Đồng sáng lập Pendle: ‘Khi người học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện’
Trong một ngày đầu tháng 6, một người đàn ông trong trang phục quần kaki lửng màu ghi và áo thun dài tay màu đen xuất hiện trước văn phòng Ninety Eight. Đó là Vũ Nguyễn, đồng sáng lập Pendle, giao thức DeFi đã “làm mưa làm gió” trong năm 2023 với mức tăng trưởng hơn 200%, token được niêm yết trên Binance Launchpool và nhận đầu tư từ Binance Labs cũng như Spartan Group.
Không muốn nhiều người biết về mình nên mỗi khi xuất hiện trên truyền thông, Vũ Nguyễn thường dùng hình đại diện là một chú khỉ đang suy tư.
The Spotlight là loạt phỏng vấn giữa Coin98 Insights với builder trong ngành về các chủ đề nóng trên thị trường.
- Anh học ở Singapore từ năm 15 tuổi, có bằng khoa học máy tính và từng làm tại một công ty lớn ở Singapore chuyên tokenize vàng trên blockchain. Điều gì đã dẫn anh đến với crypto và thành lập Pendle?
Vũ Nguyễn: Thời điểm mới ra trường, khoảng 2017, tôi phân vân giữa blockchain và AI. Sau khi đọc Bitcoin paper và nhận ra tiềm năng thay đổi thị trường của công nghệ này, thú vị nhất là khả năng loại bỏ các bên trung gian, tôi quyết định theo crypto.
Vào mùa hè DeFi 2021, làn sóng yield farming dâng cao với các dự án cung cấp lãi suất lên đến hàng chục hay thậm chí hàng trăm nghìn %. Ai cũng cho hiện tượng này chỉ tồn tại một thời gian ngắn, nhưng có cách nào để người dùng nhận được lãi suất bền vững không?
Câu trả lời nằm ở tính năng trao đổi lãi suất (interest rate swap) trong thị trường truyền thống, nơi người ta nhận lãi suất cố định, có thể thấp nhưng chắc chắn.
Thị trường tài chính trong blockchain tất yếu sẽ đến giai đoạn xuất hiện nhu cầu mua bán và trao đổi lãi suất như thế. Với nhận định này, chúng tôi quyết định thành lập Pendle để đón đầu xu hướng.
- 2023 có thể gọi là năm bùng nổ của Pendle. Anh có thể lý giải nguyên nhân cho sự tăng trưởng mạnh mẽ này, cũng như chia sẻ kế hoạch phát triển sắp tới của dự án?
Vũ Nguyễn: Tôi cho rằng có hai nguyên nhân. Thứ nhất thị trường đạt đến độ chín muồi khi mọi người có nhu cầu mua bán lãi suất cao. Nước lên thì thuyền lên.
Thứ hai, Pendle tin tưởng vào tầm nhìn của mình nên chỉ chuyên chú phát triển sản phẩm. Thời điểm Pendle V2 hoàn thiện, cộng với một phần may mắn, cũng chính là lúc “nước triều” dâng.
Chúng tôi đang đẩy mạnh mảng nội dung hướng dẫn người dùng sử dụng Pendle, cũng như cải tiến UX để người dùng không cần bận tâm các mắc míu phức tạp đằng sau. Ngoài ra, Pendle tìm kiếm xem thị trường đang có nhu cầu gì khác để phát triển thêm sản phẩm. Phương châm của chúng tôi là: Tập trung vào chính mình là cách tốt nhất, không cần quá quan tâm đối thủ.
Đọc thêm: Đồng sáng lập Spartan Group: ‘Trong crypto, không có bữa trưa nào miễn phí’
- Nhưng hiện Pendle cũng không có nhiều đối thủ trong thị trường, đúng không? Anh nghĩ bức tranh mảng yield trading sẽ như thế nào trong tương lai, ở không gian phi tập trung lẫn tập trung?
Vũ Nguyễn: Nếu nói riêng thị trường mua bán lãi suất thì đúng là hiện tại hầu hết hoạt động nằm ở Pendle. Một phần lý do có thể là dự án ra đời từ 2021, thời điểm thị trường ở mảng này chưa phát triển. Tuy nhiên, tôi nghĩ khi thị trường trở nên đủ hấp dẫn, sẽ có những bên khác tham gia. Hiện tại, cũng có một số fork của Pendle trên một chain khác.
