SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Quá bán trong Crypto là gì? Top 3 chỉ báo quá bán nổi bật

Thị trường tài chính được thúc đẩy bởi cảm xúc và niềm tin của nhà đầu tư. Nếu các nhà đầu tư quá sợ hãi, một số tài sản có thể bị rơi vào tình trạng quá bán. Cùng tìm hiểu về quá bán trong crypto và các chỉ báo quá bán nổi bật trong bài viết sau.
Avatar
Thanh Uyen
Published Sep 20 2024
10 min read
quá bán là gì

Quá bán là gì?

Quá bán (Oversold) là tình trạng một tài sản bị bán ra quá mức, khiến giá giảm mạnh và bị định giá thấp hơn giá trị thực. Điều này thường xảy ra khi có nhiều tin xấu trên thị trường, tâm lý nhà đầu tư lo sợ và bán tháo liên tục, gây ra phản ứng dây chuyền, dẫn đến việc giá giảm mạnh hơn.

Tuy nhiên, sau một thời gian, khi tài sản đã bị bán đến mức quá thấp, nhà đầu tư có thể nhận thấy rằng tài sản này đang ở mức giá hợp lý và bắt đầu mua vào, khiến giá tài sản có sự hồi phục. Trong một số trường hợp, nếu tâm lý nhà đầu tư bi quan và không có lực mua đủ mạnh để đẩy giá lên, tình trạng quá bán có thể xảy ra trong thời gian dài.

khái niệm quá bán trong crypto
Khái niệm quá bán là gì

Tình trạng quá bán không chỉ tác động đến giá mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý nhà đầu tư. Trong giai đoạn giá giảm, nhiều người có thể bị cuốn vào "hoảng loạn bán ra," góp phần đẩy giá xuống thêm. Tuy nhiên, với một số nhà đầu tư, đây lại có thể là thời điểm tốt để mua vào, chuẩn bị cho sự hồi phục.

Trong thị trường crypto, tình trạng quá bán thường được nhận biết thông qua các chỉ báo phân tích kỹ thuật, giúp các nhà đầu tư xác định điểm mua vào khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.

advertising

Một số chỉ báo quá bán trong crypto

RSI (Relative Strength Index)

Một trong những chỉ báo kỹ thuật được sử dụng nhiều nhất để xác định liệu một tài sản có đang bị quá bán hay không là RSI (chỉ số sức mạnh tương đối). RSI hoạt động bằng cách đo lường tốc độ và mức độ thay đổi giá của một tài sản trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ số RSI có thang điểm từ 0 đến 100. Một tài sản có RSI dưới 30 thường được xem là đang bị quá bán.

Hình bên dưới thể hiện Bitcoin bị quá bán mỗi khi RSI chạm dưới 30. Giá Bitcoin thường có đợt hồi phục nhẹ trở lại sau mỗi lần bị quá bán.

Tìm hiểu: Cách sử dụng RSI & các sai lầm thường gặp

rsi thể hiện bitcoin bị quá bán
RSI thể hiện Bitcoin bị quá bán

Stochastic Oscillator

Stochastic Oscillator so sánh giá đóng cửa của tài sản với một khoảng giá của tài sản này trong thời gian nhất định. Chỉ báo Stochastic cũng giao động từ 0 đến 100. Nếu Stochastic của một tài sản giảm xuống dưới 20, tài sản này có thể đang bị quá bán.

Tương tự như RSI, giá Bitcoin thường tăng trưởng trở lại sau khi Stochastic giảm xuống dưới 20. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng xảy ra, vào tháng 9/2024 mặc dù chỉ số Stochastic đã giảm xuống dưới 20 nhưng Bitcoin vẫn tiếp tục giảm mạnh.

stochastic thể hiện bitcoin bị quá bán
Stochastic thể hiện Bitcoin bị quá bán

Bollinger Bands

Bollinger Bands đo lường mức độ biến động của thị trường sử dụng đường trung bình động (Moving Average) với độ lệch chuẩn. Chỉ báo kỹ thuật này được cấu thành từ 3 dải: Dải trên (Upper Band), dải giữa (Middle Band) và dải dưới (Lower Band). Khi giá của tài sản chạm vào dải dưới của Bollinger Bands, điều này có thể là dấu hiệu rằng tài sản đang trong tình trạng quá bán.

chỉ báo quá bán
Bollinger Bands thể hiện Bitcoin bị quá bán

Chiến lược giao dịch khi thị trường quá bán

Một trong những câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra là: Khi nào nên đầu tư khi thị trường quá bán? Câu trả lời không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng dưới đây là một số chiến lược giao dịch mà nhà đầu tư có thể sử dụng:

Sử dụng kết hợp nhiều chỉ báo kỹ thuật

Không có một chỉ báo kỹ thuật nào có độ chính xác 100%. Một số chỉ báo kỹ thuật đôi khi có độ nhiễu. Do đó, để xác định liệu một tài sản có đang bị quá bán không, nhà đầu tư có thể sử dụng kết hợp nhiều chỉ báo kỹ thuật để tăng tính tin cậy chứ không nên quá phụ thuộc vào bất cứ một chỉ báo kỹ thuật nào.

Chẳng hạn, nếu một tài sản có RSI dưới 30 và Stochastic dưới 20, điều này có thể mang tính tin cậy cao hơn so với việc chỉ có RSI của Bitcoin giảm dưới 30.

Kiên nhẫn và theo dõi xu hướng

Một đồng coin có thể rơi vào tình trạng quá bán trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần trước khi phục hồi. Do đó, kiên nhẫn là yếu tố quan trọng trong chiến lược giao dịch dựa vào quá bán. Ngoài ra, nhà đầu tư cần đợi thêm các tín hiệu xác nhận từ thị trường trước khi vào lệnh.

