SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Người đứng đầu Mocaverse: ‘Chúng tôi tin cộng đồng sở hữu NFT cũng chính là đồng sáng lập dự án'

Cuộc trò chuyện giữa Coin98 Insights với Tyler Durden, người đứng đầu Mocaverse, về cách dự án đi từ bộ sưu tập PFP NFT đến hệ sinh thái toàn diện với tham vọng kết nối toàn bộ người dùng Web3.
avatar
avatar
Thanh Uyen and 1 others
Avatar
Thanh Uyen
Avatar
writer
Published Jul 08 2024
Updated Aug 07 2024
18 min read
Tyler Durden

Tyler Durden cũng là Head of Projects của Animoca Brands, quỹ phát triển Mocaverse có trụ sở tại Hong Kong.

Cái tên Tyler Durden được gợi hứng từ nhân vật Tyler Durden trong bộ phim Fight Club. Và cũng giống nhân vật này, Tyler Durden của Mocaverse là một người có cá tính nổi loạn. Sự nghiệp làm việc trong doanh nghiệp “truyền thống” của ông chỉ gói gọn trong 7 tháng, hầu hết thời gian Durden là sáng lập startup hoặc người đóng góp cho các dự án.

Trước khi tham gia Web3, Durden dấn thân vào nhiều lĩnh vực ở giai đoạn rất sớm: năng lượng tái tạo, thương mại điện tử xuyên biên giới và trí tuệ nhân tạo. “Có thể nói tôi tham gia quá sớm, đến mức những lĩnh vực này gần đây mới bắt đầu trở nên phổ biến”, ông nói.

The Spotlight là loạt phỏng vấn độc quyền giữa Coin98 Insights với builder trong ngành về các chủ đề nóng trên thị trường.

vai trò nft

- Mocaverse khởi nguồn là bộ sưu tập gồm 8,888 PFP NFT. Chỉ trong thời gian ngắn, dự án phát triển thành hệ sinh thái hoàn chỉnh với nhiều mảnh ghép như Mocas NFT, Moca ID, Realm Network, Moca token… Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình phát triển cũng như sứ mệnh của Mocaverse không? 

Tyler Durden: Đúng là chúng tôi khởi đầu với NFT nhưng những gì chúng tôi đang xây dựng vượt ngoài khuôn khổ một dự án PFP. Sứ mệnh của Mocaverse là mang đến khả năng tương tác cho toàn bộ ngành. Mọi người trong Web3 nói rất nhiều về khả năng tương tác nhưng điều này vẫn chưa thật sự trở thành hiện thực.

Hiện nay, cứ mỗi tuần lại có 5 chain mới ra đời, vậy làm sao để có khả năng tương tác và hiệu ứng mạng? Ở Animoca, chúng tôi nghĩ mình là một trong những hệ sinh thái có vị thế tốt nhất để mang hiệu ứng mạng đến toàn ngành.

Và chúng tôi đang bắt đầu với hệ thống tài khoản, danh tiếng, ID, điểm và token để thúc đẩy tăng trưởng người dùng, phát triển các tiện ích và mang tất cả những thứ này đến hệ sinh thái rộng lớn hơn.

Vì lẽ đó, đây giống như dự án của toàn ngành chứ không đơn thuần của riêng Animoca.

Đọc thêm: Phân tích Mocaverse - Hành trình từ bộ PFP đến hệ sinh thái NFT toàn diện.

- Tại sao Mocaverse chọn con số 8,888 cho bộ sưu tập PFP NFT của mình?

Tyler Durden: Trong tiếng Trung, 8 là con số may mắn, nó cũng có nghĩa là trở nên giàu có. Nếu nhìn vào các vòng gây quỹ của Animoca, các bạn sẽ thấy chúng tôi huy động được 138.8888 triệu USD. Ngay cả với vòng gây quỹ của Mocaverse, số tiền huy động được cũng là 31.88 triệu USD.

- Kể từ thời điểm ra đời cho đến nay, NFT đã nhận được nhiều chú ý của cộng đồng. Ông có thể cho biết vai trò của NFT trong thị trường Web3 cũng như trong hệ sinh thái Mocaverse?

