SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Phân tích mô hình hoạt động Gitcoin (GTC)

Gitcoin hoạt động như thế nào? Public goods là gì và tại sao Gitcoin quan tâm tới public goods? Cùng tìm hiểu chi tiết về mô hình hoạt động của Gitcoin.
Avatar
LilYang
Published Jul 30 2022
Updated Jul 04 2024
28 min read
thumbnail

Tổng quan về Gitcoin

Nền tảng Gitcoin hoạt động dựa trên blockchain để kết nối các dự án độc lập và nhà tài trợ, giúp các nhà phát triển mã nguồn mở nhận được thù lao cho những đóng góp từ sản phẩm của họ.

Mục tiêu cuối cùng của Gitcoin là phát triển cộng đồng nguồn mở bằng cách làm cho các cơ chế được khuyến khích hoạt động tốt hơn.

gitcoin website

Gitcoin là một trong những dự án đầu tiên quan tâm tới tầm quan trọng của public good trong cộng đồng. Chính vì vậy, dự án cung cấp một vài cơ chế để hỗ trợ việc xây dựng và gọi vốn cho các sản phẩm public good.

Gitcoin ban đầu được hình thành như một tập đoàn, nhưng sau đó đã dần chuyển mình thành một DAO. Cho đến nay, Gitcoin đã trao thưởng hơn 65 triệu USD, hỗ trợ hơn 2.000 dự án và giúp đỡ hơn 300.000 nhà phát triển tích cực. Những con số này là khá ấn tượng, tuy nhiên vẫn chưa là gì so với nhu cầu về phần mềm nguồn mở và public good trong lĩnh vực công nghệ - kĩ thuật số.

số tiền trao thưởng của gitcoin
Số tiền tài trợ theo quý của Gitcoin

Gitcoin nổi tiếng nhất với các vòng Gitcoin Grant được tổ chức hằng quý (chiếm 45/65 triệu USD được donate từ Gitcoin). Mới đây, Gitcoin vừa hoàn thành Grants Round 14 với tổng giá trị trao thưởng 5 triệu USD được chia cho hơn 1250 grants nhờ sự đóng góp của hơn 44,000 thành viên cộng đồng.

gitcoin grants vòng 14

Gitcoin đã ngày càng phát triển và dần thành một biểu tượng về việc xây dựng cộng đồng Web3, nhiều dự án đã lấy Gitcoin làm tiêu chí đánh giá độ nhiệt tình của người dùng dành cho dự án và retroactive cho người dùng đã từng donate trên Gitcoin. (Optimism, Badger DAO, Furucombo…).

advertising

Tại sao Gitcoin quan tâm Public good?

Để hiểu về mục đích hoạt động của Gitcoin, đầu tiên cần phải hiểu public good là gì.

Theo kinh tế học, các loại hàng được chia thành 4 loại cơ sở dựa trên 2 đặc tính:

  • Tính cạnh tranh (rivalry): Một cá nhân sử dụng hàng hoá làm ảnh hưởng đến giá trị và tính có thể sử dụng của nó đối với cá nhân khác.
  • Tính loại trừ (excludability): Có thể ngăn cản mọi người hưởng giá trị sử dụng của hàng hoá.

Từ 2 thuộc tính cơ bản trên các loại hàng hoá được chia thành 4 loại, hiểu rõ các loại hàng hoá này sẽ giúp hiểu rõ đặc tính của public good.

4 hình thức hàng hóa

Private good (hàng hoá tư nhân):

  • Là loại hàng hoá được nghĩ tới đầu tiên khi nói về hàng hoá, loại hàng hoá này vừa mang tính loại trừ vừa mang tính cạnh tranh.
  • Đây không phải một loại hàng hoá miễn phí, người dùng bắt buộc phải bỏ tiền nếu muốn tiêu thụ loại hàng hoá này, việc một cá nhân tiêu thụ sẽ ảnh hưởng tới cá nhân khác không thể thực hiện điều này.
  • Ví dụ: Thực phẩm, quần áo, ô tô, điện thoại di động, giày dép, quần áo…

Club good (hàng hoá nhóm hay còn gọi là hàng hoá có thể tắc nghẽn):

