Phaver: Giúp người dùng kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân
Anh là thành viên Under 30 năm 2020 của Forbes Việt Nam ở hạng mục doanh nhân - khởi nghiệp và là cựu du học sinh được Bộ kinh tế và Việc làm Phần Lan đề cử danh hiệu “Doanh nhân người nhập cư năm 2019”.
Một năm trước, Khanh Tran rời bỏ thị trường truyền thống để gia nhập thế giới Web3 với chức danh Giám đốc chiến lược của Phaver - ứng dụng mạng xã hội phi tập trung được hỗ trợ bởi Lens Protocol và CyberConnect.
- Là người sáng lập thương hiệu giày Rens làm từ bã cà phê được Forbes Việt Nam Under 30 vinh danh, lý do nào đã khiến anh rẽ vào thị trường crypto?
Jesse Khanh Tran: Thật ra tôi đến với crypto một phần lớn nhờ công ty giày Rens. Cách đây ba năm, Apple ra chính sách App Tracking Transparency (yêu cầu các ứng dụng có sự đồng thuận chia sẻ dữ liệu từ người dùng), điều này làm việc chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram trở nên không hiệu quả và khiến các công ty thương mại điện tử không lời nhiều như trước.
Lúc đó, tôi quyết định tìm đến crypto và hợp tác với những cái tên trong ngành như The Sandbox hay nhận được hỗ trợ từ Axie Infinity. Rens ra mắt chương trình Multiverse Fashion, theo đó người dùng mua áo hoodie hay giày làm từ bã cà phê sẽ nhận được một NFT. Những NFT đó được sử dụng trong các metaverse game của The Sandbox, Decentraland.
Tôi cũng hợp tác với Phaver và phát hiện dự án sở hữu một cộng đồng Web3 rất năng động và nhiệt huyết, một phần nữa là người sáng lập Phaver là bạn thân của tôi ở Phần Lan. Thế là tôi quyết định gia nhập công ty ở vị trí cố vấn và Giám đốc chiến lược.
Đọc thêm: CEO Stably: ‘Stablecoin phi tập trung cũng giống thịt giả, không thể nào thay thế bò né’
- Là người xuất thân từ thị trường truyền thống, anh thấy thị trường này tương đồng như thế nào với Web3?
Jesse Khanh Tran: Tôi hay so sánh thị trường truyền thống với Web2, vì thời kỳ Web1 xuất hiện tôi mới sinh nên không biết. Tôi nghĩ Web3 giống Web2 những ngày đầu, nó giống như khi so sánh Việt Nam với châu Âu của 20-30 năm trước. Và đây là một trong những cơ hội rất lớn.
Hiện tại, tôi chưa thấy công ty hay nền tảng nào trong Web3 thật sự tụ họp tất cả công nghệ và sự phấn khích lại một chỗ. Ở Phaver, đội ngũ đang cố gắng xây dựng điều này.
- Trong thị trường SocialFi nói chung và đối với Phaver nói riêng, hiện tại đâu là bài toán khó giải quyết nhất?
Jesse Khanh Tran: Bài toán khó nhất theo tôi đó là thay đổi thói quen người dùng. Vì người dùng đã quen với việc mở X (Twitter cũ), Facebook hay Reddit nên giờ bảo họ mở một ứng dụng khác là rất nan giải, chưa nói gì đến Web3, mở sang ứng dụng mạng xã hội Web2 khác cũng đã rất khó rồi. Tập thể Phaver muốn giải quyết vấn đề này chứ nó không liên quan đến Web2 hay Web3.
Phaver cũng xem những nền tảng như Facebook, Instagram, X là đối thủ chính, vì đến cuối mình vẫn cạnh tranh với thời gian người dùng bỏ ra để sử dụng những ứng dụng đó. Lý do cho điều này là vì tôi nghĩ khi cạnh tranh mình luôn nên nhìn lên, nhất là khi sản phẩm của mình vẫn còn khá mới và tầm ảnh hưởng vẫn chưa lớn như những ứng dụng trong Web2.
