Phân tích mô hình hoạt động của Anchor Protocol
Thông tin cần biết về Anchor Protocol
Anchor Protocol là dự án thuộc mảng Lending Borrowing, nhưng có vẻ nhiều người biết đến dự án như là một “ngân hàng” trong Crypto với lãi suất đa phần là từ 18 - 20% (con số này có thể được điều chỉnh thông qua các Proposal). Các sản phẩm của dự án hiện tại bao gồm: Vay UST và gửi UST nhận lãi suất.
Dự án ban đầu hoạt động tương tự như MakerDAO. Nhưng theo thời gian, rất nhiều Protocol, dAPP đã bắt đầu xây dựng xung quanh Anchor Protocol mà mình sẽ gọi là các vệ tinh, để tận dụng tính năng stable yield này.
Hiện tại, Anchor Protocol đang hỗ trợ thế chấp bằng bLUNA và bETH, trong tương lai có thể dùng DOT, ATOM, SOL,… để thế chấp với bDOT, bATOM bSOL,…
Nội dung tiếp theo, mình sẽ nói về cách thức hoạt động của dự án, bao gồm chính bản thân Anchor Protocol và các vệ tinh này.
Mô hình hoạt động của Anchor Protocol
Người dùng đến với Anchor Protocol thông qua hoạt động hai chiều như sau:
Cung cấp UST
Như đã nói, dự án sẽ cung cấp cho người dùng một mức APY khá lý tưởng, lên đến 20%. Nếu so với những con số lên đến hàng nghìn phần trăm của các dự án Yield farming, 20% thật sự không đáng nhắc đến.
Nhưng ngược lại, lợi nhuận cao sẽ đi kèm rủi ro lớn. Đa phần dự án kể trên có rất nhiều thành phần Scammer, nếu không lựa chọn đúng, anh em sẽ mất tiền như chơi.
Vay UST
Hiện tại dự án chỉ cho phép nhận bLUNA làm tài sản thế chấp với LTV (Loan to Value) là 50%, nghĩa là anh em bỏ vào $100 bLUNA chỉ nhận về tối đa $50. Nếu giá bLUNA giảm mạnh, dẫn đến LTV tăng cao (>50%), đồng nghĩa với việc khoản vay bị thanh lý (một phần hay toàn bộ). Sau đó tài sản thế chấp sẽ được bán ra UST và trả nợ cho Anchor Protocol.
Từ hai hoạt động trên, chúng ta có thể tóm tắt quy trình hoạt động của Anchor Protocol như sau:
(1): Người cho vay gửi UST vào Anchor Protocol để nhận lãi suất.
(2): Người đi vay gửi LUNA vào Anchor Protocol để mint bLUNA.
(3): bLUNA sẽ được dùng làm tài sản thế chấp để vay UST từ Anchor.
(4): Số LUNA ở (2) sẽ mang đi Stake để nhận về lợi nhuận. Lãi suất thu được sẽ chia ra hai phần:
- (4.1): Phân phối 20% đến người dùng gửi UST.
- (4.2): Phần còn lại sẽ đưa vào Anchor Vault (vai trò sẽ được nói bên dưới).
Mình ví dụ như sau, APY của LUNA đang khoảng 16%, có nghĩa là lãi suất thu được từ việc Stake LUNA của dự án sẽ lên đến 32% (trước đây LTV của Anchor là 50%, hiện tại là 80%), vậy 12% lợi nhuận sẽ được đưa vào Anchor Vault.
Cách tính con số trên như sau: Giả sử người dùng A gửi $100 UST vào để nhận lãi suất 20%. Cùng lúc đó, người dùng B gửi $100 giá trị LUNA vào Anchor Protocol, số LUNA này sẽ được Stake với 16% APY.
Với $100 LUNA, B chỉ có thể vay được tối đa $50 UST. Vậy số tiền của A có thể cho cùng lúc hai người gửi $100 LUNA vào thế chấp. Tổng cộng, để trả lãi cho A, sẽ có $200 LUNA đem đi Stake. Từ đó tính được APY sẽ là 32%, và sẽ được chia ra 20% cho người dùng gửi UST, 12% đưa vào Anchor Vault.
Giải thích về bLUNA, bETH
Có nhiều anh em vẫn thấy bối rối về LUNA và bLUNA, thì có thể hiểu như sau: Anchor Protocol kết hợp với Lido Finance - một dự án mở khóa thanh khoản các tài sản Staking, để tạo ra bLUNA.
