Thử phân tích thị trường crypto theo khung CPT của Binance
Thị trường crypto vẫn còn tương đối nhỏ khi so sánh với các thị trường truyền thống khác, đo đó giá trị tài sản trên thị trường này có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Để đánh giá tổng quan về một dự án, Binance đã đưa ra bộ khung phân tích CPT (Capital, People, Technology).
Khung phân tích CPT (Capital, People, Technology)
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển của dự án crypto, trong đó có những yếu tố tác động tức thì, đồng thời có yếu tố cần thời gian để chứng minh sức ảnh hưởng.
Theo Binance Research, một số yếu tố bản lề có thể đưa ra khi phân tích thị trường crypto bao gồm Capital (nguồn vốn), People (con người), Technology (công nghệ)...
Bộ câu hỏi và quy trình phân tích CPT được Binance Research giới thiệu bao gồm:
Nguồn vốn
Môi trường vĩ mô: Các điều kiện kinh tế và tài chính bên ngoài có thuận lợi cho việc đầu tư crypto không? (ví dụ: dữ liệu lạm phát, chính sách lãi suất, tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp…)
Dòng vốn mới: Có dòng tiền mới nào đổ vào không gian này để thúc đẩy tăng trưởng trên diện rộng không? (ví dụ: dòng tiền ETF chảy vào, nguồn cung stablecoin tăng...)
Con người
Phía nhà đầu tư nhỏ lẻ: Có cách nào dễ dàng để mọi người kiếm tiền không? (VD như các chiến lược yield farming, airdrop, stake to airdrop, Tap to Earn…). Đây là cách phù hợp nhất để phát triển dự án nhanh và mạnh. Nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm phần lớn trong số người tham gia thị trường crypto.
Các nhà đầu tư tổ chức: Tình hình thực hiện deal trên thị trường sơ cấp dành cho các quỹ đầu tư mạo hiểm? Định giá trên thị trường thứ cấp có bị thổi phồng không? VD: mức FDV cao đột biến so với các dự án cùng ngành, quá nhiều vốn đổ vào cùng một lĩnh vực…
Các nhóm dự án: Họ đang xây dựng sản phẩm gì? Các sản phẩm phù hợp với xu hướng hiện tại giúp thu hút sự chú ý, nhưng có thể đem lại hiệu quả tiêu cực khi câu chuyện không còn hấp dẫn hoặc phi thực tế.
Các dự án có giá trị bền vững có thể chứng kiến sự tăng trưởng ổn định trong dài hạn nhưng có thể khó đạt được sự quan tâm tại thời điểm ban đầu.
VD: Dự án với sản phẩm sáng tạo như Pendle không nhận được sự chú ý trong những năm đầu, các dự án liquid restaking bắt trend ngày ít sự quan tâm…
Các nhà tạo lập thị trường (Market Maker): Bối cảnh ra mắt token như thế nào? Dự án có nhiều market maker trên các sàn giao dịch đem lại trải nghiệm tốt hơn cho nhà đầu tư, đồng thời thể hiện tiềm lực của dự án…
VD: LayerZero có tới 6 market maker khác nhau tại thời điểm ra mắt bao gồm GSR, Wintermute, Amber Group, Auros, Animoca Brands và 1 dự án khác. Các thông tin này có thể được kiểm tra on-chain bằng địa chỉ token.
Các cơ quan quản lý/lập pháp: Có bất kỳ thay đổi nào trong bối cảnh quản lý không? Có thuận lợi cho sự phát triển và tăng trưởng của blockchain và thị trường crypto không?
Công nghệ
Đổi mới và Phát triển: Có bất kỳ trường hợp sử dụng mới nào thu hút được sự chú ý hoặc có tiện ích thực sự có thể đưa người dùng mới lên Web3 hay không? Điều này các dự án GameFi trước đây và các dApp Telegram đang làm rất tốt.
Thống kê nhà phát triển: Có tài năng mới nào đang tham gia vào đội ngũ dự án không? (VD: Có thể theo dõi tăng trưởng về nhà phát triển, và hoạt động của nhà phát triển trên GitHub commits).
Phân tích bối cảnh thị trường với bộ khung CPT
Quy trình phân tích trên có thể được áp dụng vào phân tích bối cảnh thị trường crypto ở giai đoạn hiện tại.
1/ Yếu tố về nguồn vốn
Kể từ giai đoạn cuối Q1/2024, nguồn vốn đổ vào thị trường crypto đang cho thấy xu hướng giảm nhiệt. Sự đình trệ của nguồn vốn mới vào thị trường dẫn tới sự khắc nhiệt và các nhà đầu tư phải cạnh tranh lẫn nhau để thu về lợi nhuận.