  • Là loại hàng hoá có tính loại trừ nhưng không có tính cạnh tranh.
  • Tức là giá trị sử dụng của tài sản giảm khi số lượng người sử dụng đạt đến một mức nào đó, có thể ngăn cản cá nhân khác khỏi việc sử dụng tài sản đó. Đây cũng không phải là một loại hàng hoá miễn phí.
  • Ví dụ: Rạp chiếu phim có sức chứa nhận định, nếu con số đó đạt giới hạn, rạp sẽ không thể nhận thêm khách hàng. Tương tự là sân vận động, bãi đỗ xe private…

Common good (hàng hoá thông thường):

  • Là hàng hóa có tính cạnh tranh nhưng không thể loại trừ. Bất kì ai cũng có quyền tiếp cận các tài nguyên này nhưng có một sự cạnh tranh cố hữu khi thu thập chúng do khả năng sử dụng quá mức hoặc tắc nghẽn.
  • Ví dụ: Cá trong ao, hoa quả mọc trong vườn, bãi đỗ xe công cộng…

Public good (hàng hoá công cộng):

  • Là từ để chỉ các loại hàng hoá mang đặc tính vừa không thể loại trừ và vừa không thể cạnh tranh (trái ngược với private goods).
  • Vì vậy, một cá nhân không thể loại trừ cá nhân khác khỏi việc sử dụng, và việc sử dụng của một cá nhân không ảnh hưởng tới tính khả dụng của cá nhân khác. Pulic goods cũng có thể được sử dụng đồng thời bởi nhiều người.
  • Ví dụ: Bầu không khí trong lành, các chương trình giáo dục miễn phí (podcast, youtube…), an ninh công cộng, cơ sở hạ tầng (đường xá, cầu cống…).

Trong nền kinh tế truyền thống, các loại public good được cung cấp và quản lý bởi chính phủ và được tài trợ tiền hoạt động từ thuế. Tương tự như vậy, public good trong thế giới công nghệ kĩ thuật cũng đóng vai trò quan trọng không thể thiếu để thúc đẩy sự phát triển.

Public good ở trường hợp này là các phần mềm open-source và các giao thức mở, tất cả đều miễn phí và bất kì ai cũng có thể xây dựng trên các nền tảng đó. Nổi bật là các giao thức như https, ngôn ngữ lập trình Python, hệ điều hành Linux…

Ethereum cũng là một loại public good đáng chú ý, mặc dù mạng lưới liên tục trả phần thưởng cho validator và giá trị của ETH có thể tăng dần theo thời gian, tuy nhiên, Ethereum không có bất kì cơ chế nào để trả tiền cho các nhà phát triển làm việc trên đó. Tất nhiên, Ethereum cũng là blockchain hoàn toàn open-source.

Khác với thị trường truyền thống, public good ở thế giới công nghệ không được quản lí bởi chính phủ và cũng không được tài trợ bởi tiền thuế. Điều này vừa có mặt lợi khi thực sự là public good cho người dùng toàn cầu và cũng có mặt bất lợi là sẽ phức tạp hơn trong việc duy trì vì không có tiền tài trợ.

Gitcoin nhận ra tầm quan trọng của public good, đây cũng chính là mục đích hoạt động của dự án: tạo ra incentive, khuyến khích developer làm ra các sản phẩm open-source có giá trị cho cộng đồng. Bên cạnh đó, Gitcoin cũng là nền tảng trung gian kết nối các developer.

Các tính năng trong mô hình hoạt động của Gitcoin

Gitcoin đã và đang xây dựng hệ sinh thái với các sản phẩm kết nối cộng đồng developer nói chung và developer với dự án riêng. Để tiện theo dõi, mình sẽ chia các sản phẩm của Gitcoin thành các nhóm như sau.

tính năng trong mô hình hoạt động gitcoin

Learn & Earn

Đây là nhóm tính năng dành phần thưởng cho những nhà phát triển trên Ethereum để khuyến khích họ tham gia phát triển các dự án public good, phần mềm mã nguồn mở, hackathons, hoặc thậm chí tự bắt đầu một sáng kiến mới giúp ích cho cộng đồng.

