Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Quỹ dự trữ Bitcoin của Mỹ: Món quà dành tặng người ủng hộ Trump?

Động thái của Tổng thống Trump trong việc thiết lập “Quỹ Dự trữ Bitcoin Chiến lược” đã châm ngòi tranh luận, đặt ra câu hỏi lớn về tương lai tài sản kỹ thuật số tại Mỹ và toàn cầu.
nghianq
Published Mar 13 2025
Updated Mar 14 2025
8 min read
bitcoin reserve trump

Mỹ như "holder" lớn của Bitcoin

Sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào ngày 6/3/2025 không chỉ là một hành động đơn lẻ mà thuộc một kế hoạch dài hơi. Sắc lệnh này đặt nền móng cho hai quỹ dự trữ quan trọng: Quỹ Dự trữ Bitcoin Chiến lược và Kho tài sản số Hoa Kỳ.

Trong đó, Quỹ Dự trữ Bitcoin Chiến lược sẽ được tạo nên từ số Bitcoin chính phủ Mỹ thu giữ trong các vụ án hình sự và dân sự. “Quỹ dự trữ này không tiêu tốn một xu tiền thuế nào của người dân, vì nó sử dụng Bitcoin mà chính phủ đã sở hữu”, David Sacks – "crypto czar" của Trump, khẳng định.

Ngoài ra, sắc lệnh yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Thương mại tìm cách mua thêm Bitcoin mà không làm tăng gánh nặng ngân sách. “Các chiến lược này không được tạo ra bất kỳ chi phí bổ sung nào cho người đóng thuế ở Mỹ”, văn bản nêu rõ.

Sắc lệnh cũng yêu cầu thành lập Kho tài sản số Hoa Kỳ, nơi lưu trữ các tài sản kỹ thuật số khác như Ethereum (ETH), XRP, Solana (SOL) và Cardano (ADA). Tất cả tài sản này đều đến từ các vụ tịch thu của chính phủ, nhưng khác với Quỹ Dự trữ Bitcoin, chính phủ sẽ không mua thêm tài sản cho kho này.

“Chính phủ sẽ không chủ động mua thêm tài sản số nào ngoài những gì đã bị thu giữ”, Sacks nói. “Kho này được lập ra để quản lý tài sản kỹ thuật số của chính phủ một cách có trách nhiệm, dưới sự giám sát của Bộ Tài chính”.

Nhiều nhân vật trong ngành crypto tin sắc lệnh này là một bước ngoặt quan trọng. “Tổng thống Trump đã thổi luồng sinh khí mới vào ngành này,” Brian Armstrong – CEO Coinbase nhận định. Ông cho rằng việc “chính phủ Mỹ giờ đây là một holder, thậm chí có thể là người mua Bitcoin” sẽ khiến các quốc gia khác nghiêm túc đánh giá lại vai trò của Bitcoin.

Charlie Shrem – thành viên sáng lập của Bitcoin Foundation, gọi đây là một thay đổi mang tính lịch sử. “Chưa bao giờ tôi nghĩ một ngày nào đó, Tổng thống Mỹ lại lập ra một quỹ dự trữ Bitcoin”, ông nói.

charlie shrem bitcoin
Cộng đồng Bitcoin bất ngờ với sắc lệnh của Tổng thống Trump

Tonya Evans – Giáo sư luật tại Đại học Pennsylvania, nhận định rằng việc chính phủ Mỹ chính thức công nhận Bitcoin sẽ giúp giảm bớt tâm lý hoài nghi, thúc đẩy sự chấp nhận rộng rãi hơn của Bitcoin và có thể khiến các quốc gia khác làm theo.

Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis – một chính khách ủng hộ crypto, tin rằng Bitcoin có thể trở thành hàng rào chống lạm phát và bất ổn tài chính. Bà lập luận rằng Bitcoin – với nguồn cung cố định và không bị kiểm soát bởi ngân hàng trung ương, có thể là kho lưu trữ giá trị an toàn khi nền kinh tế suy thoái.

“Mục tiêu của quỹ dự trữ chiến lược là mua hoặc chuyển đổi tài sản hiện có thành Bitcoin, sau đó nắm giữ lâu dài”, Thượng nghị sĩ nói. “Như vậy, chúng ta có thể loại bỏ biến động ngắn hạn và xem đây như tài sản chiến lược dài hạn”.

Dù vậy, bà cũng thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm để giúp công chúng hiểu “vì sao chúng ta cần quỹ dự trữ này”. Trong năm 2024, Lummis có nhiều phát biểu ủng hộ quỹ dự trữ Bitcoin, trong đó bao gồm đề xuất chính phủ nên lưu trữ Bitcoin trong 20 năm, sau đó bán đi để trả một nửa số nợ công của Mỹ.

Đọc thêm: Chạy đua dự trữ BTC ở Mỹ: Nhu cầu giả do các tỷ phú crypto tạo ra?

advertising

Dùng tiền thuế dân Mỹ để mua Bitcoin?

