái sinh là gì (Call Options, Put Options, Futures,…).
- Vị thế (đang Long hay đang Short).
- Trạng thái của vị thế (đang ITM, ATM hay OTM đối với Options, thời gian đáo hạn là bao lâu,…).
- …
Thông thường, chỉ số Delta được sử dụng để tính toán và xác định rủi ro của sản phẩm Options (quyền chọn).
Ngoài ra, với cách quy định như trên thì nghiễm nhiên Perpetual Future sẽ thường có Delta ~1 (do Perpetual Future thường có giá rất sát so với tài sản cơ sở do cơ chế Funding rate). Và tất nhiên, tài sản cơ sở sẽ luôn có chỉ số Delta bằng 1.
Delta thường được sử dụng với mục đích gì?
Chỉ số Delta thường được tính toán bằng máy tính và cập nhật Real-time. Giá trị Delta có tác động rất lớn tới sự di chuyển giá của sản phẩm phái sinh (thường là Options).
Các nhà đầu tư, traders, quản lý quỹ,… thường sử dụng chỉ số này để dự đoán, xác định hành động giá của Options. Từ đó đưa ra được các chiến lược như đầu cơ kiếm lời, phòng thủ danh mục,…
Một vai trò quan trọng khác của Delta đó là được sử dụng để định giá Options. Bằng những mô hình tính toán phức tạp mà Delta là chỉ số then chốt, họ có thể xác định giá trị Options ⇒ Giúp cho việc giao dịch, thiết kế danh mục với Options trở nên dễ dàng hơn.
Trên thực tế, ngoài Delta ra thì còn có nhiều chỉ số khác được sử dụng để xác định mức độ rủi ro của các sản phẩm phái sinh như Gamma, Theta, Vega, Rho,… tuy nhiên việc xác định cũng như áp dụng các chỉ số này là khá phức tạp, cũng như chưa phù hợp với thị trường Crypto trong bối cảnh hiện tại.
Do vậy, mình sẽ cập nhật cho anh em về những yếu tố này trong thời điểm thích hợp. Còn trong chủ đề ngày hôm nay mình sẽ chỉ đề cập nhiều tới Delta.
Theo góc nhìn của mình, trong thị trường Crypto hiện nay, thuật ngữ này dường như không được nhắc đến nhiều cũng như được áp dụng rất ít bởi nhà đầu tư cá nhân do sự “khó hiểu” của nó.
Chiến lược Delta Neutral
Chiến lược đầu tư Delta Neutral là gì?
Neutral có nghĩa là trung lập, như vậy chiến lược Delta Neutral có nghĩa là giữ cho vị thế của danh mục có tổng Delta bằng 0. Mình có thể lấy một vài ví dụ khá đơn giản để bạn có thể hiểu hơn về chiến lược này.
Ví dụ 1: Sử dụng chiến lược Delta Neutral khi tham gia Binance Launchpad
Giả sử giá BNB hiện tại đang là 500 USD, bạn mua 20 BNB (10,000 USD) để tham gia Binance Launchpad. Đồng thời lúc đó, bạn mở một lệnh Short 20 BNB (giá 500 USD) ký quỹ 10,000 USD (không sử dụng đòn bẩy) trên sàn FTX.
Lúc này tổng Delta của vị thế của bạn sẽ là 0, trong đó:
- Mua 20 BNB, tổng Delta vị thế +20 (vì mua spot tài sản cơ sở Delta sẽ bằng 1).
- Short 20 BNB, tổng Delta vị thế -20 (vì khi short futures thì Delta sẽ ~ -1).
- Bạn đang ở vị thế Delta Neutral.
Như vậy, trong trường hợp này tổng tài sản danh mục của bạn sẽ không bị thay đổi bởi sự biến động của giá BNB (trừ trường hợp lệnh Short của bạn bị thanh lý). Lúc này lãi của bạn sẽ phụ thuộc vào ROI của token trên Binance Launchpad.
Theo quan sát của mình, khi tham gia Binance Launchpad, số lượng oversubscribed sẽ lên tới khoảng vài trăm lần (giả sử khoảng 500 lần) ⇒ Chỉ 0.2% vốn của bạn sẽ được dùng để mua token Launchpad.
Theo như số liệu mình thu thập được thì ATH của các dự án trong năm 2021, 2022 của Binance Launchpad sẽ rơi vào khoảng 10x - 80x.
