SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Chủ nghĩa hư vô tài chính: Chuyển dịch tâm lý đầu tư của giới trẻ qua lăng kính Bitcoin và Memecoin

Trong những năm gần đây, tâm lý đầu tư của các nhà đầu tư, đặc biệt là giới trẻ, đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Nổi bật là chủ nghĩa hư vô tài chính – một quan điểm hoài nghi về giá trị thực sự của các tài sản tài chính truyền thống.
trangtran.c98
Published Oct 19 2024
30 min read
chủ nghĩa hư vô tài chính

Chân dung nhà đầu tư trong thị trường Crypto

Trong 5 năm qua, số lượng người trẻ tuổi tham gia vào thị trường tiền mã hóa đã tăng đáng kể, tạo ra một xu hướng mới trong lĩnh vực đầu tư toàn cầu.

Báo cáo từ Crypto.com chỉ ra rằng số lượng nhà đầu tư tiền mã hóa toàn cầu đã tăng từ 432 triệu người vào tháng 1 năm 2023 lên 580 triệu người vào cuối năm 2023, tương ứng với mức tăng trưởng 34%, bất chấp các yếu tố bất lợi toàn cầu như chính sách thắt chặt tài chính và các cuộc xung đột địa chính trị.

người dùng crypto toàn cầu
Theo dữ liệu từ Crypto.com, số lượng người dùng crypto toàn cầu tăng trưởng mạnh trong năm 2023

Theo khảo sát của Nasdaq năm 2024, tiền mã hóa là loại tài sản đầu tư ưu tiên đối với cả thế hệ Gen Z (59%) và Millennials (57%). Nghiên cứu này khẳng định rằng các thế hệ trẻ ngày càng ưu tiên các tài sản kỹ thuật số hơn là các tài sản truyền thống như cổ phiếu.

Ngoài ra, một nghiên cứu từ Bitget vào năm 2023 cho thấy 46% Millennials tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Đức đã sở hữu tiền mã hóa. Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển của giới trẻ từ các kênh đầu tư truyền thống sang tài sản kỹ thuật số, với mong muốn đạt được lợi nhuận cao và tự do tài chính.

Sự dịch chuyển này đồng nghĩa với một sự thay đổi trong tâm lý đầu tư của thị trường chung. Việc tìm hiểu tâm lý đầu tư của giới trẻ trong lĩnh vực crypto là cần thiết để hiểu được những yếu tố nào thu hút họ. Một trong những xu hướng mới nổi và được cộng đồng đầu tư hướng đến nhiều nhất, đó là chủ nghĩa hư vô tài chính - financial nihilism.

advertising

Tại sao giới trẻ dịch chuyển tâm lý đầu tư sang thị trường Crypto?

Bối cảnh kinh tế và chính trị trong 5 năm qua đã tạo ra một sự chuyển dịch lớn trong tâm lý đầu tư của giới trẻ. Họ dịch chuyển sự tập trung của mình từ các kênh đầu tư truyền thống sang các cơ hội mới trong lĩnh vực crypto. Chủ nghĩa hư vô tài chính đã trở thành câu trả lời của họ trước một hệ thống tài chính mà họ cảm thấy bị loại trừ và không còn tin tưởng.

giới trẻ gen z đầu tư gì

Theo dữ liệu từ Investopia, từ 2022 Gen Z và Gen Millenials đã sở hữu một lượng tài sản crypto trong portfolio đầu tư.

Tác động của đại dịch COVID-19 (2020 - 2022)

Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với hàng triệu người mất việc và các doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt. Trong khi các chính phủ phải in tiền để kích thích kinh tế, điều này dẫn đến lạm phát gia tăng và giá trị đồng tiền truyền thống bị suy yếu.

Ngoài ra, điều này còn gây ra sự bất bình đẳng trong phân bổ tài sản giữa các tầng lớp trong nền kinh tế, khi các chính sách hỗ trợ tài chính của chính phủ chủ yếu mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp lớn và các cá nhân giàu có.

