SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Phân tích mô hình hoạt động Compound - Nên cải thiện quyền lợi COMP holder

Phân tiết chi tiết mô hình hoạt động của Compound, từ đó đưa ra các dự phóng và cơ hội đầu tư vào COMP trong tương lai.
Avatar
Jack Vĩ
Published Jul 01 2021
Updated Apr 26 2024
25 min read
thumbnail

Lending là một trong những lĩnh vực chủ chốt trong không gian DeFi của Ethereum. Hiện tại, Lending đang được thống lĩnh bởi Aave, MakerDAO và Compound.

Trong bài viết này, mình sẽ cùng anh em phân tích về dự án Compound.

  • Compound hoạt động và đóng vai trò như thế nào trong không gian DeFi?
  • Cách Compound tạo ra doanh thu và thu hút người dùng.
  • Dự phóng về tiềm năng của Compound trong tương lai.

Mời anh em bắt đầu tìm hiểu về Compound qua bài viết dưới đây.

Giới thiệu tổng quan về Compound

Định nghĩa

Compound là nền tảng cho vay đóng vai trò trung gian giữa người có tài sản cho vay và người cần vay tài sản trên mạng lưới Ethereum. Với sự đóng góp của Compound, không gian DeFi đã trở nên thu hút hơn rất nhiều vì có thể tối ưu được hiệu quả sử dụng vốn của người dùng.

Chính vì thế, nếu như hệ sinh thái nào chưa có sự góp mặt của các nền tảng Lending, hệ đó sẽ chưa sẵn sàng để mở rộng không gian DeFi của mình.

Tổng quan về thị trường Lending

Dưới đây là một số dự án Lending nổi bật thuộc các hệ sinh thái khác nhau:

  • Ethereum: Aave, MakerDAO, Inverse Finance, Unit Protocol,...
  • Binance Smart Chain: Venus, Alpha Finance, UniLend,...
  • Solana: Oxygen, Solend, Port Finance,...
  • Polkadot: Acala, Konomi Network,...
  • Fantom: Cream Finance.
  • Terra: Anchor Protocol.
  • Polygon: Aave, EasyFi.

Lending là lĩnh vực được nhiều dự án chú ý tới, tuy nhiên đa số các dự án hoạt động hiệu quả và có lượng người dùng thực tế chiếm không nhiều. Các dự án có hiệu suất tốt nhất chủ yếu nằm ở hai hệ Ethereum và Binance Smart Chain - hai hệ sinh thái có dòng tiền lớn nhất.

Trong lĩnh vực Lending, Compound từng đứng vị trí top #1 với TVL đạt $11.7B. Hiện tại Compound chỉ đứng sau Aave và MakerDAO về TVL và Market Cap, còn lại Compound đều vượt mặt tất cả các đối thủ khác bao gồm cả Venus - nền tảng Lending lớn nhất hệ Binance Smart Chain.

advertising

Mô hình hoạt động của Compound

Các sản phẩm bên trong

Compound Finance chỉ có một sản phẩm duy nhất là nền tảng liên kết giữa người cho vay và người đi vay. Trong tương lai, Compound sẽ ra mắt thêm Compound Chain, đây sẽ là blockchain giúp Compound mở rộng nền tảng của mình sang mạng lưới Polkadot.

Hiện tại, Compound đang hỗ trợ tổng cộng 11 loại tài sản dưới đây cho phép người dùng có thể Supply hoặc Borrow từ Compound.

Tuy nhiên USDT, LINK và TUSD sẽ không được hỗ trợ làm tài sản thế chấp. Tức người dùng có thể gửi tiết kiệm và nhận lãi suất từ Compound nhưng không được hỗ trợ làm tài sản thế chấp.

Các bên tham gia

Compound có cơ chế hoạt động tương đối đơn giản, trong đó sẽ có hai bên tham gia:

  • Lender: Người cho vay sẽ deposit tài sản tiết kiệm vào Compound để nhận lại lãi suất.
  • Borrower: Người đi vay sẽ deposit tài sản thế chấp vào Compound để vay tài sản khác.

