Nền kinh tế được vận hành bởi dữ liệu
Hình thái của dữ liệu là gì?
- Một kiến thức vừa được bộ não tiếp thu
- Một bức ảnh được lưu trong điện thoại
- Một câu chữ ngay khi vừa đánh máy
- Một thuật toán phức tạp trong bộ nhớ của những cỗ máy hiện đại bậc nhất.
Dữ liệu tồn tại ở mọi mặt của đời sống. Chúng là thông tin được thu thập thông qua các hoạt động khác nhau như quan sát, đo lường... và được lưu trữ trong một bộ nhớ nào đó. Bộ nhớ này có thể là não người, máy móc hoặc các hệ thống thông tin hiện đại hơn.
Một dữ liệu tách biệt thường không quá quan trọng, nhưng khi tập hợp đủ, chúng có thể được sử dụng để kiểm chứng lẫn nhau, phân tích và làm tiền đề cho những hành động tiếp theo.
Vì sao nói nền kinh tế vận hành bởi dữ liệu?
Vai trò của dữ liệu
Từ hình thức nguyên thủy nhất là dữ liệu được học hỏi thông qua quá trình tiến hoá của động vật, trong đó có con người. Cho đến nền kinh tế ngày nay, dữ liệu được sử dụng để tự động hóa nhiều quy trình khác nhau, giúp đơn giản hóa công việc và tăng năng suất lao động.
Theo thời gian lượng dữ liệu ngày càng nhiều và yêu cầu các bộ nhớ lớn hơn với năng lực xử lý cao hơn. Để vận hành bộ nhớ lớn hơn yêu cầu thêm công sức và tiềm lực tài chính, tên gọi của bộ nhớ lớn đó là máy chủ (server).
Hiện nay bất cứ một doanh nghiệp nào cũng cần một hệ thống thông tin chứ không đơn giản chỉ là dùng máy tính nữa. Để vận hành và quản lý hệ thống đó thì doanh nghiệp hoặc cá nhân cần phải có máy chủ. Khi một tập dữ liệu lớn đến một mức nào đó, chúng được gọi là dữ liệu lớn (Big Data).
Với bộ nhớ có một lượng dữ liệu lớn, những dữ liệu đó dần được chọn lọc, phân loại để cho ra kết quả tối ưu hơn. Quá trình tiếp thu và xử lý dữ liệu liên tục này được gọi là Deep Learning và là nền tảng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine Learning (ML) sau này. AI và những cỗ máy có “trí thông minh cao” về bản chất là có nhiều dữ liệu và những dữ liệu đó được xử lý hiệu quả.
Ở mặt tích cực, AI giúp nâng cao hiệu quả sản phẩm và tối ưu trải nghiệm người dùng. Các gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google, Amazon, Alibaba, Tencent... sở hữu những công nghệ AI bậc nhất, điều này giúp họ biết được hành vi, xu hướng của người dùng để đưa ra những đề xuất liên quan. Các phần mềm quản lý kinh doanh cũng giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn hoạt động của họ thông qua việc nhập dữ liệu.
Tuy nhiên việc “học hỏi” của những con AI cần thêm dữ liệu, do đó AI có thể đưa ra những đề xuất không phù hợp cho người sử dụng. Việc có nhiều dữ liệu cho phép bên sở hữu buôn bán trao đổi với nhau để tăng lượng dữ liệu sở hữu. Các gã khổng lồ công nghệ có tỷ trọng lớn doanh thu từ quảng cáo, vốn được khai thác từ dữ liệu người dùng.
Đọc thêm: Vai trò của AI trong nền kinh tế vận hành bằng dữ liệu.
Dữ liệu giúp thế giới “phẳng”
Tương tự như vai trò của internet đối với máy tính, giá trị của dữ liệu chỉ thực sự được phát huy khi những nguồn dữ liệu được kết nối với nhau. API ra đời để giải quyết bài toán trên, hiểu đơn giản API là chìa khoá để bộ nhớ này có thể tiếp cận đến dữ liệu của bộ nhớ khác. Việc tận dụng được dữ liệu có sẵn thay vì làm lại từ đầu giúp tối ưu hiệu quả công việc và giảm thiểu chi phí.
Ví dụ: Một ứng dụng thuê lái xe thay vì phải đi khảo sát địa hình để vẽ lại bản đồ, họ có thể mua API của Google Map và tích hợp vào ứng dụng của mình
Với những cá nhân hoặc tổ chức không muốn chịu gánh nặng lưu trữ nhưng vẫn muốn tối ưu được hiệu quả của dữ liệu, họ có thể sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây (cloud). Đây là quá trình người sử dụng tải dữ liệu vào bộ nhớ của một bên khác. Thuật ngữ điện toán đám mây (cloud computing) nhằm chỉ việc người dùng có thể sử dụng bộ nhớ của bên khác để xử lý dữ liệu của mình.
Những đột phá kể trên giúp dữ liệu ở khắp nơi trên thế giới được kết nối với nhau, thế giới trở nên “phẳng" hơn bao giờ hết.
Dữ liệu có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện nay, chúng là “nguồn dầu" cung cấp năng lượng cho hoạt động của các cá nhân và tổ chức. Việc có những đột phá về dữ liệu giúp xóa bỏ những khoảng cách địa lý, đưa thế giới tới kỷ nguyên hội nhập chưa từng có.