Theo Báo cáo Phân phối Tài sản Toàn cầu của Credit Suisse năm 2022, 1.5% những người giàu nhất thế giới nắm giữ khoảng 47.5% tài sản toàn cầu. Con số này cho thấy một sự bất cân đối lớn trong cách tài sản được phân bổ giữa các nhóm thu nhập. Đồng thời, 39.5% dân số có thu nhập thấp nhất chỉ kiểm soát khoảng 0.5% tài sản.

phân bổ tài sản
Tỷ lệ nắm giữ tài sản đang có sự chênh lệch lớn giữa các tầng lớp

Sự chênh lệch này rõ ràng hơn khi xét đến các số liệu từ các nước phát triển và đang phát triển. Ở các nước phát triển, nhóm giàu có thường sở hữu tài sản bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu, trong khi nhóm thu nhập thấp chủ yếu sở hữu các tài sản có giá trị thấp và dễ bị tổn thương bởi biến động kinh tế.

Nghiên cứu từ Chainalysis năm 2022 cho thấy rằng sau đại dịch, lượng người đầu tư vào tiền mã hóa đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong độ tuổi từ 18-34​. Sự bùng nổ này phần lớn đến từ sự mất niềm tin vào hệ thống tài chính truyền thống, khi các biện pháp kích thích kinh tế dường như chỉ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Lạm phát và sự mất giá của tiền tệ truyền thống

Từ đỉnh điểm 8.7% vào năm 2022, tỷ lệ lạm phát toàn cầu đã bắt đầu giảm dần, nhưng vẫn ở mức cao. Dự báo cho năm 2024 cho thấy lạm phát sẽ giảm xuống còn 5.8%, tuy nhiên mức độ này vẫn tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

lạm phát toàn cầu
Dữ liệu được thống kê bởi IMF về lãi suất toàn cầu từ năm 2019 đến 2023

Từ biểu đồ trên, ta có thể thấy rõ xu hướng lạm phát toàn cầu từ năm 2019 đến giữa năm 2023, được chia thành hai phần: Headline Inflation (Lạm phát tổng thể) và Core Inflation (Lạm phát lõi).

Biểu đồ bên trái cho thấy mức lạm phát tổng thể (tính cả giá cả thực phẩm và năng lượng) có sự gia tăng đáng kể từ giữa năm 2021 đến đỉnh điểm giữa năm 2022. Tại thời điểm cao nhất, một số quốc gia như Brazil (đường vàng) và Mỹ (đường xanh dương đậm) ghi nhận mức lạm phát gần 15-20%.

  • Khi lạm phát tăng, giá cả hàng hóa và dịch vụ cũng tăng, nhưng thu nhập của nhiều người không theo kịp tốc độ tăng này.
  • Lạm phát kéo dài làm mất giá trị thực tế của tiền tệ.

Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến giới trẻ vì nhiều người trong số họ chưa có tài sản tích lũy lớn và dựa chủ yếu vào thu nhập hiện tại để duy trì mức sống. Thậm chí, họ cảm thấy các tài sản tài chính truyền thống như tiền mặt hoặc tiết kiệm không còn an toàn và không có khả năng bảo vệ giá trị tài sản trong dài hạn.

Ở nhiều quốc gia phát triển, như Mỹ, lạm phát khiến chi phí sinh hoạt và các nhu yếu phẩm hàng ngày trở nên đắt đỏ hơn. Các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, nhưng điều này lại làm gia tăng chi phí vay vốn, khiến việc sở hữu các tài sản như bất động sản trở nên khó khăn hơn cho giới trẻ.

Lúc này, Bitcoin, vốn được coi là một "kho lưu trữ giá trị" chống lại lạm phát, trở thành điểm dừng chân cho dòng vốn của người trẻ.