Ngoài ra, khi thị trường lớn hơn, khả năng sẽ xuất hiện những phiên bản tập trung của Pendle. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có một tính năng chỉ tồn tại trong thế giới phi tập trung, đó là tính tương hợp (compatibility). Ví dụ token PENDLE là tài sản trái phiếu (bond asset) có thể được dùng ở nhiều nơi trong DeFi, điều này bất khả thực hiện ở các phiên bản tập trung.
Xem thêm: Phân tích hệ sinh thái Pendle và xu hướng LSD.
- Anh nói hiện thị trường trong mảng trao đổi lãi suất đã đến độ trưởng thành. Vậy đâu là lý do cho điều này?
Vũ Nguyễn: Nếu thị trường càng lớn, lãi suất thay đổi theo thời gian thì nhu cầu mua bán, trao đổi lãi suất càng cao. Thời gian vừa qua, lãi suất tăng do xuất hiện nhiều giao thức về liquid staking, restaking, liquid restaking. Điều này giúp tăng thêm yield cho người dùng, vì ETH stake vào một giao thức có thể được dùng để restake vào giao thức khác.
Ngoài ra, người dùng còn nhận được một phần yield khác từ các chương trình point airdrop của các dự án restaking. Các chương trình này tạo động cơ để người ta mua bán lãi suất vì chúng rất khó dự đoán.
Không ai biết point airdrop này, token này về sau sẽ có giá bao nhiêu. Người này nghĩ nhiều, người kia nghĩ ít; hai bên không đồng ý với nhau nên sẽ giao dịch với nhau, dẫn đến nhu cầu mua bán lãi suất cao hơn.
- Liquid restaking đã giúp mở rộng thị trường mua bán lãi suất, nhưng theo anh nó có khả năng sớm biến mất giống nhiều xu hướng khác trong thị trường không?
Vũ Nguyễn: Liquid restaking sẽ luôn tồn tại bởi những người nắm tài sản như ETH, stablecoin, ai cũng muốn tăng số token đó bằng cách restake tài sản họ đã stake. Ngoài ra, công nghệ này còn là nguyên liệu giúp thị trường phát triển hơn nữa, bởi token restaking đóng vai trò như các sản phẩm primitive mới trong DeFi.
Có lẽ câu hỏi quan trọng hơn là hoạt động restaking sẽ tăng hay giảm theo thời gian? Vừa rồi mảng này bùng nổ mạnh mẽ do các đợt hype từ sự xuất hiện của nhiều dự án và chương trình airdrop.
Tuy nhiên, chỉ đến khi các dự án bắt đầu dùng restaking token để bảo mật cơ sở hạ tầng, chúng ta mới thấy được giá trị thực chất của công nghệ này, cũng như mới biết liệu những cơn hype có cân xứng với giá trị thực của liquid restaking hay không.
- Các dự án restaking dùng chương trình airdrop để thu hút người dùng. Theo anh, đây có phải chiến lược bền vững không? Pendle đang sử dụng những biện pháp khuyến khích nào để phát triển cơ sở người dùng?
Vũ Nguyễn: Những chương trình khuyến khích người dùng này giống như quang phổ, nghĩa là làm quá ít hay quá nhiều cũng không tốt.
Nếu không có cơ chế kích thích dự án phát triển mạnh mẽ ngay từ đầu thì không tốt, nhưng dự án dùng 80% tổng cung token cho việc này cũng không tốt. Phải có điểm cân bằng. Tôi tin về lâu dài thị trường sẽ tự nhiên tìm được điểm cân bằng đó.
Cách Pendle dùng cơ chế khuyến khích người dùng được truyền cảm hứng từ veCRV của Curve; chúng tôi cũng có cơ chế tương tự gọi là vePENDLE.
Việc người dùng cung cấp thanh khoản vào các pool của Pendle rất có lợi cho dự án. Trong pool của Pendle có thanh khoản thì người dùng mới có thể giao dịch và tạo phí giao dịch, tiếp đó mới tạo ra doanh thu cho dự án và dẫn đến hiệu ứng bánh đà (flywheel effect).
Do đó, hành động của người dùng mà Pendle muốn khuyến khích nhất chính là cung cấp thanh khoản. Tuy nhiên, cái khó là khuyến khích ở mức độ nào, nghĩa là ban đầu nên dùng bao nhiêu PENDLE làm phần thưởng?
Đầu tiên không ai biết, chúng tôi chọn một mức mình nghĩ là ổn và điều chỉnh theo thời gian. Ví dụ, hoạt động giao dịch ở pool này ở mức 1 nhưng mình dùng cơ chế ưu đãi 10 thì nó không cân xứng, không lành mạnh. Cho nên có lẽ phần quan trọng hơn đó là thông qua phản ứng của thị trường để thay đổi cho phù hợp.
