Uniswap là gì? Tổng quan về UniSwap V2 - DEX độc đáo của giới DeFi
Bài viết ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Uniswap là gì và mọi thông tin chi tiết về Uniswap bao gồm:
- Sàn Uniswap hoạt động như thế nào?
- Những sản phẩm, tính năng chủ lực của Uniswap là gì?
- Các đối tượng bên trong Uniswap.
- Đánh giá ưu nhược điểm của Uniswap và những rủi ro khi giao dịch trên Uniswap.
- Tương lai của Uniswap.
- So sánh Uniswap với các Blockchain khác.
Uniswap là gì?
Uniswap là một giao thức tạo lập thị trường tự động (AMM) và đồng thời là sàn giao dịch phi tập trung (DEX) xây dựng trên Blockchain Ethereum, cho phép người dùng có thể swap bất kỳ token ERC-20 nào. Uniswap hiện đang là sàn được sử dụng phổ biến nhất bởi sự nhanh gọn và tiện lợi của nó.
Cơ chế AMM giúp việc giao dịch trên sàn Uniswap không cần phải sử dụng đến sổ lệnh, mà thay vào đó, smart contract sẽ đóng vai trò là trung gian, người bán bỏ tài sản vào một nơi gọi là liquidity pool (pool thanh khoản), sau đó người mua sẽ swap tài sản họ đang có với tài sản trong pool thông qua smart contract.
Hiện tại, người dùng đa phần đều sử dụng Uniswap V2, nên trong bài viết, mình sẽ mặc định Uniswap là Uniswap V2, nếu có phiên bản khác, sẽ nói rõ là Uniswap V….
Uniswap hoạt động như thế nào?
Uniswap là giao thức phi tập trung 100% và không cần cấp quyền (permissionless), được hoạt động dựa trên công thức: x * y = k
Trong đó:
- x là số lượng token A.
- y là số lượng token B.
- k là tổng giá trị của pool A/B.
Từ đó ta có:
- Khi k thay đổi, mà giá trị của token A và B không đổi, suy ra x và y sẽ thay đổi.
- Khi x và y thay đổi, mà k không đổi, suy ra giá trị của token A và B phải thay đổi.
- Để k thay đổi, x và y sẽ cần được thay đổi bởi các nhà cung cấp thanh khoản (về sau sẽ dùng chữ “LP” hoặc “Liquidity Provider").
- Để x và y thay đổi, sẽ cần tác động từ các trader thông qua việc swap.
Người dùng đọc còn thấy hơi rối rắm đúng không? Hãy xem ví dụ dưới đây để hiểu rõ nhé.
Ví dụ: Giả sử pool được tạo có tên là ETH/DAI với 10 ETH và 1000 DAI.
Ta sẽ có:
- x * y = k ⇔ 10*1000 = 10,000
- 1 ETH = 100 DAI.
- 1 DAI = 0.01 ETH.
Trường hợp 1: Swap DAI lấy ETH
Trader A vào pool này và swap 500 DAI + 0.3% phí để đổi lấy ETH.
=> y’ = 500 + 1000 = 1500 DAI
k không đổi, vẫn bằng 10,000
=> x' = 6.66 ETH
Suy ra trader nhận được x - x' = 10 - 6.66 = 3.33 ETH, tương đương giá trị 500 DAI
=> giá 1 ETH = 150 DAI, tăng 50% so với giá ban đầu.
Lưu ý: 0.3% phí sẽ được thêm lại vào pool sau khi swap làm thay đổi giá trị của k.
Trường hợp 2: Swap ETH lấy DAI
Trader B bán 6 ETH để đổi lấy DAI
=> x' = 10 + 6 = 16
=> y’ = 10,000/16= 625
Suy ra trader nhận được y - y' = 1000 - 625 = 375 DAI, tương đương giá trị 6 ETH.
=> giá 1 ETH = 62,5 DAI, giảm 37.5% so với giá ban đầu.
Lưu ý: Nếu mức trượt giá là quá lớn, Uniswap sẽ có cảnh báo trước khi người dùng tiến hành swap hiển thị thông báo.