  • Learn & Earn với bounty: Đây là tính năng giúp kết nối các nhà phát triển với phía dự án. Các dự án cần phát triển tính năng, code sản phẩm sẽ đăng tải nhu cầu của mình lên đây kèm theo phần thưởng cho công việc đó. Các developer hoàn thành task sẽ được nhận phần thưởng (bounty), đây giống như là một công việc freelance cho các developer.
  • Learn & Earn với hackathon: Tương tự như các hackathon được các blockchain tổ chức, các developer trên Gitcoin cũng có thể tham gia các hackathon ở trên nền tảng này để build sản phẩm, tìm hiểu công nghệ mới, hỗ trợ hệ sinh thái các dự án mã nguồn mở, từ đó nhận về tiền mặt và các loại giải thưởng.
  • Hackathon nổi bật đang diễn ra là Algorand GreenHouse được tài trợ chủ yếu bởi Algorand Foundation.
  • Earn với Grants: Đây là chức năng nổi bật nhất của Gitcoin, giúp các dự án nhận về hàng triệu USD tiền tài trợ. Các developer muốn gọi vốn từ cộng đồng Gitcoin có thể tạo một Grant, sau đó kêu gọi vốn từ cộng đồng, cuối cùng là tham gia Gitcoin Grants round để nhận phần thưởng từ Gitcoin. Đây là cơ chế quan trọng tạo nên thương hiệu của Gitcoin, mình sẽ nói chi tiết hơn ở phần sau.
  • Learn với Quests: Gitcoin Quests là cách thú vị để người dùng tiếp cận các kiến thức về Web3. Các dự án hoặc người dùng tạo các câu hỏi xoay quanh một chủ đề, gamified chúng theo các cách thú vị để người dùng khác dễ dàng tiếp cận. Những người hoàn thành Quests tuỳ theo level sẽ được nhận Kudos token minh chứng cho thành tựu đạt được.

Connect

Gitcoin tạo điều kiện cho các developer cùng tham gia, kết nối với các nhà phát triển mã nguồn mở hàng đầu trong thị trường. Tính năng giúp tìm những người đồng đội, cùng hợp tác để giành bounty và phần thưởng ở hackathon.

  • Connect qua Kernel: Kernel là chương trình mang tính giáo dục online kéo dài 8 tuần dành cho thành viên muốn tìm hiểu, xây dựng mối quan hệ hay các sản phẩm trong thế giới Web3. Tham gia chương trình, các thành viên sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn qua các buổi meetings và hội thảo hàng tuần bởi các cố vấn là founder trong Web3.
  • Connect qua Kudos: Kudos là một cách thể hiện sự đánh giá cao của bạn đối với một thành viên Gitcoin khác, điều này được thực hiện bằng cách gửi “huy hiệu” cho thành viên đó. Đây cũng là một cách để thể hiện các kỹ năng đặc biệt mà một thành viên có thể có, chẳng hạn như Pythonista (dành cho thành viên có kĩ năng Python) hoặc Design Star. Token Kudos có thể được mua và bán trên Kudos Marketplace.
gitcoin kudos
Gitcoin Kudos

Mô hình hoạt động của Gitcoin Grants

Không phải ngẫu nhiên mà Gitcoin Grants trở thành tính năng biểu tượng của Gitcoin, đây là một mô hình funding sáng tạo giúp các dự án nhận được tiền tài trợ theo một cách công bằng theo “kiểu” Web3.

Gitcoin Grants được tổ chức mỗi quý một lần, các dự án tham dự sẽ gọi vốn và chia nhau pool phần thưởng, được gọi là Matching Pool. Trên thực tế, một round sẽ có nhiều Matching Pool theo các chủ đề public good khác nhau. Một số chủ đề public good phổ biến:

  • Phần mềm mã nguồn mở
  • Báo chí
  • Sức khoẻ cộng đồng
  • Môi trường

Gitcoin Grants phân bổ vốn đầu tư cho các dự án theo cơ chế quadratic funding, đảm bảo các dự án nhận được số vốn tỉ lệ thuận với số người ủng hộ dự án mà không phụ thuộc vào khối lượng tiền mà người dùng donate. Nhìn chung cơ chế này sẽ giúp các dự án được nhiều người ủng hộ nhận được nhiều tiền hơn.