- Pendle xây dựng trên Ethereum và gần đây ETH ETF vừa được chấp thuận. Anh có thể cho biết điều này tác động đến Pendle như thế nào?
Vũ Nguyễn: ETH ETF được chấp thuận đồng nghĩa ETH trong vai trò một loại tài sản được công nhận rộng rãi hơn ở thị trường tài chính truyền thống. Điều này sẽ giúp nhiều tiền đổ vào ETH hơn, dẫn đến có thêm nhiều thanh khoản và mối quan tâm từ giới ngoài crypto.
Nó cũng sẽ khiến những sản phẩm staking tạo ra yield cho ETH trở nên phổ biến hơn. Hiện tại hầu hết hoạt động giao dịch của Pendle diễn ra ở các pool ETH hoặc phái sinh của ETH như restaking, cho nên khi có nhiều người muốn mua bán lãi suất của ETH, Pendle sẽ phát triển hơn.
- Anh nghĩ gì về tương lai của ETH EVM? Pendle có dự định triển khai trên các chain không thuộc EVM không?
Vũ Nguyễn: Nói về ngắn hạn, hệ sinh thái EVM hiện sở hữu cơ sở hạ tầng, công cụ, nhà phát triển sản phẩm cực kỳ đồ sộ, cho nên khó lòng tái tạo hệ sinh thái này ở đâu khác. Do đó, tôi nghĩ các chain vẫn sẽ ở trên EVM.
Nói về tương lai rất xa, bạn có thể mường tượng blockchain giống như đế chế. Nếu nhìn đủ dài trong lịch sử, bạn sẽ thấy đế chế đi lên và đi xuống. Như thế, đến lúc nào đó, có thể là 1-2 năm hoặc 100 năm nữa, Google sẽ đi xuống và ETH cũng sẽ không còn chiếm thế ưu trội.
Về việc Pendle có dự định triển khai trên chain non-EVM không, câu trả lời không phải 100% không. Khả năng đó có thể xảy ra, nhưng lúc nào và bao giờ là câu chuyện team sẽ phải cân nhắc thời điểm phù hợp.
Còn nếu xem xét từ góc nhìn chung của một dự án, việc triển khai trên chain non-EVM phụ thuộc vào yếu tố lớn nhất: tương lai của chain đó và tương lai của tech stack (ngăn xếp công nghệ) trên chain đó.
Nếu có quả cầu ma thuật giúp nhìn thấy tương lai, rằng Solana sẽ trở thành “ETH killer” hoặc lớn bằng ETH EVM, tôi nghĩ dù tech stack như nào, các dự án cũng sẽ triển khai trên Solana.
- Theo anh, DeFi sẽ có hình thái như thế nào trong tương lai gần và tương lai xa hơn?
Vũ Nguyễn: Trong ngắn hạn, thứ nhất sẽ có nhiều ý tưởng, sản phẩm, phái sinh ở thị trường tài chính truyền thống xuất hiện trong DeFi. Đây là quy luật phát triển của bất kỳ thị trường tài chính nào. Ví dụ, chẳng hạn sự phát triển của các thị trường mua bán lãi suất như Pendle sẽ dẫn đến thị trường phái sinh cho lãi suất.
Thứ hai, vì DeFi có những điểm khác với thị trường tài chính truyền thống nên sẽ xuất hiện những sản phẩm chỉ có trong DeFi. Ví dụ, perpetual future chỉ có trong crypto vì thị trường chạy 24/7, không có đáo hạn.
Trong dài hạn, bên dưới cơ sở hạ tầng của một hệ thống tài chính sẽ luôn có các layer như swap, exchange (sàn giao dịch), money market (thị trường tiền tệ). Những layer này mang tính cạnh tranh rất cao vì ai cũng làm.
Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng giống ở thị trường truyền thống, là dần dần sẽ có hai ông lớn nhất cạnh tranh với nhau như Android và iOS. Hoặc tuỳ vào thế mạnh mà một công ty thống trị cả thị trường như cách Google độc quyền thị trường tìm kiếm. Trong DeFi, Uniswap cũng có phần nào giống Google hiện tại.
Trong khi đó, những layer bên trên mới hơn sẽ mang ít tính cạnh tranh hơn, ví dụ Pendle ra đời thời điểm rất sớm năm 2021, chưa có ai làm. Các layer này ngày càng có nhiều stack (ngăn xếp), tức là những sản phẩm bên trên ngày càng được tinh chỉnh và hay ho hơn, nhưng khó lòng biết bên nào sẽ chiếm ưu trội.