Các tính năng chính trên sàn Uniswap
Sàn Uniswap có 4 tính năng chính bao gồm:
Swap
Swap trong sàn Uniswap là một cách đơn giản để giao dịch một token ERC-20 cho một token khác. Đối với người dùng cuối, việc swap rất trực quan:
- Người dùng chọn một token đầu vào và một token đầu ra.
- Họ chỉ định số lượng đầu vào và giao thức sẽ tính toán lượng token đầu ra mà họ sẽ nhận được.
- Sau đó, họ thực hiện swap bằng một cú nhấp chuột, nhận token đầu ra trong ví của họ ngay lập tức.
Về cấp độ giao thức, quá trình swap này diễn ra như thế nào?
Swap trong Uniswap khác với giao dịch trên các nền tảng truyền thống. Thay vì sử dụng sổ lệnh để thể hiện tính thanh khoản hoặc xác định giá cả, Uniswap sử dụng cơ chế tạo thị trường tự động (AMM) để cung cấp phản hồi tức thì về tỷ giá và mức trượt giá.
Mỗi cặp token trên Uniswap được củng cố bởi một pool thanh khoản. Pool thanh khoản là các hợp đồng thông minh giữ số dư của hai token duy nhất và thực thi các quy tắc xung quanh việc nạp và rút các token này.
Khi token được nạp (bán), một số tiền tương ứng phải được rút để duy trì sự không đổi (k trong công thức ở phần trước). Ngược lại, nếu token được rút (mua), thay vào đó, một số tiền tương ứng cũng phải được nạp vào.
Liquidity Pool
Mỗi pool thanh khoản trên sàn Uniswap là một địa điểm giao dịch cho một cặp token ERC20. Khi hợp đồng pool được tạo, số dư của mỗi token bằng 0. Để pool bắt đầu cung cấp giao dịch, LP (Liquidity Provider - người cung cấp thanh khoản) cần nạp tiền vào cho mỗi token. LP đầu tiên sẽ là người thiết lập giá ban đầu cho pool đó.
LP được khuyến khích cung cấp giá trị của hai token bằng nhau. Ngược lại, trường hợp LP đầu tiên cung cấp hai token với tỷ lệ giá trị khác nhau so với giá trên thị trường, cơ hội kinh doanh chênh lệch giá sẽ xuất hiện và có khả năng bị một người nào đó bên ngoài lấy mất.
Khi LP cung cấp thanh khoản cho Pool, họ sẽ nhận lại được Liquidity Token (Token thanh khoản), tương đương lượng thanh khoản họ đã cung cấp cho pool. Các token này đại diện cho sự đóng góp của LP vào pool.
Khi có giao dịch, khoản phí 0.3% sẽ được phân bổ theo tỷ lệ cho tất cả LP trong pool tại thời điểm giao dịch. Để rút tiền đã nạp vào làm thanh khoản cũng như phần phí được chia, LP sẽ cần đốt liquidity token của mình. LP cũng có thể bán, chuyển nhượng, hoặc sử dụng theo cách họ muốn.
Flash Swap
Flash Swap bắt đầu xuất hiện trong Uniswap V2. Flash swap cho phép người dùng rút bất kỳ số lượng token ERC20 nào, miễn phí, với điều kiện là cuối giao dịch, chúng được thanh toán hoặc trả lại, hoặc cả hai.
Ví dụ như khi người dùng muốn thanh toán vị thế trong Compound hay Maker…
- Trong V1, người dùng phải chuyển token A để mua token B.
- Trong V2, Flash swap cho phép người dùng nhận và sử dụng token B ngay lập tức sau khi thực hiện swap tới smart contract.
Oracle
Oracle (hay nguồn cấp dữ liệu giá trên chuỗi) là một thành phần quan trọng đối với nhiều ứng dụng DeFi (Tài chính phi tập trung), bao gồm những ứng dụng tài chính phái sinh (Derivatives), cho vay, giao dịch ký quỹ (Margin Trading),... Các dự án DeFi thường sẽ dùng Oracle có sẵn, ví dụ như của Chain Link.
Riêng với Uniswap, đội ngũ đã tự phát triển Oracle riêng hợp với giao thức của mình. Đặc biệt, Uniswap V2 đã cho phép xây dựng các Oracle về giá trên chuỗi có tính phi tập trung cao và chống thao túng.