Một trong những mối quan tâm lớn nhất là ai sẽ chi tiền cho quỹ dự trữ? Một số người lo ngại chính phủ có thể dùng tiền thuế để mua Bitcoin, mang lại lợi ích cho giới đầu tư crypto. “Nếu đánh thuế tôi để tài trợ các dự án crypto của chính phủ thì cũng không khác gì việc cánh tả đánh thuế để làm giàu cho họ. Cả hai đều sai”, Joe Lonsdale từ quỹ 8VC nói.

Charles Edwards – nhà sáng lập quỹ Capriole Investments, chỉ trích kế hoạch này ở khía cạnh khác. “Không có hoạt động mua vào nào, nghĩa là sắc lệnh này chỉ đang đặt một cái tên mới cho số Bitcoin mà chính phủ đã có. Đây chẳng qua chỉ là một chiêu trò quảng cáo”, ông nói.

Theo số liệu từ BiTBO, chính phủ Mỹ đang nắm giữ 207,189 Bitcoin, và con số này không thay đổi trong nhiều năm qua.

us bitcoin reserve
Số lượng Bitcoin do chính phủ Mỹ nắm giữ không đổi trong nhiều năm qua. Nguồn: BiTBO

Những người phản đối cũng nhấn mạnh rằng Bitcoin là tài sản biến động mạnh, khiến việc đầu tư Bitcoin bằng tài sản công trở thành rủi ro khó lường. “Chắc chắn sẽ có những cú sập lớn. Tại sao chính phủ lại muốn dính dáng đến một thứ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào?” Larry Harris – Giáo sư tại Trường Kinh doanh USC Marshall, cảnh báo.

Sắc lệnh này cũng gặp phải rủi ro bị các tổng thống kế nhiệm hủy bỏ dễ dàng. “Nếu những người ủng hộ Bitcoin thực sự muốn một quỹ dự trữ lâu dài, họ nên thúc đẩy Trump tìm kiếm sự phê duyệt từ Quốc hội thay vì chỉ dựa vào sắc lệnh tạm thời”, Nic Carter – đồng sáng lập Castle Island Ventures, nói.

Trump, sắc lệnh Bitcoin và lợi ích nhóm

Nhà báo Annie Lowrey của The Atlantic cho rằng sắc lệnh về Bitcoin có thể không phải là quyết định chiến lược, mà chỉ đơn giản là món quà dành tặng những người ủng hộ Trump. Trump và gia đình đang sở hữu lượng lớn meme coin – bao gồm TRUMP và MELANIA, với vốn hóa thị trường đáng kể.

Các token này được phát hành trên Solana – một trong những altcoin Trump đề xuất đưa vào quỹ dự trữ. Nhiều người nghi ngờ việc Trump nhắc đến SOL trong thông báo có thể là động thái "bơm giá" nhằm hưởng lợi từ danh mục đầu tư cá nhân.

Ngoài ra, World Liberty Financial – công ty crypto của gia đình Trump, đã mua hàng triệu USD Bitcoin và Ethereum chỉ vài giờ trước khi Trump nhậm chức, làm dấy lên nghi vấn giao dịch nội gián.

Bên cạnh đó, David Sacks – “crypto czar” của Trump, cũng trở thành tâm điểm của những cáo buộc lợi ích nhóm. Trước khi đảm nhận vai trò này, Sacks là nhà đầu tư lớn vào Bitwise – quỹ đầu tư crypto sở hữu nhiều token mà Trump đã chọn cho Kho tài sản số.

Dù Sacks khẳng định đã bán hết crypto trước khi nhậm chức, giới phân tích vẫn lo ngại mối quan hệ sâu rộng của ông với ngành có thể ảnh hưởng đến các chính sách mà ông tư vấn cho Trump.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã gửi thư yêu cầu làm rõ liệu chính quyền Trump có đang thúc đẩy các chính sách mang lại lợi ích trực tiếp cho tổng thống, các quan chức trong chính quyền và những nhà đầu tư giàu có hay không.

Một vấn đề khác là sự thiếu minh bạch trong quản lý quỹ dự trữ. Crypto có thể dễ dàng được chuyển đi và lưu trữ trong các ví không công khai, khiến việc giám sát trở nên khó khăn. Nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ thất thoát hoặc biển thủ tài sản là hoàn toàn có thể xảy ra.

Jesse Damiani – người điều hành kênh podcast Urgent Futures, lo ngại một quỹ dự trữ trị giá hàng tỷ USD được các chính khách quản lý mà không có sự giám sát nghiêm ngặt sẽ tạo cơ hội cho tham nhũng hoặc các giao dịch ngoài sổ sách.

Động thái của Trump cũng đang phá vỡ quy tắc truyền thống về đạo đức của các đời tổng thống Mỹ. Từ những năm 1970, hầu hết tổng thống đều cố gắng tránh xung đột tài chính cá nhân có thể tổn hại đến uy tín chính quyền.

Chẳng hạn, cựu Tổng thống Jimmy Carter từng đưa toàn bộ trang trại đậu phộng của gia đình vào quỹ ủy thác độc lập để đảm bảo các quyết sách của ông không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân. Trong khi đó, Trump không những không thực hiện các biện pháp bảo vệ tương tự, mà còn trực tiếp tham gia một thị trường đầy biến động như crypto.

Đọc thêm: Donald Trump và "Trò chơi vương quyền" trong crypto

RELEVANT SERIES