Mảng token hoá RWA: Solana có thể nhanh, nhưng Ethereum mới là câu trả lời

“Cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tiền tệ – nhìn chung là mọi loại tài sản, đều có thể được token hoá. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ cách mạng hoá cả ngành đầu tư”, Larry Fink – Chủ tịch BlackRock (tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới đang quản lý 9,000 tỷ USD tài sản) nói.
Phát biểu này nhấn mạnh một xu hướng đang thu hút dòng vốn ngày càng lớn từ các tổ chức tài chính truyền thống - token hoá tài sản thực (Real World Assets – RWA). Hiện nay, dù token hóa RWA đang lan rộng khắp các blockchain, chỉ một mạng lưới thực sự chiếm ưu thế: Ethereum.
BlackRock: “Chọn Ethereum không cần suy nghĩ”
Theo dữ liệu từ RWA.xyz vào tháng 5/2025, Ethereum cùng hệ sinh thái Layer 2 (L2) đi kèm đang chiếm tới 80% tổng giá trị RWA được token hóa trên toàn thị trường. Trong đó, giá trị RWA trên Ethereum đạt 6.6 tỷ USD (chiếm 58%), trên zkSync Era đạt 2.2 tỷ USD (20%), và trên Arbitrum đạt 220 triệu USD (2%) – tổng cộng 9 tỷ USD.

Trong khi đó, các blockchain khác như Stellar, Algorand, Aptos, Solana hay Polygon chỉ chiếm thị phần khiêm tốn từ 2 - 4%. Ngay cả BlackRock cũng triển khai sản phẩm token hóa trên nhiều blockchain, nhưng riêng Ethereum đã chiếm tới 95% tổng tài sản quỹ BUIDL của họ.
"Không có gì phải suy nghĩ, blockchain đầu tiên chúng tôi chọn để triển khai token hóa là Ethereum", Robbie Mitchnick – Giám đốc tài sản số của BlackRock, phát biểu vào tháng 3/2025. "Không chỉ riêng BlackRock nghĩ vậy. Ethereum là câu trả lời mặc định cho cả ngành".
Theo Mitchnick, các khách hàng của BlackRock cực kỳ coi trọng tính phi tập trung, độ tin cậy cũng như tính bảo mật, và “đó là lợi thế mà Ethereum vẫn đang nắm giữ”.
Còn theo Bitwise, Ethereum là nền tảng hợp đồng thông minh "được thử nghiệm (battle-test) lâu nhất, an toàn nhất và phi tập trung nhất". Với bề dày hoạt động từ năm 2015, cùng mạng lưới validator rộng khắp, Ethereum tạo được lòng tin vững chắc đối với các nhà đầu tư tổ chức.
"Nếu bạn xây dựng sản phẩm trên Ethereum, bạn sẽ không lo bị sa thải", Juan Leon – chuyên viên cao cấp về chiến lược đầu tư tại Bitwise, nhận xét.
Theo thống kê từ Cointelegraph, Ethereum không chỉ mạnh về RWA mà còn đang xử lý tới 95% khối lượng giao dịch stablecoin trên toàn thị trường, với TVL trong DeFi cao gấp 7 lần Solana. Đó cũng là một yếu tố mà các tổ chức cân nhắc khi chọn Ethereum.
“Phố Wall không chỉ quan tâm đến phi tập trung, mà còn quan tâm hiệu ứng mạng lưới (network effect), tính thanh khoản và khả năng kết nối”, Henrik Andersson – nhà sáng lập Apollo Capital, nhận xét.
“Khi 80% hoạt động stablecoin và DeFi diễn ra trên Ethereum, thì rõ ràng đây là nơi phù hợp nhất để token hoá tài sản truyền thống. Nếu không như vậy, bạn chỉ đang tạo ra khu vườn đóng kín trên một blockchain không ai dùng”.
Các tổ chức không chỉ nói suông. BlackRock đã đưa 2.65 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ lên Ethereum và con số này đang tăng chóng mặt.