Do đó, bLUNA giống như một bằng chứng rằng anh em đã bỏ LUNA vào Stake. Thay vì Stake trên Terra Station chỉ được lãi suất. Thì anh em có thể bỏ vào Anchor Protocol để được bLUNA, sau đó dùng bLUNA để vay UST.
Dĩ nhiên, với cách tính mình đã nói trên, thì việc bỏ LUNA vào Anchor Protocol sẽ không nhận được lãi suất từ việc dự án mang LUNA này đi Staking. Thay vào đó, người dùng sẽ nhận lại ANC xem như phần thưởng khuyến khích đi vay.
Vào ngày 13/8/2021, Anchor Protocol chính thức hỗ trợ bETH của Lido Finance làm tài sản thế chấp. Cách thức hoạt động tương tự bLUNA.
Các vệ tinh xung quanh Anchor Protocol
Sau đây là các dự án được xây dựng trên nền tảng Anchor Protocol:
- Orion Money: Đây là dự án đạt giải nhất DeFi Connected Hackathon vừa kết thúc thời gian vừa qua. Dự án sẽ giúp người dùng có nhiều chọn lựa hơn (USDT, USDC,...) ngoài UST khi muốn gửi tiền vào Anchor Protocol.
- Apollo DAO: Giúp người dùng có thể tự gộp lãi suất vào việc farming. Ở phiên bản V2 sẽ có thêm chức năng “Self Repaying Loan” đến từ việc gửi tiền vào Anchor Protocol.
- Angel Protocol: Dự án thuộc mảng từ thiện, gửi tiền vào Anchor Protocol để tạo ra dòng tiền vĩnh viễn dùng cho việc quyên góp.
- Suberra: Sử dụng Anchor Protocol để tạo ra lợi nhuận, giúp người dùng trả các khoảng phí Subscription các dịch vụ khác.
- Spaar: Dự án sẽ mang Anchor Protocol đi đến Hà Lan, nơi có rất nhiều người cần một chỗ để gửi tiết kiệm.
- Tiiik Money: Một phiên bản clone của Anchor Protocol trên điện thoại, giúp người dùng gửi tiết kiệm dễ hơn, có thêm mục Ref để thu hút thêm khách hàng.
- Preserver Protocol: Kiếm lợi nhuận thông qua Anchor Protocol để tạo các Pool thưởng vĩnh viễn cho các giải đấu game.
- Solidefi: Ứng dụng giao dịch, đầu tư Stock, Index, Crypto,... kèm theo gửi tiết kiệm
- Kash: Ứng dụng thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm.
- Và rất rất nhiều dự án khác.
Các dự án này sẻ mang UST từ nhiều nơi về Anchor Protocol, sử dụng lợi nhuận được tạo ra từ Anchor Protocol để làm những nhiệm vụ khác nhau như từ thiện, tiết kiệm, tạo Pool thưởng,... và tất cả đều hướng đến “dòng tiền vĩnh viễn”.
Dòng tiền vĩnh viễn ở đây nghĩa là số tiền luôn được sinh ra trong bất kì điều kiện gì. Điều này đòi hỏi nguồn lãi suất phải ổn định, và đó là mục tiêu dự án đang hướng đến.
Anchor làm cách nào để giữ vững lãi suất cố định?
Ở đây, mình sẽ nói về vai trò của Anchor Vault. Thực tế, lãi suất cố định (20%) hiện nay không hẳn là luôn được giữ vững, con số này sẽ dao động trong một khoảng cố định. Và khi APY không còn ở mức target, sẽ có các trường hợp sau xảy ra:
- Dưới ngưỡng:
- Số tiền ở trong Vault sẽ dùng để bù vào cho đạt APY target.
- Giảm phần thưởng ANC mỗi tuần của người đi vay.
- Trên ngưỡng:
- Lợi nhuận dư sẽ được đưa vào Vault, dùng để dự trữ cho trường hợp dưới ngưỡng.
- Tăng phần thưởng ANC mỗi tuần của người đi vay, đến khi nào đạt được target.
Một mục đích khác của tiền trong Vault là dùng để mua ANC từ Terraswap để phân phối cho người dùng Stake ANC, cung cấp thanh khoản, đi vay. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa đưa ra cụ thể bao nhiều phần trăm cho mục đích gì.
Anchor Capture Value cho ANC như thế nào?
Trước hết, chúng ta phải biết ANC có chức năng gì. ANC dùng để:
- Quản trị.