- Anh lấy ví dụ sự phát triển của các thị trường mua bán lãi suất như Pendle sẽ dẫn đến thị trường phái sinh cho lãi suất. Việc có nhiều layer như vậy liệu có gây rủi ro không? Và hiện các sản phẩm phái sinh này đang đối mặt những thách thức gì?
Vũ Nguyễn: Khi bạn stake vào nhiều layer phái sinh và mỗi layer lại có rủi ro thì tất nhiên sản phẩm cuối cùng sẽ rủi ro nhất. Ví dụ, bạn dùng biên nhận stake vào Renzo để restake vào blockchain khác, nếu blockchain đó gặp vấn đề, người dùng nắm giữ Renzo ETH token cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trong crypto mọi thứ xảy ra nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều. So với thị trường tài chính truyền thống, crypto gần với thị trường tự do hơn, nghĩa là cái gì vỡ lở sẽ vỡ lở rất nhanh, giống như vụ FTX. Trong khi đó ở thị trường truyền thống, có nhiều chỗ cho người ta bưng bít, giấu giếm, giải cứu, và khi vỡ lở, nó sẽ to và ảnh hưởng lớn hơn nhiều.
Về các sản phẩm phái sinh, hiện chúng đang đối mặt hai vấn đề. Thứ nhất là UX phức tạp. Ví dụ, người dùng crypto chưa bao giờ sử dụng option trong thị trường tài chính truyền thống sẽ thấy khó hiểu và bỏ không dùng.
Thứ hai, ví dụ sản phẩm phái sinh này nhắm đến những người trong thị trường tài chính truyền thống đang hoạt động trên blockchain, tuy nhiên thị trường lại chưa đạt đến thời điểm để cần những phái sinh đó.
- Từ kinh nghiệm xây dựng Pendle, anh có lời khuyên nào cho các dự án crypto Việt Nam không?
Vũ Nguyễn: Tôi thấy ngày càng có nhiều dự án crypto từ Việt Nam hơn và đây là một tín hiệu đáng mừng; Việt Nam cũng đang sở hữu nguồn lực nhà phát triển mạnh mẽ.
Lời khuyên của tôi cho các bạn làm dự án là không biết thì hỏi, có mất gì đâu. Trong thị trường có rất nhiều người đã đi qua con đường bạn đang đi và họ sẵn sàng cho lời khuyên.
Nếu bạn biết rõ mình muốn học thêm cái gì, bạn sẽ tự nhiên tìm thấy người để hỏi, hoặc người quen biết người có thể cho bạn câu trả lời. Nó giống như câu nói: Khi người học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện.
- Còn lời khuyên của anh cho các nhà đầu tư cá nhân thì sao?
Vũ Nguyễn: Hãy dành nhiều thời gian tìm hiểu các yếu tố cơ bản, ít nhất là nhận thức mọi thứ hoạt động như thế nào. Bạn sẽ tránh được các dự án rug pull hay chỉ thuần marketing. Một ví dụ đơn giản là nếu quen đọc tài liệu dự án, khi thấy một tài liệu không chỉn chu, bạn sẽ biết ngay có gì đó không ổn.
Thứ hai, khi đầu tư cần quan tâm các yếu tố về xu hướng và các cơn hype. Điều này cộng với kiến thức về tính năng, cơ chế hoạt động của dự án sẽ giúp bạn đầu tư hiệu quả hơn. Ví dụ nếu hai dự án đều hype như nhau, nhưng dự án này có sản phẩm, đội ngũ tốt hơn thì nên đầu tư hơn.
Ngoài ra, có một phần của DeFi mà có lẽ người dùng Việt Nam nên tìm hiểu và sử dụng nhiều hơn, đó là các chiến thuật tài chính để tăng lãi suất, chẳng hạn yield farming, looping, delta-neutral.
Mua bán tất nhiên có lợi nhuận, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn sở hữu cả hai vũ khí: một là biết cách mua vào, bán ra các coin và có danh mục đầu tư tốt; hai là biết các chiến thuật để tăng số coin đó lên, farm chúng một cách hiệu quả hơn.
Phần thứ hai đó chính là chức năng của Pendle. Pendle có nhiều công cụ để giúp bạn sử dụng các chiến lược tài chính hiệu quả để gia tăng tài sản của mình.