Thông tin về cToken

cToken là ERC20 token đại diện cho tài sản anh em đã thế chấp vào Compound. cToken sẽ có hai chức năng chính:

  • Ghi nhận giá trị và số lượng của tài sản thế chấp.
  • Ghi nhận tiền lãi của tài sản thế chấp.

cToken sẽ có tỷ giá hối đoái với tài sản thế chấp và tỷ giá này sẽ tăng lên so với tài sản cơ bản. Lãi được ghi nhận sẽ không được trả về từng đợt. Nó sẽ được tích lũy trên giá trị của cToken qua thời gian cho tới lúc tài sản thế chấp được rút ra.

Workflow của Compound

Trường hợp cho vay:

(1) Lender sẽ gửi tài sản tiết kiệm vào Compound và nhận về cToken đại diện cho tài sản tiết kiệm và khoản tiền lãi được tích lũy qua thời gian.

(2) Khi cần rút vốn, Lender sẽ gửi cToken vào lại Compound và nhận về tiền gốc + lãi cho vay.

Ví dụ:

Lender deposit vào Compound: 1,000 DAI. Tỷ giá hối đoái của cToken là 0.02.

⇒ Lender nhận về 50,000 cDAI (1,000/0.02) đại diện cho 1,000 DAI.

Khi người dùng muốn rút tài sản gửi tiết kiệm và lấy lãi, tỷ giá hối đoái của cToken sẽ tăng lên thành 0.021.

⇒ Lender nhận về 1,050 DAI (50,000*0.021). Trong đó anh em sẽ lấy lãi suất mà mình nhận về thêm là 50 DAI so với 1,000 DAI ban đầu.

Trường hợp cần vay:

(3) Borrower sẽ gửi tài sản thế chấp vào Compound.

(4) Borrower vẫn sẽ nhận về cToken như Lender. Tuy nhiên họ sẽ có hai lựa chọn, sử dụng cToken làm tài sản thế chấp (nếu như giá trị tích lũy đủ lớn) hoặc sử dụng tài sản vừa deposit vào để làm tài sản thế chấp. Sau đó Borrower sẽ chọn tài sản và vay.

(5) Khi Repay lại tài sản đã mượn, Compound sẽ tự động tính lãi suất trên tài sản đã vay và yêu cầu trả lại với số lượng lớn hơn ban đầu (do tính gồm thêm lãi). Sau đó Compound sẽ trích 1 phần trong số lãi đó theo tỷ lệ Reserve Factor vào Reserve Pool xem như doanh thu của Compound (giải thích phía dưới).

Phân phối thưởng COMP

(6) Compound sẽ phân phối COMP như phần thưởng cho cả Lender và Borrower của nền tảng theo lãi suất không cố định (giải thích chi tiết cơ chế phân phối COMP phía dưới).

Khái niệm Collateral Factor và Reserve Factor

Collateral Factor là hạn mức anh em có thể vay so với giá trị của tài sản thế chấp. Riêng LINK, TUSD và USDT là tài sản không được hỗ trợ làm tài sản thế chấp nên Collateral Factor bằng 0%. Collateral Factor sẽ khác nhau với mỗi tài sản và dao động trong khoảng 60-75%.

Ví dụ: Collateral Factor của DAI là 75%, sau khi thế chấp 100 DAI = 100$, anh em có thể mượn bất kỳ tài sản nào với hạn mức 75% của 100$, tương đương 75$.

Reserve Factor có thể được xem là doanh thu của nền tảng Compound. Tỷ lệ Reserve Factor sẽ khác nhau với mỗi loại tài sản, dao động từ 7-25%. Cụ thể hơn, khi Borrower trả lãi cho Lender, Lender phải trích một phần của lãi theo tỷ lệ % của Reserve Factor để góp vào Compound Vault.

Ví dụ: Borrower mượn 100 USDT với Borrow APY là 3.58% trong vòng 1 năm, khi Repay lại cho Compound, Borrower cần phải trả Compound 103.58 USDT. Sau đó Compound sẽ thu Reserve Factor 7% của 3.58 USDT (tương đương 0.25$) và trả lại cho Lender 103.33 USDT.

Việc thu Reserve Factor có thể làm giảm đi một phần doanh thu của Lender nhưng nó sẽ giúp Lender luôn bảo toàn được vốn khi thị trường sập.

