Đường MA là gì? Giao dịch hiệu quả với đường MA & EMA
Phân tích kỹ thuật là điều gần như bắt buộc cần biết nếu bạn muốn trade coin hay đầu tư tiền điện tử, việc sử dụng các chỉ báo kỹ thuật giúp chúng ta phân tích biểu đồ dễ hơn và có các quyết định trade tốt hơn.
Thị trường ngày càng trở nên phức tạp hơn, qua thời gian đã có thêm hàng trăm nghìn chỉ báo kỹ thuật khác nhau, nhưng đường trung bình động (MA) và đường trung bình động luỹ thừa (EMA) vẫn là một trong những chỉ báo tốt nhất và được sử dụng nhiều nhất.
Trong bài viết này, hãy cùng Coin98 tìm hiểu:
- Đường MA, SMA & EMA là gì?
- Ý nghĩa và Ưu nhược điểm của từng đường trung bình.
- Kinh nghiệm giao dịch với các đường MA, SMA & EMA.
Đường MA là gì?
MA (Moving Average - Đường trung bình động) là công cụ làm mượt giá theo thời gian, giúp thể hiện xu hướng của thị trường trên biểu đồ rõ ràng hơn. MA còn được gọi là đường trung bình trượt.
Trong giới trader có một câu nói bất hủ là “trend is your friend”, đại ý là giao dịch thuận theo xu hướng thị trường sẽ giúp bạn có tỷ lệ thành công cao hơn và hạn chế thua lỗ.
Trên biểu đồ các đường trung bình động được hiển thị như hình dưới đây.
Đường MA trên biểu đồ
SMA (Simple Moving Average - Đường trung bình động đơn giản) là phiên bản cơ bản nhất của đường trung bình động (MA). Thường SMA cũng được xem là đường MA.
Cách tính đường MA
Đường trung bình động được tính bằng cách cộng tổng giá đóng của của các phiên giao dịch rồi chia cho số phiên giao dịch.
Ví dụ: Đường trung bình động 10 chu kỳ (MA10) là cộng tổng giá đóng cửa của 10 phiên giao dịch (trên biểu đồ nến nhật thì chính là giá đóng cửa của 10 nến) rồi chia cho 10.
Công thức chung sẽ như sau:
Bạn yên tâm là bạn sẽ không cần phải thực hiện việc tính toán này, hầu hết các phần mềm biểu đồ hay TradingView đều đã thực hiện việc tính toán này rồi.
Một số đường MA phổ biến
- Đường MA ngắn hạn (nhanh): MA10, MA20.
- Đường MA trung hạn (chậm): MA50.
- Đường MA dài hạn (chậm): MA100, MA200, MA730.
Ý nghĩa của đường Moving Average
Xét theo chu kỳ:
- Đường MA chu kỳ càng ngắn hạn thì tốc độ càng nhanh, càng bám sát giá hiện tại.
- Đường MA chu kỳ càng dài hạn thì tốc độ càng chậm, càng chạy xa giá hiện tại.
Xét theo xu hướng:
- Khi thị trường có xu hướng tăng giá (uptrend), giá sẽ nằm trên các đường MA.
- Khi thị trường có xu hướng giảm giá (downtrend), giá sẽ nằm dưới các đường MA.
Các đường MA cũng đóng vai trò như các mức hỗ trợ và kháng cự động:
- Trong thị trường có xu hướng tăng giá (uptrend), giá thường điều chỉnh chạm lại các đường MA ngắn hạn rồi tiếp tục tăng giá.
- Trong thị trường có xu hướng giảm giá (downtrend), giá thường điều chỉnh chạm lại các đường MA ngắn hạn rồi tiếp tục giảm giá.
Các đường SMA
Hình trên là ví dụ về biểu đồ của Bitcoin trong xu hướng tăng mạnh, giá nhiều lần điều chỉnh trạm về các đường MA rồi tiếp tục xu hướng tăng. Khi tăng giá, đường MA với vai trò là hỗ trợ do đó sau khi điều chỉnh về mốc này thì giá tiếp tục tăng do tại đó, nhu cầu mua lớn hơn đẩy giá tiếp tục tăng.
