Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

"Bắt mạch" dự án Layer 1 thành công: Lời khuyên từ chuyên gia

Đường đua Layer 1 chưa bao giờ hạ nhiệt với hàng loạt dự án cạnh tranh khốc liệt để giành vị thế đầu bảng. Đâu là công thức thành công?
nghianq
Published a day ago
10 min read
layer 1 thành công

Đường đua Layer 1 chưa bao giờ hết nóng

Trong crypto, blockchain Layer 1 (L1) đóng vai trò nền móng then chốt cho toàn bộ hệ sinh thái. Chúng đảm nhiệm việc bảo mật, với cơ chế đồng thuận và xử lý giao dịch, tạo môi trường hoạt động cho các ứng dụng phi tập trung (dApp) và tài sản kỹ thuật số

Được ví như “hệ điều hành” của thế giới blockchain, L1 cung cấp nền tảng cơ sở để các nhà phát triển sáng tạo và triển khai ứng dụng đột phá.

Tuy nhiên, xây dựng dự án blockchain L1 thành công không dễ. Thị trường L1 ngày càng chứng kiến cạnh tranh khốc liệt từ vô số dự án mới, với mục tiêu chiếm lĩnh thị phần, thu hút người dùng, nhà phát triển và dòng vốn đầu tư.

Bất chấp cạnh tranh gay gắt, một số dự án L1 vẫn nổi lên. Berachain và Monad là hai ví dụ điển hình khi trong năm 2024 đã gọi vốn thành công với những con số ấn tượng.

Berachain, với cơ chế đồng thuận Proof-of-Liquidity, huy động được 100 triệu USD vòng gọi vốn Series B. Trong khi đó, Monad - dự án tập trung vào khả năng mở rộng cho Máy ảo Ethereum (EVM), huy động được 225 triệu USD.

Thành công của Berachain và Monad không chỉ cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường L1 mà còn khẳng định nhà đầu tư vẫn sẵn sàng rót vốn cho dự án chất lượng.

advertising

Hành trình phát triển Layer 1 trong crypto

Để hiểu rõ hơn con đường dẫn đến thành công trong thị trường L1, hãy cùng nhìn lại hành trình phát triển của các dự án blockchain qua từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, từ 2009 đến 2016, được xem là thời kỳ khai phá, đặt nền móng cho công nghệ blockchain.

Những cái tên như Namecoin, Litecoin, Ripple, Monero, và đặc biệt là Ethereum, xuất hiện với mục tiêu mở rộng những gì Bitcoin đã làm được. Sự thành công của Ethereum, với khả năng hỗ trợ hợp đồng thông minh và dApp, mở ra thời kỳ mới, tạo đà bùng nổ cho ngành công nghiệp blockchain.

Từ 2017 đến 2019, cơn sốt ICO (Initial Coin Offering) càn quét thị trường, thu hút đông đảo nhà đầu tư cá nhân. Các dự án như EOS và Tezos huy động được hàng tỷ USD thông qua ICO, cho thấy tiềm năng huy động vốn khổng lồ từ cộng đồng.

Tuy nhiên, giai đoạn này cũng chứng kiến sự xuất hiện của không ít dự án “treo đầu dê bán thịt chó” - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc DYOR (Do Your Own Research - Tự nghiên cứu) và sự cần thiết của một hành lang pháp lý rõ ràng hơn.

Giai đoạn 2020-2022 đánh dấu sự chuyển mình sang giai đoạn phát triển kinh doanh sau khi ra mắt dự án. Các dự án như SolanaPolygon chủ động xây dựng quan hệ đối tác với nhà phát triển và tổ chức, tập trung phát triển hệ sinh thái dApp và thu hút người dùng sau mainnet.

Solana, với tốc độ xử lý giao dịch nhanh và chi phí gần như bằng 0, nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhiều dự án DeFi và NFT, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng bùng nổ của hệ sinh thái.