Case study: Trong sự kiện thiên nga đen (Black swan) xảy ra với MakerDAO vào tháng 3/2020, thị trường đã có cú sập rất mạnh khiến nhiều vị thế vay bị kích hoạt thanh lý. Mặc dù đã thanh lý hết số tài sản thế chấp nhưng MakerDAO vẫn không thể trả hết nợ cho Lender. Lúc này những doanh thu từ quỹ dự phòng sẽ phát huy tác dụng, giúp nền tảng Lending hoàn trả nợ cho Lender và giúp Lender bảo toàn được vốn.

Cơ chế thanh lý tài sản của Compound

Mỗi tài sản sẽ có hạn mức cho vay khác nhau. Khi giá trị tài sản thế chấp của anh em dưới mức quy định của Compound, họ sẽ kích hoạt chế độ thanh lý tài sản để trả lại vốn cho các bên cho vay. Những người mua tài sản thanh lý đã sẽ nhận được 8% như phần thưởng thu hút Liquidators.

Hiện tại Compound và Aave có cơ chế thanh lý tài sản tương đối giống nhau, còn MakerDAO sẽ có cơ chế khác một ít.

Cơ chế của MakerDAO

Với cơ chế của MakerDAO, khi tỷ lệ thế chấp của người dùng giảm dưới 150%, MakerDAO sẽ cho phép bất kỳ ai (người dùng tham gia vào Compound) cũng có thể có thể thanh lý 100% vị thế của bạn bằng cách mang chúng ra đấu giá. Cho đến khi buổi đấu giá kết thúc người dùng mới biết mình còn số tài sản thế chấp nào.

Sự khác biệt trong cơ chế của Compound và Aave

Với cơ chế của Compound và Aave, vị thế của người dùng không thể bị thanh lý 100%, tối đa vị thế bị thanh lý là 50%. Điểm khác biệt thứ 2, Compound và Aave sẽ không áp dụng cơ chế đấu giá, thay vào đó, họ cho phép các Liquidator có thể thanh lý từng vị thế riêng lẻ và nhận về phần thưởng Liquidation Penalty tính theo giá trị tài sản bị thanh lý (Compound: 8% cố định; Aave: 5-15% tùy tài sản).

Cơ chế phân phối token của COMP

Đầu tiên, Compound sẽ có một vault riêng để phân phối COMP cho người dùng. Hiện tại Vault đang nắm giữ số lượng 4,504,948 COMP và sẽ được phân bổ theo mô hình trên đây.

Bước 1: Quá trình của Compound Vault: Trước Proposal 10+21+33, mỗi ngày sẽ có 2880 COMP được phân phối cho người dùng. Tuy nhiên sau, Proposal 10+21+33, mỗi ngày số COMP được phân phối đã giảm còn 2312 COMP.

Bước 2: Quá trình phân chia COMP đối với từng Asset Pool: 2312 COMP sẽ được phân phối cho 10 loại tài sản, trong đó phân phối nhiều nhất cho USDC và DAI (chiếm hơn 70%), tài sản khác như UNI, BAT, LINK,... sẽ được chia thưởng COMP thấp hơn. Trong đó TUSD là tài sản không được phân phối phần thưởng COMP.

Bước 3: Quá trình phân chia COMP cho Borrower và Supplier: Ở bước cuối, số COMP sẽ được chia đều 50% cho Supplier và 50% cho Borrower. Tuy nhiên nó sẽ được chia dưới dạng quỹ dành 2 bên. Tổng số COMP chia cho các Asset Vault không bắt buộc phải chia hết. Chính vì thế mỗi cá nhân Supplier hoặc Borrower có số COMP nhận được khác nhau tùy vào Distribution APY tại thời điểm đó.

Ví dụ: Mình sẽ ví dụ minh họa cho anh em dễ hiểu hơn, đặc biệt là ở bước cuối. Dưới đây là ảnh số liệu thực mình lấy từ Compound. Ví dụ như sau:

  • A Supply cho USDC Pool 1000 USDC.
  • B Borrow 1000 USDC từ USDC Pool.

USDC Pool được Compound Vault chia phần thưởng 880.38 COMP mỗi ngày.

⇒ A nhận được số lượng COMP = ($1000 * 1.34%) / (Giá COMP tại thời điểm đó).

⇒ B nhận được số lượng COMP = ($1000 * 2.30%) / (Giá COMP tại thời điểm đó).