- Cụ thể Phaver đang giải quyết bài toán này như thế nào?
Jesse Khanh Tran: Hiện Phaver được xem là mạng xã hội lớn nhất Web3, nhưng so với các ông lớn mạng xã hội Web2, nó vẫn còn rất nhỏ. Tôi biết điều này từ thời còn làm thương mại điện tử trên Web3, đó là kể cả thắng lớn hay đạt lượng truy cập tối đa, mình cũng không thể nào bằng các đợt đỉnh điểm từ các chiến dịch quảng cáo chạy trên Facebook, Instagram hay Google.
Tuy nhiên, tôi nghĩ Phaver xuất hiện vào một thời điểm hợp lý. Hiện tại, khách hàng phương Tây cực kỳ quan tâm vấn đề vi phạm dữ liệu của các nền tảng công nghệ lớn. Họ tập trung dữ liệu của người dùng và khai thác chúng, trong khi người dùng lại không có quyền kiểm soát dữ liệu của chính mình. Ở EU, kể cả có chính sách GDPR (quy định bảo vệ dữ liệu chung), đa phần những ứng dụng từ các công ty công nghệ lớn vẫn tìm cách lách luật như thường.
Phaver là một giải pháp cho vấn đề này. Thay vì là “đường một chiều” trong đó người dùng chia sẻ dữ liệu với X, Meta và bị khai thác, Phaver trao quyền cho người dùng.
Cụ thể, họ giành lại quyền kiểm soát dữ liệu của mình và có thể chuyển từ nền tảng này sang nền tảng khác mà không cần kết bạn hay đăng các bài viết lại từ đầu. Thậm chí họ còn được thưởng khi chia sẻ dữ liệu với người khác - điều này tạo nên một cộng đồng tích cực và an toàn. Ngoài ra, Phaver là nền tảng SocialFi duy nhất hiện nay đi multi-chain.
Ở đây không phải mình “hàng thịt nguýt hàng cá” nhưng những nền tảng khác hiện khá phức tạp: đầu tiên người dùng cần ví crypto và sau đó phải thực hiện nhiều bước khác, họ cũng không thể sử dụng ứng dụng trên điện thoại (mobile native). Trong khi đó người dùng không biết gì về Web3, không cần ví, không cần hồ sơ của Lens Protocol hay CyberConnect vẫn có thể sử dụng Phaver. Hơn nữa, chúng tôi hiện là nền tảng duy nhất “mobile native”.
- Phaver sẽ lấy doanh thu từ đâu để thưởng cho người dùng và giúp dự án hoạt động bền vững?
Jesse Khanh Tran: Tôi nghĩ thị trường SocialFi đang ở giai đoạn đầu, giống như những ngày đầu của Facebook. Trong Web3, Phaver hiện là nền tảng mạng xã hội lớn nhất nhưng chỉ có hơn 200,000 người dùng/tháng, do đó tôi cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp để tạo dòng tiền (monetize).
Nhưng hướng tạo dòng tiền của Phaver có lẽ còn rõ ràng hơn cả X. Sau này, nếu các thương hiệu muốn tiếp cận người dùng trên Phaver hay những nền tảng SocialFi khác, họ phải cung cấp động lực (incentive) để người dùng chia sẻ dữ liệu, chứ không phải đưa tiền cho, ví dụ Phaver, để tiếp cận người dùng. Khi đó người dùng sẽ nhận được rất nhiều lợi ích và Phaver cũng được chia sẻ một phần miếng bánh.
- Nói về vấn đề marketing, thường người dùng tham gia một dự án SocialFi với nhiều mục đích khác nhau, vậy làm sao anh đo lường hiệu quả của chiến lược marketing cho Phaver?
Jesse Khanh Tran: Tôi có kinh nghiệm thực tế trong việc này vì đã từng dùng Phaver để marketing cho Rens và bán sạch (sold out) mọi thứ trong vòng ít hơn 24 tiếng. Tôi nghĩ trong Web3, nếu mình đặt giới hạn số lượng sản phẩm bán ra thì mình sold out càng nhanh.