Nói một cách thẳng thắn, đây là giai đoạn thị trường người chơi đối đầu với người chơi “Player vs. Player” (“PvP”), sẽ có một số nhà đầu tư có lời và một số còn lại chịu tổn thất. Một vài dấu hiệu thể hiện điều này bao gồm tăng trưởng chậm của tổng cung stablecoin, số vốn gọi được từ các dự án giảm dần, dòng tiền chảy ra từ các quỹ BTC ETF…
Vốn hoá stablecoin: gần như đi ngang kể từ cuối tháng 4.
Công cụ tracking: DefiLlama, The Block, Dune…
Xem thêm: Kịch bản nào cho stablecoin khi lãi suất giảm?
Gọi vốn: Số tiền gọi vốn từ các thương vụ trên thị trường crypto đang giảm dần trong các tháng trở lại đây.
Công cụ tracking: Rootdata, Cryptorank, Crypto-fundraising…
Xem thêm: Fundraising H1 2024 - Dòng tiền quỹ đầu tư đang ở đâu?
Dòng tiền Bitcoin Spot ETF: Dòng tiền đổ vào ETF đã chậm lại , tổng giá trị tài sản nắm giữ bởi quỹ ETF giảm. ETH Spot ETF mới ra mắt cũng chưa cho thấy dấu hiệu tích cực, tổng dòng tiền sau 1 tuần đầu tiên là -450 triệu USD.
Công cụ tracking: Sosovalue, DefiLlama…
2/ Yếu tố về con người
Các hoạt động tạo ra lợi nhuận cao hoặc lợi nhuận bền vững là động lực chính để giữ chân người dùng ở lại với hầu hết các thị trường nói chung. Thời điểm hiện tại hầu hết tất cả nhóm người tham gia thị trường đều đang có giai đoạn khó khăn.
Điều này được chỉ ra một phần là bởi xu hướng launch nhiều đồng coin/token mới, với mức token lưu thông thấp nhưng FDV cao và nhiều áp lực bán từ các đợt unlock, nhà đầu tư khó kiếm lợi nhuận hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Tỷ lệ MarketCap/FDV của các dự án dự án 2024 thấp hơn hẳn so với những năm trước, cho thấy một lượng lớn token được dành đổ ra trong tương lai.
Bối cảnh hiện tại của các nhóm nhà đầu tư tham gia thị trường:
- Nhà đầu tư nhỏ lẻ: Khó khăn trong việc kiếm tiền từ đầu tư altcoin hơn, các dự án mới khởi động hầu hết là giảm, airdrop giảm giá trị…
- Nhà đầu tư tổ chức: Hoạt động gọi vốn và số deal giảm, một số dự án sau khi launch về thấp hơn FDV gọi vốn.
- Đội ngũ dự án: Một phần lợi nhuận của dự án đến từ token, một số dự án chưa thực hiện TGE nhiều khả năng sẽ phải đợi thêm thời gian thị trường hồi phục. Một số dự án gặp khó khăn, phải công khai bán token để duy trì vận hành.
- Market Makers: Đóng vai trò cầu nối giữa dự án và nhà đầu tư. Trong bối cảnh thị trường sideway, khối lượng giao dịch giảm, MM khó kiếm tiền hơn và những token mới launch khó có động lực tăng trưởng hơn.
Luật pháp: Luật lệ rõ ràng là yếu tố quan trọng để thị trường crypto được đón nhận nhiều hơn. Bitcoin và Ethereum Spot ETF là một dấu hiệu tích cực.
Ngoài ra stablecoin cũng là một cách tiếp cận tốt, mới đây Circle đã trở thành đơn vị phát hành stablecoin toàn cầu đầu tiên đạt được sự tuân thủ theo khuôn khổ quản lý tài sản tiền điện tử (MiCA) của Liên minh châu Âu.
3/ Yếu tố về công nghệ
Năm vừa qua đã có nhiều cải tiến về mặt công nghệ xuất hiện trên thị trường crypto, nhìn chung có thể chia ra làm 2 nhóm. Một là các giải pháp dài hạn (Giải pháp mở rộng, Bitcoin L2, Layer 3…), hai là giải pháp giải quyết nhu cầu cấp thiết (cải thiện UI của dApp).
Những cải tiến nhằm hoàn thiện trải nghiệm người dùng được ưu tiên hơn hết với các giải pháp giúp giao dịch on-chain liền mạch hơn (Solana blockchain links, account abstraction…), và dApp đơn giản cho nhiều nhóm người dùng (telegram app…).
Từ dữ liệu thị trường gọi vốn, các dự án cơ sở hạ tầng (Infrastructure) vẫn dẫn đầu cả về số tiền và số deal trong năm vừa qua. Trong đó, chủ yếu là các dự án nền tảng (Layer 1, Layer 2…). Đây là dấu hiệu tích cực về công nghệ khi mỗi dự án lại có ý tưởng độc đáo mới, tuy nhiên cũng đi kèm với vấn đề về phân mảnh thanh khoản.
