Tài sản trú ẩn là gì? Top 5 tài sản trú ẩn khi thị trường biến động
Tài sản trú ẩn là gì?
Tài sản trú ẩn (Safe Haven Assets) là những loại tài sản được các nhà đầu tư tin tưởng và kỳ vọng sẽ duy trì hoặc thậm chí tăng giá trị trong thời kỳ kinh tế bất ổn hoặc suy thoái. Đây là lựa chọn giúp danh mục của nhà đầu tư ổn định, giảm thiểu rủi ro thua lỗ trong thị trường biến động.
Tài sản trú ẩn thường có một số đặc điểm nổi bật, bao gồm:
- Thanh khoản cao: Tài sản trú ẩn có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt một cách nhanh chóng và dễ dàng mà không bị mất đi giá trị đáng kể. Điều này đặc biệt quan trọng khi nhà đầu tư cần tiền mặt để đáp ứng nhu cầu tài chính đột xuất.
- Nguồn cung hạn chế: Tài sản trú ẩn thường có nguồn cung hạn chế, điều này tạo ra sự khan hiếm và làm tăng giá trị của chúng khi nhu cầu tăng.
- Ít phụ thuộc vào nền kinh tế: Tài sản trú ẩn không dễ bị tác động bởi các cú sốc kinh tế hay biến động thị trường nên có giá trị ổn định.
- Hiệu suất ổn định: Tài sản trú ẩn không chỉ bảo vệ giá trị mà còn có thể mang lại lợi nhuận trong các giai đoạn thị trường suy thoái, khi các nhà đầu tư khác tìm đến tài sản trú ẩn.
- Tính bền vững: Một đặc điểm quan trọng của tài sản trú ẩn là chúng ít bị mất giá trị theo thời gian.
Dù vậy, cần lưu ý rằng không phải tất cả tài sản trú ẩn đều có tất cả những đặc điểm trên. Nhà đầu tư cần lựa chọn kênh trú ẩn phù hợp tuỳ vào tình hình thị trường và nhu cầu của bản thân. Trong thời kỳ kinh tế phát triển mạnh, việc giảm tỷ trọng tài sản trú ẩn có thể giúp nhà đầu tư tối ưu lợi nhuận hơn.
Tài sản trú ẩn thường được sử dụng để:
- Bảo vệ tài sản trong thời kỳ bất ổn: Khi các tài sản rủi ro như cổ phiếu giảm giá mạnh, tài sản trú ẩn có thể giữ hoặc tăng giá, bảo vệ lợi nhuận của nhà đầu tư trong thời kỳ thị trường suy thoái.
- Chống lại lạm phát: Lạm phát tăng cao làm suy giảm giá trị tiền pháp định, khiến chi phí sinh hoạt tăng lên. Tuy nhiên, lạm phát tăng cao có thể không ảnh hưởng đến tài sản trú ẩn nhiều như tiền pháp định. Những thời điểm lạm phát tăng, tài sản trú ẩn có thể giữ nguyên giá trị hoặc thậm chí tăng giá, giúp bảo vệ tài sản của nhà đầu tư khỏi sự tác động của lạm phát.
Các loại tài sản trú ẩn phổ biến
Vàng
Vàng là một trong những tài sản trú ẩn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn vì có thanh khoản cao và nguồn cung giới hạn. Vàng là kim loại quý được khai thác trong tự nhiên, có số lượng giới hạn, không giống như tiền pháp định. Điều này giúp vàng tăng giá trị khi thị trường chứng khoán hoặc nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.
Tình hình kinh tế toàn cầu càng bất ổn, các quốc gia càng tìm mua vàng nhiều hơn. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2013-2023, khi bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… đã tăng cường lượng dự trữ vàng của mình. Trước đó, giá vàng cũng đã tăng khoảng 20% khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xảy ra.
Tuy nhiên, vàng có nhược điểm là có biến động trong ngắn hạn, chi phí lưu trữ cao và khó khăn trong giao dịch hơn so với tiền mặt.
