Phân tích On-chain Bitcoin (BTC) #12 - BTC sẽ đi về đâu?
Chắc hẳn vừa qua là một tuần rất nhiều cảm xúc với việc BTC rơi khỏi mốc $50,000. Thậm chí có thời điểm dưới tác động của tình trạng Flashcrash, giá của BTC còn rơi xuống $42,000. Điều này lại dấy lên những nghi vấn về việc mùa tăng trưởng sẽ kết thúc tại đây.
Do đó trong bài viết này, mình sẽ cùng anh em phân tích và dự phóng về giá cả của BTC trong thời gian sắp tới dựa trên dữ liệu On-chain.
Dữ liệu trên các sàn giao dịch
Xu hướng giảm của số lượng BTC trên sàn giao dịch đã dừng lại khi trong ngày 01 và 02 tháng 12, chúng ta đã chứng kiến một số lượng khá lớn BTC được nạp lên sàn.
Cụ thể, số lượng BTC được nạp lên sàn trong 2 ngày hôm đó đã tăng lên +1.4%, lượng BTC nạp lên sàn này có thể là lý do chính tạo ra áp lực bán khiến tình trạng Flashcrash xảy ra. Điều này đã được mình lưu ý đối với anh em trong số phân tích On-chain BTC #06 khi dựa trên dữ liệu lịch sử thì mức tăng trên 1.2% của lượng BTC trên sàn giao dịch sẽ khiến giá cả điều chỉnh.
Tuy nhiên sau đó chúng ta đã lại chứng kiến có một số lượng BTC nhất định được rút ra khỏi sàn. Do đó, nhìn chung xu hướng của số lượng BTC trên sàn giao dịch hiện nay vẫn là đi ngang.
Tuy nhiên, khi đối chiếu dữ liệu này với lần điều chỉnh vào hồi tháng 05/2021 sẽ có một vài điểm anh em cần lưu ý như sau:
Như anh em thấy ở bên trên, trước khi giảm giá mạnh, xu hướng BTC trên sàn giao dịch cũng đi ngang.
Tuy nhiên trong tháng 05/2021, khi mức BTC trên sàn có sự tăng mạnh phá vỡ xu hướng đi ngang, giá cả vẫn tiếp tục hồi phục và đi ngang sau đó mới giảm mạnh.
⇒ Do đó nếu căn cứ theo dữ liệu này thì nếu giá cả giảm mạnh trong tương lai thì có thể trước đó sẽ có một đợt hồi phục trước khi xu hướng giảm thật sự được thiết lập.
Dữ liệu từ thị trường phái sinh
Sau tình trạng Flashcrash, khối lượng Open Interest trên thị trường phái sinh đã sụt giảm rõ rệt.
Cụ thể, khối lượng Open Interest đã giảm tới $4.2B. Trong bối cảnh Open Interest hạ nhiệt như hiện tại thì có thể trong tương lai rủi ro thị trường biến động mạnh do tác động của thị trường phái sinh sẽ giảm bớt.
Xét về chỉ số Funding rate, anh em có thể thấy tình trạng bearish đang diễn ra.
Funding rate hiện tại đã ở mức âm và đã chạm gần xuống mức đáy được thiết lập trong tháng 05/2021.
Nhưng do Open Interest hiện tại đã giảm khá nhiều nên mình nghĩ rằng các Trader Short sẽ không gây áp lực quá lớn lên giá. Và nếu dựa trên dữ liệu lịch sử thì có thể trong giai đoạn tới giá cả sẽ đi ngang.
Động thái của các Holders trên thị trường
Coin Day Destroyed (CDD)
Thông tin chi tiết về chỉ số CCD anh em có thể tìm hiểu tại đây.
Mật độ CDD mỏng dần trong thời gian gần đây, nhưng nếu anh em để ý trong thời gian trước đó khi giá BTC ở trên mức $60,000 thì CDD khá dày, chứng tỏ các Long term holders hoặc các Whale đã di chuyển (có thể bán) BTC của mình tại các vùng giá trên.
Nếu anh em theo dõi số phân tích On-chain trước đó của mình thì cũng đã biết rằng, các Whale và các Long term holders đã xả BTC rất nhiều BTC từ hồi tháng 3 - 5/2021. Do đó hiện tại nhiều khả năng mức giá mua của họ đã tăng lên khá nhiều ⇒ Áp lực xả sẽ giảm bớt và quá trình tích luỹ trở lại được bắt đầu.
Exchange Whale Ratio
Có một điểm mình thấy rằng khá đáng chú ý đối với chỉ số Whale Ratio như sau.
Như mình đã đề cập ở bên trên, trong ngày 01 và 02 tháng 12, số lượng BTC được nạp lên sàn khá nhiều nhưng Whale Ratio lại giảm ⇒ Lực bán khiến giá cả giảm mạnh có khả năng cao đến từ những nhà đầu tư nhỏ.
Trước đó, chỉ số Whale Ratio cũng không quá cao cộng thêm với trước đó chúng ta cũng không thấy BTC được nạp ròng lên trên sàn nhiều.
