Chiến lược phát triển của Frax Finance và sự lớn mạnh của Frax Wars
Series "State of DeFi" nhằm cung cấp cho người đọc các thông tin tổng quan về tình hình hoạt động và hướng phát triển của các nhóm dự án thuộc các nhánh khác nhau trong DeFi. Chủ đề trong bài viết này sẽ là "State of Frax".
Kiến thức trọng tâm:
- Frax v2 thể hiện một tầm nhìn đầy tham vọng của dự án, nó sẽ biến Frax Finance trở thành một “thế lực” tương tự một ngân hàng thương mại (commercial bank). Trong một một số trường hợp, quyền lực của Frax Finance còn có thể ngang bằng một ngân hàng trung ương (Federal Reserve) với “quyền in tiền”.
- Sự tăng trưởng nguồn cung của FRAX trong năm 2021 có mối liên kết chặt chẽ với Curve và Curve Wars. Frax Finance tận dụng vị thế và quyền biểu quyết trong Curve Wars để đẩy mạnh tốc độ phát triển của Frax Wars và FRAXBP.
- Frax Lend, sản phẩm trọng tâm tiếp theo của Frax Finance, được kỳ vọng sẽ tạo ra hướng phát triển mới cho dự án song song với việc gắn chặt nó với Curve Finance.
- Việc sử dụng các chiến lược AMOs tiếp xúc nhiều với DeFi protocol khiến Frax Finance dễ bị ảnh hưởng bởi các rủi ro ngoại sinh.
Tổng quan về Frax Finance
Frax Finance là một fractional-algorithmic stablecoin protocol. Frax Finance có hai token chính:
- Frax (FRAX) là native stablecoin của protocol. Nó được hỗ trợ một phần bằng tài sản thế chấp dưới dạng USDC và ổn định một phần nhờ thuật toán (un-collateral). FRAX được peg với đồng USD của Mỹ, nguồn cung của nó có thể được điều chỉnh bởi cung và cầu trên thị trường thứ cấp.
- Frax Shares (FXS) là governance và utility token của Frax Finance. Giá trị của FXS được tích lũy từ phần vốn hóa FRAX không được thế chấp, phí và thu nhập được tạo ra từ giao thức.
Tìm hiểu thêm các thông tin tokenomics của Frax token tại: Toàn tập về FXS & FRAX Token
Frax Finance ra đời vào Q4/2020, trải qua gần 2 năm phát triển đến nay, có thể nói Frax Finance đã đi được một đoạn đường dài. Hiện tại, hệ sinh thái Frax Finance bao gồm nhiều protocol khác nhau. Để đơn giản hoá, chúng ta có thể chia chúng thành Frax v1 và Frax v2.
Frax Finance v1
Frax v1 tạo ra một hệ thống stablecoin cân bằng, trao đổi ngang giá và thế chấp một phần thông qua thuật toán. Thiết kế của protocol xoay quanh hai yếu tố chính: Fractional và Algorithmic.
Fractional
Không giống như các over-collateral stablecoin, Frax Finance duy trì hệ thống đổi ngang giá 1:1 khi người dùng minting hay redem FRAX. Ngoài ra, FRAX chỉ được thế chấp một phần (partial reserve).
Ví dụ, người dùng deposit các tài sản crypto trị giá 10 USD vào hệ thống (9 USDC và 1 USD giá trị FXS). Đổi lại, người dùng nhận lại 10 FRAX từ hệ thống.
Số tiền người dùng deposit vào giao thức sẽ được xử lý như sau:
- Lượng USDC sẽ được chuyển đến collateral vault để làm tài sản dự trữ.
- Lượng FXS sẽ được giao thức burn khỏi lưu thông.
Tương tự, khi người dùng muốn redeem (đổi lại) tài sản thế chấp trước đó, FRAX cũng sử dụng hệ thống đổi ngang giá 1:1. Cụ thể, giao thức sẽ dựa vào tỉ lệ thế chấp (collateral ratio) của mình tại thời điểm đó để trả cho người dùng một phần tài sản USDC, số còn lại giao thức sẽ mint phần FXS tương ứng để trả.
Lưu ý: Ví dụ trên chưa tính đến các khoản phí người dùng phải trả như phí minting và phí redemption.
Algorithmic
Yếu tố thứ hai trong hệ thống của Frax Finance liên quan tới tỉ lệ dự trữ (collateral ratio - CR) của giao thức. Tỉ lệ dự trữ ở thời điểm t sẽ quyết định quá trình người dùng minting, redeeming ra bao nhiêu % USDC và bao nhiêu % FXS.