Để donate Gitcoin săn airdrop, bạn có thể xem hướng dẫn qua bài viết tại đây hoặc video hướng dẫn dưới đây nhé!

Quadratic funding là gì?

Quadratic funding (tạm dịch: cơ chế tài trợ bậc hai) là cơ chế tối ưu về mặt toán học để phân bổ tài trợ cho public good trong một cộng đồng dân chủ. Đây là cơ chế phát triển từ quadratic voting, cả 2 cơ chế đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và bàn luận sôi nổi của Vitalik Buterin.

Điểm đặc biệt của cơ chế này nằm ở công thức toán học và cách phân bổ vốn mà ở đó số lượng người tham gia đóng góp quan trọng hơn số tiền được tài trợ. Cách làm này cũng giúp loại bỏ sự can thiệp của bất kì tổ chức tập trung hay cá voi nào.

Quadratic funding khuyến khích cộng đồng tham gia ủng hộ dù chỉ là số vốn nhỏ nhất, để hiểu cách cơ chế này biến 1 USD thành 27 USD, cùng tìm hiểu ví dụ dưới đây.

Công thức tính quadratic funding

Ví dụ dưới đây sẽ giúp người dùng dễ dàng hình dung cách quadric funding hoạt động.

Giả sử có 3 dự án public good tham gia vào Gitcoin Grants Round X với tổng giá trị của Matching Pool là 10,000 USD. Trên thực tế, mỗi dự án sẽ có số lượng người đóng góp và số tiền đóng góp mỗi người không giống nhau, tuy nhiên để dễ hình dung, mình sẽ giả định các dự án đều kêu gọi được 1,000 USD:

  • Dự án A: Kêu gọi được 1,000 USD từ 20 contributor (50 USD mỗi người)
  • Dự án B: Kêu gọi được 1,000 USD từ 5 contributor (200 USD mỗi người)
  • Dự án C: Kêu gọi được 1,000 USD từ 2 contributor (500 USD mỗi người)

Áp dụng cơ chế quadratic funding, tính được voting power của mỗi dự án như sau:

  • Dự án A có VP = (√50 + √50 + √50 +...+ √50) ² =  (20 x √50 ) ² = 20,000 (Voting power)
  • Dự án B có VP = (5 x √200) ² = 5,000 (Voting power)
  • Dự án C có VP = (2 x √500) ² = 2,000 (Voting power)

Tiếp theo, tính được số lượng phân bổ cho từng dự án từ Matching Pool 10,000 USD ban đầu theo các bước sau:

Tổng voting power: 20,000 + 5,000 + 2,000 = 27,000 (VP)

Theo đó, các dự án sẽ nhận được:

  • Dự án A: 20,000/27,000 x 10,000 = 7,407 (USD), tăng 740% so với số tiền gọi vốn ban đầu.
  • Dự án B: 5,000/27,000 x 10,000 = 1,851 (USD), tăng 185% so với số tiền gọi vốn ban đầu.
  • Dự án C: 2000/27,000 x 10,000 = 740 (USD), tăng 74% so với số tiền gọi vốn ban đầu.

Cộng với số tiền 1,000 kêu gọi được từ cộng đồng, mỗi dự sẽ có tổng số tiền:

  • Dự án A: 8,407 USD
  • Dự án B: 2,851 USD
  • Dự án C: 1,740 USD

→ Như vậy có thể thấy, cùng một số tiền gọi vốn từ cộng đồng, số lượng người donate ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả cuối cùng của vòng gọi vốn Gitcoin Grants. Dự án A với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, cho thấy sự ủng hộ của đông đảo cộng đồng sẽ nhận được nhiều tiền hơn rất nhiều so với 2 dự án còn lại.

gtc matching pool

Quadratic funding tạo ra động lực lớn hơn cho những người đóng góp nhỏ lẻ, một cá nhân ủng hộ một dự án sẽ thấy lợi nhuận giảm dần đối với các khoản đóng góp tăng dần, các khoản đóng góp nhỏ sẽ nhận được tỷ lệ phần trăm match cao nhất.

