Andy Cho của Frax Finance: Từ chủ quán bar đến hành trình “cuốn vào hang thỏ” crypto
20 tuổi, Andy Cho lần đầu tiên mua Bitcoin vì mọi người kháo nó sẽ tăng giá, nhưng không thực sự hiểu đây là gì. 24 tuổi, anh dấn thân vào crypto với vai trò Giám đốc truyền thông của IQ.wiki khi vẫn không thực sự hiểu crypto là gì.
“Điều buồn cười là IQ.wiki lại là trang web giáo dục, giúp phổ biến thông tin về crypto đến mọi người”, Andy kể. “Lúc đó, tôi chủ yếu đóng vai trò cầu nối truyền thông giữa team sáng lập và team Hàn Quốc vì tôi nói cả tiếng Anh lẫn tiếng Hàn”.
Từ đó đến nay, hành trình “cuốn vào hang thỏ” crypto của Andy Cho đã kéo dài được 6 năm, đưa anh lên vị trí Giám đốc phát triển kinh doanh của IQ.wiki và Giám đốc khu vực châu Á của Frax Finance. Cả hai dự án cùng có bàn tay đồng sáng lập của Sam Kazemian.
Trước khi dành trọn thời gian cho crypto, với bằng cử nhân luật ở Canada, Andy Cho từng có quãng làm việc trong văn phòng luật và kinh doanh quán bar.
The Spotlight là loạt phỏng vấn giữa Coin98 Insights với builder trong ngành về các chủ đề nóng trên thị trường.
- Gần đây, IQ.wiki với Frax Finance đồng tổ chức sự kiện nâng cao năng lực của IQGPT.com, một trợ lý AI về kiến thức crypto. Anh đánh giá gì về lợi ích tiềm năng của việc tích hợp AI vào web3?
Andy Cho: Khoảng hai năm trước, trước khi AI trở thành chủ đề nóng trong web3, chúng tôi đã bắt đầu tìm kiếm điểm giao giữa blockchain và AI. IQ.wiki trước đó đã tồn tại như một bách khoa thư lớn nhất trong blockchain, với hàng nghìn mục tìm kiếm về các nhà sáng lập, token, sàn giao dịch.
Với lượng dữ liệu đồ sộ như thế, chúng tôi nghĩ tại sao không sử dụng AI để tạo các mục tìm kiếm này? Sự ra đời của ChatGPT đã thay đổi cuộc sống nhiều người và chúng tôi tin trong lĩnh vực thông tin, AI sẽ là xu hướng tiếp theo.
Vì thế, chúng tôi ra mắt IQGPT giúp người dùng truy vấn các dữ liệu on-chain và off-chain. Điều khác biệt giữa IQGPT và ChatGPT là với AI của chúng tôi, bạn có thể xác minh nguồn gốc của những thông tin được cung cấp.
Tôi tin AI sẽ tồn tại lâu dài trong web3, giúp đem lại đa dạng thông tin đáng tin cậy cho người dùng.
- Từ góc nhìn của người xuất thân ngành luật, anh có thể cho biết những thách thức pháp lý nổi bật trong web3 hiện tại, đặc biệt ở khu vực châu Á?
Andy Cho: Khi tôi tham gia ngành sáu năm trước, mọi thứ khá dễ dàng, rất nhiều dự án ra đời với các đợt ICO. Giờ đây gần như mọi dự án đó đã biến mất. Hiện tượng này khiến người ta quan niệm rằng các dự án, chẳng hạn ở châu Á, đều lừa đảo và cuối cùng sẽ chết. Ít nhất ở Hàn Quốc, khi dự án ra mắt, bất kể có uy tín hay không, đều bị cho là lừa đảo.
Hiện nay, quy định đã thay đổi, việc ra mắt dự án trở nên khó khăn hơn, và đây là điều tốt. Chính phủ đã bắt đầu giám sát chặt chẽ để đảm bảo các dự án tuân thủ quy định và có biện pháp bảo vệ nhà đầu tư.
- Theo anh, các dự án web3 châu Á có điểm gì khác biệt so với các dự án phương Tây? Ngoài ra, đâu là những thách thức lớn nhất mà các dự án châu Á đang đối mặt?
Andy Cho: Tôi nghĩ các dự án châu Á có tiềm năng rất lớn, vì nói cho cùng chúng ta thông minh, đúng không?
Một điều hay là chúng ta cố gắng học hỏi từ các dự án phương Tây, nhưng không hoàn toàn sao chép họ. Ví dụ, khi đến Nhật Bản, tôi thấy có rất nhiều dự án gamefi và NFT - một phong trào xây dựng hoàn toàn khác biệt so với phương Tây. Chúng ta đang thử-sai cho đến lúc có một sản phẩm thành công, sau đó mọi thứ sẽ đâu vào đấy.
Tuy nhiên, các dự án châu Á đang gặp phải rào cản về ngôn ngữ và văn hoá, nhưng may mắn đây là vấn đề dễ giải quyết. Ví dụ, ở Frax Finance và IQ.wiki, họ thuê tôi và các đồng sự châu Á khác, vì chúng tôi biết tiếng và hiểu văn hoá, do đó có thể dễ dàng kết nối giữa nơi đây và phương Tây.