Tyler Durden: Đầu tiên, NFT đóng vai trò như nơi lưu giữ văn hóa và sức mạnh cộng đồng. Nó đại diện cho sứ mệnh của một nhóm người gắn kết với nhau và tin vào văn hoá, giá trị của dự án.

Ở Mocaverse, chúng tôi tin những người nắm giữ NFT của dự án cũng chính là đồng sáng lập. Chúng tôi cùng nhau kiến tạo: họ cho chúng tôi phản hồi, chúng tôi xây dựng dự án trong dài hạn.

Thứ hai, tôi nghĩ NFT đại diện cho danh tính và danh tiếng. Đó là thứ chúng tôi đang xây dựng với Moca ID. Sản phẩm ra mắt vào tháng 11/2023 và hiện có khoảng 1.5 triệu Moca ID được mint với lượng người dùng tích cực.

Ngoài ra, còn có thể sử dụng NFT theo nhiều cách: sản phẩm tài chính có cấu trúc hay lớp tài sản kỹ thuật số với khả năng kết hợp.

Ở Mocaverse, chúng tôi tin những người nắm giữ NFT của dự án cũng chính là đồng sáng lập 

- Nếu NFT đóng vai trò như nơi lưu giữ văn hoá, ông có cho rằng memecoin cũng góp phần vào việc xây dựng văn hoá trong Web3 không? 

Tyler Durden: Tôi tin memecoin giống như phiên bản phân mảnh của việc xây dựng văn hóa, nhưng nó cũng có điểm khác NFT. Nếu nắm giữ memecoin, bạn thấy mình là một phần của cộng đồng đó, nhưng nó không phải kiểu cảm giác hội viên một câu lạc bộ độc quyền như với NFT.

Do đó, cách chúng tôi nghĩ về NFT là những người thuộc một câu lạc bộ độc quyền, tin tưởng vào sứ mệnh dự án từ rất sớm. Ví dụ, nếu bạn mint NFT Mocas lúc ban đầu, giá của nó là 0.069 ETH, thời điểm đó giá ETH khoảng hai nghìn mấy USD. Bây giờ giá sàn của 1 NFT Mocas là 4 ETH, bạn đã lãi ít nhất 50 lần.

Tuy nhiên, bạn kiếm được tiền chỉ khi bạn thật sự tin vào sứ mệnh dự án, tin vào đội ngũ và tin NFT có giá trị trong dài hạn, giống như câu nói “nếu không hold được thì không giàu được”. Hầu hết mọi người đã bán NFT Mocas ở giá 1 ETH và rất nhiều người bán ở 0.6 - 0.7 ETH.

Đó là một cách nghĩ về NFT dưới dạng lợi ích tài chính, một cách nghĩ khác là bạn nắm giữ NFT của dự án vì muốn là thành viên câu lạc bộ độc quyền này về lâu về dài.

pfp tương lai

- Ông nghĩ sao về vai trò của PFP trong việc thể hiện danh tính và xây dựng thương hiệu trong Web3?

Tyler Durden: Tôi cho rằng PFP chắc chắn đóng vai trò trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Trên thị trường có hai nhóm người mua NFT: nhóm đầu tiên chỉ mua giá sàn, còn nhóm kia luôn trả tiền quá cao cho các NFT họ thấy đại diện cho mình. Tôi thuộc nhóm thứ hai.

Vì lẽ đó, tôi nghĩ PFP có chỗ cho việc thể hiện danh tính, có thể là danh tính cố hữu hay người dùng có thể sửa đổi nó dựa trên dữ liệu danh tiếng thời gian thực. Ví dụ, nếu bạn có thể tiếp tục chứng thực dữ liệu on-chain của mình theo cách PFP của bạn sẽ biến đổi theo thời gian,  đây sẽ là một điều tuyệt vời.

Trên thị trường có hai nhóm người mua NFT: nhóm đầu tiên chỉ mua giá sàn, còn nhóm kia luôn trả tiền quá cao cho các NFT họ thấy đại diện cho mình
Trên thị trường có hai nhóm người mua NFT: nhóm đầu tiên chỉ mua giá sàn, còn nhóm kia luôn trả tiền quá cao cho các NFT họ thấy đại diện cho mình

Nó là một trong những cách để người ta “khoe khoang”, chẳng hạn bạn nói với bạn bè mình vừa được thăng hạng kim cương khi bay ở hãng hàng không, và do đó nhẫn hội viên của bạn mới có thêm một viên kim cương 8 carat.