Trái phiếu chính phủ
Trái phiếu chính phủ của các quốc gia phát triển và có kinh tế ổn định, chẳng hạn như trái phiếu kho bạc của Mỹ, cũng được xem là tài sản trú ẩn an toàn. Khi mua trái phiếu chính phủ, các nhà đầu tư sẽ được trả lại tiền gốc, cùng với bất kỳ khoản lãi suất chưa thanh toán nào vào ngày đáo hạn.
Khi lãi suất thấp, lợi nhuận từ trái phiếu cũng thường thấp vì chúng trả lãi ít hơn. Tuy nhiên, nếu lãi suất thị trường tăng lên, giá trị trái phiếu có thể bị giảm. Điều này là do các trái phiếu cũ với lãi suất thấp trở nên kém hấp dẫn hơn so với các trái phiếu mới phát hành với lãi suất cao hơn. Do đó, việc lựa chọn trái phiếu chính phủ cũng cần xem xét xu hướng lãi suất của quốc gia phát hành trái phiếu chính phủ.
Tiền pháp định mạnh
Các đồng tiền pháp định mạnh như USD và Franc Thụy Sĩ cũng được coi là các tài sản trú ẩn an toàn trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế vì chúng đến từ những quốc gia có nền kinh tế vững mạnh, ổn định và được đánh giá cao trên thế giới. Cụ thể:
- USD (Đồng Đô la Mỹ): USD được sử dụng rộng rãi trong giao dịch quốc tế và dự trữ tài chính của các quốc gia vì tính thanh khoản cao và ổn định. Mỹ cũng là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp và cán cân thương mại tương đối ổn định. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến đầu năm 2023, hơn 59% dự trữ ngoại tệ toàn cầu là USD.
- Franc Thụy Sĩ (CHF): Thụy Sĩ có chính sách tiền tệ ổn định, kinh tế phát triển tốt, chính trị trung lập, không tham gia vào các cuộc xung đột quốc tế, khiến đồng CHF trở thành nơi trú ẩn lý tưởng trong các giai đoạn khủng hoảng.
Khi lựa chọn tiền pháp định mạnh trong giai đoạn khủng hoảng, nhà đầu tư cần chú ý đến sự biến động của các thị trường tài chính và các yếu tố địa chính trị có thể ảnh hưởng đến giá trị của các đồng tiền này. Chẳng hạn, nếu các quốc gia có tiền pháp định mạnh xảy ra chiến tranh, tiền pháp định của quốc gia đó có thể không phải là lựa chọn tốt. Ngoài ra, biến động về tỷ giá hối đoái cũng có thể ảnh hưởng đến giá trị của tiền pháp định mạnh, đặc biệt nếu quốc gia đó đang gặp vấn đề về lãi suất.
Bất động sản
Bất động sản, đặc biệt là các loại hình thương mại hoặc nhà ở tại các vị trí chiến lược, có thể là tài sản trú ẩn. Tuy nhiên, bất động sản thiếu tính thanh khoản hơn so với vàng hoặc tiền pháp định, giá trị của nó cũng có thể bị biến động ngắn hạn bởi các yếu tố kinh tế địa phương hay toàn cầu. Do đó, bất động sản thường được ưa chuộng cho các mục tiêu dài hạn.
Cổ phiếu phòng thủ
Cổ phiếu phòng thủ là cổ phiếu của các công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ thiết yếu như điện, nước, thực phẩm, dược phẩm và chăm sóc sức khỏe. Cổ phiếu phòng thủ không hoàn toàn là tài sản trú ẩn, trong trường hợp suy thoái kinh tế nghiêm trọng, cổ phiếu phòng thủ vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm chung của thị trường chứng khoán, nhưng mức độ ảnh hưởng có thể sẽ thấp hơn so với các ngành khác.
Khi chọn cổ phiếu phòng thủ làm tài sản trú ẩn, các nhà đầu tư nên chọn các công ty có lịch sử lợi nhuận ổn định và cổ tức đều đặn trong các giai đoạn khủng hoảng, đa dạng hóa ngành nghề (năng lượng, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe…) và theo dõi các chỉ số tài chính như tỷ lệ nợ, khả năng chi trả cổ tức để dự phóng triển vọng tăng trưởng lâu dài.
