PIN AI - Nền tảng AI “cá nhân hóa” trải nghiệm người dùng
PIN AI là gì?
PIN AI (hay Personal Intelligence Network) là blockchain layer 1, cung cấp cơ sở hạ tầng để phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực AI. Mạng lưới được thiết kế với kiến trúc mã nguồn mở, nhằm trao quyền cho các lập trình viên có thể tạo và tùy chỉnh mô hình AI một cách độc lập mà không phụ thuộc vào bên thứ ba.
Mục tiêu của dự án là trở thành nền tảng chia sẻ dữ liệu mở, bảo mật và tập trung nâng cao trải nghiệm cá nhân hoá của người dùng trong các ứng dụng AI. Dựa trên dữ liệu người dùng chia sẻ, các lập trình viên có thể tinh chỉnh sản phẩm, dịch vụ… để phù hợp nhu cầu với từng cá nhân.
Hiện PIN AI chỉ tiết lộ tickter token dự án là PIN. Ngoài ra những thông tin liên quan đến tokenomics chưa được công bố.
PIN AI giải quyết vấn đề gì?
Sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng như ChatGPT, OpenAI… đã và đang định hình cách con người tiếp cận thông tin và thực hiện các tác vụ hằng ngày. Tuy vậy, để khai thác tối đa tiềm năng của các mô hình trên, chúng vẫn còn nhiều thách thức chưa được giải quyết.
Một trong những hạn chế đầu tiên của ngành công nghiệp này là tính biệt lập của dữ liệu. Theo đó, hầu hết dữ liệu được dùng đều thuộc sở hữu độc quyền của các doanh nghiệp tạo ra ứng dụng. Điều này dẫn đến việc các mô hình bị hạn chế trong khả năng chia sẻ và kết hợp thông tin. Từ đó làm giảm chất lượng của các dịch vụ được cung cấp, đặc biệt là trong các tác vụ cá nhân hóa trải nghiệm người dùng.
Bên cạnh đó, việc người dùng chia sẻ dữ liệu cá nhân cũng tiềm ẩn rủi ro về bảo mật và quyền riêng tư, khi mà họ không có quyền kiểm soát hoàn toàn dữ liệu của mình. Nền tảng cũng thiếu cơ chế trong việc theo dõi và sử dụng dữ liệu một cách minh bạch.
Ngoài hai vấn đề trên, lĩnh vực này cũng phải đối mặt với những thách thức khác như yêu cầu tài nguyên tính toán lớn, chi phí phát triển cao…
PIN AI không hoàn toàn giải quyết được hết những vấn đề đặt ra, giao thức được thiết kế để tập trung vào hai khía cạnh chính:
- Cung cấp hệ thống lưu trữ dữ liệu phi tập trung và bảo mật: Nhằm đảm bảo quyền sở hữu, riêng tư và khả năng kiểm soát dữ liệu của người dùng. Đồng thời cho phép họ kiếm được lợi nhuận từ việc đóng góp dữ liệu.
- Nền tảng chia sẻ dữ liệu mở: Cho phép bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận và tận dụng nguồn dữ liệu được cung cấp để tạo ra các ứng dụng AI.
Từ hai khía cạnh trên, mục tiêu của PIN AI là tạo ra những ứng dụng được huấn luyện dựa trên dữ liệu của người dùng. Chúng có thể hiểu về ngữ cảnh, lịch sử, sở thích… để tự động thực hiện những tác vụ chuyên biệt như mua sắm, lên kế hoạch chi tiêu… của từng cá nhân.
Mô hình hoạt động của PIN AI
PIN Protocol là giao thức cốt lõi của hệ sinh thái PIN AI, cung cấp nền tảng mã nguồn mở, phi tập trung để xây dựng và triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. PIN Protocol đảm bảo tính minh bạch, bảo mật và quyền sở hữu dữ liệu cho người dùng. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi giá trị và tạo ra các dịch vụ AI.
Có 3 lớp chính hoạt động trong PIN Protocol:
- Personal Data: Chịu trách nhiệm đảm bảo tính bảo mật và quyền sở hữu dữ liệu của người dùng khi chia sẻ vào mạng lưới. Lớp này sử dụng các công nghệ như ZKP, kỹ thuật học máy… để xác minh và đảm bảo nguồn gốc của dữ liệu.
- Personal AI: Cung cấp các dịch vụ, ứng dụng, sản phẩm AI. Các ứng dụng này hoạt động như một trợ lý ảo AI và có thể tích hợp vào thiết bị điện thoại của người dùng.