Tôi nghĩ hình thức thể hiện danh tính và dữ liệu đặc biệt này ẩn chứa tính văn hoá trong đó. Nếu bạn nhìn vào Moca ID, hiện nó là hình ảnh phẳng của một chiếc xe hơi có tên người dùng.

Và tôi hình dung theo thời gian, mỗi Moca ID sẽ chứa câu chuyện, lịch sử, hoạt động on-chain và những thứ khác đại diện cho người dùng mà họ có thể đem khoe bạn bè. Đây có thể là tương lai của PFP.

- Mocaverse đang có kế hoạch gì để mang lại giá trị cho những người đang nắm giữ NFT Mocas và thu hút người dùng mới?

Tyler Durden: Có thể một số dự án không quá để tâm điều này, nhưng chúng tôi dành nhiều thời gian suy nghĩ về việc giá trị đến từ đâu. Làm sao chúng tôi mang lại giá trị đó và đem chúng trở lại hệ thống để tái phân phối cho các holder của mình?

Thậm chí sau khi Moca token ra mắt, Mocas NFT vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong thiết kế và mô hình kinh tế của Mocaverse. Đến mức những người nắm giữ NFT được định vị là đồng sáng lập của toàn bộ hệ sinh thái. Vì lẽ đó, giá trị thực sự đến từ việc phát triển người dùng, cùng với đó là tăng trưởng vốn, cơ hội và khả năng tiếp cận.

Trong 6-7 năm qua, Animoca đầu tư nặng tay vào thị trường tiêu dùng như âm nhạc, thể thao, gamefi. Danh mục đầu tư của chúng tôi gồm hàng trăm dự án đang nằm ở các chain khác nhau và làm những thứ khác nhau. 

DNA của blockchain nằm ở chỗ tài khoản, việc truy cập và thanh khoản nên có khả năng tương tác. Thanh khoản không nên bị khóa trong một hệ sinh thái riêng lẻ.

Thử tưởng tượng nếu chúng tôi có thể đem đến khả năng tương tác cho tất cả công ty này, mang họ lại với nhau và xây dựng nên mạng tiêu dùng lớn nhất. Nó có thể tương đương Tencent hay Amazon. Chúng tôi đang cố gắng mua lại các công ty để tạo ra sự đồng bộ này, thứ gì đó có thể như là chia sẻ cùng hệ thống đăng nhập WeChat hoặc Amazon.

advertising

Tuy nhiên, bạn không cần mua lại các công ty để thực hiện điều này. Bởi vì DNA của blockchain nằm ở chỗ tài khoản, việc truy cập và thanh khoản nên có khả năng tương tác. Thanh khoản không nên bị khóa trong một hệ sinh thái riêng lẻ.

- Mocaverse vừa ra mắt cơ sở hạ tầng Realm Network. Dự án này đóng vai trò gì trong khả năng tương tác trên toàn bộ sinh thái mà ông nhắc đến?

Tyler Durden: Realm Network là mô hình đăng nhập tài khoản xã hội ở dạng account abstraction, giúp loại bỏ các rắc rối khi người dùng tham gia Web3.

Lý do chúng tôi xây dựng Realm là vì chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác Web3 sở hữu hàng trăm triệu người dùng - những người chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi ích tài chính. Điều này không có gì sai, nó là bản chất của ngành, ít nhất ở thời điểm hiện tại. 

Tuy nhiên cần ai đó cung cấp cho người dùng trải nghiệm Web3 hoàn chỉnh để đem lại giá trị cho toàn ngành. Tưởng tượng hàng trăm công ty, ứng dụng cùng chia sẻ một hệ thống tài khoản, danh tiếng và ID – điều này sẽ tạo ra hiệu ứng mạng mạnh mẽ. Và chúng tôi đang nỗ lực thực hiện nó với Realm Network.

mocaverse ecosystem
Mocaverse đang dần phát triển thành hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Lấy ví dụ trong đời sống thực với hãng hàng không Cathay Pacific. Giả sử hạng thẻ hội viên của bạn với Cathay Pacific chỉ giới hạn ở Hong Kong, không được áp dụng ở đâu khác.