Nhưng với việc theo dấu hành vi người dùng trong dài hạn, sold out thôi vẫn chưa đủ. Mình phải có cái gọi là giá trị vòng đời khách hàng (customer lifetime value) và phải tính được khách hàng có đi lâu dài với thương hiệu không. Sau này khi có nhiều dữ liệu, nền tảng hoàn thiện hơn và người dùng tương tác với nhiều thương hiệu trên Phaver thì dự án sẽ phát triển các công cụ để theo dấu những vấn đề này dễ dàng hơn.
Nhưng theo dấu ở đây chỉ với dữ liệu công khai chứ Phaver sẽ không bao giờ theo dấu dữ liệu cá nhân của người dùng. Hy vọng những nền tảng SocialFi khác trong Web3 cũng sẽ không bị tiền làm mờ mắt mà thực hiện điều này.
- Anh có thể kể một ví dụ cụ thể về tính hiệu quả khi làm marketing trên Phaver?
Jesse Khanh Tran: Thời ở Rens, chúng tôi triển khai bộ sưu tập Multiverse Fashion trên 3 chain: Ethereum, Polygon và Avalanche. Chúng tôi được Avalanche hỗ trợ rất nhiều trong toàn bộ cộng đồng và cả những nhóm bí mật.
Tuy nhiên, cuối cùng số lượng NFT được bán ở cộng đồng Avalanche vẫn không bằng trên Phaver, trong khi Avalanche có mấy triệu người theo dõi trên X và các nền tảng mạng xã hội khác, còn Phaver chỉ có hơn 200,000 người dùng/tháng. Từ đó, tôi thấy trong Web3, việc marketing hiệu quả nhất sẽ đến từ những nền tảng SocialFi, mà Phaver là nền tảng SocialFi lớn nhất hiện nay.
- Phaver có dự định ra mắt token trong tương lai không?
Jesse Khanh Tran: Vấn đề này nằm ngoài khả năng và tầm kiểm soát của tôi. Tuy nhiên, cũng như những dự án Web3 khác, định hướng của Phaver luôn là cộng đồng sẽ là chủ sở hữu dự án. Chúng tôi muốn người dùng Phaver sẽ có incentive để giúp dự án ngày càng phát triển, vì nói cho cùng đây là một nền tảng mạng xã hội phi tập trung.
- Sau khi Lens Protocol hoàn thành airdrop thì Lens hay Phaver sẽ làm gì để giữ chân người dùng? Và anh có nghĩ airdrop là con dao hai lưỡi?
Jesse Khanh Tran: Tất nhiên người dùng sẽ có động lực tài chính để dùng Phaver và những ứng dụng khác trên Lens với hy vọng nhận airdrop từ Lens. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là chuyện tại sao người dùng quyết định dùng một ứng dụng. Như tôi đề cập lúc nãy, Phaver hy vọng đem đến một trải nghiệm mượt mà và tiện lợi để người dùng không thể rời bỏ. Và Lens chỉ là điểm khởi đầu cho dự án.
Về vấn đề airdrop, tôi nghĩ đây cũng chỉ là một cách khác để phân phối token cho cộng đồng, giống như 2017 có ICO, 2020 có IDO, hoặc phân phối thông qua sàn CEX hoặc DEX, và bây giờ là airdrop. Tất nhiên cách thức này sẽ có những mặt lợi và mặt hại khác nhau. Chúng ta sẽ thấy những trường hợp chia token không được hiệu quả lắm khiến token bị bán tháo rất nhiều, như trường hợp của Arbitrum hay Optimism.
- Anh nghĩ gì về cộng đồng crypto ở Việt Nam?
Jesse Khanh Tran: Dù đến từ Phần Lan, Phaver vẫn thấy Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất vì nơi này có chỉ số ứng dụng crypto nằm trong top cao nhất thế giới.
Một điều thú vị khác là dù Việt Nam có tỉ lệ người dùng crypto nhiều nhưng lại ổn định. Những quốc gia khác ưa chuộng crypto như Venezuela hay Pakistan, không may mắn họ lại không được ổn định cho lắm.