Sự sụp đổ của các ông lớn

Năm 2023 chứng kiến sự sụp đổ của các ngân hàng như Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và First Republic Bank, đánh dấu các thất bại ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Sự sụp đổ của nhiều tổ chức tài chính lớn đã gây ra một làn sóng mất niềm tin nghiêm trọng trong công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Họ nhận thấy rằng ngay cả các tổ chức tài chính có bề dày lịch sử và được cho là "quá lớn để sụp đổ" cũng có thể gặp khủng hoảng vì quản lý kém hiệu quả và thiếu minh bạch.

Đặc biệt, vụ sụp đổ của Credit Suisse - một ngân hàng hệ thống quan trọng toàn cầu (G-SIB) - là một trong những sự sụp đổ nghiêm trọng nhất kể từ sau năm 2008​.

Những vụ sụp đổ này không chỉ làm nổi bật sự yếu kém trong việc quản lý tài sản mà còn là minh chứng cho sự bất ổn mà giới trẻ không muốn phải đối mặt trong các khoản đầu tư dài hạn vào các tài sản truyền thống.

Cuộc chiến Nga - Ukraine và khủng hoảng địa chính trị

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vào năm 2022 đã tạo ra những làn sóng bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu. Khủng hoảng địa chính trị này đã ảnh hưởng mạnh đến giá dầu, khí đốt và hàng hóa, dẫn đến sự gia tăng giá cả và khủng hoảng năng lượng.

Thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng mạnh, những đợt bán tháo cổ phiếu xảy ra. Đặc biệt, những nền kinh tế phụ thuộc vào dầu khí của Nga như châu Âu đã chịu tác động nặng nề.

Tuy nhiên, sự kiện này đánh dấu một cột mốc với thị trường crypto. Trong tháng đầu tiên sau khi cuộc chiến bắt đầu, hơn 56 triệu USD đã được quyên góp bằng tiền mã hóa để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Điều này phần nào cho thấy ứng dụng thực tiễn của tiền mã hóa trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, khi các quốc gia bị cắt đứt khỏi hệ thống tài chính truyền thống.

“The people of Ukraine are grateful for the support and donations from the global crypto community as we protect our freedom.”
Ukrainian government on Twitter, May 2022
ukraine kêu gọi ủng hộ từ cộng đồng
Số tiền quyên góp cho chính phủ Ukraine đến từ người dùng crypto trên toàn cầu

Từ góc độ đầu tư, Bitcoin và các loại tiền mã hóa lớn khác đã trở thành nơi trú ẩn an toàn, tương tự như vai trò của vàng trong các cuộc khủng hoảng trước đây. Trong năm 2022, giá Bitcoin tăng mạnh từ mức dưới 30,000 USD vào thời điểm đầu năm, đạt đỉnh trên 45,000 USD vào tháng 3 năm 2022, sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine bùng nổ.

Tiến thoái lưỡng nan trong tích lũy và chi tiêu: Mua nhà hay ở trọ?

Trong khi thị trường chứng khoán và bất động sản tiếp tục tăng giá, giới trẻ phải đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao và thu nhập trì trệ. Một trong những lý do giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Millennials và Gen Z, chuyển sang đầu tư vào tiền mã hóa là do họ bị loại khỏi các kênh đầu tư truyền thống như bất động sản.

Tại Việt Nam, giá nhà đất ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã tăng mạnh trong những năm gần đây, vượt xa khả năng chi trả của phần lớn giới trẻ.

Theo Batdongsan.com.vn, giá trung bình cho một căn hộ chung cư tại TP.HCM dao động từ 50-70 triệu đồng/m². Ví dụ, một căn hộ có diện tích 60 m² tại quận Bình Thạnh có giá khoảng 3 - 4 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, giá trung bình căn hộ cũng tương tự, dao động từ 40-60 triệu đồng/m², với một căn hộ ở khu vực trung tâm có giá từ 2.5 - 4 tỷ đồng.