- External AI: Cung cấp thị trường mở cho các ứng dụng AI. Các ứng dụng AI này được gọi là Agent Links, cung cấp các giải pháp dựa trên nhu cầu cá nhân của người dùng. Đối với người dùng, họ có thể lựa chọn giải pháp dựa trên những đánh giá trước đó như chi phí, hiệu suất, chất lượng của dịch vụ…
Ngoài ra, kiến trúc hạ tầng của PIN AI được thiết kế theo mô hình Hybrid. Mô hình này xử lý dữ liệu thông qua việc kết hợp hai giải pháp:
- Xử lý trên thiết bị: Một phần các tính toán và dữ liệu được thực hiện trực tiếp trên thiết bị của người dùng (điện thoại, máy tính bảng...). Điều này đảm bảo tính bảo mật và quyền riêng tư của người dùng.
- Tính toán trên đám mây: Dùng để xử lý những tác vụ phức tạp hơn, yêu cầu nhiều tài nguyên tính toán. Các mô hình đám mây thường có khả năng xử lý dữ liệu lớn, cho phép các ứng dụng AI thực hiện những nhiệm vụ phức tạp như nhận dạng hình ảnh, hiểu ngôn ngữ tự nhiên…
Bên cạnh đó, PIN AI cũng áp dụng các kỹ thuật học máy như BERT, RAG và GraphRAG để tạo ra một hệ thống thông minh, không chỉ cung cấp thông tin chính xác mà còn đảm bảo bảo mật dữ liệu cá nhân và hiểu rõ ngữ cảnh của người dùng.
PIN AI bao gồm ba đối tượng chính: người dùng, giao thức kết nối dữ liệu và ứng dụng/dịch vụ AI. Cụ thể:
- Người dùng: Được khuyến khích chia sẻ dữ liệu cá nhân cho nền tảng để kiếm lợi nhuận.
- Giao thức kết nối dữ liệu: Hay data connector, chịu trách nhiệm theo dõi và xác minh nguồn dữ liệu người dùng chia sẻ cho mạng lưới.
- Ứng dụng/dịch vụ AI: Hay Agent Service, được các nhà phát triển tạo ra dựa trên nguồn dữ liệu đã được xác minh trên mạng lưới.
Từ ba thành phần trên, mô hình hoạt động của PIN AI cơ bản như sau:
Người dùng chia sẻ dữ liệu cho nền tảng để kiếm lợi nhuận. Nguồn dữ liệu bao gồm những thông tin liên quan đến ngữ cảnh cá nhân như về sở thích, hành vi mua sắm, dữ liệu sức khỏe…
Sau khi chia sẻ, người dùng nhận token PIN làm phần thưởng. Nền tảng sử dụng cơ chế Proof of Engagement (PoE), mô hình được tạo ra để ghi nhận cho những đóng góp của người dùng trong mạng lưới.
Dữ liệu chia sẻ trên nền tảng sẽ được data connector kiểm tra tính chính xác, hợp lệ và nguồn gốc của chúng. Tại đây, data connector sử dụng công nghệ ZKP và các kỹ thuật mã hoá để bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng trong quá trình xác minh.
Sau đó, các lập trình viên truy cập vào kho dữ liệu đã được xác minh để huấn luyện, đào tạo mô hình và cung cấp ứng dụng/dịch vụ AI cho người dùng.
Cuối cùng, người dùng sử dụng ứng dụng/dịch vụ AI trên nền tảng và trả phí để thực hiện các yêu cầu. Phần phí này sẽ được phân chia lại cho người dùng đã cung cấp dữ liệu dưới dạng token PIN và một phần dành cho nhà phát triển ứng dụng.
Tóm lại, PIN AI cung cấp thị trường chia sẻ dữ liệu mở để người dùng có thể khai thác và kiếm lợi nhuận. Với những dữ liệu chia sẻ, các nhà phát triển có thể cung cấp dịch vụ AI có tính cá nhân hoá cao phục vụ cho nhu cầu của từng cá nhân.
Đội ngũ, nhà đầu tư và đối tác dự án PIN AI
Đội ngũ dự án
PIN AI được phát triển bởi những thành viên đến từ đội ngũ của Ethereum Research, Google Brain… Đa phần họ đều có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực công nghệ, cụ thể:
- Davide Crapis: Co-founder của PIN AI. Trước đây ông từng là nhà nghiên cứu của Ethereum Core Research.
- Ben Wu: Co-founder của PIN AI. Anh tốt nghiệp MIT và từng hoạt động trong quỹ đầu tư mạo hiểm - Y Combinator.
Nhà đầu tư
PIN AI thông báo đã huy động vốn thành công 10 triệu USD tại vòng Seed. Các quỹ đầu tư tham gia vào vòng này như a16z CSX, Hack VC. Ngoài ra, vòng đầu tư cũng có sự hậu thuẫn của những nhà đầu tư thiên thần như Illia Polosukhin (nhà sáng lập NEAR Protocol) và Evan Cheng (CEO của Mysten Labs/SUI).