Phép thử cho Solana giữa cơn sốt memecoin
Những đồng coin ‘gánh’ thiệt hại
Cụ thể, theo Dune, cứ 10 giao dịch không liên quan đến vấn đề biểu quyết trên Solana thì có 7 giao dịch không thành công. Điều này đặt mạng vào trạng thái bị giới hạn hoạt động.
Ví Phantom và những ứng dụng khác trên Solana đã thông báo cho người dùng về tình trạng tắc nghẽn, khuyên họ nên chờ lâu hơn để có thể hoàn tất giao dịch.
Thực tế, kể từ tháng 11 năm ngoái, tỷ lệ giao dịch thất bại trên Solana luôn ở mức xấp xỉ 50%. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở những thời điểm trước.
Đợt nghẽn mạng lần này đã góp phần khiến SOL giảm khoảng 4.6% trong tuần qua và hiện có giá 177 USD, theo CoinGecko. Nhưng SOL không phải là tài sản duy nhất bị ảnh hưởng: một số token nổi bật khác trên mạng thậm chí còn chịu thiệt hại nặng nề hơn.
Wormhole (W) vừa có đợt airdrop nhưng giá đã bị rớt thẳng 17% trong ngày 4/4. Trong lần airdrop này có hơn 400,000 ví đủ điều kiện nhưng vào tuần trước giá token đã giảm đến 41%.
Trong khi đó, token JUP của aggregator sàn giao dịch phi tập trung Jupiter cũng giảm gần 15% giá trị trong 7 ngày qua. Giá của token hiện đang ở mức 1.42 USD.
Giữa tuần trước, Memecoin Dogwifat (WIF) đã giảm gần 12% xuống mức giá 3.37 USD. Đồng meme tăng mạnh trong 30 ngày qua với 64% nhưng so với mức ATH vào đầu tuần trước nó đã giảm gần 16%.
Đọc thêm: Solana: 'Chúng tôi muốn chứng minh Samsung, Google nên tích hợp web3 vào điện thoại của họ'.
Để chiến thắng, bạn phải spam nhiều hơn người khác
Nguyên nhân mạng Solana bị nghẽn phần lớn là do các giao dịch spam khi bot cố “hớt tay trên” những người dùng thông thường.
Đặc biệt, kể từ quý đầu tiên năm 2024, với sự gia tăng chóng mặt của các giao dịch liên quan đến memecoin, vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn. Những giao dịch mới này tạo ra nhu cầu lớn trong block space, dẫn đến việc nhiều người dùng gặp khó khăn khi truy cập mạng.
Về mặt kỹ thuật, lý do người dùng giao dịch thất bại trên mạng Solana là do các giao dịch của họ không đến được block leader và bị loại bỏ do các vấn đề trong networking layer (lớp mạng).
Networking layer là lớp truyền thông của internet, ví dụ như QUIC, dùng để gửi các gói dữ liệu từ kết nối này đến kết nối khác. Và gần đây, Solana đã nâng cấp lên QUIC, lấy đây làm networking layer của mạng để thiết lập kết nối giữa người dùng và block leader.
Bởi vì Solana sản xuất block liên tục và không có mempool nên việc mất kết nối đồng nghĩa giao dịch sẽ không đến được block.
Trong khi đó, dựa trên các tiêu chí cụ thể, QUIC cung cấp cho các block leader khả năng cắt bỏ hay giới hạn tỷ lệ một số kết nối của người dùng. Do đó, trong những thời điểm nhu cầu tăng cao, các block leader có thể loại bỏ một số kết nối nhất định.
Kiến trúc mới này giúp mạng Solana không bị tạm ngừng khi hoạt động trên mạng gia tăng mạnh. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: những tiêu chí cụ thể để quyết định kết nối nào sẽ bị các block leader loại bỏ không được triển khai tốt.
Để hình dung rõ hơn, hãy tưởng tượng một tình huống trong đó các block leader có thể giao tiếp với X kết nối. Trong những thời điểm hoạt động tăng mạnh, các block leader nhận được yêu cầu giao tiếp với số kết nối cao gấp 10-100X.
Đây chính là lúc mà các block leader có thể chọn để loại bỏ một số kết nối nhất định. Tuy nhiên, thay vì các kết nối bị loại bỏ theo tiêu chí đã đặt ra (chẳng hạn loại bỏ tất cả kết nối có mức phí thấp hơn x), hiện tại các kết nối này bị loại bỏ một cách ngẫu nhiên.
Do đó, để có xác suất giao dịch thành công cao hơn, bạn phải spam nhiều hơn những người khác. Và bởi có vô vàn bot đang spam mạng với các yêu cầu kết nối, người dùng bình thường khó lòng thiết lập kết nối và thực hiện các giao dịch của mình.
‘Phép thử’ của các Layer 1: Bơi hoặc chìm
Anatoly Yakenko, đồng sáng lập Solana Labs, cho biết rằng việc giải quyết những vấn đề này cần thời gian, do không thể làm khác được.
“So với việc mạng dừng hoàn toàn, xử lý các lỗi tắc nghẽn còn tệ hơn rất nhiều. Với trường hợp đầu tiên, một khi xác định ra lỗi và khắc phục, mạng có thể tiếp tục chạy. Nhưng với cái thứ hai, bạn phải trải qua quá trình phát hành phiên bản mới và thử nghiệm cẩn thận”.
Để khắc phục các vấn đề quan đến việc triển khai QUIC trên mạng, Anza - bên phát triển một trong những validator client Agave của Solana, sẽ đưa ra các bản sửa lỗi. Những cập nhật này dự kiến sẽ nâng cao hiệu suất của phần mềm client, đặc biệt trong các tình huống nhu cầu giao dịch tăng cao.
Ngoài ra, vào tháng 4 này, Solana cũng dự kiến phát hành bản cập nhật 1.18. Phiên bản mới sẽ giúp thứ tự và thời điểm thực hiện giao dịch trở nên nhất quán hơn, từ đó cải thiện quy trình xử lý và giảm tắc nghẽn mạng.
Kèm với đó là việc triển khai phí ưu tiên, vì hiện nhiều ứng dụng hoạt động trên Solana không sử dụng phí ưu tiên, dẫn đến các giao dịch bị trì hoãn hoặc không được xử lý.
Sự cố nghẽn mạng đã khiến Solana hứng chịu không ít chỉ trích. Đáp lại, Austin Federa - Head of Strategy tại Solana Labs nói:
“Có thể vào năm 2017 các bạn chưa tham gia crypto hoặc giả đã quên rồi, nhưng CryptoKitties từng khiến Ethereum không thể sử dụng được trong nhiều tuần. Điều này dẫn đến việc phải suy nghĩ lại về một số quyết định thiết kế, giúp tạo ra Ethereum Layer 1 mạnh mẽ như ngày hôm nay. Điều tương tự cũng xảy ra vào năm 2016 với vụ tấn công Shanghai”.
Theo Federa, những khoảnh khắc quyết định này sẽ là phép thử cho các mạng Layer 1: bơi hoặc bị chìm. Thậm chí ngay trong trạng thái đáng tiếc hiện tại, trung bình Solana vẫn đạt hơn 700 “giao dịch thực mỗi giây” - gấp khoảng 6 lần mức trung bình hàng ngày của tất cả Layer 2 và Layer 1 khác cộng lại.
“Các thách thức Solana đối mặt sẽ rất khác, nhưng mạng sẽ vượt qua như cách Ethereum đã làm cách đây nhiều năm”, Federa kết luận.
Xem thêm: Solana tắc nghẽn, Layer 3 trở thành xu hướng.