⇒ Từ các dữ liệu này có thể suy ra được rằng lực bán đến từ các Long term holders hoặc các Whale với entry thấp hiện tại đã không còn nhiều.
SOPR
Mình đã giải thích về chỉ số này trong bài phân tích On-chain BTC #07, anh em có thể tìm đọc lại trong trường hợp chưa rõ về cách tính toán cũng như sử dụng.
Tiếp tục với xu hướng của tuần trước đó, LTH SOPR tiếp tục có xu hướng giảm, điều này có nghĩa là:
- Các Long term holders đang ghi nhận mức lãi thấp hơn.
- Mức giá vốn bình quân BTC của các Long term holders trên thị trường hiện tại đã cao hơn khá nhiều so với trước đó.
Cộng thêm với việc thường các Long term holders sẽ nắm giữ với khối lượng rất lớn ⇒ Bán đi sẽ tạo hiệu ứng rất tiêu cực cho thị trường khiến họ không thể chốt hết được vị thế của mình do vấn đề về thanh khoản.
Đối với chỉ số STH SOPR, hiện tại các Short term holders tiếp tục ghi nhận lỗ và có dấu hiệu đầu hàng.
Bằng chứng nằm ở việc chỉ số này tiếp tục giảm ⇒ Một dấu hiệu cho thấy sự hoảng loạn và sợ hãi đang diễn ra đối với những người nắm giữ ngắn hạn.
⇒ Lực bán vừa qua đến từ cả những Long term holders và Short term holders nhưng phần nhiều sẽ đến từ các STH.
Kết hợp với các dữ liệu bên trên mình có thể đưa ra một vài suy luận như sau:
- Các Whale đã chốt lời khá nhiều khi thị trường ở chiều đi lên đến mốc trên $60,000 với nhiều thanh khoản.
- Hiện tại lực bán sẽ đến nhiều từ STH, các Whale và LTH hiện tại khá khó để chốt do vấn đề về thanh khoản.
- Tuy nhiên hiện tại các động lực để tăng giá là không còn nhiều khi các tin tức tích cực như câu chuyện về lạm phát, Bitcoin ETF, Mass Adoption,... không còn quá hấp dẫn để thúc đẩy nhu cầu.
Biến động số dư của Top Holders
Về dữ liệu của các Top holders thì anh em có thể theo dõi tại đây. Trong phần này mình sẽ tiếp tục Tracking ví cá voi quen thuộc của chúng ta với địa chỉ 1P5ZEDWTKTFGxQjZphgWPQUpe554WKDfHQ.
Sau các động thái chuyển BTC vào ví tại mức giá $54,000 - $57,000 trong số cập nhật phân tích On-chain của mình trước đó, cá voi này không có động thái thu gom thêm ở mức giá dưới $50,000.
Ngoài ra, cá voi này cũng đã không bán BTC trong khoảng thời gian gần 1 tháng trở lại đây.
Động thái đến từ các nhà đầu tư trên thị trường tài chính truyền thống
Số liệu được cập nhật đến ngày 29/11/2021 cho thấy tiếp tục là một tuần các nhà đầu tư đổ thêm vốn của mình vào thị trường Crypto.
Cụ thể, khoảng $305.6M đã được đổ vào thị trường, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Một dấu hiệu tích cực cho thị trường.
BTC và ETH vẫn tiếp tục là tài sản được rót vốn chủ yếu trong tuần qua, ngoài ra SOL và DOT cũng thu hút được rất nhiều sự chú ý.
Nhìn chung, thị trường Crypto hiện nay rất khác so với 2017 - 2018 về cơ cấu các Player trên thị trường. Với sự tham gia của nhiều “tay chơi" lớn, thị trường Crypto sẽ có những nền tảng vững chắc để tăng trưởng. Giá cả theo đó cũng sẽ có mức biến động ít hơn trong tương lai.
Tổng kết
Như vậy sau khi phân tích các dữ liệu On-chain về BTC mình có thể đưa ra cho anh em một số kết luận như sau:
- Dựa trên dữ liệu BTC trên sàn giao dịch thì hiện tại tình hình BTC khá đáng lưu ý và cần phải theo dõi khá sát sao để tránh trường hợp dump mạnh như hồi tháng 05/2021.
- Thị trường phái sinh đã hạ nhiệt do đó nhiều khả năng trong tương lai giá cả sẽ bớt biến động hơn. Hơn nữa, các Trader hiện tại đang khá bearish tuy nhiên Funding rate đã chạm đáy => Dựa trên dữ liệu lịch sử thì BTC có thể sẽ đi vào xu hướng đi ngang tích luỹ.
- Khi phân tích động thái của các Holders trên thị trường thì điểm đáng chú ý nhất là hiện tại các Whale lớn với entry thấp đang khó có thể chốt lời do vấn đề thanh khoản.
- Về phía cung các Players lớn trên thị trường dường như đã chốt lời và đi vào trạng thái tích lũy trở lại do hiện tại các câu chuyện để thúc đẩy nhu cầu BTC như lạm phát, Bitcoin ETF, Chính phủ chấp nhận BTC,... là không đủ hấp dẫn với thị trường.