Ví dụ:
Ở thời điểm t:
- CR= 90%
- FXS= 9 USD
Người dùng mint 10 FRAX thì cần deposit 9 USDC và 0.1111 FXS.
Ở thời điểm t’:
- CR= 85%
- FXS= 20 USD
Người dùng khi redeem 10 FRAX từ hệ thống sẽ nhận lại 8.5 USDC và 0.075 FXS.
Lưu ý: Ví dụ trên chưa tính đến các khoản phí người dùng phải trả như phí minting fee và phí redemption.
CR là một thành phần quan trọng của Frax Finance và nó không cố định. CR được điều chỉnh theo thuật toán định trước (có thể điều chỉnh), và sự tăng hay giảm của nó phụ thuộc vào cung và cầu FRAX trên thị trường thứ cấp.
- Khi nguồn cung FRAX tăng ⇒ Hệ thống sẽ giảm CR ⇒ Làm giảm tỉ lệ tài sản thế chấp (USDC) để mint FRAX.
- Khi nguồn cung FRAX giảm ⇒ Hệ thống sẽ tăng CR ⇒ Làm tăng tỉ lệ tài sản thế chấp (USDC) để mint FRAX.
- Khi FRAX giao dịch dưới 1 USD, hệ thống sẽ tăng CR với bước nhảy 0.25%.
- Khi FRAX giao dịch trên 1 USD, hệ thống sẽ giảm CR với bước nhảy 0.25%.
Tuy nhiên, việc CR dao động sẽ khiến giao thức rơi vào tình trạng dư thừa hoặc thiếu tài sản thế chấp. Để xử lý tình trạng này, Frax sử dụng hai chức năng được gọi là “Buyback” và “Recollateralize” để khuyến khích người dùng tham gia giao dịch và giúp giao thức giữ tỉ lệ tài sản thế chấp đúng CR.
Frax Finance v2
Frax v2 thể hiện một tầm nhìn đầy tham vọng hơn của dự án, nó sẽ biến Frax Finance trở thành một “thế lực” tương tự một ngân hàng thương mại (commercial bank). Trong một một số trường hợp, quyền lực của Frax Finance còn có thể ngang hàng một ngân hàng trung ương (Federal Reserve) với “quyền in tiền”.
Frax v2 thực hiện tầm nhìn này bằng các chiến lược AMO (Algorithmic Market Operations). Bên cạnh AMOs, Frax v2 còn có một số giao thức khác xây dựng trên nền tảng của Frax v1 như Frax Lend, veFXS & Gauge, Frax Price Index (FPI & FPIS), Fraxswap và Frax staked ETH (frxETH). Nhìn chung, đa phần các giao thức đều có cùng một mục đích là thúc đẩy nhu cầu sử dụng của FRAX và tạo ra lợi nhuận cho giao thức.
Để có thể hiểu rõ hơn về cách hoạt động của Frax v1 và Frax v2, tham khảo thêm bài viết sau đây: Tổng quan cách hoạt động của Frax Finance
Mặc dù Frax v2 là sự kết hợp của nhiều giao thức nhỏ nhưng tác động của chúng đến Frax v2 không giống nhau hoàn toàn. Trong phần sau bài viết, chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn về một số thành phần đã tạo ra tác động lớn lên Frax Finance.
Tình hình hoạt động của Frax Finance và FRAX
Nguồn cung FRAX (FRAX supply)
Trải qua gần 2 năm phát triển, đến hiện nay FRAX đã trở thành một trong những stablecoin phổ biến nhất thị trường, với vốn hóa đứng thứ 5 (xem tại đây). Nguồn cung của FRAX đã tăng từ vài chục triệu lên hơn 1.5 tỷ FRAX.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của UST và hệ sinh thái Terra đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường crypto nói chung và FRAX nói riêng. Vốn hóa của FRAX sụt giảm hơn 1 tỉ USD trong một khoảng thời gian ngắn.
Tính ổn định của FRAX trên thị trường thứ cấp
FRAX là một stablecoin được peg với đồng USD, mà tính ổn định với peg được xem là một trong những yếu tố tiên quyết để dự đoán mô hình (model) của đồng stablecoin đó có hoạt động tốt trong thực tế hay không.
Hình trên cho thấy từ lúc ra đời vào cuối năm 2020 đến tháng 8/2022, tính ổn định của FRAX so với peg được cải thiện qua thời gian. Đặc biệt, trong khoảng thời gian UST sụp đổ, Frax Finance là một trong những giao thức bị ảnh hưởng khá nặng nề vì người dùng liên tục rút vốn khỏi protocol, tuy nhiên giá FRAX vẫn ổn định quanh peg.