- Cung cấp thanh khoản.
- Quản lý tài trợ từ cộng đồng.
- Chia sẻ phí giao dịch thu được từ Anchor Protocol. Phí này sẽ được chuyển thành ANC rồi mới phân phối cho ANC holders.
- Khuyến khích người dùng đi vay.
Trong các Incentives trên, mình thấy tính năng “quản lý tài trợ từ cộng đồng” tạm thời chưa có gì để nói đến, còn lại tất cả đều có ảnh hưởng đến ANC như sau:
Quản trị
Người dùng có thể Stake ANC vào Anchor Protocol để tham gia quyền quản trị. Ngoài ra, việc Stake này còn nhận được lãi suất (thời điểm hiện tại là 2.44% APR).
Số ANC trả cho việc Stake này đến từ phí giao dịch của cả hệ thống, mình sẽ nói chi tiết ở bên dưới.
Số phiếu vote được giới hạn bởi số lượng ANC Stake trên Anchor Protocol. Bất kì ai cũng có thể tạo poll bằng cách trả một lượng ANC nhất định. Nếu poll không vượt qua cuộc biểu quyết, lượng ANC này sẽ phân phối lại cho người dùng Stake ANC theo tỉ lệ tương ứng.
Cung cấp thanh khoản
Người dùng có thể tham gia cung cấp thanh khoản cặp ANC-UST trên Terraswap để nhận về LP token. Sau đó Stake LP token cặp ANC-UST để được nhận lãi suất APY lên đến 70% (thời điểm hiện tại).
Ngoài các phần thưởng như trên, việc cung cấp thanh khoản còn giúp cho ANC giữ được giá trị tốt hơn, từ đó giúp cho việc incentives người dùng đi vay có tác dụng.
Chia sẻ phí giao dịch
Như đã nói ở mục Quản trị, tất cả các hoạt động trên Anchor Protocol đều tốn phí giao dịch, từ vay, mượn cho đến nạp, rút, cung cấp thanh khoản,… Số tiền này được dùng để mua lại ANC và phân phối cho người dùng Stake ANC.
Khuyến khích người dùng đi vay
Đây là một Incentives khá phổ biến trong mảng Lending & Borrowing. Người dùng tham gia với vai trò đi vay UST sẽ nhận về ANC.
Tóm lại, cách Anchor Protocol capture Value cho ANC sẽ như sau:
- Quản trị: Người dùng có quyền quản trị các thông số liên quan đến dự án và cả token ANC, cũng như việc tạo poll cũng cần có ANC.
- Nhận doanh thu từ phí giao dịch: Số tiền này được chuyển thành ANC và phân phối thông qua việc Staking.
- Cung cấp thanh khoản: Nhận được phí giao dịch trên Terraswap (0.3%) và ANC thưởng khi Stake LP token.
Vậy Anchor Protocol chỉ mang lại giá trị cho ANC? Câu trả lời là không, vẫn còn một cái tên chúng ta cần phải nói đến - LUNA.
Anchor Capture value cho LUNA như thế nào?
Staking LUNA
Như đã nói, số LUNA được gửi vào sẽ được delegate cho các node trên Terra (station.terra.money/). Bên cạnh việc nhận lãi suất, điều này sẽ giúp mạng lưới bảo mật được tốt hơn, làm cả hệ sinh thái cũng phát triển ⇒ LUNA nhận được nhiều giá trị.
Airdrop ANC cho LUNA Stakers
Tokenomic của dự án có 15% dùng để Airdrop cho người dùng Stake LUNA ở Block trước 2,179,600 và số LUNA này phải được giữ ở trạng thái Stake này trong vòng hai năm để có thể nhận được trọn vẹn ANC. Do đó, việc này làm giảm một lượng LUNA trong khoảng thời gian dài.
Vai trò của các vệ tinh nói trên
Để trả lời câu hỏi này, anh em có thể đọc lại mô hình hoạt động của Serum sẽ thấy, các dự án xây dựng trên Serum đều góp phần đem lại lợi nhuận cho nền tảng bên dưới.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, Do Kwon đã thông báo rằng các dApp hiện đã có thể tích hợp Anchor Protocol chỉ với 7 dòng code hoặc ít hơn. Động thái này sẽ làm nhiều dự án sẽ muốn xây dựng trên Anchor Protocol.