Ưu nhược điểm của đường MA
Ưu điểm: MA loại bỏ các biến động nhiễu trong ngắn hạn nên cho độ tin cậy cao, phù hợp cho trade dài hạn, nếu trade trên khung thời gian lớn thì MA là công cụ hữu ích được nhiều trader lựa chọn.
Nhược điểm: Trong ngắn hạn thì MA lại phản ứng tín hiệu chậm và không nhạy với các biến động nhanh trọng khung thời gian nhỏ. Nhược điểm này sẽ ảnh hưởng không nhỏ nếu bạn là trader muốn giao dịch thì thường phải chờ rất lâu mới về entry và việc lướt sóng (scalping) thường khó áp dụng.
Đường EMA là gì?
EMA (Exponential Moving Average - Đường trung bình động luỹ thừa) hay còn được gọi là đường trung bình động hàm mũ.
EMA có phương trình tính toán phức tạp hơn so với SMA một chút vì:
- Gán nhiều trọng số vào các phiên giao dịch gần nhất.
- Bám sát các biến động giá mới nhất hơn so với SMA.
- Phản ứng nhanh hơn với các biến động bất thường và sự đào chiều.
Ý nghĩa của đường EMA
Xét theo chu kỳ:
- Đường EMA có chu kỳ càng ngắn hạn, thì tốc độ càng nhanh, càng bám sát giá hiện tại.
- Đường EMA có chu kỳ càng dài hạn, thì tốc độ càng chậm, càng chạy xa giá hiện tại.
Xét theo xu hướng:
- Khi thị trường có xu hướng tăng giá (uptrend), giá sẽ nằm trên các đường EMA.
- Khi thị trường có xu hướng giảm giá (downtrend), giá sẽ nằm dưới các đường EMA.
Các đường EMA cũng đóng vai trò như các mức hỗ trợ và kháng cự động.
- Trong thị trường có xu hướng tăng giá (uptrend), giá thường điều chỉnh chạm lại các đường EMA ngắn hạn rồi tiếp tục tăng giá.
- Trong thị trường có xu hướng giảm giá (downtrend), giá thường điều chỉnh chạm lại các đường EMA ngắn hạn rồi tiếp tục giảm giá.
Vẫn là biểu đồ Bitcoin trên, giá chạm vào các đường EMA nhiều lần hơn các đường SMA, nếu bạn trade ngắn hạn thì sẽ có nhiều cơ hội vào lệnh hơn trong ngày so với dùng SMA.
Một số đường EMA phổ biến
- Đường EMA ngắn hạn (nhanh): EMA 10, EMA 21.
- Đường EMA trung hạn (chậm): EMA 50.
- Đường EMA dài hạn (chậm): EMA 100, EMA 200.
Ưu nhược điểm của đường EMA
Ưu điểm: EMA bám sát biến động của thị trường hơn và dễ dàng phát hiện những tín hiệu bất thường, dự báo đảo chiều giá nhanh hơn SMA, EMA phù hợp cho trade trong ngắn hạn ở các khung thời gian nhỏ. Bạn có thể tận dụng chúng để giao dịch lướt sóng (Scalping) với đòn bẩy lớn.
Nhược điểm: vì quá nhạy đối khi đường EMA sẽ có thể đưa ra những tín hiệu nhiễu, đánh lừa trader và việc phòng tránh rủi ro duy nhất cho bạn chính là kỷ luật và có điểm Stoploss cụ thể.
Cách thêm đường trung bình động trên Trading View
Bước 1: Anh em vào chart của một đồng Crypto bất kỳ, bấm vào biểu tượng fx.
Bước 2: Tìm kiếm từ khóa “đường trung bình” sẽ cho ra 2 kết quả:
- Đường trung bình lũy thừa: EMA.
- Đường trung bình trượt: MA.
Tùy vào anh em muốn sử dụng cái nào thì có thể bấm chọn cái đó.
Bước 3: Sau khi đã gọi được các đường trung bình động ra chart, hệ thống sẽ mặc định là EMA 9 hoặc MA 9.