Ti lệ dự trữ (Collateral ratio - CR)
Tỉ lệ dự trữ quyết định % vốn hóa của FRAX được giao thức hỗ trợ. CR tăng đồng nghĩa tỉ lệ tài sản thế chấp trong hệ thống tăng. Điều này giúp củng cố niềm tin của thị trường về giá FRAX so với peg.
Từ lúc Frax Finance ra mắt vào cuối năm 2020, phần lớn thời gian CR của dự án dao động trong khoảng 80% - 90%. Trong sự kiện UST và hệ sinh thái Terra sụp đổ, CR của nó tăng mạnh từ 86.75% lên 89% để hấp thụ áp lực bán FRAX từ thị trường.
Tuy nhiên, kể từ khi dự án ra mắt AMOs, tài sản thế chấp USDC không nằm yên trong collateral vault, chúng được đem đi sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Nhìn chung, cách hoạt động của AMOs trong Frax Finance khá giống các ngân hàng thương mại.
Hiện tại, trong AMOs, phần lớn USDC collateral đang được sử dụng theo cách thức khác nhau. Tỉ lệ dự trữ thực (Real Collateral Ratio - RCR) của Frax Finance rất thấp (xem tại đây). Ngày 5/9/2022, vốn hóa của FRAX là 1.492 tỷ USD, lượng USDC nằm trong collateral vault là 11.8 triệu USD.
Số lượng sàn giao dịch hỗ trợ
Mặc dù FRAX là một trong những stablecoin có vốn hóa hàng đầu thị trường nhưng số lượng sàn giao dịch hỗ trợ giao dịch FRAX khá ít, phần lớn trong số đó là các sàn DEX, với thanh khoản tập trung chủ yếu ở Curve và Uniswap.
Chiến lược phát triển của Frax Finance là khai thác lợi luận từ các DeFi protocol từ đó tạo ra nhiều nhu cầu sử dụng FRAX hơn. Mục tiêu sử dụng của FRAX không tập trung ở khía cạnh thanh toán và chuyển giao giá trị như USDT, USDC và BUSD, vì thế, cách tiếp cận này khiến FRAX chỉ chủ yếu được chấp nhận và sử dụng trong không gian DeFi.
Chiến lược phát triển giúp nguồn cung FRAX tăng mạnh
Đội ngũ Frax Finance là một trong những đội năng suất nhất thị trường DeFi. Trong gần 2 năm phát triển, dự án đã ra mắt khá nhiều tính năng và sản phẩm mới trên nền tảng Frax v1, một số trong đó góp phần chính vào việc giúp nguồn cung FRAX tăng mạnh.
FRAX AMO & Curve Wars
Như đã trình bày ở phần trên, cách hoạt động của Frax AMOs có phần giống với các ngân hàng thương mại trong tài chính truyền thống. Các ngân hàng này chỉ dự trữ một lượng tiền gửi nhất định của người dùng trong kho bạc, còn phần lớn tiền gửi được họ đem đi đầu tư lấy lợi nhuận hoặc sử dụng cho các mục đích khác. Và Frax AMOs cũng làm điều tương tự.
Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để thực hiện chiến lược Frax AMOs là collateral phải được rút lại ngay lập tức khi cần để không làm giảm giá FRAX khỏi peg và không khiến giao thức bị tổn thất.
Các chiến lược AMOs đầu tiên được triển khai là Curve AMOs và Investor AMOs vào tháng 3/2021 với phần lớn vốn sử dụng các chiến lược investor. Khoảng tháng 6/2020, giao thức bắt đầu chuyển trọng tâm sang Curve AMOs với các câu chuyện liên quan Curve Wars. Các chiến lược Liquidity AMOs và Lending AMOs phát triển sau này vào khoảng thời gian tháng 8 - 9/2021.
Tổng quan, Frax Finance đang triển khai 4 chiến lược AMOs khác nhau bao gồm: Curve AMOs, Liquidity AMOs, Investor AMOs và Lending AMOs.
Curve AMOs:
- Tổng quan cách thực hiện: Một phần USDC collateral được dùng để deposit vào giao thức và mint ra FRAX mới. Nguồn cung FRAX mới + một phần USDC collateral được dùng để cung cấp thanh khoản cho các nhóm Frax liên quan trên Curve.
- Lợi ích: Thắt chặt peg, xây dựng thanh khoản cho FRAX thuộc sở hữu của giao thức (POL), tích lũy phí giao dịch, CRV và CVX token reward.
