Hành trình phát triển của NFT trong crypto
Vào năm 2021, một loại hình nghệ thuật và đầu tư mới xuất hiện trên thế giới: NFT Everydays: the First 5000 Days của nghệ sĩ Beeple được bán với mức giá kỷ lục 69 triệu USD. Tuy nhiên, khái niệm về NFT đã khởi nguồn từ các “colored coin” dựa trên Bitcoin vào khoảng năm 2012-2013.
Nhưng mãi cho đến năm 2017, với sự ra đời của blockchain Ethereum, NFT mới bắt đầu đạt được sự công nhận đáng kể. Ethereum đã khắc phục những hạn chế ở các blockchain trước trong việc lưu trữ NFT bằng cách cung cấp giải pháp đáng tin cậy để tạo, lưu trữ, lập trình và giao dịch NFT.
Từ đó đến nay, NFT đã trở nên thịnh hành trên nhiều blockchain khác và dần trở thành một phần quan trọng trong bức tranh crypto.
2012–2016 — Bước đầu phát triển của NFT: Từ colored coin đến sự xuất hiện của Rare Pepes và Spells of Genesis
Rất lâu trước khi Ethereum tồn tại, ý tưởng cốt lõi cho sự phát triển của NFT đã xuất hiện trong bài báo của Meni Rosenfield vào năm 2012, giới thiệu khái niệm “colored coin” cho blockchain Bitcoin.
Colored coin mô tả một nhóm các phương pháp thể hiện và quản lý tài sản trong thế giới thực trên blockchain để chứng minh quyền sở hữu đối với những tài sản này. Chúng tương tự Bitcoin thông thường, nhưng có thêm yếu tố “token” xác định mục đích sử dụng, khiến chúng mang tính tách biệt và duy nhất.
Nhưng những hạn chế của mạng Bitcoin đồng nghĩa với việc ý tưởng về các colored coin này không bao giờ có thể trở thành sự thực. Tuy nhiên nó đã đặt nền móng cho các thử nghiệm dẫn đến sự ra đời của NFT.
Tìm hiểu: NFT là gì? Liệu NFT có phải là 1 kênh đầu tư tiềm năng?
Vào ngày 3/5/2014, nghệ sĩ kỹ thuật số Kevin McCoy đã tạo ra NFT đầu tiên “Quantum” trên blockchain Namecoin - một hình ảnh kỹ thuật số dạng bát giác. Theo sau đó, các nền tảng đầu tiên bắt đầu được xây dựng trên mạng Bitcoin, đi kèm rất nhiều thử nghiệm và phát triển.
Counterparty (Bitcoin 2.0) ra đời và xác lập vị thế như một nền tảng cho phép tạo tài sản kỹ thuật số. Spells of Genesis theo sát gót Counterparty và bắt đầu đi tiên phong trong việc phát hành tài sản trong game. Năm 2016 báo hiệu kỷ nguyên của meme và chứng kiến sự ra mắt của một loạt Rare Pepes NFT trên nền tảng Counterparty.
Tuy nhiên, mạng Bitcoin chưa bao giờ được dự định dùng làm cơ sở dữ liệu cho các token đại diện quyền sở hữu tài sản, do đó NFT bắt đầu cuộc “di cư” mạnh mẽ sang Ethereum.
Đọc thêm: Gen Z với NFT: Đồng sáng tạo, danh tính kỹ thuật số và cảm giác thuộc về.
2017-2020 — Sự trỗi dậy của NFT trong game và metaverse: Từ CryptoPunks đến Axie Infinity
Cuộc “di cư” của NFT sang Ethereum được hậu thuẫn với sự xuất hiện của một bộ tiêu chuẩn token cho phép các nhà phát triển tạo ra token mới.
Tiếp nối thành công của Rare Pepes, hai nhà phát triển phần mềm John Watkinson và Matt Hall đã tạo ra một loạt NFT miễn phí trên Ethereum gọi là CryptoPunks. Bộ sưu tập gồm 10,000 nhân vật khác nhau được lấy cảm hứng từ văn hóa punk ở London và phong trào cyberpunk. CryptoPunks đạt được thành công lớn và trở thành nền tảng của nhiều dự án NFT khác, bao gồm một trong những bộ sưu tập NFT lớn nhất là Bored Ape Yacht Club.
Tiếp đó, trong cuộc thi hackathon ETHWaterloo vào tháng 10/2017, studio Axiom Zen có trụ sở tại Vancouver đã giới thiệu CryptoKitties. Đây là game xây dựng trên Ethereum cho phép người chơi mua, bán và tạo NFT đại diện cho những chú mèo ảo với đặc điểm mình mong muốn.
Không lâu sau khi ra mắt, trò chơi trở nên phổ biến đến mức làm tắc nghẽn mạng Ethereum. Sau thành công của CryptoKitties, NFT gaming ngày càng thu hút được nhiều chú ý của cộng đồng.