Chính vì số lượng COMP Distribution được tính theo APY nên 880.38 COMP được chia cho USDC Pool có thể không được sử dụng hết (vì giá trị của người đi vay hoặc cho vay không đạt đến mức thưởng cao nhất của Pool).

Anh em có thể xem chi tiết hơn phía dưới đây. Cả USDC Pool và DAI Pool đều được chia 880.38 COMP mỗi ngày nhưng số lượng COMP đã phân phối cho hai Pool USDC và DAI hoàn toàn khác nhau. Điều này thể hiện người dùng Borrow và Supply DAI nhiều hơn USDC.

Nếu đúng theo kế hoạch mỗi ngày phân phối 2312 COMP thì số ngày cần để phân phối là:

  • Tổng Vault: 4,504,948 COMP ⇒ Phân phối hết trong 1948 ngày.
  • Remaining: 3,609,954 COMP ⇒ Phân phối hết trong 1561 ngày.

Nhưng đa số các Pool đều không chia hết số lượng COMP cho user, chính vì thế số COMP còn dư ra sẽ tiếp tục được ghi nhận ở Vault để sử dụng cho những ngày tới.

Anh em có thể theo dõi số lượng token được phân phối tại đây.

Compound Capture Value cho COMP như thế nào?

Thông tin cơ bản về COMP token (ngày 1/7/2021)

  • Circulating Supply: 5,353,598 COMP (53/100%).
  • Total Supply: 10,000,000 COMP.
  • Market Cap: ~$1,800,000,000 (Rank #53).
  • FDV: ~$3,400,000,000.

Compound capture value cho COMP token qua phương thức chính:

  • Governance: Đề xuất và biểu quyết cho những thay đổi trên nền tảng Compound. Ví dụ như lãi suất cho vay, Collateral Factor, Reserve Factor, số lượng COMP release mỗi ngày,...
  • Supply for Compound: Holder COMP có thể Supply COMP để nhận về lãi suất như việc Staking hoặc Supply cho Compound như tài sản thế chấp để vay.

Thời gian release token

Hiện tại, trang thông tin của Compound chỉ công bố thời gian release token của Liquidity Mining allocation, còn những Allocation khác đội ngũ Compound không công bố cụ thể. Tuy nhiên, thường thì tổng số token này sẽ được unlock dần đến hết cùng một thời điểm.

Vậy chúng ta có thể ước tính thời gian unlock thông qua những thông số dưới đây:

  • Reserve Pool (Liquidity Mining) đang có 3,609,954 COMP.
  • Mỗi ngày unlock 2,312 COMP (số COMP unlock không hết sẽ được giữ lại ở Reserve Pool).

⇒ Thời gian unlock ~1,561 ngày (~4.3 năm).

Tuy nhiên con số thực tế có thể kéo dài hơn vì đa số lượng COMP sẽ không được phân phối hết. Hình dưới đây sẽ làm rõ hơn cho anh em, DAI và USDC đều được phân bổ 880.38 COMP/ngày, nhưng vì hiệu suất của USDC Pool thấp hơn nên số COMP phân phối chưa bằng 1 nửa của DAI Pool.

Vậy thời gian unlock thực tế có thể kéo dài hơn rất nhiều, nhưng mình không thể tính con số cụ thể vì Compound không cho biết Total Distribution được tính từ bao giờ và nó còn tùy thuộc rất nhiều vào hiệu suất của Compound trong tương lai.

Doanh thu của Compound so với tốc độ lạm phát của COMP token

Sau khi có được tổng khối lượng được vay mỗi ngày (Total borrow 24h), mình đã nhân với lãi suất cho vay (Borrow APY) để ra được tổng doanh thu cho cả Compound và Lender (Total Revenue). Tuy nhiên, Lender sẽ không được nhận hết mà phải trích 1 phần lãi dự phòng cho Compound (Reserve Factor), và đó cũng là cách mình tính doanh thu của Compound hằng ngày.

  • Doanh thu Compound hằng ngày: $774,710.
  • Giá trị COMP release hằng ngày: $591,870 (2,312 COMP - $250/COMP).

⇒ Compound mang lại doanh thu dương cho nền tảng so với số token được release mỗi ngày.

