SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Xu hướng đầu tư Crypto 2021: Đâu là nhân tố thống trị thị trường?

Thông qua phân tích dữ liệu đầu tư của các quỹ lớn để hiểu về xu hướng đầu tư Crypto 2021, từ đó đưa ra dự phóng cho năm 2022.
Khang Kỳ
Published Jan 02 2022
Updated Jun 27 2023
14 min read
thumbnail

Bài viết này được lấy số liệu từ 12 quỹ đầu tư lớn trên thị trường, bao gồm: Multicoin, Paradigm, a16z, Hashed, Three Arrows Capital, Delphi Digital Coinbase, Spartan, Binance Labs, Framework, Alameda Research và Polychain. Qua đó sẽ giúp anh em có cái nhìn tổng quan hơn về hoạt động đầu tư của các quỹ này trong năm 2021

các quỹ đầu tư crypto

Top 10 dự án thu hút quỹ đầu tư nhất 2021

Top 10 dự án được nhiều quỹ lựa chọn nhất trong năm 2021 được thể hiện ở hình dưới.

top 10 dự án thu hút quỹ

Với 6/12 quỹ đầu tư, dYdX đang là dự án được các quỹ lớn đầu tư thông qua hai vòng gọi vốn:

  • Series B: $10M với Three Arrows Capital, DeFiance, Hashed, Polychain,...
  • Series C: $60M với a16z, Delphi Digital, Polychain, Three Arrows Capital,...

Các dự án còn lại là có thể chia ra 3 thứ bậc:

 
  • Được 5 quỹ đầu tư: Manta Network và Lido.
  • Được 4 quỹ đầu tư: Coin98, Layer Zero, Worldcoin và StarkWare.
  • Được 3 quỹ đầu tư: X-Margin, MCDEX và Beta Finance.

Một điều thú vị là trong 10 dự án này, có đến 4 dự án làm về Derivatives (tính cả Beta Finance). Worldcoin - dự án với tham vọng phân phối đồng coin của mình thông qua việc quét võng mạc, cũng nằm trong số dự án được nhiều quỹ đầu tư, dù ý tưởng vẫn còn đang gây tranh cãi.

Top 10 dự án có ROI cao nhất trong năm 2021

Ở đây mình sẽ lấy những dự án không chỉ được đầu tư trong năm 2021, mà còn là những dự án được đầu tư trước đó. Mục đích là có thể thấy những dự án nào thành công nhất trong danh mục đầu tư của các quỹ. Top 10 dự án về ROI (giá ATH trong năm so với giá đầu năm) là:

top 10 dự án roi cao

Nhìn vào hình trên, có thể thấy đa số là các hệ sinh thái cực hot trong năm 2021, cũng như Gaming, Metaverse. Chỉ có hai dự án hơi “lạc loài" là Rari Capital thuộc mảng Lending, và Livepeer - nền tảng Livestream phi tập trung.

Mức độ năng động của các quỹ

Qua phần này, anh em sẽ biết được quỹ nào “siêng năng" đầu tư nhất trong năm 2021.

mức độ năng động của quỹ

Ngoài việc là một trong những sàn nổi tiếng nhất Crypto, mảng Ventures của Coinbase cũng hoạt động khá nhiều. Trái ngược với Coinbase, mảng đầu tư trong năm 2021 của Binance Labs hay Three Arrows Capital không diễn ra thường xuyên.

Qua số liệu trên, trung bình một quỹ sẽ có khoảng 47 deals (một dự án có thể gọi vốn nhiều vòng). Ngoài ra, số lượng deals cũng bị dàn trải từ khoảng 25 đến 100 deal, không tập trung rõ ở vùng nào.

Tỷ trọng các mảng đầu tư năm 2021

Có tổng cộng khoảng 400 dự án được đầu tư từ 12 quỹ trên trong suốt năm 2021, với tỉ lệ như sau:

tỷ trọng các mảng đầu tư

NFT/Gaming (22.3%)

Đây là các dự án liên quan đến NFT, như giải quyết vấn đề phân mảnh, Marketplace, AI, Gaming, Gaming Guild, Metaverse,... Ví dụ như Yield Guild Game, SZNS, Fractional,...

Có thể thấy, năm 2021 là một năm dành cho những gì liên quan đến NFT, không chỉ đơn thuần là những bộ sưu tập, mà Gaming, Marketplace,... cũng phát triển. Bên cạnh đó, một số dự án giải quyết vấn đề thanh khoản của NFT cũng được chú ý (SZNS, Fractional).