Liquidity AMOs:
- Tổng quan cách thực hiện: Một phần USDC collateral được dùng để deposit vào giao thức và mint ra FRAX mới. Nguồn cung FRAX mới + một phần USDC collateral được dùng để cung cấp hoặc tạo thanh khoản cho các nhóm FRAX liên quan trên các platform Uniswap V3, Fraxswap, tokemak.
- Lợi ích: Thắt chặt peg, xây dựng thanh khoản cho FRAX thuộc sở hữu của giao thức (POL), tích lũy phí giao dịch, phần thưởng bổ sung từ các giao thức DeFi.
Investor AMOs:
- Tổng quan cách thực hiện: Giao thức di chuyển USDC collateral nhàn rỗi để deposit vào các giao thức DeFi protocol nhằm thu lợi nhuận.
- Lợi ích: Giao thức thu được lợi nhuận dưới dạng phí giao dịch hoặc phần thưởng bổ sung liên quan.
Lending AMOs:
- Tổng quan cách thực hiện: Một phần USDC collateral được dùng để deposit vào giao thức và mint ra FRAX mới. FRAX mới được dùng để deposit vào các lending protocol.
- Lợi ích: Thu lại lợi nhuận dưới dạng phí vay và phần thưởng bổ sung trên các lending protocol.
Hiện nay, phần lớn vốn được sử dụng trong các chiến lược Curve AMOs và Liquidity AMOs. Biểu đồ dưới cho thấy sự sụp đổ của UST cũng ảnh hưởng rất nhiều tới Frax Finance, khiến giao thức bắt đầu rút lại collateral để tăng cường CR, tiếp xúc thấp hơn với AMOs.
Bên cạnh đó, qua thời gian chúng ta cũng có thể thấy vốn có xu hướng đổ vào các chiến lược Curve và Liquidity AMOs vì chúng mang lại nhiều lợi ích hơn các chiến lược Lending & Investor AMOs.
Ngoài ra, sự phân bổ vốn cho thấy sự phát triển của Frax Finance thời gian qua liên quan chặt chẽ tới Curve và Curve Wars.
Tìm hiểu thêm: Bản chất của Curve Wars
veFXS & Gauge
Theo defillama, Curve là một trong hai DEX có khối lượng TVL hàng đầu thị trường crypto. CRV là native token của Curve cung cấp cho người dùng những quyền sau:
- Nhận một phần phí mà giao thức thu được.
- Quyền biểu quyết để ảnh hưởng đến CRV emissions trong tương lai (veCRV & Gauge).
Curve Wars liên quan đến việc các giao thức tích lũy quyền biểu quyết để hướng CRV emissions đến các pool có lợi cho họ, giúp thanh khoản của giao thức trên Curve phát triển dễ dàng hơn.
Frax Finance sớm gia nhập trò chơi Curve Wars, họ cũng là một trong những người chơi lớn nhất. Khi đã có vị thế nhất định, họ tạo ra một game tương tự trên chính giao thức của mình là VeCRV & Gauge ⇒ veFXS & Gauge (hai proposal được thông qua vào tháng 8/2021).
Tận dụng vị thế và quyền biểu quyết trong trò chơi Curve Wars, trò chơi Frax Wars nhanh chóng lớn mạnh, các flywheel protocol như Convex cũng đã hỗ trợ trò chơi này.
Bên cạnh đó, việc FRAX Basepool ra mắt trên Curve (5/2022) đã mở rộng sự ảnh hưởng của Frax Wars. Các giao thức quyết định ghép nối với FRAXBP sẽ có thể kiếm phí giao dịch và FXS & CRV emissions thông qua Frax Wars & Curve Wars.
Rủi ro ngoại sinh của Frax Finance
Chúng ta tạm chia rủi ro của Frax Finance thành hai loại chính:
- Rủi ro nội sinh: Là rủi ro phát sinh do những nguyên nhân nội tại của dự án. Ví dụ, bug trong smart contract của Frax Finance khiến USDC collateral bị đánh cắp.
- Rủi ro ngoại sinh: Là rủi ro do những nguyên nhân bên ngoài gây ra.
Chúng ta sẽ không đề cập nhiều đến rủi ro nội sinh vì chúng luôn tiềm ẩn trong mọi dự án crypto. Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về các rủi ro ngoại sinh liên quan đến Frax Finance.
Cụ thể, cách triển khai của Frax AMOs khiến giao thức gặp nhiều rủi ro lớn từ các dự án bên ngoài, chúng ta sẽ lấy 2 sự kiện tiêu biểu là sự sụp đổ của UST và việc Fuse Protocol bị hack 80 triệu USD.