Vẫn với ví dụ trên, giả định dự án A có người đóng góp thứ 21, con số dự án nhận được sẽ là:

  • 1 USD - Tương ứng với 26.97 USD phần thưởng từ Matching Pool, gần bằng 2700% - gấp 27 lần số tiền đã đóng góp.
  • 5 USD - Tương ứng với 59.8 USD phần thưởng từ Matching Pool, tăng khoảng 1200% - gấp 12 lần số tiền đã đóng góp.
  • 20 USD - Tương ứng với  với 117.77 USD phần thưởng từ Matching Pool, tăng khoảng 590%.
  • 100 USD - Tương ứng với 253,68 USD, bằng 253% số tiền đã đóng góp.

→ Điều này cho thấy tác động của các khoản đóng góp dù nhỏ cũng có thể đem lại tác động đáng kể đến tổng số tiền mà một dự án tham gia Gitcoin Grants có thể nhận được.

Tổng kết lại, mô hình hoạt hoạt động của Gitcoin Grants diễn ra như sau:

  1. Số tiền của các bên tài trợ sẽ được tổng hợp trong Matching Pool.
  2. Các dự án tham gia Gitcoin Grants Round sẽ kêu gọi vốn từ cộng đồng (crowdfunding).
  3. Các thành viên cộng đồng tham gia đóng góp.
  4. Cơ chế quadratic funding, số lượng thành viên tham gia đóng góp sẽ quyết định số tiền dự án nhận được.
gtc grants flow

Tuy nhiên, với cách vận hành trên của quadratic funding nói riêng và Gitcoin Grants nói chung, sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra cho Gitcoin.

Gitcoin lấy tiền từ đâu để tài trợ cho các dự án?

Mỗi vòng Gitcoin Grants các dự án sẽ chia sẻ số tiền hàng triệu USD trong Matching Pool, vậy số tiền từ Matching Pool từ đâu mà có?

Các nguồn tiền tài trợ của Gitcoin:

  • Ethereum Foundation: Tài trợ từ Round 1 tới 6.
  • DeFi Protocols: Yearn, Synthetix, Chainlink,… tài trợ từ round 7 tới 11. Ở round 14 mới nhất còn có sự tham gia của những cái tên nổi bật: Coinbase, ENS, Optimism, Polygon, Uniswap…
  • Các thành viên trong cộng đồng: Các thành viên trong cộng đồng cũng có thể donate trực tiếp cho Matching Pool.
  • Investor: Gitcoin cũng đã từng nhận được tài trợ từ các nhà đầu tư lớn trước đây như 3AC.
  • Khoản donate từ Vitalik Buterin: Tại thời điểm Vitalik donate AKITA token, tổng giá trị khoản tiền ở mức 5 triệu USD.
  • Cơ chế gọi vốn qua NFT, Gamified NFT: Gitcoin gọi vốn qua việc bán các dự án NFT (PTP NFT, Gamified NFT…).

Hiện tại, trong ví multi-sig của Gitcoin Grants vẫn còn 3 triệu USD giá trị ETH và 5 triệu USD giá trị các token ERC-20 khác sau khi mới hoàn thành vòng 14 với số tiền 5 triệu USD.

gitcoin grants

Cách phòng chống Sybil attack

Nếu số lượng người đóng góp càng nhiều, dự án sẽ nhận về càng nhiều tiền tài trợ, vậy thay vì donate 1 lần 100 USD tại sao không chia thành nhiều tài khoản donate khác nhau? Đây chính là hình thức Sybil attack với mục đích chiếm nhiều tiền tài trợ từ Matching Pool hơn.

Để chống lại Sybil attack, Gitcoin sử dụng hệ thống Gitcoin Passport tính điểm trust score. Người dùng có thể dùng các phương pháp xác minh truyền thống hoặc các phương pháp mang tính phi tập trung hơn.