⇒ Giả sử trung bình khi listing bạn chốt được giá khoảng x10 - x20 so với giá IEO, có nghĩa là mỗi lần làm như thế bạn sẽ có mức lời khoảng 2% - 4% (so với tổng số lượng vốn mua BNB).
Nếu Binance trong 1 năm có 6 lần IEO như vậy thì bạn đã có thể dễ dàng kiếm lời được một khoản nho nhỏ. Mức lợi nhuận này tuy không quá cao nhưng nó cũng không chiếm dụng vốn của bạn trong toàn bộ thời gian mà chỉ trong lúc diễn ra Launchpad. Và quan trọng hơn đây là chiến lược có tỷ lệ thắng khá cao (kiếm lời an toàn).
Và bạn hoàn toàn có thể sử dụng đòn bẩy (bằng cách vay USD để mua BNB hay nhiều cách khác), chưa kể đến việc có những đồng có ROI cao hơn mức x10 - x20 thì sẽ khiến ROI thực tế bạn nhận được sẽ cao hơn rất nhiều.
Ví dụ 2: Áp dụng Delta Neutral trong việc Farming
Trong ví dụ này mình sẽ sử dụng tính năng Simulation và một chiến lược có sẵn của Francium để dễ hình dung hơn. Hiện tại Francium có một chiến lược Farming gọi là Pseudo - Delta Neutral Hedging Strategy.
Giả sử anh em đang có 400 USDC để đi Farm sử dụng chiến lược này. Theo đó, Francium sẽ triển khai như sau:
Trước tiên, vốn của anh em sẽ được tách thành 2 phần khác nhau:
- Phần đầu tiên, có giá trị 100 USDC sẽ được sử dụng để Farm whETH - USDC với đòn bẩy 3x (vay USDC): Đòn bẩy 3x ⇒ Vay thêm 200 USDC từ nền tảng.Farming dựa trên việc Add LP vào Raydium nên 150 USDC sẽ được Swap sang whETH để Add LP.Điều này tương đương với việc anh em đang mua 150 USD whETH ⇒ Delta +150.
- Phần thứ hai, có giá trị 300 USDC sẽ được sử dụng để Farm whETH - USDC đòn bẩy 3x (nhưng sẽ vay whETH): Đòn bẩy 3x ⇒ Vay thêm 600 USD giá trị whETH từ nền tảng.Tương tự như trên, 150 USD giá trị whETH sẽ được Swap lại thành USDC để thực hiện Add LP (450 USDC và 450 USD giá trị whETH).Tương đương với việc bán 150 USD whETH ⇒ Delta -150.
Tổng Delta vị thế sẽ là 0 ⇒ Trạng thái Delta Neutral.
Giả sử anh em sẽ Farm trong khoảng thời gian là 90 ngày.
Nếu giá whETH dao động trong khoảng 1,600 USD - >4,000 USD thì anh em chắc chắn sẽ có lãi. Và sẽ lãi nhất nếu giá trong khoảng 2,700 USD - 2,900 USD.
Delta Neutral với sản phẩm Options
Chỉ số Delta thường được gắn liền với sản phẩm Options, do đó nó cũng được sử dụng để triển khai các chiến lược khác nhau.
Một ví dụ về chiến lược Delta Neutral trên sản phẩm Options:
Cổ phiếu X đang Trading với 50 USD, triển khai Delta Neutral Options:
- Short ATM Call Options (Strike 50 USD, Delta 0.5) ⇒ Options đang được định giá 2 USD trên thị trường.
- Short ATM Put Options (Strike 50 USD, Delta -0.5) ⇒ Options đang được định giá 2 USD trên thị trường.
- Giả sử mỗi loại Short với Volume là 100 Options thì sẽ thu về 400USD cùng với tổng Delta vị thế bằng 0 (Delta Neutral).
Khi đáo hạn Options:
- Nếu X vẫn ở giá 50 USD ⇒ Thu về 400 USD lợi nhuận.
- Nếu X được giao dịch trong khoảng giá 48 USD - 52 USD thì vị thế của chúng ta vẫn thu về lợi nhuận nhưng sẽ nhỏ hơn 400 USD.
- Nếu X được giao dịch ngoài khoảng giá trên thì vị thế của chúng ta sẽ bị lỗ, tuy nhiên do danh mục của chúng ta là Delta Neutral nên có thể đóng vị thế Short Options trước thời gian đáo hạn để giảm thiểu rủi ro.