Giả sử người mua vay ngân hàng khoảng 70% giá trị căn nhà với lãi suất trung bình là 10%/năm (tương đương khoảng 0.83%/tháng), thì số tiền trả góp hàng tháng sẽ được tính như sau:

  • Ví dụ, một căn hộ giá 3 tỷ đồng, vay 70% tức khoảng 2.1 tỷ đồng.
  • Tiền trả góp hàng tháng (gốc và lãi) cho khoản vay 2.1 tỷ trong thời hạn 20 năm sẽ khoảng 21-25 triệu đồng/tháng.

Với mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng, tiền trả góp chiếm khoảng 70-100% thu nhập của một người, chưa kể các chi phí sinh hoạt khác (tiền điện, nước, ăn uống, đi lại,...).

Theo nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân, việc dành hơn 30-40% thu nhập hàng tháng cho khoản vay là không bền vững, vì vậy người có thu nhập từ 20-30 triệu sẽ gặp khó khăn lớn trong việc sở hữu nhà, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

bảng giá nhà đất tphcm
Bảng giá nhà đất của TP HCM dường như chưa bao giờ rơi vào "downtrend"

Việc thuê nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM cũng là một vấn đề lớn đối với giới trẻ. Giá thuê nhà ở những khu vực này đang tăng cao, đặc biệt là ở các quận trung tâm hoặc các khu vực có tiện ích tốt.

Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn và các nguồn báo cáo, giá thuê căn hộ 1 phòng ngủ ở các quận như Bình Thạnh, Phú Nhuận, Quận 1 dao động từ 5-10-15 triệu đồng/tháng cho một căn hộ bình dân. Nếu ở các khu vực cao cấp hơn như Thảo Điền hay Phú Mỹ Hưng, giá thuê có thể lên tới 20-30 triệu đồng/tháng cho căn hộ tương tự.

Tại Hà Nội, giá thuê nhà tại các khu vực trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm hoặc Tây Hồ cũng dao động từ 10-20 triệu đồng/tháng cho một căn hộ 1-2 phòng ngủ. Giá thuê ở các khu vực ngoại ô thấp hơn, nhưng vẫn ở mức 5-10 triệu đồng/tháng.

Với mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng, chi phí thuê nhà đã chiếm 15-30% thu nhập hàng tháng của người trẻ.

Với việc thuê nhà đắt đỏ và thu nhập không đủ để tiết kiệm sau khi trang trải các chi phí sinh hoạt, cơ hội để giới trẻ tích lũy tiền và sở hữu tài sản ngày càng trở nên nhỏ bé hơn. Họ không chỉ gặp khó khăn trong việc dành tiền trả trước để mua nhà, mà còn phải đối mặt với lãi suất vay cao và giá nhà không ngừng tăng.

Điều này dẫn đến một thực tế là nhiều người trẻ bị mắc kẹt trong việc đi thuê nhà, mà không có khả năng tích lũy tài chính cho mục tiêu sở hữu nhà trong tương lai.

Chủ nghĩa hư vô tài chính: Bản chất và sự phản kháng

Chủ nghĩa hư vô tài chính phát triển vì nó phản ánh một tư duy phản kháng đối với các mô hình tài chính truyền thống, kết hợp với mong muốn tìm kiếm tự do tài chính bằng cách chấp nhận rủi ro cao.

Sự bùng nổ của internet và thế giới mở đã trở thành chất xúc tác lớn, trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự khác biệt trong tư duy giữa giới trẻ hiện nay và trước giai đoạn khủng hoảng 2008. Giới trẻ hiện đại dễ dàng tiếp cận các câu chuyện thành công và cơ hội đầu tư nhờ vào tính “phẳng" trong việc tiếp xúc thông tin toàn cầu.

Chủ nghĩa này không chỉ dừng lại ở việc hoài nghi giá trị của các tài sản truyền thống, mà còn là một thái độ thách thức của giới trẻ để phản ứng với các hệ thống tài chính đã cũ kỹ, lạc hậu. Họ có thêm niềm tin rằng tự do tài chính là điều có thể đạt được nếu họ dám đánh đổi và chấp nhận rủi ro. Họ sẵn sàng “thử và trải nghiệm" những cơ hội đầu cơ, mong cầu và trông chờ vào những “cơ hội đổi đời”.