Lúc này, nếu anh em muốn sử dụng các đường có chiều dài khác 9, anh em trỏ chuột vào, bấm vào cài đặt.
Bước 4: Nhâp chiều dài mong muốn vào ô, sau đó bấm Ok là hoàn tất.
Ví dụ, nếu anh em muốn chọn theo dõi MA 20, thì bấm vào ô đó là 20.
Cách sử dụng đường Moving Average (MA) để giao dịch
Nên sử dụng EMA thay vì MA
Đường MA ra đời từ rất lâu trước EMA và chúng được sử dụng nhiều trong thị trường chứng khoán, tuy nhiên lại ít được áp dụng hơn EMA để giao dịch trong Crypto. Lý do đơn giản hơn hết là độ trễ của MA là khá lâu và để bắt kịp nhịp độ nhanh chóng của Crypto thường lâu hơn.
Tất nhiên bạn vẫn có thể áp dụng với việc mua spot bởi chúng không hề sai, còn nếu bạn trade margin có đòn bẩy thì mình nghĩ nên ưu tiên sử dụng EMA hơn.
3 chiến lược giao dịch với đường EMA
1. Giao dịch theo xu hướng
Chúng ta có thể giao dịch theo xu hướng với EMA bằng một số trường hợp như sau:
- Đường giá nằm trên EMA ở mỗi khung thời gian thì xác nhận cho xu hướng tăng đối với EMA đó trong khung thời gian đó. Chúng ta chỉ nên canh mua, không canh bán.
- Đường giá nằm dưới EMA ở từng khung thời gian thì xác nhận cho xu hướng giảm đối với EMA đó trong khung thời gian đó. Chúng ta chỉ nên canh bán mà không canh mua.
- Đường EMA đi ngang cắt qua lại đường giá thì xác nhận đường giá sideway, không có xu hướng rõ ràng đối với EMA đó trong khung thời gian đó. Chúng ta nên chờ tín hiệu xác nhận rõ ràng rồi mới giao dịch.
EMA với chỉ số càng nhỏ, thì càng bám sát đường giá và cũng càng dễ bị nhiễu. Do đó, dùng EMA càng nhỏ để xác định xu hướng thì càng không chính xác. Bạn nên sử dụng EMA 200 trên khung thời gian D1 để xác nhận xu hướng dài hạn của market. Và EMA là chỉ báo xác nhận xu hướng bởi độ trễ của nó đã khiến market chạy trước một khoảng thời gian.
2. EMA đóng vai trò Kháng cự - hỗ trợ động
Vì giá có xu hướng quay trở lại test các đường EMA và tại đó giá có sự phản ứng nhất định, vì vậy bạn có thể tiến hành giao dịch với chúng bằng cách:
- Đợi giá quay về EMA rồi tiến hành vào lệnh thuận xu hướng.
- Nếu giá phá vỡ EMA xác nhận xu hướng đảo chiều thì cũng nên chờ backtest lại rồi vào lệnh theo xu hướng.
3. Kết hợp với các chỉ báo khác
Đường trung bình động không phải chỉ báo phổ biến duy nhất. Trong giao dịch, vẫn có thể sử dụng các đường Trendline, Volume, RSI,… để xác nhận tín hiệu nhiều lần tránh việc bị nhiễu.
Như ở ví dụ hình dưới, anh em có thể thấy khi kẻ các đường Trendline thì C98 đang di chuyển trong 1 tam giác, và cũng đang dưới đường EMA 20. Do đó, nếu anh em đang có lệnh long với entry cạnh dưới, có thể chốt lời khi đến giao điểm cạnh trên và EMA 20, vì đây là nơi hội tụ giữa hai đường kháng cự.
Kết Luận
Dự đoán giá cả trong thị trường tài chính không phải là một việc đơn giản mà bạn có thể thành thục nâng cao tỉ lệ trong một vài ngày. Đường trung bình động là một công cụ giao dịch hiệu quả nếu bạn biết tận dụng chúng trong quá trình tạo ra hệ thống giao dịch của riêng mình.