Điểm đặc biệt của COMP token chính là được bảo trợ bởi nguồn doanh thu (thặng dư) của Compound, không phải vì giá trị của COMP mang đến cho COMP holder. Với doanh thu mỗi ngày từ $600K - $700K, Compound đang nằm trong top 5 giao thức tạo ra doanh thu lớn nhất thị trường DeFi.

Con số mình tính ra cũng khá tương đồng với thống kê của The Block, anh em có thể xem hình dưới đây.

Ứng dụng của COMP

COMP sẽ được sử dụng với những mục đích sau đây:

  • Sử dụng như tài sản để cho vay (supply cho COMP).
  • Quyền quản trị (support tài sản mới, chọn Oracle, tùy chỉnh lãi suất,...).
  • Cung cấp thanh khoản cho DEX để nhận thưởng.

Giá trị của COMP

Giá trị của COMP = Quyền quản trị Compound + (Giá trị thặng dư khi Supply COMP hoặc cung cấp thanh khoản Uniswap v3) + Kỳ vọng sản phẩm tương lai của Compound Chain - Áp lực release token.

Trong đó, COMP sẽ có mức độ ứng dụng như sau:

  • Quyền quản trị Compound:

COMP có ứng dụng rất lớn trong việc quản trị nền tảng COMP, vì hiện tại Compound đang là một trong những nền tảng Lending lớn nhất và đa số các quỹ lớn đều muốn hold COMP để có quyền biểu quyết trên Compound.

Hiện tại những cá nhân có Vote Weight lớn nhất trên Compound là: Quỹ a16z, Quỹ Bain Capital Ventures, Quỹ Gaunlet, Quỹ Paradigm và Robert Leshner - founder của Compound.

Như vậy quyền quản trị Compound sẽ không dành cho số đông, đặc biệt là anh em đầu tư nhỏ lẻ. Chính vì thế giá trị của quyền quản trị gần như bằng 0.

  • Giá trị thặng dư khi Supply COMP

Giá trị thặng dư cho COMP holder khá thấp bởi vì Supply APY của COMP rất thấp, chỉ có 0.89% và Compound không hề có cơ chế phân phối doanh thu lại cho COMP holder.

  • Cung cấp thanh khoản cho Uniswap v3

Hiện tại COMP có thể được Farming với cặp COMP-ETH ở Uniswap v3. Với khối lượng giao dịch hằng ngày khoảng $3M. Đây không phải con số quá cao hay quá thấp, nhưng có thể đủ để thu hút người dùng cung cấp thanh khoản để nhận lại phần thưởng.

  • Áp lực release token

Mặc dù COMP chỉ mới release được 52% token và còn rất nhiều token chưa được release nhưng với tốc độ release token hiện tại, áp lực bán COMP vẫn sẽ có nhưng không quá lớn (chi tiết phía trên).

Đề xuất tăng giá trị cho Compound và COMP token

Hỗ trợ thêm nhiều loại tài sản

Hiện tại Compound chỉ hỗ trợ 11 loại tài sản, trong đó có 3 tài sản không được sử dụng làm tài sản thế chấp. Điều này là điểm yếu khá lớn của Compound so với đối thủ khi Aave hỗ trợ tới 26 loại tài sản, MakerDAO hỗ trợ 32 loại tài sản (trong đó có cả LP token làm tài sản thế chấp).

Đặc biệt là các loại tài sản nổi bật trong thị trường DeFi như Curve (CRV), Yearn Finance (YFI), Synthetix (SNX), Bancor (BNT),...

Mở rộng sang hệ sinh thái khác

Đa số các dự án hoạt động trên mạng lưới Ethereum đều có khả năng triển khai thêm những mạng lưới khác rất nhanh chóng, đặc biệt là những mạng lưới tương thích với EVM như Binance Smart Chain, Fantom hay Polygon. Điều này đã được Aave chứng minh thành công nhờ vào việc triển khai sang Polygon.

Hiện tại, Compound đã có tầm nhìn sẽ phát triển thêm ở Polkadot, tuy nhiên Polkadot chưa có động thái ra mắt Mainnet (chi tiết về Compound Chain phía dưới). Chính vì thế việc triển khai ở Polkadot sẽ làm mất đi thời gian và nguồn lực của Compound.