“Chủ nghĩa hư vô tài chính thể hiện rõ sự chuyển mình trong tâm lý đầu tư hiện đại, đặc biệt là khi những kẻ đầu cơ tìm kiếm cơ hội trong một thế giới tài chính đầy bất ổn.”

Có vẻ như thật vô tình, sự biến động lớn, khả năng sinh lợi nhanh và sự độc lập của các tài sản như Bitcoin đã giúp chúng trở thành ứng cử viên số 1 của chủ nghĩa hư vô tài chính. Memecoin, một phần khác của thị trường tiền mã hóa, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện cách mà các nhà đầu tư không còn tuân theo các quy luật đầu tư thông thường.

Thông qua đó, ta thấy rõ sự dịch chuyển về tư duy đầu tư của thế hệ trẻ. Công nghệ và internet không chỉ là phương tiện mà còn là nguyên nhân, là động lực thúc đẩy sự chuyển biến trong tư duy. Đây là dấu hiệu cho thấy điểm phá vỡ của mô hình tài chính truyền thống và sự trỗi dậy của một làn sóng đầu tư mới.

Bên cạnh đó, các tài sản này còn thể hiện sự thay đổi trong tư duy về giá trị tài chính. Sự phát triển của Bitcoin và memecoin như những lựa chọn đầu tư phản ánh rõ ràng tư duy này: không cần có giá trị nội tại mạnh mẽ, không cần có cơ sở công nghệ vững chắc, chỉ cần cơn sốt thị trường để tạo ra lợi nhuận.

Chúng đại diện cho tư duy “vô nghĩa", không tuân theo quy luật thông thường của thị trường. Thể hiện mong muốn thoát khỏi sự kiểm soát của chính phủ và các thể chế tài chính lớn. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, ở đây chúng ta chưa bàn tới mặt trái của những lựa chọn này.

Kết luận: Chủ nghĩa hư vô tài chính không chỉ là một hiện tượng nhất thời, mà chúng phản ánh thái độ của một thế hệ nhà đầu tư mới, những người đang tìm kiếm cách thức đầu tư thay thế và có thể chấp nhận những rủi ro lớn để theo đuổi lợi nhuận.

Bitcoin: Biểu tượng của sự thay đổi xu hướng đầu tư

Bitcoin, ra đời vào năm 2009, đã trở thành biểu tượng của sự thay đổi trong cách nhìn nhận giá trị tài sản. Ban đầu, Bitcoin được tạo ra như một phương tiện thanh toán phi tập trung, nhưng giờ đây, nó trở thành một công cụ đầu tư và bảo vệ tài sản trước sự lạm phát.

Theo thống kê từ CoinMarketCap, tính đến cuối năm 2023, vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt hơn 700 tỷ USD, một con số minh chứng cho sự tin tưởng của nhà đầu tư vào sức mạnh của tài sản này.

Những người theo chủ nghĩa hư vô tài chính tìm thấy ở Bitcoin một cách để "phá vỡ quy tắc", một cơ hội thoát khỏi các rào cản tài chính truyền thống. Không cần phải tuân theo các quy định phức tạp của ngân hàng hay tài chính nhà nước, họ có thể trực tiếp kiểm soát tài sản của mình mà không lo lắng về lạm phát hay sự can thiệp của các tổ chức chính phủ.

người dùng nắm giữ btc
Theo số liệu từ Crypto.com, lượng người dùng nắm giữ BTC ngày càng tăng cao

Điều thú vị là, dần dần, giới trẻ cho rằng Bitcoin đại diện cho phong trào chống lại sự bất công, hiện hữu như một lời tuyên chiến với hệ thống tài chính hiện tại. Theo một khảo sát từ Pew Research Center, khoảng 46% người Mỹ dưới 30 tuổi cho rằng Bitcoin có khả năng thay thế USD trong tương lai.

