Magma: Dự án Liquid Staking kết hợp DAO trên Monad
Magma là gì?
Magma là dự án liquid staking trên mạng lưới Monad. Mục tiêu của Magma là hỗ trợ người dùng sử dụng token MONAD staking để gia tăng bảo mật mạng lưới, đồng thời cũng có token để tham gia DeFi tại hệ sinh thái Monad.
Hiện tại, mạng lưới Monad vẫn trong giai đoạn testnet, nên Magma vẫn chưa có sản phẩm chính thức cho người dùng sử dụng.
Mô hình hoạt động của Magma
Tương tự như các dự án liquid staking thông thường, Magma cung cấp giải pháp cho phép người dùng sử dụng token MONAD để stake vào nền tảng và nhận về liquid staking token của Magma - gMONAD. Sau khi tiếp nhận tài sản stake, nền tảng sẽ thực hiện restake trên các validator của mạng lưới Monad. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động của các validator sẽ được phân bổ lại cho các cá nhân đã tham gia stake trên Magma.
Ngoài ra, khi unstake, người dùng cũng cần phải đợi một khoảng thời gian để Magma trả lại tài sản.
Nhìn chung, mô hình liquid staking của Magma chưa có nhiều điểm nổi trội so với những đối thủ khác. Tuy nhiên, đội ngũ Magma cũng đã tích hợp hai loại hình đi kèm với liquid staking, bao gồm DAO và Distributed Validator.
Trong đó, DAO là mô hình cho phép những nắm giữ token của Magma tham gia quản trị và biểu quyết các dự định tương lai của nền tảng. Những dự định này có thể bao gồm việc hợp tác giữa Magma và những dự án khác, node tham gia hệ sinh thái Magma, hình thức chia lợi nhuận cho người stake…
Đối với công nghệ Distributed Validator của Magma, mô hình bao gồm những validator của Magma và được thiết kế để chia sẻ quyền kiểm soát và duy trình tính bảo mật của Monad, qua đó gia tăng mức độ an toàn và hiệu quả trong staking.
Quá trình vận hành bắt đầu với việc phân phối private key của validator thành các phần nhỏ, gọi là Key Shares thông qua kỹ thuật MPC (Multi Party Computation). Mỗi Key Share được phân phối ngẫu nhiên cho các validator trong mạng lưới, đảm bảo không một thực thể nào có thể kiểm soát toàn bộ hệ thống. Khi một validator cần ký xác nhận giao dịch, các thành viên trong mạng lưới phải phối hợp và đạt đồng thuận tối thiểu 2/3 để thực hiện.
Mô hình này mang lại nhiều lợi ích, bao gồm giảm thiểu nguy cơ bị mất private key của validator hoặc bị slashing (phạt) bởi mạng lưới. Bởi nếu một số validator không hoạt động, validator của Magma vẫn duy trì tính khả dụng. Ngoài ra, khi một validator rời khỏi mạng hoặc có hành vi độc hại, Key Shares của họ có thể bị thu hồi hoặc bị loại bỏ thông qua biểu quyết từ các validator khác.
Đọc thêm: Cách hoạt động của DVT (Distributed Validator Technology).
Roadmap và cập nhật của Magma
Dưới đây là các dự định tương lai của đội ngũ Magma:
Phase 1:
- Ra mắt tính năng DAO, Liquid Staking mô hình uỷ thác cho những validator của Monad.
- Ra mắt Magma Point.
Phase 2:
- Thử nghiệm mô hình Liquid Staking Distributed Validator.
- Hoàn thiện công nghệ Distributed Validator.
Đội ngũ, nhà đầu tư và đối tác của Magma
Đội ngũ dự án
Hiện tại, đội ngũ đằng sau Magma vẫn trong tình trạng ẩn danh. Bài viết sẽ cập nhật ngay khi có thông tin mới nhất.
Nhà đầu tư và đối tác
Ngày 30/10/2024, Magma huy động thành công 3.9 triệu USD vòng Seed. Vòng gọi vốn này còn có sự tham gia của những quỹ lớn như Animoca Brands, CMS Holdings, IVC Ventures…
Các đối tác chiến lược của Magma đa phần đều đến từ những dự án trong hệ sinh thái Monad như Chorus One, Staking 4 All…
Một số dự án tương tự
- aPriori: Dự án liquid staking trên Monad với mục đích xây dựng cấu trúc mới về liquid staking và MEV (Miner Extractable Value), để hỗ trợ Monad tăng tính phi tập trung, tốc độ giao dịch và giảm phí gas.
- Kintsu: Dự án liquid staking trên mạng lưới Monad. Trước đây, Kintsu đã có mặt trên Aleph Zero. Nhưng đội ngũ dự án đã quyết định rời bỏ Aleph Zero và tập trung phát triển nền tảng trên Monad, kể cả khi mạng lưới chưa ra mắt testnet.