Đọc thêm: Sybil Attack là gì? Các hình thức tấn công mạo nhận trong crypto.

gitcoin passport

Người dùng chưa thông qua xác minh tài khoản tỉ lệ match trong matching pool sẽ chỉ có 50%, tức là giảm một nửa voting power. Những người dùng có Gitcoin Passport và đã xác minh các thông tin có thể có tỉ lệ matching fund từ 100% - 150%. Các cách xác minh tài khoản qua Gitcoin Passport bao gồm:

  • Facebook, Twitter, Google Authentication: Xác minh qua các loại tài khoản này giúp người dùng có thêm 15% trust score mỗi loại.
  • ProofOfHumanity: Hoàn thành tạo profile trên ứng dụng Proof Of Humanity và deposit 0.125 ETH để kích hoạt tài khoản. Sau khoảng 1 ngày xác minh tài khoản và kết nối với Gitcoin Passport, người dùng sẽ nhận thêm 50% trust score. Để xác minh trên POH người dùng không cần ảnh giấy tờ mà chỉ cần video kèm địa chỉ ví ETH.
  • Tên miền ENS: Kết nối với tên miền Ethereum Name Service giúp tăng 25% trust score.
  • BrightID: Ứng dụng xác minh danh tính danh tính bằng cách quét mã QR lẫn nhau. Kết nối tài khoản BrightID đã xác thực giúp người dùng có thêm 50% trust score.
  • POAP (Proof of Attendance Protocol): sử dụng để đánh dấu sự tham gia hoặc có mặt tại một sự kiện, được mint dưới dạng NFT và thêm vào tài khoản hoặc ví của người dùng. Với tài khoản POAP ít nhất 15 ngày tuổi được kết nối, người dùng có thêm 25% trust score.

Người dùng cũng có thể sử dụng nhiều phương pháp xác thực cùng lúc, tuy nhiên số điểm tối đa đạt được là 150% trust score. Từ đó, có thể dựa vào nhu cầu để chọn phương án xác minh tối ưu, ví dụ:

  • 50% + Twitter (15%) + Facebook (15%) + ENS (25%) + BrightID (50%) = 150% (155% nhưng tối đa chỉ được 150%)
  • 50% + ProofOfHumanity (50%) + ENS (25%) + POAP (25%) = 150%

Cách làm này giúp Gitcoin xác minh một người chỉ sử dụng một tài khoản, tài khoản đó có thực sự là con người hay không. Điều này làm cho Gitcoin Grants diễn ra minh bạch hơn và số tiền tài trợ có thể đến đúng dự án được nhiều người ủng hộ hơn.

Cách phòng chống tấn công kết hợp

Ngoài ra, còn một cách tấn công nữa Gitcoin đã từng ghi nhận. Kẻ xấu kết hợp các tài khoản giả mạo với người dùng thật, tức là kêu gọi một nhóm tài khoản đã được xác thực cùng donate cho một dự án, sau đó chia nhau phần thưởng từ Matching Pool.

Để phòng chống cách thức tấn công này, Gitcoin sử dụng thêm cơ chế Pairwise Funding. Hiểu đơn giản là những dự án grant có dấu hiệu của nhóm người đóng góp kết hợp để cùng donate sẽ bị giảm tỉ lệ matching. Ví dụ, nếu có 2 người ủng hộ liên tục donate cho nhóm các grants giống nhau thì tỉ lệ matching fund của grants đó sẽ bị giảm một phần.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ chế này cũng có thể tìm ra các đối tượng khả nghi, vì vậy Gitcoin còn sử dụng thêm cơ chế cắm cờ (flagging). Người dùng khi nhận được đề nghị cheat từ kẻ xấu có thể report bằng cách cắm cờ và gửi báo cáo cho Gitcoin.

Chỉ cần một user cắm cờ chính xác kế hoạch của kẻ xấu sẽ bị phá sản. Ở round 8, đã có khoảng 35 cờ được cắm.

Điều kiện để một dự án tham gia Gitcon Grants

Để được tham gia các vòng Gitcoin Grants, các dự án phải đảm bảo ít nhất một vài tiêu chí:

  • Phải là một dự án public good.
  • Dự án phải đạt yêu cầu cơ bản của nền tảng: Không mạo danh, gây thù địch, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính.
  • Đạt một vài tiêu chí đặc trưng của hệ sinh thái. Với Ethereum main round, các dự án đảm bảo chưa từng gọi vốn VC (venture capital) quá 500,000 USD; không có và cũng chưa mở bán token; open-source; có liên kết tới mạng Ethereum.
  • Với mỗi round khác nhau, nhà tài trợ của Matching Pool round đó sẽ có quyền tuỳ chọn luật và quy định riêng.