Điều này thể hiện rõ sự chuyển dịch trong cách nhìn nhận của thế hệ trẻ về tiền tệ và giá trị tài sản. Họ tin và khao khát vào sự tự do tài chính, độc lập khỏi các chính phủ và ngân hàng, điều mà Bitcoin hứa hẹn mang lại.

Kết luận: Bitcoin đã trở thành một biểu tượng cho sự tìm kiếm tự do tài chính, nhưng cũng là một minh chứng cho chủ nghĩa hư vô tài chính, nơi giá trị không còn được xác định bởi các quy luật truyền thống.

Đọc thêm: Bitcoin có phải là lời giải hoàn hảo cho bài toán lạm phát?

Memecoin: Phản ánh xu hướng đầu cơ đầy rủi ro

Trong chủ nghĩa hư vô tài chính, những đồng memecoin chính là đại diện rõ ràng nhất cho sự phá vỡ các quy luật tài chính. Nhà đầu tư không còn quan tâm đến giá trị nội tại của tài sản, mà chỉ quan tâm đến sự tăng giá ngắn hạn. Chính sự vô nghĩa này lại là yếu tố hấp dẫn những nhà đầu tư trẻ tuổi.

memecoin trend
Sự quan tâm của nhà đầu tư với memecoin luôn được duy trì, bùng nổ và bùng nổ hơn nữa

Trong năm 2024, thị trường memecoin đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ và trở thành một trong những lĩnh vực sinh lợi nhất trong thế giới tiền mã hóa.

Theo báo cáo từ CoinGecko, memecoin đã ghi nhận tỷ suất lợi nhuận cao nhất với mức trung bình là 1,312.6% trong quý đầu tiên của năm, vượt xa các loại tài sản khác như Bitcoin và altcoin. Điều này cho thấy sức hút ngày càng tăng của memecoin, không chỉ đối với nhà đầu tư cá nhân mà còn cả các quỹ đầu tư lớn.

memecoin tăng trưởng quý 1 2024
Sự tăng trưởng của memecoin vượt xa những mảnh ghép khác trong thị trường

Năm 2024, thị trường memecoin tiếp tục gia tăng giá trị, đạt tổng mức vốn hóa khoảng 60.93 tỷ USD vào tháng 4. Những đồng memecoin như Dogwifhat và Brett đã chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng, với Brett đạt tỷ suất lợi nhuận lên đến 7,727.6%.

Một trong những yếu tố giúp thị trường memecoin phát triển nhanh chóng trong năm 2024 chủ yếu đến từ "trung tâm memecoin" Solana. Tổng giá trị của memecoin trên hệ sinh thái này đạt 6.6 tỷ USD, với sự đóng góp lớn từ những công cụ tạo token dễ dàng như Pump.Fun.

Và hiển nhiên, rủi ro của memecoin cũng không hề nhỏ. Theo Chainplay, có đến 97% các dự án memecoin đã thất bại chỉ trong năm 2024, với tuổi thọ trung bình của chúng chỉ khoảng một năm. Điều này cho thấy sự biến động mạnh và tính chất đầu cơ cao của memecoin, khiến nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ nặng nề.

Ngoài ra, 55% trong số các memecoin bị cho là liên quan đến các hoạt động gian lận hoặc có tính chất lừa đảo. Mặc dù vậy, 60% nhà đầu tư mới vẫn xem memecoin là một phần quan trọng trong danh mục đầu tư của họ.

Đọc thêm: Toàn cảnh meme coin - Văn hoá, may rủi và sự chú ý

Đánh cược vào tương lai “Tự do tài chính” hoặc “Tự lo tài chính"

Trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức hiện nay, với lạm phát tăng cao và chi phí sinh hoạt vượt xa thu nhập, nhiều người trẻ đang đối mặt với những rào cản nghiêm trọng trong việc đạt được tự do tài chính thông qua các kênh đầu tư truyền thống như bất động sản hay chứng khoán.