TVL Solana tăng 10 lần
TVL trên Solana tăng 10 lần trong 2 tháng năm 2021. Nguồn: Solanians

Với cách tiếp cận của Solana và Polygon, “các blockchain mới cố gắng chạy đua theo mác 'phi tập trung tối đa' đã nhanh chóng bị bỏ lại phía sau, ngay cả khi sở hữu công nghệ được cho là vượt trội”, Viktor Bunin - chuyên gia về giao thức tại Coinbase Cloud nói.

Gần đây nhất, từ 2023 đến 2024, một xu hướng mới hình thành: phát triển kinh doanh ngay từ giai đoạn đầu, trước cả khi mainnet. Các dự án như Base và Celestia tập trung xây dựng cộng đồng và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trước khi chính thức ra mắt mạng lưới.

Đơn cử như Base do Coinbase “chống lưng”, nhận được quan tâm đặc biệt từ cộng đồng ngay từ những ngày đầu, cho thấy sức mạnh của hợp tác chiến lược.

Bí quyết xây dựng Layer 1 thành công

Viktor Bunin chia sẻ về biến chuyển của thị trường L1 và dự đoán những yếu tố quyết định thành bại của một dự án L1 mới.

Đầu tiên, dự án L1 phải “bắt tay” với “Kingmaker” - những ông lớn có khả năng tạo uy tín, xây dựng hệ sinh thái, thu hút người dùng, triển khai marketing và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác.

Ethereum có ConsenSys, Solana có FTX (trước đây), BNB Chain có Binance, và Optimism Superchain có Coinbase thông qua Base. Việc có  sự đồng hành của một “Kingmaker” đòi hỏi nỗ lực không nhỏ, nhưng lợi ích mang lại vô cùng lớn, giúp dự án có bệ phóng vững chắc.

Thứ hai, dự án cần xây dựng giải pháp độc đáo, khác biệt. Chẳng ai muốn sử dụng một blockchain chỉ để truy cập những dApp đã nhan nhản trên các blockchain khác. Sự khác biệt chính là “nam châm” thu hút người dùng và nhà phát triển.

“Bạn cần làm điều khó, thuyết phục nhà phát triển tạo ra các giải pháp độc đáo, thực sự khác biệt để thu hút người dùng", Bunin nhấn mạnh. Polymarket trên Polygon, Pump.fun trên Solana, và Friendtech trên Base là những ví dụ điển hình cho thấy sức mạnh của tính độc đáo.

Thứ ba, nguồn cung token lớn và định giá (FDV) thấp là chìa khóa. Thị trường đã chứng minh token có nguồn cung thấp và định giá cao đang trải qua giai đoạn khó khăn, như trường hợp của Starknet và nhiều dự án khác.

Để dự án đạt mức định giá hợp lý khi ra mắt, Bunin đề xuất các phương án như ICO công khai, bán token riêng tư qua Echo, airdrop quy mô lớn chia thành nhiều đợt, và hạn chế đội ngũ phát triển staking hoặc bán phần thưởng staking.

Thứ tư, “nạp tiền trước” (pre-deposit) đang trở thành xu hướng. Được Blast khởi xướng và Berachain tiếp nối, mô hình này cho phép dự án thu hút người dùng và dApp từ rất sớm, thậm chí trước cả khi blockchain chính thức hoạt động.

Pre-deposit TVL Berachain

“Nó giống như việc mở cửa hàng với hàng hóa đã được bày biện sẵn trên kệ, thay vì loay hoay tìm nguồn hàng sau khi đã khai trương”,  Bunin ví von.

Thứ năm, dự án cần nhắm đúng tệp người dùng mục tiêu. Airdrop ồ ạt, “rải thảm” không còn hiệu quả như trước. Các dự án cần tập trung phân phối token một cách chọn lọc, nhắm đến đúng đối tượng. Bunin gợi ý sử dụng các công cụ như Layer3, Coinbase Attestations, Agora Airdrop để lọc và nhắm mục tiêu người dùng hiệu quả hơn.

