Phí giao dịch Blockchain là gì? Các cách giảm phí giao dịch
Phí giao dịch blockchain là gì?
Phí giao dịch blockchain là khoản phí mà người dùng phải trả để hoàn thành một hành động như gửi, mua, bán, cho vay tiền điện tử… và được tính bằng native token của blockchain đó. Ví dụ: Ethereum là token ETH, Solana là token SOL…
Mục đích của phí blockchain là giảm lượng giao dịch spam trên mạng, nhằm đảm bảo nền tảng hoạt động ổn định và ngăn chặn các rủi ro tấn công từ tin tặc. Đồng thời, phí blockchain cũng dùng để trả thưởng khuyến khích các thợ đào, node, validator… tham gia vào quá trình xác thực và ghi lại giao dịch trên nền tảng.
Phí giao dịch blockchain có thể cao hoặc thấp, tùy thuộc vào cách tính của mạng và một số yếu tố tác động khác. Phí cao có thể là nguyên nhân cản trở việc blockchain trở nên phổ biến, nhưng phí thấp có thể gây ra những rủi ro trong an toàn và bảo mật.
So sánh phí giao dịch blockchain và phí gas
Từ khi mạng lưới Ethereum ra đời, phí giao dịch blockchain còn có tên gọi khác là phí gas (gas fee), một loại phí mà người dùng phải trả để hoàn thành giao dịch, dành riêng cho các mạng lưới có khả năng thực thi hợp đồng thông minh.
Hầu hết các blockchain hiện nay đều tính phí gas với người dùng ví dụ như Ethereum, Solana, Polkadot…
Trong phí gas có 2 thành phần chính mà người dùng cần quan tâm là:
- Gas price: Là số tiền mà người dùng sẵn sàng trả cho 1 đơn vị Gas, gas price ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ giao dịch được xác nhận.
- Gas limit: Là lượng gas tối đa mà người dùng sẵn sàng trả để một giao dịch được thực hiện.
Đọc thêm: Gas Price và Gas Limit là gì? Các tips tối ưu phí gas.
Người dùng có thể hiểu hơn phí giao dịch và phí gas qua bảng sau:
Tại sao Blockchain phải có phí giao dịch?
Hạn chế tấn công spam
Tấn công spam mô tả tin tặc (hacker) cố ý thực hiện hàng loạt giao dịch với mục đích xấu, nhằm gây tắc nghẽn mạng, đồng thời làm chậm thời gian xác thực giao dịch và tạo ra các lỗ hổng để trích xuất giá trị từ blockchain đó.
Cuộc tấn công này có thể diễn ra trên tất cả các mạng lưới trong thị trường DeFi. Tuy nhiên, hacker thường lợi dụng các blockchain có mức phí thấp để giảm chi phí của cuộc tấn công và đạt được mục đích của mình. Đối với blockchain có mức phí cao như Ethereum, cuộc tấn công quy mô lớn sẽ trở nên rất tốn kém để thực hiện và tỷ lệ thành công rất thấp.
Ví dụ thực tế: Trước đây, mạng Polygon được nhiều người biết đến nhờ phí giao dịch thấp, khoảng 0.02 MATIC (native token của Polygon), tương đương 0.001 USD.
Theo dữ liệu từ Flipside Crypto, vào tháng 5/2021, kẻ tấn công đã sử dụng bot để thực hiện 8 triệu giao dịch mỗi ngày trên mạng Polygon. Trong khoảng 120 ngày, hacker đã thu về 218.5 ETH từ việc kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) với số vốn ban đầu là 14 ETH (đã trừ đi các chi phí spam mạng), lợi nhuận trung bình rơi vào khoảng 6,800 USD/ngày.
Biểu đồ cho thấy số lượng giao dịch spam trên mạng Polygon (8 triệu giao dịch/ngày) tại thời điểm diễn ra vụ việc lớn hơn rất nhiều so với mạng Ethereum (1.2 triệu giao dịch/ngày).
Sau sự kiện trên, Polygon đã tăng mức phí trung bình trên mỗi giao dịch lên khoảng 0.5 USD nhằm hạn chế các cuộc tấn công tương tự xảy ra.
Tăng bảo mật
Một phần phí giao dịch được gửi cho các các thợ đào và validator như phần thưởng khuyến khích để duy trì và giúp cho mạng hoạt động ổn định. Càng nhiều người tham gia quá trình xác thực, mạng càng trở nên bảo mật hơn.
Những yếu tố ảnh hưởng đến phí giao dịch Blockchain
Phí giao dịch của blockchain không cố định mà phụ thuộc vào hai thành phần chính: mạng blockchain và một số yếu tố khác.
Mạng Blockchain
Mỗi blockchain có cách tính phí giao dịch và mục đích sử dụng chúng khác nhau.
Giả sử, trên Bitcoin blockchain, phí giao dịch sẽ được trích một phần để trả cho các thợ đào qua quá trình xác thực để tạo ra một khối mới. Tập hợp các giao dịch chưa được xác nhận được gọi là mempool (viết tắt của memory pool). Các thợ đào sẽ ưu tiên các giao dịch gửi BTC từ nếu người dùng trả phí hợp lý.