Một khảo sát từ Pew Research chỉ ra rằng có đến 75% người trẻ cảm thấy rằng điều kiện kinh tế hiện tại không thuận lợi để họ đạt được sự ổn định tài chính, điều này càng thúc đẩy họ tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Bên cạnh đó, với sức sáng tạo, sự đặc biệt trong suy nghĩ và hành vi khiến giới trẻ vượt xa mọi lời khuyên tài chính của thị trường truyền thống. Một bộ phận giới trẻ mang trong mình tâm lý "YOLO" (You Only Live Once), ưu tiên việc thử và trải nghiệm. Đi kèm với đó là tâm lý "FOMO" (Fear of Missing Out) đã thúc đẩy họ đổ tiền vào các loại tài sản có tính đầu cơ cao như memecoin.

Số liệu từ sự quan tâm, sự tăng trưởng, tỷ lệ lợi nhuận từ loại tài sản này thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận đầu tư của thế hệ trẻ. Họ đánh đồng memecoin với chủ nghĩa hư vô tài chính để thể hiện sự mạo hiểm trong đầu tư khi không hoàn toàn dựa trên nền tảng kiến thức.

Sự lựa chọn này có thể dẫn đến một tương lai tự do tài chính cho một số ít người may mắn, nhưng đối với phần lớn nhà đầu tư, đặc biệt là những người không có nền tảng kiến thức sâu rộng, nó có thể biến thành "tự lo tài chính", với rủi ro mất toàn bộ vốn.

Trong khi memecoin và các tài sản tiền mã hóa khác có thể giúp một số người trẻ đạt được tự do tài chính, thì rủi ro lớn của chúng lại đẩy phần lớn nhà đầu tư vào tình trạng khó khăn. Chọn lựa thông minh và có kiến thức đầu tư vững vàng là chìa khóa để không biến "tự do tài chính" thành "tự lo tài chính".

Kết luận: Nhìn chung, memecoin đã trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh tài chính hiện đại. Chúng thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa, công nghệ và tâm lý đầu tư, nhưng cũng đồng thời làm nổi bật những rủi ro tiềm ẩn của chủ nghĩa hư vô tài chính.

Mặt trái của cơ hội và điểm tập kết của nhà đầu tư

Thị trường crypto hiện nay là một bức tranh phức tạp, với sự tham gia mạnh mẽ từ giới trẻ. Thế hệ Gen Z và Millennials đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phổ biến của tiền mã hóa, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều rủi ro lớn. Một phần trong số họ bị cuốn vào tâm lý "FOMO" và hy vọng vào những khoản lợi nhuận nhanh chóng, nhưng họ thiếu kiến thức về công nghệ blockchain và không có chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả.

Theo một báo cáo từ CNBC, có đến 70% nhà đầu tư crypto mới không có nền tảng tài chính vững chắc và chủ yếu dựa trên tâm lý đầu cơ. Điều này khiến họ dễ dàng trở thành nạn nhân của các biến động lớn trong thị trường, đặc biệt là khi có các đợt điều chỉnh mạnh. Một ví dụ điển hình là sự sụp đổ của Terra Luna vào năm 2022, khiến hàng ngàn nhà đầu tư, nhiều trong số đó là người trẻ, mất sạch vốn do bị cuốn vào tâm lý đầu tư theo xu hướng.

khảo sát crypto
Các thế hệ Gen trong thị trường dường như đều thấy crypto khá khó hiểu...

Điều đáng lo ngại hơn là những nhà đầu tư này còn bị "trích xuất giá trị" từ những dự án lừa đảo. Thiếu hiểu biết về cách thức hoạt động của blockchain, memecoin hoặc token mới, họ dễ bị lôi kéo vào các dự án "pump and dump," nơi giá của tài sản bị đẩy lên đột ngột và sau đó giảm mạnh, khiến những nhà đầu tư non kinh nghiệm thua lỗ nặng nề. Sau khi gặp phải các thất bại này, nhiều người lên tiếng chỉ trích thị trường crypto là "lừa đảo" hay "lùa gà", tạo ra một làn sóng tiêu cực trong cộng đồng đầu tư.

