SETTINGS
Content language
flag Vietnamese
Vietnamese
flag Vietnamese
Vietnamese
Tiếng việt
flag English
English
English
Channel logo
Coin98 Insights
Save
Copy link

Three Arrows Capital (3AC) sụp đổ: Bong bóng vay nợ phát nổ

“Lòng tham quá lớn là cội nguồn cho sự sụp đổ”. Three Arrows Capital qua sự việc được phân tích chi tiết bên dưới sẽ cho ta thấy “lòng tham” được biểu hiện ở đây là gì và nó đã âm thầm gây ảnh hưởng cho thị trường crypto lớn đến nhường nào.
Avatar
vycao
Published Jun 19 2022
Updated Jun 20 2023
28 min read
thumbnail

Tổng quan về quỹ Three Arrows Capital (3AC)

Thời gian vừa qua, câu hỏi về việc Three Arrows Capital (3AC) là một quỹ như thế nào được dấy lên.

3AC về mặt bản chất là một “proprietary trading firm”, tức là quỹ đầu tư trực tiếp vào các loại tài sản sử dụng nguồn vốn của mình để đem về lợi nhuận cho chính tổ chức này. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của họ cũng không cố định nên đã có những khoản 3AC đầu tư nhờ nguồn tiền bên ngoài. 

3AC đăng ký kinh doanh là quỹ hedge fund, nghĩa là quỹ phòng hộ sử dụng tiền từ các nhà đầu tư khác rồi đem đi đầu tư, lợi nhuận sẽ chia cho các bên tham gia. Mô hình hoạt động của 3AC là không rõ ràng và có phần linh hoạt. 

Vậy Danh mục đầu tư của 3AC có gì? 

Trường phái đầu tư của 3AC theo hướng “Được ăn cả, ngã về mo" với khẩu vị rủi ro cao. Portfolio của 3AC trải dài ở nhiều mảng như DEX, Lending, Base Protocol, Asset Management. Ngoài ra, 3AC cũng đầu tư vào các tổ chức cung cấp dịch vụ vốn như BlockFi, Deribit và các quỹ khác như Multicoin Capital, Coincident Capital,...


Danh mục đầu tư quỹ 3AC. Nguồn: Coin98 Insights

Việc đưa danh mục đầu tư của quỹ vào trong bài để chúng ta cùng review lại các dự án, token mà quỹ đã đầu tư vì chúng có liên quan mật thiết đến sự kiện lần này. 

Ngoài ra, việc đề cập đến portfolio 3AC là để mọi người có được phương án cẩn trọng với lịch vesting, trả token của quỹ 3AC mà có thể ảnh hưởng đến portfolio của mọi người.

Lý do sẽ đề cập chi tiết ở mục bên dưới. 

Lưu ý: Mọi góc nhìn, nhận định trong bài có thể là những nguồn tin đến từ các bên liên quan (nhưng muốn giấu thân phận), nhận định cá nhân tác giả, suy nghĩ của các KOLs. Vì vậy, không thể tránh được xu hướng chủ quan và mong độc giả chỉ xem bài viết là tài liệu tham khảo và chắt lọc thông tin. Đội ngũ Coin98 Insights sẽ cố gắng phân tích sự việc qua nhiều lăng kinh khác nhau nhằm đem đến tính khách quan nhất.

Chủ đề "Three Arrows Capital (3AC) sụp đổ" cũng được trình bày một cách trực quan trong video được thực hiện bởi Coin98 Insights TV, anh em có thể xem ngay dưới đây.

Mặt trái của quỹ 3AC: Zhu Su là CEO hay là “shiller” của Three Arrows Capital?

Tại sao chúng ta lại cần bàn về khía cạnh mặt trái của quỹ 3AC. Đó chính là bởi vì: Zhu Su - CEO của 3AC là 1 “shiller”


Profile Zhu Su

Có một đặc điểm khiến ta hoài nghi su zhu là 1 shiller nằm ở: 

  • Thói quen đổi “bio”.
  • Đăng thread trên tài khoản twitter.

Zhu Su biết rõ 3AC với vị thế là 1 quỹ lớn trong thị trường Crypto và thương hiệu cá nhân mà anh sở hữu lên đến (~ 560,000 followers) thì sức ảnh hưởng của anh là ko thể bàn cãi. Zhu Su có thể tận dụng điểm mạnh này để khai thác niềm tin và định hướng cho các nhà đầu tư. 

Một số bằng chứng cho việc anh ta lợi dụng hình ảnh cá nhân để shill hoặc fud 1 dự án nào đó.

Bằng chứng thứ nhất: Thói quen đổi Bio

Zhu Su có thói quen thay đổi Bio, khi anh đầu tư một dự án nền tảng lớn nào (ví dụ: ETH, LUNA, AVAX, MINA) ⇒ đến thời điểm hiện tại ông chỉ còn để bio là BTC.