Mình biết đến đoạn này nhiều anh em chưa nắm được những kiến thức căn bản về Options sẽ cảm thấy khá bối rối, không hiểu gì cho lắm và có rất nhiều câu hỏi trong đầu. Tuy nhiên, anh em cũng không cần lo lắng vì khả năng áp dụng những chiến lược này với Retail Investor trên thị trường Crypto là rất khó khăn.
Thường thì Delta sẽ thay đổi liên tục và các con số cũng khó có thể “mơ mộng” được như ví dụ trên. Vì vậy, Delta Neutral thường sẽ được áp dụng bằng máy tính (đặc biệt là trong môi trường FinTech như Crypto), và cũng có thể đây cũng là một cơ sở để xây dựng những giao thức DeFi Options Vaults (DOVs).
Tóm lại, nếu anh em không thể hiểu rõ được Delta Neutral trong trường hợp này thì cũng không sao. Nhưng chúng ta cũng cần phải nắm rõ những điểm cơ bản như sẽ lãi lỗ trong những kịch bản nào, đâu là điểm chúng ta thu về được lợi nhuận cao nhất.
Ngoài ra, khi "Skin in the game" trên thị trường trong thời gian gần đây mình cũng có bắt gặp những Protocol làm về mảng Options đưa ra những thuật ngữ rất phức tạp như Guts, Straddle, Straggle, Butterfly, Butterfly Spread, … khi nhìn vào chắc hẳn những anh em không có nhiều chuyên môn sẽ chả hiểu gì. Bản chất chúng cũng là những chiến lược Neutral với Options mà thôi.
Để giúp đỡ anh em nào có nhu cầu tiếp cận với những thuật ngữ đó, mình cũng đã tìm thấy một nguồn giải thích rất kỹ cũng như có những hình ảnh minh hoạ, ví dụ rất rõ nét về những điểm trọng yếu của các chiến lược (mà mình đã đề cập ở trên).
Bản chất Delta Neutral
Vậy bản chất của Delta Neutral là gì? Đây có phải là chiến lược chắc chắn thắng không? Câu trả lời rất đơn giản là không, trên thị trường gần như không có gì là chắc chắn 100% thắng cả.
Thật vậy, thông qua phân tích 2 ví dụ trên anh em cũng có thể nhận ra được rủi ro khi thực hiện chiến lược này là gì:
- Ở trong ví dụ 1, nếu chúng ta bị "cháy" lệnh Short BNB trước khi xong Launchpad thì vị thế cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi biến động giá BNB.
- Còn ở trong vị dụ 2, thì biểu đồ PnL cũng đã cho chúng ta thấy lợi nhuận cũng sẽ bị thay đổi nếu giá whETH thay đổi. Ngoài ra khi giá whETH tăng thậm chí lợi nhuận của chúng ta còn bị giảm đi thay vì tăng lên như Farming thông thường và chỉ thu lời nhiều nhất khi giá có sự thay đổi nhỏ.
Do vậy, bản chất của Delta Neutral là tránh cho danh mục khỏi bị ảnh hưởng bởi những biến động giá "vừa đủ" trong một khoảng thời gian nhất định.
Delta Neutral thường rất khó áp dụng trên thị trường tài chính truyền thống, dường như chỉ sử dụng nhiều để phòng thủ danh mục với những rủi ro nhất định. Tuy nhiên DeFi là một nơi rất kỳ diệu khi những nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tận dụng được chiến lược này trong việc kiếm lời từ Yield Farming, Launchpad,…
Delta Neutral được sử dụng để phát triển Protocol như thế nào?
Ở góc độ áp dụng để phát triển Protocol, thì mình thấy rằng Delta Neutral là một cách thức khá tốt trong việc cung cấp và duy trì thanh khoản.
Như đội ngũ Researchers của Coin98 Insights đã đề cập trong bài viết về DeFi 2.0 thì một trong những vấn đề nhức nhối nhất của DeFi đó là tính bền vững của thanh khoản.
Dựa trên Concept này đã có khá nhiều giải pháp được đưa ra như:
- Protocol Control Value của Olympus DAO, Fei Protocol,…
- Tokenomics thông minh của PancakeSwap.