Nhưng thử tưởng tượng viễn cảnh bạn có thể mang hạng thẻ của mình đến bất cứ đâu bạn du lịch, và ai cũng công nhận nó bởi bạn chia sẻ cùng một hệ thống tài khoản và danh tiếng. Ý tưởng này vô cùng uy lực và là ví dụ thể hiện rõ tiềm năng của Web3.

Tôi không tin khả năng tương tác sẽ bắt đầu với các tài sản trong game có tính tương tác. Phải mất thời gian dài và nhiều nỗ lực để tiêu chuẩn hoá điều này. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta nên thực hiện những bước đi nhỏ đầu tiên với lớp nền tảng: đó là tài khoản, ID và danh tiếng.

mở cửa với cộng đồng

- Sau khi ra mắt bộ sưu tập, các dự án NFT sẽ cần hướng để phát triển tiếp, ông có nghĩ các dự án NFT khác sẽ đi theo hướng phát triển của Mocaverse không? 

Tyler Durden: Tôi nghĩ mỗi bộ sưu tập NFT đều có con đường riêng và họ không nên làm theo dự án khác vì dự án đó đang làm tốt - mà không xem xét lợi thế nội tại của mình. Ví dụ, với Mocaverse chúng tôi được hưởng lợi từ hệ sinh thái gồm hàng trăm công ty, điều không phải dự án nào cũng có.

Yếu tố khác cần cân nhắc là điểm mạnh của dự án là gì, sản phẩm nào phù hợp với thị trường? Sẽ có những dự án chọn hướng đầu cơ nhưng Mocaverse muốn đi theo con đường tạo giá trị lâu dài. Mocaverse không phải một dự án ngẫu nhiên, chúng tôi không thể mạo hiểm phá hủy danh tiếng của Animoca bằng cách làm điều gì đó không ý nghĩa.

Mỗi dự án không hề giống nhau, tuy nhiên, tôi quan sát thấy khi Mocaverse ra mắt hệ thống điểm và ID, nhiều dự án khác cũng bắt đầu làm tương tự. Tôi thấy nhiều người dè bỉu các dự án cố “bắt chước” dự án khác, nhưng tôi nghĩ đây chỉ là cách mọi người học hỏi lẫn nhau, và học hỏi thì không có gì đáng xấu hổ.

Tôi thấy nhiều người dè bỉu các dự án cố “bắt chước” dự án khác, nhưng tôi nghĩ đây chỉ là cách mọi người học hỏi lẫn nhau, và học hỏi thì không có gì đáng xấu hổ

- Ông cho rằng đâu là lý do tạo nên thành công của bộ sưu tập NFT Mocaverse?

Tyler Durden: Tôi nghĩ chính là cộng đồng, cộng đồng nắm giữ NFT và họ là người có thể khiến nó thành công hay thất bại.

Do đó, bạn cần cho họ lý do để nắm giữ NFT, cho họ lý do để mua thêm, cho họ lý do để lan truyền thông tin và thu hút thêm nhiều người mới. Tôi nghĩ việc xây dựng niềm tin cộng đồng nằm ở chỗ đặt lợi ích của họ là mối ưu tiên cao nhất của dự án.

Theo thời gian, bằng hành động, bạn có thể chứng minh bạn đang lắng nghe họ, đang thay đổi và cố gắng cải thiện mình. Với việc để họ nhìn thấy được tầm nhìn dài hạn của dự án, theo thời gian, bạn có thể cùng họ xây dựng một cộng đồng mạnh.

Chẳng hạn nếu nhìn vào tỷ lệ phần trăm niêm yết NFT của Mocaverse, hiện có khoảng 0.5% NFT trong tổng cung được niêm yết trên sàn. Đây là một “thin floor” và bất cứ khi nào con số này tăng lên, nó lại ngay lập tức giảm xuống.

