Prediction Market đã đúng về T1 và Faker, tiếp theo là chiến thắng của Trump hay Harris?
Năm 2024, đội tuyển eSport T1 tiến vào Chung Kết Thế Giới Liên Minh Huyền Thoại (LoL) với tư cách là hạt giống thứ 4 của Hàn Quốc. Nhờ có sự góp mặt của Faker, một tuyển thủ có fan toàn cầu, T1 dễ dàng dẫn đầu trong các cuộc bình chọn “ai sẽ chiến thắng Worlds 2024?".
Kết quả đêm 2/11, T1 đã vô địch và Faker được tung hô như tuyển thủ vĩ đại nhất lịch sử (GOAT). T1 đã có lần thứ 5 trong lịch sử vô địch CKTG LMHT, lần lượt vào các năm 2013, 2015, 2016, 2023 và 2024 - một thành tích vô tiền khoáng hậu. T1 cũng đội tuyển duy nhất đăng quang Chung Kết Thế Giới LMHT 2 lần liên tiếp.
Những ngày cuối tháng 10/2024, mùa bầu cử Mỹ đang đến rất gần và sức nóng của nó lan tỏa đến các thị trường tài chính truyền thống lẫn crypto. Trên trang chủ của Polymarket, một nền tảng dự đoán nổi bật trong không gian crypto, màu đỏ của ông Trump đang áp đảo hơn 62% so với với các bang màu xanh đại diện cho phe bà Harris.
Tuy nhiên, liệu thực sự dân Mỹ có đang ủng hộ cho ông Trump nhiều đến vậy?
Prediction Market: Bàn cân giữa kỳ vọng và thực tế
Trường hợp của ông Trump trên Polymarket và T1 ở Liên Minh Huyền Thoại cho thấy kỳ vọng của số đông không nhất thiết phải sát với những gì thực tế sẽ xảy ra. Điều đó cũng được thể hiện trên thị trường dự đoán (Prediction Market).
Công cụ tài chính Prediction Markets đã tồn tại từ lâu trong thị trường truyền thống, tiêu biểu như nền tảng PredictIt và Metaculus. Chúng cho phép người tham gia đặt cược vào kết quả của các sự kiện trong tương lai, từ thể thao, chính trị đến tài chính, nhằm thu thập thông tin và dự đoán xu hướng.
Dù mang lại giá trị trong việc khám phá thông tin, chúng sẽ không phản ánh chính xác những gì sẽ xảy ra trên thực tế.
Tìm hiểu: Thị trường dự đoán trong crypto là gì?
Những yếu tố khiến Prediction Market trong thị trường Crypto khó duy trì tính chính xác
Thiên kiến cá nhân, kẻ phá bĩnh xác suất
Trong Prediction Market, thiên kiến cá nhân của người tham gia có thể làm lệch kết quả dự đoán. Người dùng thường có xu hướng đánh giá quá cao khả năng xảy ra của những sự kiện mà họ có lợi ích cá nhân hoặc cảm xúc mạnh mẽ.
Ví dụ, một người hâm mộ đội bóng Chelsea có thể sẽ đặt cược lớn vào khả năng Chelsea vô địch Champions League, ngay cả khi xác suất thực sự không cao.
Một ví dụ rõ ràng hơn về thiên kiến là thị trường Polymarket trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Dữ liệu trên Polymarket từng cho thấy tỷ lệ thắng của Trump (YES) được định giá cao hơn so với các nền tảng dự báo khác như Metaculus hay PredictIt.
Điều này có thể giải thích do cơ sở người dùng của Polymarket chủ yếu là các nhà đầu tư crypto có xu hướng nghiêng về Trump hơn vì quan điểm ôn hoà đối với Crypto. Sự thiên lệch này khiến thị trường không phản ánh đúng xác suất thực tế.
Vấn đề là Prediction Market cần sự hiệu quả để tự điều chỉnh các sai lệch. Tuy nhiên, khi thiên kiến của người chơi xuất hiện và ảnh hưởng đến kết quả, thị trường lại không thể tự cân bằng lại xác suất một cách chính xác. Vậy, trong trường hợp này, liệu chúng ta có thể xem Prediction Market là nguồn dự báo đáng tin cậy không?
Độ lớn của thị trường, thanh khoản và sự thao túng
Hãy xem các thị trường dự đoán liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống trên Polymarket. Theo Dune, số địa chỉ ví hoạt động trên nền tảng này tầm 30,000 ví trong cao điểm cuối tháng 10. Tổng lượng truy cập vào website là 16,2 triệu trong tháng 9 theo Similar Web. Cả hai con số này đều chứng tỏ một điều: dù Polymarket đang thu hút sự chú ý, số lượng người dùng thực tế của nó có thể rất nhỏ so với 341.8 triệu dân Mỹ.
Điều này dẫn đến các dự đoán trên nền tảng có thể không phản ánh đúng ý kiến chung của công dân Mỹ.
Ngoài ra, Polymarket sử dụng cơ chế định giá AMM (Automated Market Maker), vốn được coi là cơ chế có hiệu quả sử dụng vốn thấp, làm cho thị trường dễ bị thao túng. Thanh khoản thấp đồng nghĩa với việc chỉ cần một số vốn không quá lớn, thậm chí vài chục triệu USD cũng có thể thao túng được thị trường, làm sai lệch tỷ lệ cược.