- Incentives War như Curve,…
Mình sẽ lấy AMM để phân tích một khía cạnh khiến cho Liquidity trong DeFi không được bền vững. Khi cung cấp thanh khoản để trở thành LP cho AMM thì LP đó sẽ kỳ vọng lợi nhuận dựa trên 3 nguồn chính:
- Token trong Pool tăng giá.
- Phí giao dịch.
- Reward từ các chương trình Liquidity Mining.
Vậy khi token trong Pool giảm giá thì sao, nó sẽ tạo ra một hiệu ứng dây chuyền rất tệ với thanh khoản:
- LP gỡ Liquidity để bán.
- Reward cũng sẽ giảm ⇒ Mất động lực cung cấp thanh khoản.
- Phí giao dịch từ đó cũng giảm do thị trường ảm đạm hơn.
Thậm chí nếu AMM đó tiếp tục đẩy mạnh Reward để thu hút thanh khoản thì hậu quả sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi sẽ tiếp tục góp phần tạo ra áp lực bán cho Token ⇒ Tiếp tục Negative Loop kể trên.
Tuy nhiên nếu trong trạng thái Delta Neutral thì biến động giá (đặc biệt là trong trường hợp giá giảm) sẽ ít tác động tới vị thế của LPs hơn. Đồng thời, trạng thái Delta Neutral cũng sẽ giúp cho LPs ít chịu thua lỗ hơn trong trường hợp giá giảm quá nhiều.
Giả sử mình thực hiện một chiến lược Delta Neutral khi Add LP cho UNI - ETH, mình sẽ add 1 ETH và đi vay 200 UNI (giả định khi đó giá của 1 UNI = 0.005 ETH) để cung cấp thanh khoản.
⇒ Vị thế lúc này của mình là Delta Neutral, giả sử mức Fee mình thu được trong một năm tương đương với 10% thì PnL của mình sẽ như sau:
Tại sao khi vay 200 UNI để Add Pair lại ra được vị thế Delta Neutral thì sẽ tính toán dựa trên đạo hàm, cụ thể thì anh em có thể đọc tại đây.
⇒ Như vậy nếu giá UNI dao động trong khoảng -50% → + 70% thì mình vẫn sẽ có lãi.
Và tất nhiên khi Hedging khỏi sự biến động như vậy thì anh em sẽ phải hy sinh upside được tạo ra khi token tăng giá và mất đi chi phí cơ hội.
Áp dụng cách thiết kế này khi cung cấp Liquidity thì các Protocol cũng có thể phần nào giải quyết được bài toán tính bền vững của thanh khoản (đặc biệt trong bối cảnh thị trường ảm đạm).
Tuy nhiên, cũng sẽ có những câu hỏi đặt ra như là:
- Chúng ta sẽ đi vay UNI ở đâu (như trong ví dụ trên)?
- Các Token khác với thanh khoản nhỏ hơn thì sẽ đi vay ở chỗ nào khi các Lending Protocol hiện tại không chấp nhận chúng?
- Liệu người dùng có chịu hy sinh lợi nhuận khi Token tăng giá để đưa vị thế LPs của mình vào trạng thái Delta Neutral?
- …
Áp dụng Delta Neutral vào để xây dựng các sản phẩm DOVs cũng sẽ là một ý tưởng để duy trì sự ổn định của thanh khoản với sản phẩm Options. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi Options chưa được sử dụng nhiều và có rất nhiều các vấn đề liên quan đến thanh khoản.
Theo anh em, chúng ta còn có thể áp dụng Delta Neutral hay Delta vào các lĩnh vực gì trong DeFi nữa? Nếu có ý tưởng nào thì có thể bổ sung giúp mình trong phần comment nhé!
Kết luận
Nhìn chung, qua phân tích về chỉ số Delta, anh em có thể thấy về tốc độ trưởng thành của DeFi hiện nay đi cùng với sự phức tạp tăng lên theo thời gian. Thật vậy, ngày càng có những mô hình trong thị trường tài chính truyền thống được đưa vào áp dụng cho DeFi.
Do đó, mình cũng như đội ngũ Coin98 Insights sẽ tiếp tục theo dõi sát sao thị trường để giúp anh em cập nhật những sản phẩm và ý tưởng mới nhất cũng những sự kiện có thể diễn ra trong DeFi.
Hẹn gặp lại anh em trong các chủ đề tiếp theo!