Cách thức lựa chọn tài sản trú ẩn
Khi lựa chọn tài sản trú ẩn, nhà đầu tư cần cân nhắc nhiều yếu tố để phù hợp với bản thân mình nhất, chẳng hạn:
- Mục tiêu đầu tư: Nhà đầu tư muốn bảo toàn tài sản trong ngắn hạn hay dài hạn. Nếu chỉ muốn bảo toàn giá trị ngắn hạn, vàng hoặc tiền pháp định mạnh có thể là lựa chọn phù hợp vì có tính thanh khoản cao và dễ dàng giao dịch toàn cầu. Nhưng nếu nhà đầu tư đang tìm kiếm sự ổn định dài hạn, bất động sản hoặc trái phiếu chính phủ có thể là giải pháp tốt hơn vì nó ổn định hơn dù khó thanh khoản hơn.
- Địa điểm đầu tư: Ở Việt Nam, việc mua các tài sản như tiền pháp định mạnh (USD, Franc Thụy Sĩ) có thể gặp hạn chế, đặc biệt về quy định giao dịch ngoại tệ và chi phí chuyển đổi. Do đó, nhà đầu tư cần xem xét tính khả thi và chi phí khi thực hiện các giao dịch này. Thay vào đó, nhà đầu tư có thể xem xét các tài sản trú ẩn khác.
- Khẩu vị rủi ro: Nếu nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp, họ nên lựa chọn các tài sản ít biến động như vàng, trái phiếu chính phủ hoặc tiền pháp định mạnh. Ngược lại, nếu nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn để tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn, các tài sản như cổ phiếu phòng thủ, bất động sản có thể là lựa chọn tốt hơn, dù chúng có thể có biến động giá lớn hơn.
Tìm hiểu: Khẩu vị rủi ro là gì? Tầm quan trọng của việc xác định khẩu vị rủi ro.
Bitcoin có phải là tài sản trú ẩn không?
Đây là một câu hỏi gây tranh cãi trong cộng đồng tài chính. Để trả lời, chúng ta cần xem xét cả những bằng chứng ủng hộ và phản đối quan điểm này.
Đối với quan điểm cho rằng Bitcoin là tài sản trú ẩn vì Bitcoin có nhiều đặc điểm giống với tài sản trú ẩn. Chẳng hạn như về nguồn cung, Bitcoin có nguồn cung khan hiếm (giới hạn 21 triệu Bitcoin). Bên cạnh đó, trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng vì đại dịch COVID-19, giá Bitcoin đã tăng từ 13,500 USD vào tháng 10/2020 lên 64,500 USD vào tháng 4/2021, thể hiện đúng vai trò tài sản trú ẩn khi giữ nguyên hoặc tăng giá trị trong thời kỳ thị trường tài chính giảm mạnh. Do đó, nhiều người tin rằng Bitcoin có thể đóng vai trò như một tài sản trú ẩn, tương tự như vàng trong thời kỳ bất ổn.
Đối với quan điểm còn lại, nhiều chuyên gia cho rằng Bitcoin có biến động giá lớn và dễ bị ảnh hưởng bởi các tin tức, sự kiện chính trị và quy định pháp lý. Do đó, Bitcoin không được xem là tài sản trú ẩn. Jesse Colombo, nhà phân tích kinh tế, chia sẻ rằng Bitcoin thường giảm giá mạnh trong các cuộc khủng hoảng địa chính trị, trái ngược với sự ổn định của vàng. Ông còn chỉ ra mối tương quan cao giữa Bitcoin và các cổ phiếu công nghệ, ám chỉ rằng Bitcoin sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu thị trường chứng khoán công nghệ suy thoái.
Do đó, câu hỏi Bitcoin có phải tài sản trú ẩn hay không vẫn còn gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới đầu tư tài chính.
Đọc thêm: Chủ nghĩa hư vô tài chính - Chuyển dịch tâm lý đầu tư của giới trẻ qua lăng kính Bitcoin.