Cách Gitcoin capture value cho GTC token

Gitcoin DAO

Trong suốt quá trình sử dụng các sản phẩm của Gitcoin đã trình bày gần như không thấy sự xuất hiện của native token GTC, vậy GTC đóng vai trò gì trong hệ sinh thái sản phẩm của Gitcoin?

Câu trả lời là Governance, GTC về bản chất chỉ là token quản trị và không có giá trị kinh tế trong hệ sinh thái. Tuy nhiên, GTC được dùng để quản trị Gitcoin Grants và Gitcoin DAO, các quyết định của GTC holders có thể ảnh hưởng rất nhiều tới các dự án tham gia trên Gitcoin.

Có 3 thành phần chính tham gia quản trị Gitcoin DAO:

  • Stewards: Là những thành viên tích cực trong cộng đồng, nhiều lần thể hiện mong muốn đóng góp cho hệ sinh thái Gitcoin, cũng là những người trực tiếp tham gia quản trị, xây dựng chính sách xoay quanh Gitcoin Grants. Các thành viên cộng đồng sẽ cùng nhau bầu ra stewards.
gtc steward
  • Delegator: Người dùng phổ thông có thể sử dụng GTC token để trao quyền cho stewards mà mình tin tưởng.
  • Contributor: Những thành viên cộng đồng sẵn sàng cống hiến thời gian và công sức để phát triển workstream của DAO, nếu workstream được thông qua, họ sẽ được thưởng GTC token.
gitcoin dao

Quy trình hoạt động của Gitcoin DAO

Quy trình quản trị của Gitcoin DAO diễn ra như sau:

1. Thảo luận

Tất cả các cuộc thảo luận về quản trị phải diễn ra trên diễn đàn chính thức của Gitcoin. Điều này nhằm đảm bảo cộng đồng có tất cả thông tin cần thiết để đưa ra quyết định sáng suốt về các đề xuất và cung cấp sự minh bạch về những gì được quyết định.

2. Đề xuất

Khi các thành viên muốn đưa ra đóng góp hay ý tưởng, họ sẽ phải đưa ra đề xuất. Các đề xuất (proposal) thường đề ra mục đích và yêu cầu khác nhau, chia thành 4 loại:

  • Đề xuất tài trợ: Workstream yêu cầu tài trợ từ GitcoinDAO.
  • Đề xuất phê duyệt: Cộng đồng hoặc một workstream yêu cầu cộng đồng phê duyệt điều gì đó mà họ muốn làm, chẳng hạn như phát hành Gitcoin Grants.
  • Đề xuất quản trị: Cộng đồng được yêu cầu phê chuẩn các thay đổi đối với chính sách hoặc thủ tục của Gitcoin.
  • Đề xuất của DAO: Cộng đồng được yêu cầu bỏ phiếu về những thay đổi cấu trúc đối với cách thức hoạt động của DAO.

3. Workstreams

Workstream dùng để chỉ một nhóm người tích cực thực hiện các nhiệm vụ liên quan với sứ mệnh của Gitcoin là duy trì sự phát triển của public good. Mỗi một workstream thường có một steward phụ trách, có quy trình và budget riêng. Khi bắt đầu công việc họ cũng sẽ phải post lên forum. Vài ví dụ về các loại nhóm workstream:

  • Public goods funding: Nghiên cứu và phát triển các yếu tố xoay quanh việc tài trợ public good, thiết lập tiêu chí cho các vòng Gitcoin Grants, tìm cách để Gitcoin có thể hỗ trợ tốt nhất cho các loại public good mới.
  • Fraud detection & defend: Phân tích dữ liệu Gitcoin và suy nghĩ tìm ra các giải pháp để phòng chống các cách thức tấn công như Sybil attack.
  • Phát triển sự phi tập trung: Tìm cách mô-đun hóa và đơn giản hóa kiến trúc của Gitcoin để cộng đồng sử dụng lâu dài.
  • Hoàn thiện hệ sinh thái: Tìm cách sử dụng kiến trúc mới của Gitcoin để xây dựng các giải pháp cho các vấn đề của hệ sinh thái.