Một số ví cho phép người dùng đặt phí giao dịch theo cách thủ công. Tức là người dùng cũng có thể gửi BTC với phí bằng 0, tuy nhiên các thợ đào rất dễ bỏ qua giao dịch này. Phí giao dịch Bitcoin không phụ thuộc vào số tiền được gửi mà phụ thuộc vào kích thước giao dịch (tính bằng byte).
Ví dụ: Trang thực hiện một giao dịch có kích thước là 400 byte, trong đó 1 byte = 80 satoshi (đơn vị của đồng Bitcoin). Trong trường hợp này, Trang cần trả khoảng 32,000 satoshi ~ 0.0032 BTC để hoàn thành giao dịch.
Trong trường hợp lưu lượng truy cập mạng cao và nhu cầu giao dịch BTC lớn, phí tối thiểu để tính cho 1 byte có thể sẽ tăng lên.
Do đó, phí cao là một trong những nguyên nhân khiến BTC khó được dùng để thanh toán trong các hoạt động hằng ngày. Ví dụ như việc bạn không thể mua một tách cà phê trị giá 3 USD vì phí giao dịch quá cao so với chính ly cà phê đó.
Lưu ý, có một số blockchain sẽ tính phí giao dịch một cách không hợp lý và khá cao so với mức trung bình. Vì vậy, trước khi xác nhận giao dịch, người dùng cần kiểm tra và để ý cẩn thận để tránh trường hợp rủi ro có thể xảy ra.
Các yếu tố khác
Bên cạnh cách tính toán dựa trên mạng blockchain, phí giao dịch cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài như:
- Tình trạng tắc nghẽn mạng: Xảy ra khi có quá nhiều giao dịch được gửi đến mạng blockchain trong cùng khoảng thời gian. Điều này dẫn đến mạng bị tắc nghẽn và làm chậm quá trình xác thực giao dịch của người dùng. Kết quả là người dùng thường phải trả khoản phí lớn hơn để được ưu tiên xử lý so với các giao dịch khác.
- Cung cầu trong thị trường: Yếu tố cung cầu ảnh hưởng đến phí khi cầu (nhu cầu thực hiện giao dịch của người dùng) vượt quá cung (khả năng xử lý của mạng), khiến phí giao dịch có xu hướng tăng lên.
Cách tính phí giao dịch trên một số blockchain phổ biến
Phí giao dịch Ethereum
Phí giao dịch Ethereum được đo bằng công suất điện toán cần thiết để xử lý một giao dịch và được gọi là gas. Phí gas biến động giá theo thị trường vì được tính bằng ETH, native token của mạng.
Trong khi lượng gas cần thiết cho một giao dịch ít khi thay đổi, thì giá gas có thể tăng hoặc giảm. Giá gas này liên quan trực tiếp đến lưu lượng mạng. Nếu bạn trả giá gas cao hơn, các miner có thể sẽ ưu tiên cho giao dịch của bạn.
Tổng phí gas có thể hiểu là các khoản thanh toán để đổi lấy năng lượng điện toán cần thiết, cộng với tiền phí để xử lý các giao dịch nhanh hơn. Tuy nhiên, người dùng cũng nên cân nhắc gas limit để xác định mức giá tối đa phải trả cho một giao dịch trên Ethereum.
Ví dụ: Nếu một giao dịch phải tốn 107,218 gas và giá gas là 70.639167932 Gwei, phí giao dịch sẽ là 7,573,790 Gwei hoặc 0.007573790 ETH ($25.56)
Người dùng có thể theo dõi phí gas tại Etherscan để xác định được mức phí phù hợp.
Phí giao dịch Solana
Solana là blockchain mã nguồn mở được phát triển bởi Solana Labs. Solana có khả năng xử lý nhiều giao dịch trên giây với mức phí thấp, từ đó thu hút được lượng lớn người dùng.
Các tính phí giao dịch tại Solana được đo bằng công suất điện toán cần thiết để xử lý một giao dịch, đồng thời dùng để trả cho các validator đã tham gia quá trình xác thực. Công thức tính phí giao dịch Solana như sau:
Phí giao dịch = Phí điện toán + Phí chữ ký
Trong đó:
- Đơn vị phí Solana: Lamport
- Phí điện toán: được cố định cho mỗi giao dịch, hiện ở mức 5,000 lamport (0.00005 SOL)
- Phí chữ ký: Được tính bằng cách nhân số lượng chữ ký cần có trong mỗi giao dịch với mức phí mạng. Mức phí mạng được xác định bởi tình trạng tắc nghẽn của mạng.
Ví dụ: Nếu một giao dịch có hai chữ ký và mức phí mạng cho mỗi chữ ký là 1,000 lamport (0.00001 SOL), từ đó tổng phí giao dịch sẽ là: 5,000 + 1,000 + 1,000 = 7,000 lamport (0.00007 SOL).