Tuy nhiên, bản chất của thị trường crypto không phải là gian lận, mà là do sự thiếu kiến thức và chuẩn bị từ phía nhà đầu tư. So với các thị trường tài chính truyền thống đã phát triển hàng trăm năm và có hệ thống kiểm soát chặt chẽ, thị trường crypto còn rất mới, tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo. Điều này cũng lý giải tại sao những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm lại dễ bị tổn thương.

Việc chạy theo các xu hướng ngắn hạn trong thị trường crypto khiến nó thiếu đi tính bền vững. Sự nổi lên và sụp đổ nhanh chóng của các memecoin là minh chứng rõ ràng cho điều này. Những đợt tăng giá đột ngột có thể mang lại lợi nhuận lớn cho một số người, nhưng phần lớn những người khác mất trắng khi thị trường điều chỉnh. Điều này cho thấy rằng không phải tất cả đều có thể trở thành người chiến thắng trong cuộc chơi.

Và nói chính xác hơn thì đây cũng là điều mà không phải ai cũng cho bạn thấy. Không thiếu những tweet trên X nói về việc x100, x1000 lần với các đồng memecoin như thế nào. Nhưng sau bao nhiêu kinh nghiệm thực chiến xương máu, làm sao để có thể vào và hold được những đồng coin như vậy, hay có thực sự có thanh khoản để bạn swap hay không… Tất cả những điều đó bạn không nhìn thấy!

sự thật về memecoin
Một bài đăng trên Reddit thảo luận về những câu hỏi đằng sau việc đầu tư từ 8k lên hàng triệu đô

Không giống như các thị trường tài chính truyền thống, nơi có sự kiểm soát và giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý, thị trường crypto phần lớn không được kiểm soát. Điều này khiến cho những kẻ "tay to" trong thị trường dễ dàng thao túng giá cả và dòng tiền. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chiến thuật giao dịch từ các cá mập trong thị trường. Điều này làm cho dòng tiền chỉ đơn giản là dịch chuyển từ tay to của thị trường này sang tay to của thị trường khác, thay vì phân bổ công bằng.

Thị trường tài chính truyền thống không tự nhiên mà phát triển với sự bền vững qua hàng trăm năm. Những bài học từ các nhà đầu tư truyền thống, như việc xây dựng một chiến lược đầu tư dài hạn và không đầu cơ ngắn hạn, là những yếu tố quan trọng đảm bảo thành công tài chính trong dài hạn. Các thị trường tài chính truyền thống có sự ổn định hơn nhờ vào quy định, kiểm soát và hệ thống minh bạch được thiết lập qua nhiều năm.

Các nhà đầu tư thành công như Warren Buffett hay Charlie Munger đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên nhẫn và đầu tư dài hạn thay vì chấp nhận rủi ro lớn để đổi lấy lợi nhuận nhanh chóng. Đối lập với điều này, thị trường crypto thường thiếu sự ổn định và biến động mạnh, khiến những nhà đầu tư theo xu hướng dễ dàng bị thiệt hại.

Nhìn từ quan điểm của cả thị trường truyền thống và crypto, kiến thức và chiến lược là yếu tố then chốt để bảo vệ nhà đầu tư. Tham gia vào thị trường crypto không phải là điều xấu, nhưng nhà đầu tư cần có kiến thức đủ sâu và hiểu rõ về rủi ro trước khi bỏ tiền vào và “đặt cược”. Sự kết hợp giữa việc tận dụng các cơ hội trong thị trường crypto với các nguyên tắc quản lý rủi ro từ đầu tư truyền thống sẽ giúp nhà đầu tư không chỉ bảo vệ tài sản mà còn tạo ra lợi nhuận bền vững. Chúc bạn có một lộ trình thành công trong thị trường crypto!

Xem thêm: 12 quy tắc quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.