Cụ thể hơn, dữ liệu thời gian giá được ghi lại trên chuỗi theo một cách khiến cho việc thao túng giá trong một khoảng thời gian nhỏ là rất tốn kém, và cũng không thể thao túng giá trong một giao dịch duy nhất.
Xem ngay hướng dẫn sử dụng Uniswap V2 để có thể trải nghiệm các tính năng phía trên một cách hiệu quả nhất!
Các đối tượng tham gia trên sàn Uniswap
Các đối tượng tham gia vào Uniswap sẽ gồm: Liquidity Provider, Trader và Developer.
Liquidity Provider - Người cung cấp thanh khoản
Các Liquidity Provider (LP) sẽ nhận được 0.3% phí khi cung cấp thanh khoản. Đây có thể là:
- Những người nắm giữ Token muốn đầu tư tài sản một cách thụ động để tích lũy được phí giao dịch.
- Các LP chuyên nghiệp tạo ra những chiến lược lập pool để kiếm lợi nhuận.
- Các dự án tạo ra pool để thanh khoản cho token của họ, giúp cho các token được mua và bán dễ dàng hơn.
- Một số nhà tiên phong trong DeFi muốn khám phá các tương tác cung cấp thanh khoản phức tạp như thanh khoản được khuyến khích, thanh khoản làm tài sản thế chấp và các chiến lược mới mẻ khác.
Trader - Nhà giao dịch
Các Trader sẽ được trade với nhiều cặp tokens từ ví. Những trader này có thể là:
- Các nhà đầu cơ sử dụng nhiều công cụ để swap token bằng cách sử dụng tính thanh khoản được lấy từ Uniswap.
- Các bot kinh doanh chênh lệch giá tìm kiếm lợi nhuận bằng cách so sánh giá trên các nền tảng khác nhau để tìm ra điểm có lợi.
- Người dùng DApp mua token trên Uniswap để sử dụng trong các ứng dụng khác trên Ethereum.
- Các hợp đồng thông minh thực hiện các giao dịch trên giao thức bằng cách triển khai chức năng swap (từ các sản phẩm như trình tổng hợp DEX đến các tập lệnh Solidity - ngôn ngữ lập trình smart contract tùy chỉnh).
Trong mọi trường hợp, các trader phải chịu cùng một khoản phí cố định cho giao dịch trên giao thức.
Developer (Dev) - Các nhà phát triển
Các Developer (Dev) có thể phát triển sản phẩm dựa trên Uniswap. Những Dev này có thể là:
- Các dashboard DeFi: Vì Uniswap có nguồn mở, và có thể truy cập, do đó có vô số thử nghiệm UX và UI được xây dựng để cung cấp khả năng truy cập vào chức năng của Uniswap. Do đó, người dùng có thể tìm thấy các chức năng Uniswap trong hầu hết các dự án dashboard DeFi và nhiều công cụ dành riêng cho Uniswap do cộng đồng xây dựng.
- Các ví thường tích hợp chức năng swap và cung cấp thanh khoản.
- Các trình tổng hợp DEX kéo thanh khoản từ nhiều giao thức thanh khoản để cung cấp cho các trader mức giá tốt nhất. Uniswap là nguồn thanh khoản phi tập trung lớn nhất cho các dự án này.
- Các Dev smart contract sử dụng bộ chức năng có sẵn để phát minh ra các công cụ DeFi mới và các ý tưởng thử nghiệm khác nhau. Người dùng có thể xem các dự án như Unisocks hoặc Zora, và rất nhiều dự án khác nữa.
Đánh giá ưu nhược điểm của Uniswap
Ưu điểm
- Dự án list token không cần quá nhiều thao tác và được miễn phí.
- Người dùng trao đổi token nhanh chóng, tiện lợi.
- Có thể được tích hợp thẳng vào các Wallet hiện tại, nên việc lưu trữ và swap cũng dễ dàng hơn sử dụng sàn tập trung (CEX).
Ví dụ: Uniswap đã được tích hợp trên Coin98 Super Wallet, do đó người dùng có thể swap token đang lưu trữ trên ví Coin98 Super Wallet chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại. Xem hướng dẫn trade Uniswap trên Coin98 Super Wallet
Nhược điểm
- Do dễ list token, nên các token scam cũng xuất hiện đầy rẫy, người dùng mới dễ bị mất tiền do lừa đảo.