Solana cho phép người dùng có thể theo dõi trực tiếp phí giao dịch tại Solscan.
Phí giao dịch Binance Smart Chain
BNB Chain sử dụng cơ chế đồng thuận bằng chứng ủy quyền (Proof of Authority). Validator của mạng cần staking BNB để trở thành người xác thực và sau khi xác thực thành công một khối, họ cũng sẽ nhận được phí giao dịch như phần thưởng khuyến khích.
Thực tế, hệ thống tính phí giao dịch của BNB Chain tương tự của Ethereum. Trong đó, phí giao dịch được tính bằng sức mạnh điện toán cần thiết để thực hiện các giao dịch hoặc thực hiện hợp đồng thông minh.
Phí giao dịch được biểu thị bằng gwei, là mệnh giá nhỏ của BNB - tương đương 0,000000001 BNB. Người dùng có thể đặt giá gas cao để có giao dịch của họ được ưu tiên khi thêm vào block.
Trong ví dụ dưới đây, giá gas là 10 Gwei. Lưu ý, giới hạn gas đã được đặt thành 622,732 Gwei, nhưng thực tế số gas được sử dụng chỉ là 352,755 (52.31%) Với số Gwei đã được sử dụng trong giao dịch này, phí giao dịch thực tế là 0.00325755 BNB (tầm 1 USD).
Tìm hiểu thêm Các thuật toán đồng thuận Blockchain.
Cách giảm phí giao dịch trên Blockchain
Việc giảm thiểu phí giao dịch luôn là mối quan tâm của người dùng khi tham gia thị trường crypto, đặc biệt là với mạng lưới có phí đắt đỏ như Ethereum.
Thông thường, một giao dịch trên Ethereum sẽ giao động trong khoảng 5-10 USD. Tuy nhiên, ở thời điểm mạng có nhiều người tham gia, một giao dịch trên Ethereum có thể phải trả mức phí gas lên đến 50 USD thậm chí cao hơn.
Do đó, để hạn chế mức phí phải trả quá cao so với thực tế, người dùng nên tránh thực hiện giao dịch trong thời gian cao điểm.
Hiểu đơn giản, khi mạng blockchain tiếp nhận quá nhiều giao dịch cùng lúc, phí sẽ tăng mạnh một cách bất thường. Vì vậy, người dùng có thể sử dụng trình khám phá (explorer) tại trình duyệt blockchain cung cấp như Etherscan, Solscan… để nắm được mức phí tại thời điểm đó, từ đó có thể xác định được thời gian và khối lượng giao dịch hợp lý giúp tiết kiệm chi phí.
Last time Ethereum median gas was this high was in May 2022 ⛽️
— hildobby (@hildobby_) May 4, 2023
source: https://t.co/bjIOV2m4Cd pic.twitter.com/H2sqHAtvaZ
Phí gas trên Ethereum tăng cao vì cơn sốt meme coin
Tuy nhiên, cần lưu ý, việc giảm thiểu phí có thể ảnh hưởng đến quá trình xác thực và hoàn thành giao dịch. Người dùng cần xác định đâu là yếu tố ưu tiên: thời gian giao dịch hay phí giao dịch để phù hợp với chiến lược của bản thân.
Một số câu hỏi về phí giao dịch blockchain
Phí gas có phải là phí giao dịch blockchain không?
Xét về mặt kỹ thuật, phí gas chính là phí giao dịch blockchain. Tuy nhiên, trên thực tế, thuật ngữ “phí gas” không được sử dụng trong thị trường tiền điện tử trước khi Ethereum ra đời. Do đó, phí gas chỉ dành riêng cho mạng lưới có khả năng thực thi smart contract.
Ví dụ: Litecoin là blockchain phiên bản “fork” của Bitcoin. Litecoin không hỗ trợ việc thực thi smart contract, do đó nền tảng cũng không áp dụng phí gas đối với người dùng.
Tại sao phí giao dịch blockchain lại cao?
Khi mạng blockchain phải tiếp nhận quá nhiều giao dịch cùng lúc, một số giao dịch sẽ cần chờ để được xử lý. Do đó, người dùng thường có xu hướng điều chỉnh mức phí cao hơn để giao dịch được hoàn thành sớm. Điều này cũng dẫn đến việc tăng mức phí trung bình vì thợ đào sẽ ưu tiên xử lý những giao dịch có phí cao hơn.
Có blockchain nào miễn phí giao dịch không?
Không. Hầu hết blockchain đều tính phí cho mọi giao dịch của người dùng. Tuỳ thuộc vào công nghệ và đặc tính của blockchain mà phí có thể khác nhau.
Nếu không trả phí thì giao dịch có được xác thực không?
Nếu người dùng không trả phí, giao dịch của họ vẫn có thể được gửi đến mạng blockchain. Tuy nhiên, để giao dịch được xác thực sẽ phụ thuộc vào miner hoặc validator.