Phân tích dự án crypto theo khung CPT Binance
Quy trình trình phân tích trên của Binance cũng cung cấp thêm một góc nhìn về phân tích dự án crypto. Để người đọc có góc nhìn toàn cảnh hơn, Coin98 Insights áp dụng khung CPT với dự án đã được Binance Labs đầu tư và đã lên Binance Launchpool là Ethena Finance - Dự án đứng sau stablecoin USDe.
Về khía cạnh nguồn vốn:
- Ethena đã gọi vốn thành công tổng cộng 20.5 triệu USD với định giá ở vòng Seed là 300 triệu USD. Đây là một con số FDV khá cao cho một dự án hoàn toàn mới sau khi thị trường mất niềm tin với Decentralized Stablecoin.
- Trong các vòng gọi vốn có sự tham gia đầu tư của Binance Labs qua chương trình Accelator.
- Ethena gọi vốn trong giai đoạn T7/2023 tới T3/2024, là giai đoạn tăng trưởng của stablecoin từ 132B USD lên 153B USD. Cho thấy nhu cầu sử dụng stablecoin đang ngày một tăng cao, nhà đầu tư sẵn sàng hơn cho việc đầu tư vào ý tưởng stablecoin mới.
Về khía cạnh con người:
- Ethena và USDe rất phù hợp với đông đảo người dùng crypto nắm giữ stablecoin muốn kiếm lợi nhuận cao. Phù hợp về tiêu chí đem lại lợi nhuận theo hướng bền vững, tại giai đoạn đầu còn đem lại lợi nhuận cho người dùng qua airdrop ENA, referral/point…
- Ethena cũng được lòng phía nhà đầu tư tổ chức, bằng chứng là dự án đã thực hiện 4 vòng gọi vốn khác nhau, 3 vòng gần nhất được thực hiện chỉ trong vòng vỏn vẹn 1 tháng, nhà đầu tư sẵn sàng mua với FDV tương đối cao…
- Đội ngũ dự án: Xây dựng sản phẩm xuyên suốt, có nghiên cứu chi tiết về lịch sử stablecoin, funding rate, rủi ro và trình bày trực tiếp trong whitepaper… Stablecoin là sản phẩm sẽ luôn có nhu cầu cao và tồn tại song song cùng thị trường.
- Đội ngũ dự án được hỗ trợ bởi nhiều cái tên lớn trong từng lĩnh vực như Wintermute (Heads of Engineering), Aave (Smart Contract Engineer), Goldman Sachs (Co-Heads of Quant)...
- Theo dữ liệu on-chain, 52.5 triệu token ENA được gửi đến 4 market makers nổi bật trên thị trường bao gồm GSR, Wintermute, Amber Group và một dự án không rõ tên. ENA tại giai đoạn đầu được giao dịch với khối lượng đỉnh điểm đạt 3.1 tỷ USD/ngày, sau đó giao động ở mức 100 - 200 triệu USD. Ngoài ra, dự án còn có sự hỗ trợ của MM cho stablecoin USDe.
- Về mặt pháp lý, tin tức về USDC được hợp pháp hoá tại châu Âu cũng là một lợi thế dành cho các stablecoin khác khi khung pháp lý có thể rõ ràng hơn với các dự án này.
Về khía cạnh công nghệ:
Điểm mạnh của Ethena là trường hợp sử dụng mới dễ dàng thu hút được sự chú ý của USDe. Dự án cũng đã research và công bố các bài nghiên cứu sâu về cơ chế, công nghệ, ảnh hưởng của funding rate về stablecoin nói chung và USDe nói riêng. Các trường hợp tích cực hay tiêu cực cũng đã được nêu ra.
Số lượng nhà phát triển và hoạt động của họ trên Github đang tăng dần cũng là một tín hiệu tích cực từ dự án.
Như vậy Ethena Finance là một dự án khá phù hợp với khung CPT được Binance nêu ra. Với framework này, nhà đầu tư có thêm cơ sở để dự đoán dự án và hiệu tại sao dự án sẽ được Binance Labs đầu tư, dự án có khả năng lên Binance Launchpool/Launchpad hay dự án trực tiếp list Binance, từ đó có nhiều góc nhìn và cơ hội hơn.
Xem thêm: Phân tích Ethena - Cơ chế, rủi ro và cơ hội với USDe.
Lưu ý: Bài viết chỉ nhằm mục đích tham khảo thông tin, không đưa ra lời khuyên đầu tư.
Tổng kết
Bộ khung phân tích CPT được Binance giới thiệu đã khá đầy đủ và chi tiết, không chỉ áp dụng trong việc phân tích bối cảnh chung của thị trường mà còn có thể sử dụng để phân tích từng dự án nhà đầu tư quan tâm. Nhà đầu tư có thể tạo một thang điểm riêng dựa trên những tiêu chí trong framework này.