4. Funding

Các workstream sẽ được Gitcoin DAO tài trợ tiền để hoạt động, tuy nhiên họ sẽ phải gửi đề xuất để request tiền từ Gitcoin DAO Treasury.

5. Voting

Cộng đồng Gitcoin đưa ra quyết định bằng cách bỏ phiếu cho các đề xuất được thực hiện bởi các workstream. Bất kỳ ai nắm giữ GTC đều có thể tự bỏ phiếu hoặc ủy quyền quyền biểu quyết của mình cho steward.

gtc workstream

6. Proposal Discussion

Với những đề proposal thông thường, trước khi đi đến bước voting sẽ cần phải thông qua vòng thảo luận đề xuất. Đề xuất sẽ được xem xét và thảo luận bởi cộng đồng ít nhất 5 ngày và cho tới khi có ít nhất 5 steward xác nhận.

7. Moving to Vote

Sau khi qua vòng thảo luận, proposal sẽ bắt đầu được vote. Có 2 cách tổ chức voting và đều phải dùng GTC để vote:

  • Bỏ phiếu off-chain: Sử dụng Snapshot để bỏ phiếu. Sở hữu càng nhiều GTC thì càng có nhiều voting power.
  • Bỏ phiếu on-chain: Sử dụng Tally để bỏ phiếu. Dành cho các đề xuất ảnh hưởng tới số dư GTC ở Treasury hoặc thay đổi cấu trúc quan trọng của DAO.

Lưu ý: Để một đề xuất được thông qua ít nhất phải có 2.5 triệu GTC tham gia bỏ phiếu.

Giá trị Gitcoin đem lại

Với các sản phẩm mang tính sáng tạo, Gitcoin đã và đang đem lại rất nhiều giá trị cho cộng đồng.

Về phía dự án

Các dự án public good thường là những dự án phi lợi nhuận, không được nhiều hỗ trợ từ mặt tài chính vì đơn giản nó không đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Chính vì vậy, có một nền tảng giúp các dự án này có tiền tài trợ để duy trì hoạt động là điều vô cùng quan trọng.

Gitcoin cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh tương đối công bằng, các dự cần có số lượng người ủng hộ nhất định để dành được số tiền vốn cao hơn.

Về phía developers

Các developer sử dụng nền tảng Gitcoin sẽ có rất nhiều cơ hội để kiếm tiền (qua bounty, hackathon). Gitcoin cũng có thể đóng vai trò trung gian, giúp các developer kết nối và team up với nhau cùng tham gia giành phần thưởng hay cùng build dự án.

Về phía cộng đồng, người ủng hộ

Người tham gia ủng hộ trên Gitcoin không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của Web3 mà còn có cơ hội kiếm được lợi nhuận. Những dự án sau khi tham gia gọi vốn trên Gitcoin hoàn toàn có thể airdrop lại cho người dùng, hay thậm chí một vài dự án còn lấy việc donate trên Gitcoin làm tiêu chí nhận airdrop/retroactive (gần đây nhất có Optimism).

Ngoài lợi ích về mặt tiền bạc, suy cho cùng, khi các dự án public good nhận được tiền tài trợ và hoạt động hiệu quả, những người hưởng lợi nhiều nhất vẫn là các thành viên trong cộng đồng khi được sử dụng các sản phẩm đó một cách miễn phí.

Tổng kết

Gitcoin đã và đang hoạt động hiệu quả kể từ khi ra mắt vào 2017. Gitcoin vẫn là dự án tiêu biểu cho mảng public funding. Với mô hình Gitcoin Grants hay quadratic funding sáng tạo và ngày càng hoàn thiện, trong tương lai Gitcoin sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của thế giới Web3 nói riêng và thế giới công nghệ nói chung.

Đọc thêm: Tại sao cộng đồng lại quan tâm nhiều tới Gitcoin?

RELEVANT SERIES