Thời gian kéo dài, kẻ thù của lợi nhuận và hiệu quả
Prediction Market hoạt động hiệu quả khi nó phản ánh chính xác xác suất thực tế của các sự kiện thông qua tỷ lệ cược trên Prediction Market.
Trong thực tế, tính hiệu quả của Prediction Market không phải lúc nào cũng đơn giản như ví dụ tung đồng xu. Khi một thị trường bị lệch nhẹ nhưng thời gian giải quyết sự kiện còn dài, lợi nhuận tiềm năng không đủ lớn để thu hút người chơi điều chỉnh lại thị trường.
Chẳng hạn, nếu một thị trường dự đoán có sai lệch 1% nhưng phải chờ sáu tháng để giải quyết, thì lợi nhuận 2% mỗi năm là quá thấp so với lãi suất phi rủi ro trên thị trường tài chính truyền thống.
Trong thực tế, các sự kiện tài chính lớn như quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), các Prediction Market trên Polymarket cũng có thể gặp tình huống tương tự.
Giả sử, trước cuộc họp của FED, thị trường dự đoán khả năng FED giữ nguyên lãi suất là 50%. Tuy nhiên, một tin đồn nhỏ xuất hiện, khiến tỷ lệ này dịch chuyển lên 51%.
Để điều chỉnh lại mức tỷ lệ đúng (50%), một nhà giao dịch sẽ cần đầu tư vào cửa ngược lại (FED thay đổi lãi suất). Tuy nhiên, nếu cuộc họp còn vài tháng nữa mới diễn ra, lợi nhuận 1% trong thời gian dài như vậy không đủ hấp dẫn để bù đắp rủi ro.
Trong những trường hợp như vậy, người chơi sẽ không tham gia điều chỉnh lại tỷ lệ cược cho đến khi:
- Sai lệch tăng đủ lớn để họ có động lực chấp nhận rủi ro.
- Thời gian giải quyết ngắn lại, giúp giảm rủi ro và tăng khả năng sinh lời.
Vì thế, Prediction Market thường không phản ánh được xác suất thực tế cho đến giai đoạn gần cuối của sự kiện, khi các yếu tố thời gian và lợi nhuận trở nên hợp lý hơn.
Phòng ngừa rủi ro, con dao hai lưỡi của Prediction Market
Hedging (phòng ngừa rủi ro) rất phổ biến trong thị trường tài chính, nhưng nó có thể làm sai lệch tỷ lệ xác suất trên Prediction Market. Khi người chơi muốn giảm rủi ro từ một vị thế lớn, họ có thể đặt cược vào hướng ngược lại trong Prediction Market. Điều này làm thay đổi tỷ lệ cược, dù xác suất thực tế của sự kiện không đổi.
Ví dụ: Một trader mua $1M quyền chọn mua SPY (Buy Call) vì tin rằng lãi suất sẽ được cắt giảm sau cuộc họp FOMC. Tuy nhiên, gần đến thời điểm ra quyết định, trader lo lắng và mua thêm 200,000 USD vào cửa “NO” trên Polymarket về việc cắt giảm lãi suất, đẩy tỷ lệ xuống 48/52 thay vì 50/50.
Thông thường, thị trường hiệu quả sẽ điều chỉnh lại tỷ lệ này về 50/50. Tuy nhiên, trong thực tế, việc điều chỉnh này có thể không xảy ra vì:
- Rủi ro và tần suất thấp: Cuộc họp FOMC chỉ diễn ra 12 lần mỗi năm, không giống như một trò tung đồng xu có thể thực hiện liên tục. Điều này khiến chi phí cơ hội và rủi ro tăng lên cho những người muốn tham gia điều chỉnh thị trường.
- Thông tin bất đối xứng: Các trader khác có thể lo ngại rằng người mua “NO” nắm giữ thông tin nội bộ, khiến họ do dự trong việc điều chỉnh lại tỷ lệ.
Hedging là một ví dụ cho thấy Prediction Market không chỉ dựa vào xác suất thuần túy, mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như hành vi phòng ngừa rủi ro.
Tìm hiểu thêm: Hedging là gì? Cách ứng dụng chiến lược phòng hộ rủi ro trong Crypto.
Prediction Market: Công cụ hữu ích nhưng cần dùng đúng cách
Prediction Market là công cụ tuyệt vời trong việc khám phá thông tin và cung cấp tỷ lệ cược theo thời gian thực. Tuy nhiên, dựa vào chúng như nguồn xác suất duy nhất có thể dẫn đến sai lầm. Những sai lệch do thiên kiến, thời gian giải quyết và phòng ngừa rủi ro cho thấy rằng các dự đoán từ thị trường này không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác xác suất thực tế.
Trong các sự kiện lớn và phức tạp, việc thêm biên độ sai số vào dự đoán từ Prediction Market là cần thiết để tránh các sai lệch không mong muốn. Đồng thời, việc kết hợp Prediction Market với các công cụ dự báo khác chẳng hạn như dữ liệu từ các nền tảng mạng xã hội, bài báo, và tin tức… sẽ giúp tạo ra bức tranh toàn diện hơn về xác suất của các sự kiện.
Prediction Market có tiềm năng trở thành công cụ “go-to” cho các nhà đầu tư đại chúng và người dùng Web3 muốn khám phá thông tin theo thời gian thực. Tuy nhiên, cộng đồng không nên tuyệt đối hóa các dự đoán từ thị trường này, mà cần nhận thức được những giới hạn và rủi ro tiềm ẩn.