Thứ sáu, dự án L1 nên tương thích với EVM (Ethereum Virtual Machine). EVM đã trở thành tiêu chuẩn “quốc dân” trong giới blockchain. Hỗ trợ EVM giúp các dự án L1 mới dễ dàng thu hút nhà phát triển và dApp từ Ethereum, từ đó tăng tốc độ phát triển hệ sinh thái.

Thứ bảy, dự án nên phi tập trung từ từ. Phi tập trung là yếu tố quan trọng, nhưng không phải tất cả. Bunin cho rằng các dự án có thể tạm hoãn quá trình phi tập trung để tập trung nguồn lực xây dựng sản phẩm, thu hút người dùng và phát triển hệ sinh thái trước.

Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, các dự án L1 cần tập trung xây dựng kênh phân phối hiệu quả, bao gồm hợp tác với sàn giao dịch, ví crypto và nền tảng khác. Đây là chìa khóa thu hút người dùng, nhà phát triển và dòng vốn đầu tư.

Chiến lược lọt vào "mắt xanh” VC

Jonathan Yong, chuyên gia phân tích tài chính tại Crypto.com và Aspire, chia sẻ góc nhìn về tâm lý thị trường và những yếu tố mà các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) quan tâm khi rót vốn vào các dự án blockchain giai đoạn đầu.

Trong giai đoạn uptrend 2021, các quỹ đầu tư rót vốn theo dạng “spray and pray” - rải tiền và cầu nguyện. Việc chốt “deal” cũng diễn ra chỉ trong 1 tuần.

Tuy nhiên, đến giai đoạn downtrend cuối năm 2022, định giá huy động vốn của các dự án đã giảm tới 70% so với cùng kỳ 2021, do các VC ngày càng thận trọng hơn, thậm chí một số còn tạm dừng hoạt động đầu tư. “Có những dự án phải chờ tới một tuần mới nhận được email phản hồi, trong khi một VC chia sẻ với tôi rằng việc định giá quá cao khiến họ không muốn đầu tư nữa”, Yong cho biết.

Điều này cho thấy sự thay đổi nhanh chóng trong khẩu vị của các quỹ đầu tư, và dự án cần đưa ra định giá hợp lý tuỳ vào từng giai đoạn của thị trường.

Các VC cũng thường ưu tiên rót vốn vào những lĩnh vực mà họ tin sẽ bùng nổ trong tương lai. Theo Yong, “hầu hết VC đều tìm kiếm các dự án cơ sở hạ tầng để đầu tư”.

“Thị trường crypto giống như cơn sốt vàng ở California thế kỷ 19 - mọi người đổ xô tìm vàng, nhưng người thắng lớn nhất lại là những bên bán xẻng", ông nói.

Ngoài ra, đội ngũ sáng lập luôn là một trong những yếu tố then chốt nhất. Kinh nghiệm và thành tích là hai tiêu chí hàng đầu. Tuy nhiên, Yong nhấn mạnh tầm quan trọng của những yếu tố “vô hình” như trách nhiệm, minh bạch và khả năng học hỏi.

image
Bài toán cuối cùng là tokenomics hiệu quả. Ảnh: Coinbase

Cụ thể, minh bạch về tài chính và giao tiếp thường xuyên với nhà đầu tư là yếu tố thiết yếu để xây dựng lòng tin. Yong khuyên dự án nên công khai thông tin về việc phân bổ quỹ, chi phí hoạt động và lương của đội ngũ sáng lập. Thường xuyên cập nhật tiến độ dự án và giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư cũng rất cần thiết.

Bài toán cuối cùng là tokenomics hiệu quả. Yong nhận định các mô hình tokenomics hiện tại thường gặp các vấn đề như lạm phát cao, thiếu cơ chế chia sẻ doanh thu và tích lũy giá trị, cũng như nặng tính đầu cơ.

Ông dự đoán trong tương lai, những mô hình tập trung vào tích lũy giá trị, chia sẻ doanh thu cho token holder và ứng dụng thực tế sẽ ngày càng phổ biến.

Đọc thêm: Layer 1 trong Blockchain là gì? Cơ sở phát triển trong thị trường crypto

RELEVANT SERIES