Các dự án kể trên dù làm ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng tựu chung đều là khuyến khích sử dụng UST. Số lượng UST sử dụng càng lớn, cần phải đốt một lượng LUNA tương ứng (1 UST muốn mint phải tốn lượng LUNA giá trị $1). Từ đó LUNA sẽ ngày càng khan hiếm.
Bên cạnh đó, càng nhiều giao dịch diễn ra trên Terra, phí giao dịch phân phối cho các Delegators và Validators cũng tăng lên, dẫn đến nhiều người muốn mua LUNA để delegate hơn.
Tóm tắt Capture value cho LUNA:
- Staking: Nâng cao bảo mật Terra.
- Giảm LUNA trong lưu thông: Do việc khóa LUNA trong 2 năm để nhận Airdrop.
- Nhu cầu sử dụng UST tăng cao từ các vệ tinh, cũng như phí giao dịch thu về tăng cao, tạo nên nhu cầu muốn trở thành Delegators hoặc Validators.
Total Value Locked của Anchor
Nếu anh em có theo dõi Coin98 Insights trên Telegram, thì chắc cũng biết Anchor đạt $100M TVL chỉ sau 4 ngày hoạt động, $500M Total Value Locked (TVL) trong vòng chưa đầy 2 tuần sau khi ra mắt (31/3). Chi tiết anh em xem post tại đây.
Theo defillamar.com, TVL của Anchor đã đạt gần $800M vào ngày 14/5, tức là sau khoảng 2 tháng hoạt động. Con số này cho thấy mô hình lãi suất ổn định đã thu hút rất nhiều người dùng.
Những yếu điểm của Anchor Protocol
Nền tảng không hoạt động tốt trong lúc thị trường biến động
Từ đầu năm đến đầu tháng 5/2021, BTC gần như không có quá nhiều lần điều chỉnh mạnh. Trùng hợp với thời gian dự án cũng chính thức đi vào hoạt động, nên gần như mọi thứ đều diễn ra rất suông sẻ. Cho đến khoảng cuối tuần rồi ...
Đó là một trong những đợt dump khá lớn trong năm nay, mang theo tài sản, hy vọng của bao trái tim mỏng manh của anh em holders và cả traders. Không những thế, cây nến đỏ giảm hơn $13,000 ngày 19/5 đã bộc lộ một số điểm yếu của dự án. Cụ thể, web bị quá tải và bị “đứng hình” trong gần 30 phút, mạng lưới bị tắt nghẽn do có quá nhiều khoản vay bị thanh lý, Oracle bị lỗi,...
Ngoài ra, đã có 4,000 lệnh đã bị thanh lý do giá LUNA giảm, cũng như hơn 800 lệnh đang đã nằm trong danh sách nguy hiểm. Điều này dẫn đến việc bán tháo hàng loạt LUNA để lấy UST trả lại khoản vay như hình trên. Kết quả là giá LUNA giảm hơn 75% từ ngày 19/5, và chính thức chia gần 6 lần nếu tính từ đỉnh. Dĩ nhiên sau đó dự án đã có nỗ lực khắc phục kịp thời các vấn đề này.
Sự thật đằng sau 20% APY
Khi ra mắt vào tháng 3/2021, 20% fixed rate là một cái gì đó khá hấp dẫn. Bởi vì dù có thấp hơn các nền tảng Yield Farming lúc bấy giờ, ít ra Anchor Protocol cũng là một cái tên uy tín. Hơn nữa, 20% mỗi năm trong lúc Down Trend là cực kì quý giá.
Tuy nhiên, đó là khi số lượng người dùng đi vay ở ngưỡng đủ lấy lãi để trả lượng Yield trên. Thực tế, người dùng chỉ có gửi tiền vào để nhận lãi suất, mà rất ít người đi vay. Dưới đây là thống kê số lượng UST gửi vào và đi vay vào ngày 1/3/2022 - gần tròn 1 năm Anchor Protocol ra mắt.
Có đến $8B UST gửi vào, nhưng chỉ có hơn $2.4B được vay, nghĩa là cũng không có đủ LUNA để đi Stake nhận lãi suất. Do đó, Anchor Protocol buộc phải dùng tiền trong Yield Reserve để đắp vào cho đủ 19-20% APY.
Điều gì đến cũng sẽ đến, một ngày nọ, lượng tiền trong Yield Reserve không còn đủ để đáp ứng, thì LFG (Luna Foundation Guard - một tổ chức của Terra, giúp giữ vững Peg của UST) đã có một Proposal bán LUNA để gửi UST vào Yield Reserve của Anchor Protocl.