Infrastructure (15.5%)

Đây là các dự án Layer 1, Layer 2, Oracle, API,... Ví dụ như The Graph, Solana, Chainlink, StarkWare,...

Xét về Layer 1, đa phần đều là những đợt gọi vốn tiếp theo, không phải vòng Seed hay Private. Ngoài ra, một số team làm về Layer 2 cũng được các quỹ đầu tư, nổi bật nhất là StarkWare (Starknet & StarkEx), Offchain Labs (Arbitrum) hay Matter Labs (ZkSync).

Trading (15.1%)

Đây là các dự án hỗ trợ giao dịch như CEX, DEX, Options, Derivatives,... Ví dụ như FTX, Uniswap, dYdX,...

Giao dịch là hoạt động khá cơ bản trong thị trường, không chỉ trên DEX, mà còn ở nhiều nơi khác. Do đó, không quá khó hiểu khi Trading lại đứng thứ ba trong tỉ lệ các mảng đầu tư.

Lending/Saving (8.6%)

Đây là các dự án gửi tiền để nhận lãi suất, có thể kèm theo tính năng vay mượn. Ví dụ như Anchor Protocol, Notional, Orion Money, Jet Protocol,...

Lending là một phân khúc khá tiêu biểu của DeFi, do đó dễ hiểu khi sector này xếp thứ tư sau mảng giao dịch. Nhìn chung, khi chia nhỏ Lending, tỉ lệ các dự án Money Market (cơ chế giống Compound, Aave) được đầu tư nhiều hơn dạng Debt Protocol (cơ chế giống MakerDAO), cụ thể là khoảng 75% và 25%. Trong đó, cũng bắt đầu xuất hiện một số dự án cho vay tín chấp.

Wallet/Payment (4.5%)

Đây là các dự án thuộc mảng lưu trữ tiền hoặc hỗ trợ thanh toán. Ví dụ như Coin98, Math Wallet, Mobilecoin,...

Ví lưu trữ phi tập trung là một trong những thành phần không thể thiếu đối với người dùng DeFi hiện nay. Có tổng cộng 11 ví được đầu tư, đa phần đều giải quyết một vấn đề: giúp người dùng có thể làm mọi tác vụ chỉ trên một chiếc ví (All-in-one Wallet). Ngoài ra, chỉ có hai dự án làm về việc thanh toán, đó là Moonpay và Mobilecoin.

Social/Community (4.1%)

Đây là các dự án làm về cộng đồng như mạng xã hội, hỗ trợ theo dõi và bỏ phiếu cho các Proposal. Ví dụ như Grape Protocol, Only1, Commonwealth,...

Social/Community là mảng mới, chỉ được biết đến từ giữa năm 2021. Đây là các dự án sinh ra như một Facebook, Twitter sử dụng Blockchain nhằm mang lại tính phi tập trung. Ngoài ra, các Proposal cũng dần được để ý nhiều hơn, nên cũng có dự án giải quyết việc phân mảnh Proposal được đầu tư.

Risk Management (3.1%)

Đây là các dự án phòng tránh rủi ro như bảo hiểm, audit, nền tảng dùng cho bug bounty,... Ví dụ như CertiK, Immunefi, Risk Harbor, InsurACE,...

Vấn nạn hack trở nên trầm trọng trong Cryto nói chung và DeFi nói riêng. Do đó, khá nhiều giải pháp ra đời nhằm khắc phục vấn đề này, không chỉ đơn thuần là bảo hiểm hay audit. Có thể kể ví dụ như Immunefi với nền tảng chuyên về Bug Bounty, khuyến khích các hacker tìm lỗi cho các dự án; hay Certora với công nghệ phân tích Smart Contract;...

Data (2.1%)

Đây là các dự án cung cấp dữ liệu on-chain, hoặc các phân tích. Ví dụ như Messari, Dune Analytics, Nansen,...

Dữ liệu là thứ quan trọng để giúp chúng ta “sống sót” trong thị trường. Các dự án như Dune Analytics, Nansen, CryptoQuant,... cũng dần được nhiều người biết đến. Ngoài ra, một cái tên quen thuộc khác là Messari, với các bài phân tích, dữ liệu chất lượng, cũng có một đợt gọi vốn lên đến $21M trong năm nay.

Liquidity (2.1%)

Đây là các dự án giải quyết vấn đề thanh khoản. Ví dụ như Lido, pSTAKE, ClayStack, Tokemak,...