Tất nhiên việc Mocaverse ra mắt token là lý do lớn cho điều này, nhưng tôi tin cách chúng tôi thiết kế cơ cấu kinh tế dài hạn cho NFT là nguyên nhân lớn khác – nó cho mọi người nhiều lý do để nắm giữ NFT.

mocaverse nft
Bộ sưu tập NFT Mocaverse. Ảnh: OpenSea

- Theo ông, NFT có trước hay cộng đồng có trước?

Tyler Durden: Tôi coi NFT là một sản phẩm và người dùng mua sản phẩm của bạn. Bạn phải luôn ám ảnh với người dùng của mình, nó không chỉ là ám ảnh với trải nghiệm của họ, mà là ám ảnh với việc xây dựng một cuộc đối thoại chân thành. Hãy luôn giữ cửa mở - đó là yếu tố then chốt để có một cộng đồng phù hợp.

NFT chỉ là một tiêu chuẩn, những người nắm giữ NFT với tâm hồn, máu thịt thật sự mới chính là người làm nền tảng cho dự án.

NFT chỉ là một tiêu chuẩn, những người nắm giữ NFT với tâm hồn, máu thịt thật sự mới chính là người làm nền tảng cho dự án
web3 Việt Nam

- Ông nghĩ gì về thị trường Web3 ở Việt Nam? Thị trường này có gì khác biệt so với các thị trường khác như Singapore?

Tyler Durden: Tôi nghĩ thị trường Việt Nam rất mạnh về game. Sau sự thành công của Axie Infinity, có lẽ hàng trăm bản sao của Axie ra đời với cùng tokenomics, thậm chí cùng lối chơi. Và bây giờ mọi người đi đến giai đoạn bắt đầu đặt các câu hỏi như: Làm sao để xây dựng một game hay với tokenomics tốt?

Ở Singapore, tôi thấy ít dự án ra mắt token hơn. Nhiều nhà sáng lập ở đây chủ yếu tập trung xây dựng các sản phẩm như ví, hợp đồng thông minh… Cả hai thị trường đang ở những vị trí khác nhau.

Tôi cho rằng Việt Nam cần một nhà lãnh đạo tư tưởng bước lên và thúc đẩy xu hướng, gắn kết mọi người với nhau và huấn luyện họ trở thành những nhà sáng lập mang tính chọn lọc cao.

Tôi nghĩ Lê Thanh, người sáng lập Ninety Eight đang làm rất tốt việc hỗ trợ hệ sinh thái, ươm dưỡng các nhà sáng lập tiềm năng. Nhà sáng lập của Kyros cũng đang nỗ lực và đổ nhiều mồ hôi, công sức vào châu Á. Chúng ta cần nhiều người như thế hơn.

Hoặc không nhất thiết đó phải là người Việt Nam, có thể một nhà sáng lập nước ngoài nào đó đứng lên và cố gắng xây dựng một tầm nhìn tốt hơn. Qua thời gian, toàn ngành và những người tham gia hệ sinh thái có thể học hỏi từ đó và xây dựng làn sóng khởi nghiệp Web3 khác ở Việt Nam.

- Ông có điều gì muốn chia sẻ thêm về hành trình của mình trong Web3 không?

Tyler Durden: Tôi chỉ muốn nhắn nhủ mọi người một điều rằng: xây dựng một dự án thực sự rất khó khăn, hành trình này không hề dễ dàng. Những đội ngũ muốn xây dựng cho một cộng đồng rộng lớn hơn thường phải hy sinh rất nhiều về đời sống cá nhân.

Tôi biết mọi người chỉ muốn hỏi: “wen token”, “wen Lambo”? Nhưng tôi hy vọng mọi người sẽ hiểu, đặt niềm tin và cho đội ngũ thời gian xây dựng. Niềm tin này rất quan trọng vì không phải đội ngũ nào cũng đi nghỉ mát ở bãi biển đắt tiền – nhiều trong số họ đang cố làm những gì tốt nhất cho cộng đồng. 

Với cá nhân tôi, động lực của tôi không phải tiền, mà là việc mọi người đầu tư tiền vào chúng tôi, và tôi muốn đảm bảo họ làm điều đó một cách khôn ngoan. 

RELEVANT SERIES