Một thách thức khác đối với các dự án châu Á là làm sao nâng cao nhận thức người dùng về những thứ “thực chất” trong web3, hơn chỉ là khía cạnh đầu cơ. Làm sao để những người mới hiểu đúng về stablecoin, sàn giao dịch, ví crypto? Đây chính là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi.
- Anh hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, anh có thể cho biết sự sụp đổ của stablecoin UST đã ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý các nhà đầu tư ở đây?
Andy Cho: Sự sụp đổ của một dự án stablecoin thuật toán lớn như UST đã ảnh hưởng đến tất cả những đơn vị phát hành stablecoin khác trong ngành. Ở Hàn Quốc, có một thời gian, chỉ cần nhắc đến stablecoin, bạn ngay lập tức gợi lên trong cộng đồng cảm giác nghi ngại.
Tuy nhiên, stablecoin thuật toán chỉ là một phần nhỏ của thị trường stablecoin, chúng ta còn nhiều loại stablecoin với các cơ chế neo giá ổn định khác. Ít người biết điều đó, mọi người cho rằng tất cả stablecoin đều xấu. Đây là lý do mà việc phổ biến rộng rãi kiến thức lại cực kỳ quan trọng.
Ngoài ra, sự việc UST còn ảnh hưởng đến cách nhìn nhận chung của mọi người về crypto: không chỉ stablecoin, mà tất cả token khác đều xấu; crypto rất nguy hiểm, không nên đầu tư. Tin tức truyền thông càng khiến tâm lý này trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, mặt tốt thì đây chính là lời cảnh báo nghiêm khắc cho rất nhiều dự án và nhà đầu tư. Bản thân tôi hy vọng sự cố tương tự sẽ không bao giờ xảy ra lại. Mặt khác, khi có những tin xấu như vụ UST hay FTX, báo chí truyền thông sẽ đưa tin, nhưng mong họ cũng đừng quên nói về những điều tuyệt vời khác trong crypto.
- Frax Finance cũng từng có một phiên bản stablecoin thuật toán, anh có thể cho biết phản ứng của công ty sau sự cố UST? Ngoài ra, sự ra đời của layer 2 Fraxtal gần đây đóng vai trò gì trong hệ sinh thái stablecoin của công ty?
Andy Cho: Khi người sáng lập của Frax Finance nảy ra ý tưởng giới thiệu stablecoin thuật toán, nó thực sự hiệu quả và đây cũng là một đổi mới.
Tuy nhiên, sau sự cố UST, chúng tôi cố gắng học hỏi từ sai lầm của người khác. Chúng tôi chuyển sang mô hình stablecoin neo giá với USD, cho rằng đây là cách an toàn nhất để hỗ trợ stablecoin của mình. Chúng tôi còn có stablecoin neo với Ethereum và FPI (Frax Price Index) gắn với CPI, giống như một giỏ hàng hoá.
Trong lĩnh vực stablecoin, Frax Finance không cố gắng cạnh tranh với các dự án khác, tư duy của chúng tôi là tổng dương cho toàn bộ thị trường. Chúng tôi hy vọng có nhiều dự án stablecoin lớn xuất hiện để các bên có thể cộng tác với nhau vui vẻ. Thị trường sẽ không được lợi gì nếu chúng tôi cạnh tranh và đánh bại nhau, đúng không?
Về Fraxtal, Frax Finance xem đây như chiến lược chung cuộc, một chiếc ô lớn bên dưới cho toàn bộ hệ sinh thái. Ngoài ba loại stablecoin kể trên, chúng tôi còn có thị trường cho vay và LST - tất cả những thứ này sẽ dần quy tụ về chain Fraxtal và giúp Frax Finance trở thành một trong những nhà phát hành stablecoin thống trị thị trường.
- Anh nghĩ gì về bức tranh stablecoin trong tương lai? Liệu CBDC có phải là mối đe dọa cho stablecoin phi tập trung?
Andy Cho: Tôi là người theo chủ nghĩa tối đa hoá stablecoin, nghĩa là tôi tin đến cuối cùng, tất cả các dự án sẽ ra mắt stablecoin riêng.
Trong tương lai xa, tôi nghĩ stablecoin sẽ được tích hợp vào web2, chẳng hạn các công ty game dùng stablecoin như một phương tiện thanh toán trong game.
Về CBDC, điểm khác biệt lớn nhất của chúng với stablecoin phi tập trung là chúng do các chính phủ và ngân hàng phát hành. Điều này chứng minh rằng ý tưởng về stablecoin có ý nghĩa và hiệu quả.
Tuy nhiên, tôi tin các công ty phát hành stablecoin trong web3 sở hữu nhiều kinh nghiệm hơn trong vấn đề này, và thật tuyệt nếu hai bên có thể tìm được tiếng nói chung và hợp tác với nhau.