Compound nên sớm triển khai ở Binance Smart Chain và Polygon vì đây là hai hệ sinh thái có số lượng người dùng lớn, dòng tiền ổn định. Nếu triển khai thành công, lợi thế của Compound sẽ rất lớn vì:

  • Binance Smart Chain: Không có đối thủ lớn trừ Venus, DeFi TVL đạt 27 tỷ đô, chỉ thua DeFi TVL của Ethereum.
  • Polygon: Đã được “xâm chiếm” trước bởi Aave nhưng đây vẫn là hệ sinh thái rất tiềm năng nếu như Compound có thể triển khai chiến lược khác bằng cách tập trung hỗ trợ những token của hệ Polygon.

Liên kết B2B

Hiện tại, Compound cũng đã triển khai chức năng này, ví dụ như hợp tác với Alpha Finance, InstaDapp, cho phép người dùng có thể tiếp cận Compound dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một lĩnh vực chưa nhận được nhiều sự chú ý đó là các sàn giao dịch đòn bẩy phi tập trung.

Đối với các sàn giao dịch đòn bẩy phi tập trung, Compound có thể trở thành đối tác để cung cấp dịch vụ Lending. Thông qua đó, Compound có thể tăng số lượng người dùng còn các sàn giao dịch sẽ cải thiện được tính thanh khoản cũng như tăng tính trải nghiệm sản phẩm cho người dùng.

Đầu tư với Compound

Supply tại Compound

Theo góc nhìn cá nhân, Compound là nền tảng phù hợp cho những nhà đầu tư có vốn lớn và ưu tiên khả năng bảo toàn vốn hơn việc ưu tiên lãi cao trong thời gian ngắn vì Supply APY ở Compound rất thấp so với việc Farming stable pool ở các nền tảng Yield Farming khác.

Tuy nhiên, việc Supply ở Compound sẽ an toàn hơn rất nhiều so những AMM Pool, vì Compound là nền tảng uy tín và có khả năng bảo toàn vốn cao thông qua Reserve Pool được tích lũy lâu dài.

Anh em có vốn lớn có thể Supply tại Compound với lãi suất trung bình được thống kê dưới đây.

Đầu tư vào COMP token

Như mình đã phân tích về giá trị của COMP token phía trên, mặc dù áp lực release token thấp nhưng gần như Compound không tạo ra nhiều giá trị cho COMP token thông qua thặng dư ngoại trừ giá trị quản trị hệ thống.

Chưa kể Marketcap hiện tại của Compound đã lọt top 3 của lĩnh vực Lending và top 50 của toàn thị trường crypto, điều này khiến cơ hội tăng trưởng của Compound sẽ không còn cao nữa.

Chính vì thế, nếu anh em xác định đầu tư vào COMP token, hãy xem nó là khoản đầu tư dài hạn cho tiềm năng của nền tảng Compound trong thị trường Lending vì COMP holder sẽ không nhận được nhiều giá trị thông qua việc Supply tại Compound hay Farming tại Uniswap v3.

Nếu đầu tư vào token của những dự án Lending, mình sẽ ưu tiên những dự án có độ rủi ro cao hơn nhưng tiềm năng tăng trưởng cao hơn. Một số tiêu chí cơ bản:

  • Marketcap khoảng $100 - $200 triệu, FDV khoảng $400 - $500 triệu ⇒ Room tăng trưởng cao.
  • Dự án phải mang lại giá trị thặng dư cho token holder (thông qua việc stake, chia doanh thu,...).

Anh em lưu ý, đây là tiêu chí dưới góc nhìn cá nhân giúp anh em có thể định giá được TIỀM NĂNG TĂNG TRƯỞNG (MAX ROOM) thông qua tokenomics cơ bản của dự án. Ngoài ra, sự thành công của dự án còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Anh em vui lòng không xem đây là lời khuyên đầu tư.

Dự phóng trong tương lai

Compound và Đối thủ

Thị trường Lending đã hoàn toàn bị thống trị bởi ba thế lực lớn nhất là Aave, MakerDAO, Compound và có thể sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Trước đây, Compound từng đứng vị trí top 1 với TVL đạt hơn 11 tỷ đô, tuy nhiên hiện tại Compound đã rớt xuống vị trí số 3.

Trong cả ba dự án trên, Compound và MakerDAO thường xuyên thay đổi thứ hạng cho nhau, riêng Aave là nền tảng Lending có TVL vượt trội hơn cả vì Aave có mở rộng sang Polygon - hệ sinh thái có hiệu suất rất nổi bật trong thời gian vừa qua và thu hút không ít dòng tiền DeFi từ hệ Ethereum và Binance Smart Chain.