Vị trí của blockchain trong nền kinh tế vận hành bằng dữ liệu
Blockchain về căn bản là một bộ nhớ lưu trữ dữ liệu, nếu ta coi nền kinh tế hiện tại là tập hợp của nhiều bộ nhớ thì một blockchain là một bộ nhớ trong số đó.
Để hiểu thêm về thiết kế của blockchain, vì sao một blockchain chỉ được coi là một bộ nhớ trong nền kinh tế dữ liệu, giải pháp để kết nối bộ nhớ của blockchain với dữ liệu bên ngoài và ngược lại, bạn đọc có thể tham khảo tại đây.
Điểm khác biệt chính giữa blockchain với các bộ nhớ hiện nay là các bộ nhớ hay máy chủ hiện tại thuộc quyền sở hữu và được vận hành bởi một một thực thể, họ có toàn quyền với lượng dữ liệu bên trong. Còn với blockchain, việc vận hành bộ nhớ được đảm bảo bởi nhiều bên khác nhau, dữ liệu trên blockchain không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ một thực thể nào. Đây chính là nguyên nhân mà blockchain có những đặc tính như minh bạch, phi tập trung hay tính phân tán từ đó làm tiền đề cho những ứng dụng đột phá tiếp theo.
Phải đính chính rằng nền kinh tế dữ liệu là một thị trường khổng lồ, bất kỳ một từ khoá nào kể trên như AI, Machine Learning, Cloud Computing, Big Data… đều là một lĩnh vực cần một lượng lớn nhân lực, tài lực để phát triển và nghiên cứu. Ứng dụng của chúng cũng rất đa dạng như ta đã và đang thấy hiện nay. Blockchain là một hướng tiếp cận mới trong nền kinh tế vận hành bằng dữ liệu và tiềm năng của chúng rất đáng được chú ý.
Đọc thêm: Khi AI giao thoa với Blockchain: Đột phá thực sự hay chỉ là lý thuyết?
Cần chuẩn bị gì cho kỷ nguyên mới?
Giải mã cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI)
Thực chất các công nghệ như AI, Machine Learning... đã tồn tại trong nhiều năm. Những ông lớn công nghệ, các tổ chức và tập đoàn lớn đều đã sở hữu cho mình những AI thông minh bậc nhất hay nói cách khác là có nhiều dữ liệu nhất.
Lý do AI nhận được nhiều sự chú ý trong cộng đồng gần đây là vì chúng ta đã dần có đủ dữ liệu để tạo ra những công cụ, những thuật toán AI tốt hơn. Nổi bật trong đó là ChatGPT, công cụ thu hút được 100 triệu người dùng trong 2 tháng và là ứng dụng nhanh nhất cán mốc này.
Xem thêm: Giãi mã cơn sóng AI
Liệu AI/ML có thể thay thế con người không?
Ta không thể phủ nhận những lợi thế mà AI có thể mang lại:
- Để dịch một văn bản có hàng nghìn chữ, nhờ ChatGPT chỉ mất vài phút.
- Một hình vẽ đẹp, bản nhạc chất lượng cao được tạo ra trong một thời gian ngắn.
- Một con robot hàn đẹp hơn một thợ hàn kinh nghiệm lâu năm.
- Và còn nhiều ứng dụng khác nữa.
Thế giới đang ngày càng phát triển và trong nền kinh tế vận hành bằng dữ liệu, năng suất sẽ dần được cải thiện lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên như bất kỳ một cuộc cách mạng nào khác, việc chuyển dịch này không thể xong trong ngày một ngày hai, các thành phố không sáng ngay khi bóng đèn được phát minh, các tin nhắn không được gửi đi ngay khi có mạng internet. Để một công nghệ mới được phổ cập và đến với số đông cần thời gian để phát triển và đồng bộ hạ tầng.
Chính bản thân nhà sáng lập ChatGPT, Sam Altman cũng đã thừa nhận hạn chế của ChatGPT trong việc đưa ra các kết quả và cần thêm nhiều năm để cải thiện tính tự động và sự đáng tin cậy của công cụ này.
Xem thêm: ChatGPT làm được gì trong thế giới crypto?
Chuẩn bị gì cho kỷ nguyên mới?
Với lượng dữ liệu được tạo ra ngày càng lớn, chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều công cụ mới xuất hiện để tăng năng suất lao động. Tương tự cách mà Internet phát triển, sẽ ngày càng có nhiều người sử dụng những công cụ từ AI/ML vì lợi ích của nó mang lại. Những người không tận dụng được công cụ sẽ khó cạnh tranh được người biết vận dụng công cụ. Từ đó để không bị đào thải khỏi thị trường, họ sẽ phải cập nhật những kiến thức mới.
Để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, thay vì giữ một thái độ bảo thủ, chúng ta nên tiếp cận những tri thức và cải tiến theo thái độ cởi mở. Sẵn sàng đón lấy cơ hội để vượt lên trong thị trường cạnh tranh của nền kinh tế mới, một nền kinh tế vận hành bằng dữ liệu.
Dữ liệu xuất hiện trong mọi mặt của đời sống hiện nay, dữ liệu là nguồn dầu trong kỷ nguyên mới, người có đủ dữ liệu là có tiền. Bạn sẽ tận dụng dữ liệu hay phủ định nó?