Node Sale là gì? Tại sao các dự án chọn Node Sale?
Node Sale là gì?
Node Sale là hình thức huy động vốn, trong đó các startup Web3 thu hút đầu tư bằng cách bán quyền vận hành node cho cộng đồng. Mục tiêu của Node Sale không chỉ là huy động tài chính, mà còn khuyến khích người dùng tham gia vận hành mạng lưới từ giai đoạn đầu để nhận phần thưởng, đồng thời tăng tính phi tập trung và bảo mật.
Trước khi mô hình Node Sale xuất hiện, việc vận hành node chủ yếu do đội ngũ và các đối tác của dự án thực hiện. Người dùng thường chỉ được tham gia chạy node khi dự án đã đạt đến một giai đoạn nhất định trong lộ trình phát triển.
Trong năm 2024, nhiều dự án đã huy động vốn bằng hình thức Node Sale với tổng số tiền lên tới hàng trăm triệu USD. Điển hình như dự án Aethir đã gọi vốn thành công 130 triệu USD, Sophon với 60 triệu USD…
Node Sale hoạt động như thế nào?
Dưới đây là mô hình hoạt động của những hoạt động gọi vốn của Node Sale:
Mở bán Node:
- Các dự án có thể triển khai việc bán node trên chính nền tảng của mình hoặc thông qua các nền tảng trung gian, chẳng hạn như Impossible Finance.
- Khi sử dụng nền tảng trung gian, dự án phải đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý và công nghệ theo yêu cầu của nền tảng trung gian.
- Theo đó, đối với các dự án tự tổ chức hình thức Node Sale, rủi ro không tuân thủ các quy định pháp lý có thể xảy ra.
Mua quyền vận hành node:
Nhà đầu tư tham gia mua "quyền" vận hành node từ dự án. Ở giai đoạn này, ngoài việc chuẩn bị vốn để mua node, nhà đầu tư còn cần đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, như máy móc và cấu hình phù hợp, để triển khai node theo yêu cầu của mạng lưới.
Triển khai và nhận phần thưởng:
- Sau khi hoàn tất quá trình bán, nhà đầu tư được phép triển khai node trên mạng lưới của dự án.
- Phần thưởng của việc vận hành node có thể bao gồm doanh thu từ phí giao dịch, phí hoa hồng… Và tại một số dự án, nhà đầu tư có thể cơ hội nhận airdrop từ việc chạy node như Xai…
Nhìn chung, mô hình hoạt động của Node Sale tương tự các hình thức Token Sale như ICO, IDO… Các hình thức này thường có đặc điểm là đơn giản, dễ tham gia khi nhà đầu tư chỉ góp vốn và nhận về token/node từ dự án. Ngoài ra về mặt pháp lý, Node Sale cũng tương đồng với Public Sale khi phải tuân thủ các quy định pháp lý.
Điểm khác biệt giữa Node Sale và Token Sale
Giá trị và định giá token
Node Sale và Token Sale có tính chất mua/bán giống nhau, nhưng có nhiều điểm khác nhau giữa hai mô hình này. Đầu tiên, cấu trúc bán của Node Sale được chia thành nhiều bậc và thứ hạng, cho phép nhà đầu tư mua ở nhiều mức giá khác nhau. Ví dụ tại dự án Sophon, mức giá chia thành 14 loại dao động từ 0.0813 ETH tới 0.3136 ETH.
Mặc dù ở Token Sale cũng chia thành nhiều mức giá khác nhau, nhưng số lượng mức giá và tỷ lệ chênh lệch giá giữa các mốc lại thấp hơn nhiều so với Node Sale, khi chỉ có khoảng 2 - 4 mức và tỷ lệ chênh lệch không quá 50%.
Với việc có quá nhiều mốc giá cũng khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc định giá token (FDV) của Node Sale. Dưới đây là cách xác định giá trong Node Sale:
- Đầu tiên, người dùng cần xác định số lượng token kiếm được của một node. Thông thường, số lượng token phân bổ về node dựa trên tokenomics hoặc tỷ lệ lạm phát token của dự án. Ngoài ra, node cũng hưởng phí giao dịch tại mạng lưới.
- Sau khi xác định số lượng token của một node, người dùng lấy giá token (tham chiếu) nhân với số token của một node và tiếp tục nhân tổng số node đã bán ra. Cuối cùng, nhà đầu tư sẽ xác định được giá token đang bán ở mức FDV như thế nào.
*FDV được tính theo công thức giá token nhân với tổng cung token.
Đọc thêm: FDV là gì? Vai trò của vốn hoá pha loãng hoàn toàn trong crypto.
Cấu trúc phần thưởng
Một trong những điểm khác biệt giữa Node Sale và Token Sale nằm ở cách thức thiết kế phần thưởng. Trong khi Token Sale cho phép nhà đầu tư góp vốn và nhận lại lượng token trong khoảng thời gian nhất định, thì Node Sale hỗ trợ nhà đầu tư nhận về phí mạng lưới và một phần tổng cung token mà dự án phân bổ.