Với sự kết hợp giữa NFT gaming và metaverse, dự án Decentraland (MANA) trở thành tâm điểm chú ý mới. Đây là một nền tảng gaming thế giới ảo cho phép người chơi khám phá, chơi game, xây dựng, thu thập vật phẩm,... Và người chơi sở hữu tất cả những thứ này trên blockchain.
Vào tháng 10/2018, Axie Infinity (AXS), một trò chơi chiến đấu dựa trên NFT, tiên phong ra mắt trên Ethereum. Axie đã khởi đầu làn sóng play-to-earn, cho phép người chơi kiếm phần thưởng trong khi chơi game.
2021 — Vươn ra ngoài Ethereum: Năm của NFT
Năm 2021 chứng kiến sự gia tăng đột biến về cung và cầu NFT. Theo công ty dữ liệu NFT NonFungible.com, giao dịch NFT đã tăng khoảng 21,000% lên tới 17 tỷ USD trong năm này.
Việc sử dụng NFT trong thị trường nghệ thuật là yếu tố chính thúc đẩy sự gia tăng. Sự xuất hiện của nghệ thuật kỹ thuật số đã cung cấp cho các nghệ sĩ một địa điểm mới để thể hiện khả năng sáng tạo, cũng như lưu trữ và xác minh tác phẩm của mình. Nhờ những lợi thế này, nghệ thuật kỹ thuật số đã tạo được sức hút và giúp thúc đẩy làn sóng NFT.
Đây là thời điểm các trung tâm đấu giá nổi tiếng như Christie’s và Sotheby’s chuyển sang đấu giá trực tuyến. Những cuộc đấu giá bao gồm các tác phẩm nghệ thuật này đã thúc đẩy sự phổ biến của NFT. Chính tại Christie's, NFT “Everydays: the First 5000 Days” của Beeple đã lập kỷ lục với số tiền bán ra 69 triệu USD.
Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của các blockchain không phải Ethereum và những người đam mê blockchain đến với NFT. Được thúc đẩy bởi cơn sốt NFT, các blockchain như Cardano, Solana, Flow và Tezos bắt đầu gia nhập cuộc chơi NFT.
Vào tháng 9/2021, các hợp đồng thông minh khởi chạy trên Cardano, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các ứng dụng NFT trên nền tảng. Nhiều blockchain khác cũng tạo ra một số tiêu chuẩn mới để thiết lập tính xác thực của các tài sản NFT.
Một sự kiện quan trọng khác trong năm là Facebook đổi tên thương hiệu thành Meta và bước vào không gian metaverse. NFT luôn là một phần không thể thiếu của metaverse, do đó nhu cầu về NFT tăng vọt.
2022-2023 — Hồi sinh: Thị trường NFT phục hồi và sự xuất hiện của NFT trên mạng Bitcoin
Trong phần lớn năm 2022, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực NFT chững lại. Các yếu tố kinh tế vĩ mô đã làm giảm sự nhiệt tình trên thị trường NFT, thậm chí metaverse cũng không còn là chủ đề bàn tán sôi nổi. Trong năm này, bộ phận metaverse của Mark Zuckerberg lỗ 13.72 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong năm 2023 NFT có một khởi đầu mới với sự xuất hiện của Ordinals. Ra mắt vào tháng 1/2023, Ordinals khai thác bản nâng cấp Bitcoin Taproot năm 2021, cho phép phát hành NFT trên mạng Bitcoin. Đến tháng 2/2023, Yuga Labs, nhà phát hành NFT hàng đầu thế giới, công bố triển khai bộ sưu tập NFT mới“TwelveFold” trên mạng Bitcoin.
Đọc thêm: Bitcoin NFT là gì? Cơ chế hoạt động của Bitcoin Ordinals.
Theo dữ liệu từ DappRadar, thị trường NFT đạt tổng khối lượng giao dịch 2 tỷ USD trong tháng 2/2023, tăng 117% so với tháng trước. Động lực được duy trì đến tháng 3, với dữ liệu cho thấy mức giảm nhẹ xuống dưới 2 tỷ USD. BCC Research dự kiến giá trị thị trường của lĩnh vực NFT sẽ đạt 125.60 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 27.7% (2022–2027).
2024 — Điều gì chờ NFT phía trước?
Việc Bitcoin đạt ATH 73,000 USD vào tháng 3/2024 đã tạo tác động lan tỏa đến thị trường NFT. Giá trị crypto cao đồng nghĩa những người đam mê crypto có sức mua cao hơn, và nhiều người trong số này mong muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng các tài sản kỹ thuật số như NFT. Sự hồi sinh này được thể hiện rõ ràng trong các cuộc đấu giá NFT nổi bật gần đây của Christie’s, Sotheby’ và MoMA.
Đến hiện tại, thị trường NFT nhìn chung đã trưởng thành hơn và có nhiều khán giả sành điệu sẵn sàng đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số chất lượng cao. Công nghệ đằng sau NFT cũng đã được cải tiến, khiến chúng an toàn và dễ giao dịch hơn. Có thể nói, sân khấu đã được dọn sẵn cho sự quay trở lại của NFT.