Tháng 11/2024, UBS – một trong những ngân hàng lớn nhất Thuỵ Sĩ, cũng triển khai quỹ thị trường tiền tệ uMINT trên Ethereum. Động thái này được KOL “Mario Nawfal’s Roundtable” ví như “đặt Ethereum vào trái tim của ngành tài chính truyền thống”.
Bitwise dự báo nếu thị trường RWA trị giá 100 nghìn tỷ USD được token hóa hoàn toàn, Ethereum có thể thu về hơn 100 tỷ USD tiền phí mỗi năm – gấp 40 lần con số 2.4 tỷ USD mà mạng thu được trong năm 2024.
"Cao tốc chính" cho dòng tiền tổ chức
Dù đang giữ vai trò trung tâm trong cuộc chơi RWA, Ethereum vẫn gặp trở ngại từ bao lâu nay: khả năng mở rộng. Mạng vốn đặt ưu tiên cho phi tập trung và bảo mật, nên tốc độ xử lý giao dịch khá chậm so với các blockchain thế hệ mới.
Danny Chong, đồng sáng lập Tranchess – cho rằng thị trường sẽ chia thành hai mảng rõ rệt: “Những tổ chức lớn như Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) hay Société Générale sẽ vẫn chọn Ethereum vì tính trung lập (neutral) và bảo mật cao. Trong khi đó, các ứng dụng có khối lượng giao dịch lớn hoặc phục vụ người dùng phổ thông, như bất động sản hoặc tín dụng tư nhân, sẽ chọn Solana hoặc Aptos vì những blockchain này nhanh và rẻ hơn”.
Ông cũng chia sẻ rằng các tổ chức tài chính truyền thống rất cần tính bảo mật, sự quen thuộc và khả năng tuân thủ pháp lý – những yếu tố này quan trọng hơn phí rẻ hay tốc độ xử lý nhanh.
Do đó, Ethereum có thể vẫn sẽ là “cao tốc chính” cho dòng tiền tổ chức, còn các blockchain thế hệ mới – như Solana với lợi thế rõ rệt về tốc độ và cộng đồng đông đảo, sẽ tập trung vào mảng bán lẻ.
Tuy nhiên, vị thế của Solana trong cuộc chơi RWA còn có thể bị hạ thấp hơn nữa, khi một số chuyên gia cho rằng L2 trên Ethereum mới là đích đến cuối cùng. “L2 chỉ cần xử lý giao dịch, không phải lo về đồng thuận mạng. Nếu bạn muốn nơi xử lý nhanh và rẻ nhất, đó chính là L2”, Vivek Raman – nhà sáng lập Etherealize, nhận định.

Dù hiện các L2 mới chỉ đạt tốc độ vài chục đến khoảng 100 giao dịch mỗi giây (TPS) – thấp hơn nhiều so với 4,000 TPS của Solana, nhưng tốc độ của chúng đang được cải tiến nhanh chóng. MegaETH vừa đạt 20,000 TPS trên testnet, còn Eclipse – một L2 dùng máy ảo Solana, đã chạm mốc 8,000 TPS.
Ngoài hạ tầng, Ethereum cũng đi trước về tiêu chuẩn pháp lý. Hai chuẩn ERC-3643 và ERC-1400 được tích hợp sẵn cơ chế kiểm tra danh tính (KYC), chống rửa tiền (AML) và giới hạn chuyển nhượng. Tháng 3/2025, DTCC – tổ chức xử lý đến 3.7 triệu tỷ USD khối lượng giao dịch chứng khoán mỗi năm, đã tích hợp chuẩn ERC-3643 vào bộ công cụ ComposerX.
Thị trường token hoá RWA có thể đi bao xa?
Lợi suất hấp dẫn là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của mảng token hoá. Khi lãi suất ngân hàng thấp, các tài sản mang lại thu nhập ổn định như trái phiếu chính phủ Mỹ token hóa trở nên hấp dẫn. Trong năm 2024, những nền tảng như Tradable cũng đang cung cấp tín dụng tư nhân token hóa với lợi suất từ 8% đến 15.5%, trong khi quỹ tín dụng token hóa của Apollo đạt lợi suất 11.7% .
Về giá trị thị trường token hoá trong tương lai, các tổ chức đang đưa ra những kỳ vọng khá chênh lệch. “Xét theo tốc độ tăng trưởng 121% trong năm 2022 và 2023, thị trường token hoá tài sản truyền thống có thể đạt 1.3 nghìn tỷ USD vào năm 2030”, Jamie Coutts – trưởng bộ phận phân tích crypto của Real Vision, nói.
Ngân hàng Standard Chartered lại lạc quan hơn, cho rằng ngành token hoá RWA có thể đạt giá trị tới 30 nghìn tỷ USD vào năm 2034. Công ty kiểm toán Deloitte cũng có góc nhìn tích cực tương tự, với kỳ vọng chỉ riêng giá trị bất động sản được token hoá cũng đã đạt con số 4 nghìn tỷ USD vào năm 2035.
Nếu những kỳ vọng này thành hiện thực, tài sản token hoá sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ – đặc biệt là mang lại nguồn thanh khoản khổng lồ đến các phần khác của hệ sinh thái crypto như DeFi, NFT, mạng xã hội Web3 và game.
Về rào cản pháp lý, Chris Yin – đồng sáng lập Plume Network, cho rằng: “Quy định sẽ đi sau việc sử dụng”. Ông cho rằng cũng như câu chuyện của Uber, ngành token hoá sẽ phát triển trước, sau đó khung pháp lý mới sẽ ra đời để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đọc thêm: Real World Assets: Cuộc chiến cạnh tranh thị phần và hướng đi tiếp theo