- Được xây dựng trên Ethereum, nên phí giao dịch (phí gas) đôi khi rất cao.
Những rủi ro tiềm ẩn trên sàn Uniswap
Rủi ro về Smart contract
Smart contract trên Uniswap tương đối đơn giản, đã được audit, và đã tự chứng minh sau một thời gian hoạt động. Mặc dù hiếm, tuy nhiên khả năng Uniswap bị tấn công không phải là hoàn toàn không có, đó là những rủi ro kỹ thuật đi kèm với bất kỳ dự án dựa trên hợp đồng thông minh nào.
Trong Uniswap V1, kẻ tấn công có thể sử dụng “hooks” trong tiêu chuẩn token ERC-777 để rút tiền từ các pool thanh khoản dựa trên loại token này. Cụ thể là pool imBTC Tokenlon đã bị tấn công và 300,000$ đã bị thất thoát. Sau đó, trong Uniswap V2, lỗi token ERC-777 đã được sửa, do đó, kiểu tấn công này không còn khả thi nữa.
Rủi ro về Token
Trên Uniswap, rất dễ dàng để một người có thể niêm yết token của họ. Do đó, có nhiều người lợi dụng sự dễ dàng này để niêm yết các token scam, giả mạo. Người dùng cần kiểm tra smart contract của token cẩn thận để tránh mất tiền.
Tương lai của Uniswap
Dù là người tiên phong, nhưng Uniswap vẫn không hề đánh mất vị trí top-tier DEX hiện tại, bất chấp rất nhiều thế lực khác cũng đang nổi lên như Sushiswap, PancakeSwap,…
Khoảng đầu năm 2021, Uniswap cũng ra mắt Uniswap V3 với những cải tiến giúp người dùng có thể tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn, bằng cách cung cấp thanh khoản theo khoảng giá, cũng như kết hợp NFT vào LP token, cho thấy Uniswap chưa bao giờ ngủ quên trong chiến thắng, đội ngũ vẫn miệt mài làm việc.
Nói về số liệu, TVL hiện tại (15/7/2021) cho thấy Uniswap đang ở top 2, chỉ sau Curve, điều này cho thấy sức hút của Uniswap đến nay vẫn không hề suy giảm.
TVL Uniswap (15/7/2021) đang ở top 2.
Theo biểu đồ bên dưới, có thể thấy thị phần của Uniswap đã chiếm tới hơn 65% tổng DEX hiện tại. Qua đó, cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong tương lai là rất lớn.
Khối lượng giao dịch trên các DEX (Nguồn: Dune Analytics)
Sự cạnh tranh đến từ các dự án trên blockchain Ethereum
Uniswap & Curve
Trở lại với hình TVL ở trên, có thể thấy top 1 hiện tại đang là Curve - một DEX chuyên cho việc trao đổi Stablecoin. Với TVL đang gấp 3 so với Uniswap, và gần như bỏ xa các dự án ở dưới, Curve hiện tại đang được xem như DEX rất thành công.
Nhiều người dùng sẽ nghĩ rằng Curve với TVL như hiện tại, khả năng rất cao là tương lai cũng sẽ dành được rất nhiều thị phần từ Uniswap. Nhưng thực tế, cả hai hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau.
Curve được người dùng sử dụng để swap các Stablecoin như USDT sang DAI, USDC sang BUSD,… dựa trên đặc tính của sàn. Còn Uniswap là một DEX dành cho rất nhiều token, và đặc biệt hơn là hiện nay, Uniswap được sử dụng như một sàn giao dịch cho các dự án IDO list token để người dùng có thể giao dịch ngay mà không cần đợi list sàn CEX - thứ mà Curve không thể làm được.
Nên bề ngoài, có vẻ như cả hai là đối thủ trong DEX, nhưng thực tế, việc bên này phát triển cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến sự tăng trưởng của bên còn lại.
Tham khảo thêm về mô hình hoạt động Curve và các tính năng bên trong, kèm theo những dự phóng về tiềm năng và cơ hội đầu tư trong tương lai.