Proposal này được thông qua, vào ngày 18/2/2022, $450M UST được chuyển vào Yield Reserve để duy trì APY.
Điều này cho thấy mô hình hoạt động của Anchor Protocol không bền, dẫn đến phải "bù lỗ". Nếu điều này không được khắc phục, $450M của LFG cũng sẽ dần biến mất.
Thay đổi tokenomic
Chi tiết thay đổi
Vào ngày 18/2/2022, một Proposal hướng đến việc thay đổi tokenomic của ANC đã được đưa lên diễn đàn nhằm thăm dò ý kiến cộng đồng. Anh em có thể đọc chi tiết tại đây.
Tóm tắt Proposal như sau: ANC sẽ thay đổi thành mô hình veANC (tương tự veCRV), trong đó:
- ANC có thể được khóa thành veANC trong vòng tối thiểu 1 năm, tối đa 4 năm.
- Khóa 1 năm thì Voting Power sẽ thấp hơn 4 năm. Nhưng theo thời gian, veANC của 4 năm cũng sẽ giảm dần.
- veANC có các chức năng sau:
- Bỏ phiếu cho tài sản thế chấp nào sẽ nhận được phần thưởng ANC khuyến khích đi vay;
- Người đi vay có ANC cũng sẽ được thưởng ANC nhiều hơn lên đến 1.5x;
- veANC cũng nhận được một phần lợi nhuận đến từ Anchor;
- veANC không thể giao dịch, nhưng có thể chuyển sang NFT để trao đổi.
Hiện tại, đây chỉ là bản nháp chứ chưa phải thay đổi chính thức. Sau khi được cộng đồng thêm bớt ý kiến xong, Proposal còn phải được đưa lên dự án, nơi người dùng chính thức bỏ phiếu mới được thông qua.
Nhận xét
Dù chỉ là bản nháp, nhưng có lẽ việc chấp nhận Proposal này cũng chỉ là sớm muộn, bởi vì không chỉ team, mà chính cộng đồng cũng nhận ra tokenomic của ANC có vấn đề.
Điều này làm cho không ai muốn sở hữu ANC, cũng như phần thưởng khuyến khích đi vay cũng dùng để bán ra. Điều này làm cho giá ANC chỉ dao động trong khoảng $2 - $3 suốt thời gian dài, bất chấp có hơn $10B tài sản đang nằm ở giao thức.
Bản cập nhật này ngoài việc tăng thêm lý do để sở hữu ANC (bonus phần thưởng, nhận lợi nhuận), thì còn tăng thêm quyền quản trị. Trước đây, người sở hữu ANC chỉ được quản trị thông số, thứ rất khó để thấy được lợi nhuận trong chốc lát. Nhưng giờ đây, đó là điều hướng số phần thưởng đó vào đúng nơi mình mong muốn.
Sau khi bản nháp Proposal ra mắt, giá ANC đã chạy một mạch lên hơn $5 trong vòng hơn nửa tháng. Để lý giải điều này, những bên đi vay đã sớm mua ANC để chuẩn bị khóa lại thành veANC, nhằm tăng lượng phần thưởng, cũng như có quyền quản trị.
Tuy nhiên, theo mình, Proposal chỉ làm tăng giá trong ngắn hạn, bởi vì sau đó lạm phát từ việc đi vay vẫn là một lực xả đáng kể. Bên cạnh đó, mô hình tiên phong cho Vote Escrow là veCRV đã cho thấy, giá sẽ có tăng, nhưng đến ngưỡng nào đó sẽ bị chững lại do cân bằng lực mua và lực xả từ lạm phát.
Nhìn vào hình trên, có thể thấy sau khi veCRV ra mắt vào tháng 8/2020, giá CRV vẫn bị dump, nhưng sau đó có lực mua lên và duy trì ở mốc $3 - $4 ở thời gian dài. Do đó, mình nghĩ giá ANC sẽ tăng do lực mua hiện tại, đến khi trả thưởng đợt tiếp theo sẽ bắt đầu ổn định
Tổng kết
Sau một năm ra mắt, Anchor Protocol đã phát triển không đúng với những gì team kì vọng. Do đó, việc thay đổi tokenomic là điều cần thiết. Liệu việc thay đổi này sẽ giúp giá ANC tăng lên bao nhiêu? Chúng ta hãy cùng chờ tương lai trả lời.