Theo góc nhìn cá nhân, sự phát triển của Compound nói riêng và cả lĩnh vực Lending nói chung sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tăng trưởng của toàn bộ thị trường DeFi. Chính vì thế, anh em không thể kỳ vọng Compound có thể “lội ngược dòng” hoặc mang lại giá trị khác cho người dùng như các nền tảng Launchpad.

Hiệu quả sử dụng vốn

Ngoài ra, anh em có thể tham khảo thêm chỉ số “Hiệu quả sử dụng vốn” (Capital Utilization) của các nền tảng Lending. Hiệu quả sử dụng vốn sẽ phản ánh với một khoản vốn đó, nền tảng nào sẽ tạo ra doanh thu nhiều hơn, tức mang lại cho Lender nhiều lợi nhuận hơn.

  • Hiệu quả sử dụng vốn = (Total Borrow/Total Supply)*100%.
  • TVL = Total Supply - Total Borrow.

Hình trên cho thấy đa số các nền tảng đều có hiệu quả sử dụng vốn khoảng 40 - 45%. Anh em có thể sử dụng con số này để làm mốc để so sánh với những dự án khác:

  • < 30%: Hiệu quả sử dụng vốn kém.
  • 40 - 50%: Hiệu quả sử dụng vốn tương đương thị trường chung.
  • > 60%: Hiệu quả sử dụng vốn tối ưu.

Gateway (Compound Chain) - Nhân tố đột phá của Compound

Gateway là blockchain riêng của nền tảng Compound được xây dựng trên Substrate của Polkadot, cho phép Compound có thể mở rộng khả năng tiếp cận người dùng mới. Đây là bước đi tương tự Aave khi mở rộng sang hệ sinh thái Polygon, TVL của Aave đã tăng trưởng vượt bậc (TVL tăng thêm 4 tỷ đô từ Polygon) và bứt phá khỏi bộ ba với MakerDAO và Compound.

Hiện tại Gateway đã thành công triển khai Testnet và sẽ kết hợp thêm với nhiều dự án trên Polkadot, điển hình là Acala - DeFi station trên Polkadot. Điểm khác biệt nhỏ là Gateway sẽ sử dụng native token là CASH thay vì sử dụng chung native token như Aave.

Gateway vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa có những thông tin cụ thể, tuy nhiên anh em vẫn có thể kỳ vọng rất lớn vào sự kết hợp của Compound và Polkadot. Hiện tại Polkadot chưa Mainnet, chính vì thế mình không có dữ kiện cụ thể để đưa ra dự phóng cho anh em.

Tuy nhiên, hệ sinh thái Polkadot sẽ không thua kém Polygon. Lợi thế hoàn toàn sẽ nằm trong tay Compound nếu như họ biết cách tận dụng nguồn lực có sẵn để trở thành nền tảng Lending lớn nhất trên Polkadot.

Kết luận

Dưới đây là những kết luận của mình về mô hình hoạt động của Compound Finance:

  • Compound có mô hình hoạt động đơn giản và hiệu quả, người dùng cần hiểu về cToken.
  • Supplier tại Compound sẽ có lãi khá thấp nhưng an toàn cao do có Reserve Pool bảo trợ.
  • COMP token không mang lại nhiều giá trị thặng dư ngoài quyền quản trị Compound.
  • COMP token đang được bảo trợ rất lớn từ giá trị doanh thu của Compound.
  • Compound sẽ tiếp tục thống trị lĩnh vực Lending cùng với Aave và MakerDAO trong thời gian tới.
  • Compound Chain là nhân tố then chốt giúp Compound vượt Aave trong tương lai.

Phía trên là tất cả những thông tin và góc nhìn cá nhân của mình đối với Compound, hi vọng anh em sẽ note lại được những thông tin hữu ích phục vụ nhu cầu đầu tư cá nhân.

Để có góc nhìn tổng quan nhất về các dự án thuộc lĩnh vực Lending, anh em tham khảo thêm các bài Phân tích mô hình (How It Works) khác: Alpha Finance (ALPHA), Cream Finance (CREAM), MakerDAO (MKR).

RELEVANT SERIES