Uniswap & Sushiswap
Khác với cặp đấu trên, Uniswap và Sushiswap mới chính là trận chiến thú vị mà chúng ta cần quan sát.
Sushiswap ban đầu chỉ được xem như một bản fork Uniswap ngay thời điểm trend đặt tên dự án theo món ăn ra đời (Burgerswap, PhoSwap,…). Thậm chí, đã có thời kì gặp nhiều phốt đến từ nhà sáng lập ban đầu.
Nhưng dần dần, dưới sự lãnh đạo của 0xMaki và đội ngũ xuất sắc, Sushiswap hiện đang là một DEX mạnh mẽ trong thị trường chỉ đứng sau Uniswap. Việc này có thể được thể hiện qua volume giao dịch trong tháng 6: Nếu volume giao dịch của Uniswap là $43B, thì Sushiswap đứng thứ 2 trong các DEX với $8B.
Vậy còn thị trường thì sao? Nếu Uniswap tập trung sâu về giao dịch, thì Sushiswap chọn cho mình một hướng đi khác, đó là đi theo chiều ngang, với đa dạng sản phẩm như Lending, IDO platform, Trading,… Nên trong tương lai, vẫn có trường hợp cả hai đều ở vị thế chiến thắng.
Xem thêm về mô hình SushiSwap để hiểu cơ chế hoạt động của từng tính năng bên trong, từ đó người dùng sẽ biết vì sao mình nói SushiSwap sẽ có thể chiến thắng giống Uniswap.
Sự cạnh tranh đến từ các dự án trên các blockchain khác
Không thể phủ nhận, phí giao dịch ở Ethereum là một vấn đề hết sức đau đầu. Ở tháng 7-8/2020, khi trào lưu Yield Farming và token pump mạnh ở Uniswap ra đời, đã đẩy phí giao dịch lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm. Điều này gây trở ngại rất lớn với những nhà giao dịch nhỏ lẻ.
Câu chuyện vẫn tiếp tục cho đến tháng 2-3/2021, khi MEV bắt đầu nổi lên với việc các bot tham gia gas war, đẩy phí giao dịch lên cao một lần nữa. Để giải thích dễ hiểu hơn, MEV là việc các thợ đào (miners) lợi dụng quyền hạn của mình để sắp xếp thứ tự giao dịch và kiếm lời cho bản thân, cụ thể, họ sẽ ưu tiên xử lý những giao dịch sẵn sàng chịu phí cao hơn, chứ không xử lý theo quy tắc First come, First Service theo thời gian người dùng đưa lệnh on-chain vào.
Lúc này, đã xuất hiện một bước ngoặc mới ở Binance Smart Chain: PancakeSwap.
PancakeSwap cũng xuất thân là một fork của Uniswap như Sushiswap. Dự án đã giải quyết nhược điểm phí giao dịch cao của Uniswap trên Ethereum, hút dòng tiền qua Binance Smart Chain rất nhiều. Sau đó, không chấp nhận mình chỉ đơn thuần là một bản fork, PancakeSwap đã ra mắt rất nhiều tính năng, khiến dự án trở thành DEX biểu tượng khi cộng đồng nhắc đến Binance Smart Chain.
Người dùng có thể xem thêm về mô hình PancakeSwap để biết chi tiết cách hoạt động của từng tính năng bên trong nó, từ đó sẽ hiểu vì sao PancakeSwap lại thành công như vậy.
Ngoài ra, dù phí giao dịch hiện đã giảm nhiệt rất nhiều, nhưng các blockchain khác cũng dần ra các DEX riêng với mục đích kéo dòng tiền về hệ sinh thái của mình. Ta có QuickSwap trên Polygon, Raydium, Orca trên Solana,…
Trong cuộc chiến này, liệu Uniswap có giữ vững được vị trí top DEX của mình? Điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược của Uniswap.
Lời kết
Như vậy, mình đã giới thiệu với người dùng về Uniswap là gì và tất cả mọi thông tin chi tiết về sàn Uniswap. Nếu người dùng muốn hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của Uniswap và những dự phóng về tiềm năng hay cơ hội đầu tư với Uniswap V2, hãy tham khảo ngay bài phân tích mô hình Uniswap V2.