Số lượng phần thưởng nhận được sẽ phụ thuộc vào tổng số node đang hoạt động trong mạng lưới. Các phần thưởng này được phân phối dần theo thời gian, tương tự như cơ chế mở khoá tuyến tính (linear vesting) từ góc độ đầu tư.
Ngoài ra, một số dự án còn hạn chế việc rút phần thưởng sớm có thể chịu thêm các khoản phí hoặc bị mất một phần phần thưởng, nhằm khuyến khích sự tham gia và cam kết lâu từ nhà đầu tư.
Ví dụ: dự án Aethir, người dùng nhận token vATH khi chạy node. Nếu nhà đầu tư có nhu cầu rút, số vATH này sẽ chuyển đổi thành ATH sau 120 ngày kể từ khi nhận yêu cầu. Trong trường hợp chọn rút phần thưởng sớm, nhà đầu tư sẽ phải chịu mức phạt 75% và mất quyền nhận các phần thưởng thêm.
Loại hình dự án
Như đã đề cập ở trên, Node Sale dành cho những người dùng đầu tư và chạy node của dự án. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu chạy node, các dự án thường nằm tại những “ngách“ blockchain hoặc cơ sở hạ tầng như DePIN, Layer 1, Layer 2…
Tùy thuộc vào từng dự án, loại node bán ra sẽ có tính chất và vai trò khác nhau, kéo theo sự khác biệt về phần thưởng và lợi nhuận. Ví dụ tại Node Sale của Xai, Sentry Node đóng vai trò kết nối với Validator từ các mạng lưới khác. Vì vậy, phần thưởng của những người vận hành Sentry Node không chỉ đến từ cơ chế tokenomics mà còn bao gồm phí giao dịch và một phần nhỏ lợi nhuận từ hoạt động staking của Validator.
Ưu điểm và nhược điểm của Node Sale
Ưu điểm
Mặc dù Node Sale là chỉ mới nổi lên trong khoảng thời gian gần đây, nhưng hình thức này đã chứng minh những ưu điểm để nhiều dự án áp dụng. Những ưu điểm này bao gồm:
- Tiềm năng huy động nhiều vốn hơn: So sánh với các hình thức Token Sale, Node Sale lại là mô hình huy động nhiều tiền hơn, với cùng số lượng token bán ra. Theo người dùng 0xKapital - Co-host của FlywheelDeFi, Node Sale sẽ giúp dự án gọi vốn nhiều hơn 6 lần thông thường. Lý do của việc này đến từ cấu trúc các khoảng giá giữa những mốc tương đối lớn, dẫn tới Node Sale luôn gọi vốn nhiều hơn thông thường.
- Mức định giá cao (FDV): Với cấu trúc hoạt động mà trong đó khoảng giá giữa các mốc cao, Node Sale mang đến token của dự án có múc định giá cao hơn thông thường. Kể cả khi số lượng token bán ra tương đương với mô hình Token Sale, thì mức định giá của Node Sale vẫn có thể cao hơn Token Sale tối thiểu 16 lần.
- Cam kết lâu dài với dự án: Như đã đề cập ở trên, mô hình Node Sale yêu cầu nhà đầu tư tích cực tham gia các hoạt động của mạng lưới, kể cả sau khi gọi vốn. Khác với các mô hình Token Sale, sau giai đoạn gọi vốn, đa phần nhà đầu tư đều chờ thời điểm nhận token mà không tham gia hay cam kết bất kỳ hoạt động nào trên mạng lưới.
- Phi tập trung: Việc bán node ra ngoài cộng đồng giúp mạng lưới trở nên phi tập trung và bảo mật hơn, hạn chế trường hợp mạng lưới phụ thuộc vào những một thực thể duy nhất như đội ngũ hay đối tác dự án.
- Áp lực bán thấp tại giai đoạn sau: So sánh với mô hình Token Sale, Node Sale mang lại áp lực bán cao hơn Token Sale ở giai đoạn đầu. Nhưng tại giai đoạn sau, Token Sale mang lại áp lực bán cao hơn, bởi các phần mở khóa token từ những cá nhân tham gia whitelist, private… thường mở bán tại giai đoạn sau của dự án.
Nhược điểm
Mặc dù đem lại những lợi ích lâu dài cho đội ngũ dự án, nhưng nhược điểm của mô hình này lại chưa đủ tốt dành cho đa phần nhà đầu tư. Cụ thể với cấu trúc khoảng giá giữa các mốc cao cùng số lượng mốc giá tham gia nhiều, đã khiến những nhà đầu tư mua node ở giai đoạn sau khó có khả năng hoàn vốn. Thậm chí với mức định giá cao gấp 16 lần thông thường, việc hoàn vốn tại các mốc cuối có thể mất nhiều năm.
Ví dụ với những cá nhân tham gia Node Sale mốc thứ 8 của Sophon (FDV tương đương 600 triệu USD), người dùng sẽ mất tới 36 tháng để có thể hoàn vốn việc mua node.
Ngoài ra, những nhà đầu tư khi tham gia Node Sale cần phải chuẩn bị các yêu cầu về phần cứng, VPS… Do đó, ngoại trừ chi phí mua “quyền vận hành”, nhà đầu tư sẽ chịu thêm những khoản phí cố định trong việc vận hành.