Thanh khoản trong năm nay không chỉ đơn thuần liên quan đến việc trao đổi trượt giá, mà còn có vấn đề về hiệu quả sử dụng vốn. Các dự án đầu tư trong năm nay tập trung vào việc Liquid Staking, giúp người dùng có thể vừa kiếm được lãi suất Staking, vừa sử dụng để tham gia hoạt động DeFi. Ngoài ra, Tokemak cũng là giải pháp cho việc điều phối thanh khoản mà không cần Liquidity Mining, giúp token dự án không bị xả vô tội vạ.

Others (22.7%)

Đây là các mảng khác khá mới lạ, hoặc không có nhiều dự án như Synthetic, MEV, Flashloans,... Ví dụ như Furucombo, Eden, Synthetix, Taxbit,...

Các mảng khác như Synthetic, IDO Platform, lưu trữ, Stablecoin,... cũng được đầu tư, nhưng không nhiều bằng các mảng trên. Ngoài ra, cũng có những dự án khá lạ, mà hiện tại vẫn chưa biết được sự thành công trong tương lai, tiêu biểu như Worldcoin mà mình có nhắc ở trên.

Dự phóng năm 2022

NFT/Gaming

Dựa theo biểu đồ trên, có thể thấy NFT/Gaming là mảng được nhiều nhà đầu tư yêu thích. Đây cũng là một trong những trend lớn nhất năm 2021. NFT ở đây không còn là những bộ sưu tập, mà phân hoá sâu hơn, đó là Gaming hay Metaverse. Chi tiết cụ thể các mảng nhỏ hơn như sau:

dự án gaming

Với 30% thuộc về Gaming (trò chơi và cả Guild), cùng với lịch sử bùng nổ chỉ mới diễn ra vào nửa năm sau 2021, Gaming hứa hẹn là một trong những niches bùng nổ của năm sau.

Tiếp theo, mảng cơ sở hạ tầng dành riêng cho Gaming cũng từ đó phát triển. Mảng này có thể là Guild, hay các nền tảng Blockchain tối ưu cho Gaming,...

Tiếp theo là Marketplace, đây là mảng quan trọng trong NFT, vì là nơi trao đổi mọi thứ. Trong số các dự án Marketplace, có hai cái tên rất phổ biến và ra đời đã lâu, đó là OpenSea và Rarible. Do đó, mình dự đoán các dự án mới sẽ rất khó cạnh tranh với hai cái tên này, đặc biệt là OpenSea, vốn đang là nền tảng trao đổi NFT lớn nhất hiện tại.

Cuối cùng, với tỉ lệ thấp nhất: 6.3%, Metaverse có vẻ vẫn còn quá sớm để trở thành trend lớn trong năm sau. Nếu anh em có đọc về các suy nghĩ của KOL trên Twitter, hay bài viết về Metaverse trên Coin98, sẽ thấy cơ sở hạ tầng hiện tại vẫn chưa đủ để biến Metaverse thành đúng nghĩ của nó.

Một số mảng khác khá mới lạ được đầu tư trong phân khúc NFT, đó là AI, hỗ trợ trưng bày, âm nhạc,... Đây là những mảng khá mới nên chưa thể đánh giá được trong bài viết này.

Infrastructure

Cơ sở hạ tầng là nền móng của các ứng dụng xây dựng phía trên. Trong năm 2021, có khoảng 45 dự án thuộc mảng cơ sở hạ tầng được đầu tư, với tỉ lệ như sau:

dự án infrastructure

Năm 2021 là một năm rất thành công với các dự án Layer 1, với ROI khủng khiếp mà mình đã đề cập ở đầu bài. Đối với các quỹ, họ đã mua từ các vòng Seed, Private trước đó nên ROI sẽ lớn hơn rất nhiều nếu so với chỉ ROI của năm 2021. Thông thường, nếu anh em đầu tư vào một dự án với ROI đạt được vào khoảng 100x, thì dường như chỉ còn chốt lời chứ không bỏ vào thêm.

Nhưng họ không nghĩ vậy. Bất chấp Solana, Terra,... đã tăng trưởng khủng khiếp, họ vẫn đầu tư vào các vòng gọi vốn mới với định giá hiện tại đang là khoảng vài chục tỉ đô. Đây là dấu hiệu cho thấy họ vẫn còn kì vọng rất lớn đối với các dự án Layer 1.

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều gương mặt chưa có sự đột phá như Mina, Celo, Secret Network,...