Chẳng hạn, khi RSI của một tài sản rớt xuống dưới 30, tài sản này có thể đang bị quá bán. Thế nhưng, nhà đầu tư không nên tiến hành mua vào ngay vì giá tài sản có thể sẽ tiếp tục giảm mạnh. Thay vào đó, nhà đầu tư nên chờ RSI phục hồi từ dưới 30 để tiến hành vào lệnh mua vì nó cho thấy thị trường có dấu hiệu hồi phục sau khi rơi vào tình trạng quá bán.

Ngoài ra, nếu giá tài sản bị quá bán nhưng khối lượng giao dịch tăng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy nhiều nhà đầu tư khác đang tích luỹ. Nếu giá biến động mạnh và không có xu hướng rõ ràng, nhà đầu tư cũng nên đợi thêm trước khi hành động.

Phân tích tin tức và tâm lý thị trường

Trong thị trường crypto, tin tức và tâm lý nhà đầu tư đóng vai trò rất quan trọng. Khi có nhiều tin tức tiêu cực, giá của crypto thường giảm mạnh, khiến toàn bộ thị trường rơi vào trạng thái quá bán. Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi các yếu tố sau:

Tin tức vĩ mô

Các sự kiện toàn cầu như chính sách của các ngân hàng trung ương, các quy định về crypto mới, bầu cử, thiên tai… có thể gây tác động đáng kể đến thị trường. Nếu tin tức xấu khiến giá crypto giảm mạnh nhưng không ảnh hưởng đến giá trị dài hạn của tài sản, đây có thể là cơ hội để mua vào.

Chẳng hạn, vào tháng 3/2020, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, Bitcoin đã trải qua một đợt giảm giá mạnh từ 9,000 USD xuống 4,000 USD trong vòng vài ngày. Chỉ số RSI của Bitcoin đã giảm xuống mức 22, một dấu hiệu rõ ràng của tình trạng quá bán.

Các nhà giao dịch theo dõi RSI đã nhận thấy cơ hội khi RSI quay đầu từ mức 22 lên 30, cho thấy đợt bán tháo có thể đã kết thúc. Họ mua vào khi giá quanh mức 5,000 USD. Trong các tháng tiếp theo, Bitcoin đã phục hồi mạnh mẽ và tăng lên mức 10,000 USD, mang lại mức lợi nhuận gấp đôi cho những ai đã bắt đáy thành công.

Tâm lý nhà đầu tư

Khi thị trường rơi vào trạng thái quá bán, tâm lý lo sợ và hoảng loạn thường chi phối các quyết định của nhà đầu tư. Những đợt bán tháo ồ ạt xuất hiện khi nhà đầu tư mất niềm tin vào tương lai của tài sản, kéo giá xuống sâu hơn nữa. Một số nhà đầu tư sẽ chọn cách mua vào theo chiến lược "tham lam khi người khác sợ hãi và sợ hãi khi người khác tham lam" của Warren Buffett, tin rằng giá sẽ sớm phục hồi. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng, bởi trạng thái sợ hãi tột độ không đồng nghĩa với việc tài sản sẽ nhanh chóng bật tăng trở lại.

Ví dụ điển hình là đợt sụt giảm mạnh của Bitcoin vào cuối năm 2021. Sau khi giảm từ đỉnh 69.000 USD xuống còn khoảng 40.000 USD, thị trường rơi vào trạng thái hoảng loạn. Một số nhà đầu tư tin rằng Bitcoin đã chạm đáy khi thị trường quá sợ hãi, kỳ vọng giá sẽ phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, giá Bitcoin không những không tăng mà còn tiếp tục giảm xuống dưới 30.000 USD trong vài tháng sau đó. Điều này cho thấy rằng, việc mua vào khi thị trường rơi vào trạng thái sợ hãi quá mức không phải lúc nào cũng là chiến lược khôn ngoan.

Đọc thêm: Cách phân tích tâm lý thị trường khi đầu tư

Sử dụng chiến lược DCA

Một trong những chiến lược đơn giản nhưng có hiệu quả cao, đặc biệt hữu dụng đối với những nhà đầu tư bận rộn không có thời gian theo dõi thị trường là DCA (trung bình giá). Khi thị trường rơi vào tình trạng quá bán, nhà đầu tư có thể thực hiện chiến lược DCA để mua dần tài sản với giá rẻ hơn.

Chiến lược DCA cũng giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro nếu giá tài sản bị quá bán trong thời gian dài mà không phục hồi. Chiến lược này cũng giúp nhà đầu tư tránh tình trạng cố gắng bắt đáy thị trường, đồng thời tạo điều kiện cho nhà đầu tư tích luỹ tài sản ở nhiều mức giá khác nhau.

Quản lý rủi ro

Bất kỳ chiến lược giao dịch nào cũng cần có kế hoạch quản lý rủi ro chặt chẽ. Khi giao dịch trong thị trường quá bán, nhà đầu tư cần đặt stop loss (mức cắt lỗ) để bảo vệ vốn nếu thị trường tiếp tục giảm sâu hơn. Mức stop loss này có thể là dưới mức hỗ trợ gần nhất để giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng không nên dùng toàn bộ vốn để mua tài sản trong một giao dịch mà nên chia nhỏ vốn của mình.

Quá bán có thể xảy ra trong bất cứ thị trường tài chính nào như cổ phiếu, tiền tệ hay crypto. Quá bán không chỉ ảnh hưởng đến giá trị của tài sản mà còn tác động đến tâm lý nhà đầu tư và biến động chung của toàn thị trường.

Xem thêm: 6 cách kiếm tiền khi thị trường giảm mạnh 

RELEVANT SERIES