4Pool và sự sụp đổ của UST
Trước khi UST sụp đổ, Terra và Frax đã hợp tác để phát triển 4pool. Đây là base pool được phát triển trên Curve, gồm 4 stablecoin: FRAX - UST - USDC - USDT.
Tầm nhìn của họ là biến 4pool trở thành base pool có thanh khoản cao nhất trên Curve, từ đó dễ dàng xây dựng thanh khoản cho FRAX và UST. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, UST và FRAX cũng cùng chịu một số rủi ro, lớn nhất là rủi ro thanh khoản.
Trong sự kiện UST sụp đổ, thanh khoản UST với 3pool trên Curve bị rút cạn. Thanh khoản UST trên 4pool cũng trong tình trạng tương tự (xem tại đây) nhưng quy mô tổn hại của nó khá thấp do mới được thành lập và TVL chưa cao.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về ý nghĩa của 4pool và tác động của nó lên các stablecoin tại đây: 4pool là gì?
Fuse Protocol bị hack 80 triệu USD
Vào cuối năm 2022, Fuse protocol (isolated lending protocol) và Fei Protocol (một dự án về stablecoin) đã hợp nhất với nhau (chi tiết tại đây).
Sau khi hợp nhất và đi vào hoạt động, vào cuối tháng 4/2022, Fuse Protocol bị hack 80 triệu USD. Hai bên thỏa thuận sơ bộ bồi thường cho nạn nhân bằng cách sử dụng treasury của Fei.
Tuy nhiên, thay vì ưu tiên trả tiền cho các nạn nhân bị hack, Fei Protocol lại ưu tiên bồi thường cho các TRIBE holder và sau đó thông báo giải thể dự án.
Nhưng không phải tất cả nạn nhân trong vụ hack Fuse Protocol đều không được bồi thường. Đa số họ đều nhận được tiền trừ những kẻ “xấu số” như Whales, DAOs và Frax Finance (xem tại đây). Frax AMOs Lending quan hệ khá chặt chẽ với Fuse Protocol, vì thế khi dự án bị hack, Frax AMOs tổn thất hơn 12 triệu USD và Frax Finance chỉ được bồi thường 2% tổng số tiền bị tổn thất.
Kế hoạch ra mắt FraxLend
FraxLend là sản phẩm mới ra mắt gần đây của Frax Finance và là một isolated lending procol. Ở cấp độ lý tưởng, FraxLend cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo được thị trường cho vay và đi vay giữa một cặp ERC-20 token với điều kiện tiên quyết như sau:
- Cặp đó có thanh khoản sâu (giao thức chưa đề cập rõ “sâu” ở đây là bao nhiêu).
- Có price feed do Chainlink cung cấp.
Vì là sản phẩm phục vụ việc mở rộng hệ sinh thái Frax nên FraxLend sẽ ưu tiên phát triển các cặp FRAX. FIP-109 đang thảo luận việc xây dựng thị trường FraxLend AMOs liên quan đến cặp wBTC/FRAX và wETH/FRAX.
Thông qua Curve AMOs và Liquidity AMOs, thanh khoản của FRAX đã được củng cố và phụ thuộc lớn vào nguồn yield của Curve, nhưng nguồn yield này phần lớn lại là emissions của giao thức nên về cơ bản nó không bền vững.
FraxLend là nỗ lực của Frax Finance để tiếp cận một nguồn yield bền vững hơn - nguồn yield từ lãi suất cho vay trên FraxLend. Khi nhu cầu đi vay FRAX trên FraxLend tăng, FraxLend AMOs sẽ tiếp xúc với FraxLend nhiều hơn, cung cấp nhiều FRAX hơn và thu lại lãi suất dưới dạng FRAX.
Tuy nhiên, làm cách nào để tăng nhu cầu vay FRAX trên FraxLend là vấn đề mà Frax Finance cần cân nhắc. Trước đó, Sushiswap cũng có một tính năng tương tự là Kashi Lending nhưng nó không tạo được nhiều traction cho Sushiswap.
Tổng kết
Frax Finance đã có một năm 2021 và nửa đầu năm 2022 rất sôi động. Q4/2022 sẽ cho chúng ta thấy cách dự án xây dựng nhu cầu cho FraxLend - một cách tiếp cận tương đối khác với những cách họ làm trước đây. Nhưng trong khi Frax Finance tiếp tục mở rộng và phát triển thông qua các AMOs thì hệ thống của họ lại dễ bị ảnh hưởng bởi các rủi ro ngoại sinh, đây cũng là điều chúng ta cần quan tâm trong thời gian tới.