Nói về Layer 2, dường như quanh đi quẩn lại chỉ có những cái tên như Optimism, Arbitrum,... Do đó, không có gì quá ngạc nhiên khi 8.8% dự án Layer 2 cũng là những team đứng sau những Layer 2 trên, như MatterLabs, StarkWare,...

Oracle từng là mảng hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng năm 2020, và gần như chìm vào quên lãng trong năm 2021. Do đó, Oracle chỉ chiếm 4.7% trong tổng số dự án cơ sở hạ tầng được đầu tư.

Trading

Với số lượng dự án tương đương mảng cơ sở hạ tầng, các dự án hỗ trợ giao dịch cũng là nơi được nhiều quỹ lớn quan tâm, vì chúng là nơi người dùng mua và bán tài sản. Dưới đây là tỉ lệ các dự án trong mảng Trading:

mảng trading

Các sàn DEX chiếm 54.5% cho thấy các quỹ tin vào một tương lai DEX vẫn có thể phát triển, hay nhìn xa hơn là DeFi, vì DEX là cái tên đầu tiên khi người dùng muốn mua, bán token trong DeFi. 

Nhưng không vì vậy mà phái sinh bị lép vế, khi có khoảng 26% số lượng dự án giúp người dùng “long/short". Derivatives là một công cụ giao dịch tuyệt vời dành cho anh em nào vốn ít. Ngoài ra, việc các sàn CEX ở Trung Quốc bị fud vào cuối năm 2021 cho thấy các sản phẩm giao dịch của DeFi như CEX, Derivatives là giải pháp dành cho người dùng nếu CEX quá khó để tiếp cận.

Lý do Options (quyền chọn) chỉ đứng thứ ba với 15.2% có lẽ là do không nhiều người quá rành để sử dụng quyền chọn. Ngoài ra, đa phần người dùng thích việc lên sàn mua thẳng hơn là sử dụng quyền chọn.

CEX với 4.5% chính là hai sàn FTX và AscendEX. Năm 2021 không có nhiều quỹ đầu tư vào các sàn CEX, theo mình lý do nằm ở chính sàn, đó là họ không có nhu cầu gọi vốn như các dự án DeFi - phần lớn đến từ những team không có thế mạnh tài chính.

Dựa vào các dữ liệu trên, hay việc top 10 có 4 dự án Derivatives, mình tin rằng năm 2022 sẽ thấy sự phát triển của DEX và Derivatives. Với việc năm 2021 không có gì nổi bật ở mảng quyền chọn, nên năm 2022 khả năng cao Options cũng vẫn sẽ như vậy.

Các mảng khác

Sau đây là một số mảng khá thú vị mà mình nghĩ năm 2022 có thể bùng nổ. Đầu tiên là những dự án làm về bảo mật. Trước năm 2021, có rất nhiều dự án làm về mảng bảo hiểm ra đời, nhưng không có sự đột phá dù năm 2021 là một năm tương đối “bội thu" cho hackers. Do đó, mình nghĩ sẽ có các giải pháp khác tối ưu hơn được ra đời vào năm 2022.

Ngoài ra, mảng Social cũng là thứ cần được để ý, khi năm 2021 chứng kiến nhiều phốt rò rỉ dữ liệu của các công ty tập trung. Hay một mảng khác là phân tích dữ liệu cũng là thứ đang dần được cộng đồng nhìn nhận đúng hơn về tầm quan trọng.

Tổng kết

Mình sẽ tóm tắt lại một số ý chính thông qua việc phân tích dữ liệu đầu tư năm 2021 của các quỹ lớn như sau:

  • NFT/Gaming là mảng được đầu tư nhiều nhất, và khả năng cao cũng sẽ thống trị thêm một thời gian nữa trong năm 2022.
  • Các nhà đầu tư vẫn còn kì vọng với mảng cơ sở hạ tầng, cụ thể là Layer 1, bất chấp việc thu về lợi nhuận khổng lồ. 
  • DEX, Derivatives cũng là những mảng có thể vẫn có chỗ đứng, hay phát triển trong năm 2022.
  • Một số mảng khác cần được chú ý như các dự án phân tích dữ liệu, mạng xã hội, giải pháp nâng cao bảo mật.

Trên đây là phân tích về việc đầu tư của các quỹ năm 2021. Anh em có thắc mắc gì hãy comment ở phía dưới để thảo luận cùng Coin98 nhé!

 

RELEVANT SERIES