Là 1 nhà điều hành quỹ có sức ảnh hưởng mà Zhu Su có thể tùy tiện đăng token mình thích với bất kỳ ý định gì trên Bio. Đối với những người đầu tư theo các quỹ nếu chưa xây dựng được bộ lọc dự án và kiến thức trong ngành crypto thì họ sẽ dễ dàng bị hành động nhỏ của KOL lớn như Zhu Su ảnh hưởng. 

⇒ Qua đó, ta thấy trách nhiệm với cộng đồng đã/đang không được Zhu Su tôn trọng. 

Bằng chứng thứ hai: Thread chê bai dự án

Zhu đã từng viết thread nhằm chê bai Ethereum ⇒ ngay sau đó thì quỹ 3AC tuyên bố đầu tư 676 triệu USD vào Ethereum. Nếu đã chê bai công nghệ Ethereum thì tại sao quỹ do ông điều hành lại mua ETH với lượng tiền lớn như vậy?

Quan sát dữ liệu giá từ ngày 21/11/2021 (bắt đầu FUD ETH) - 6/12/2021 (lúc Wu Blockchain phát hiện lệnh chuyển 91,477 ETH từ các sàn lên địa chỉ trên Nansen có tên “Three Arrows Capital”). Ta thấy được ETH token đã giảm khoảng từ 9 - 20% trong giai đoạn này.

Dữ liệu giá ETH khi gióng với sự kiện fud của Zhu Su. Nguồn: Tradingview

Nghi vấn: Đây ko phải là hành động fud dự án nhằm đưa giá xuống thấp để ông mua được nhiều lượng ETH với giá chiết khấu hơn sao? 

⇒ Từ những dữ kiện trên, ta có thể phần nào chứng minh tính đúng đắn của luận điểm “Zhu Su là một shiller” nhằm chuộc lợi cho tổ chức của mình. 

Vì sao quỹ 3AC sụp đổ?

Cội nguồn sự sụp đổ của sự việc đến từ 2 phía:

  • Khách quan: Những yếu tố không do 3AC quản lý, bao gồm các đề mục 1, 2, 3 bên dưới.
  • Chủ quan: Những yếu tố do chính 3AC trực tiếp hoặc gián tiếp tác động vào, bao gồm các đề mục 4 xoay quanh các vấn đề như quản trị rủi ro.

Thị trường tài chính toàn cầu giảm

Thị trường tài chính toàn cầu đang ở trong một giai đoạn giảm điểm và chịu những tác động mạnh từ những yếu tố như: 

  • Chính sách tăng lãi suất cao nhất trong hàng thập kỷ trở lại để kiểm soát lạm phát.
  • Lạm phát tại Mỹ đạt mức cao nhất trong hơn 40 năm qua. 
  • Trung Quốc với chính sách zero-covid làm sốc nguồn cung hàng hóa.
  • Giá nguyên liệu dầu tăng cao cùng với chiến sự căng thẳng giữa Ukraine - Nga.

Những yếu tố quan trọng trên đã là chất xúc tác khiến cho thị trường tài chính toàn cầu trở nên tiêu cực.

Về phía thị trường crypto, với tính chất là biên độ dao động lớn, chưa được các cơ quan pháp luật quản lý và tính bền vững chưa được chứng minh. Do đó, khi một xu hướng giảm chung cho toàn bộ thị trường tài chính toàn cầu => Crypto là một trong những kênh đầu tư chịu ảnh hưởng nặng nề với biên độ dao động giảm mạnh vì thị trường có vốn hóa thấp. 

Sự mất giá trầm trọng của LUNA & UST

Sự kiện bắt đầu cho chuỗi bi kịch giảm của thị trường chính là đến từ mô hình lãi suất 20% đầy hấp dẫn của Terra. Khi cơ chế peg giữa LUNA và stablecoin UST không thể trụ vững trong thị trường downtrend mặc cho những nỗ lực đưa BTC vào quỹ dự trữ.

⇒ Sự kiện Terra đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho rất nhiều tổ chức, dự án có liên quan đến UST - LUNA. 

Tìm hiểu thêm: UST mất peg, đế chế Terra sụp đổ

Một số nguồn tin cho rằng 3AC đã đem tiền từ các nhà đầu tư mà không xin phép/thông báo cho họ để đầu tư LUNA và đem vào Anchor Protocol để nhận lãi 20%/năm. Khoản tiền ước tính lên đến hơn 600 triệu USD trước khi sự kiện mất peg và vụ bán hoảng loạn nghiêm trọng đã xảy ra.

Khoản đầu tư hơn 600 triệu USD của 3AC hiện ước tính chỉ còn lại khoảng ~700 USD. 

stETH mất peg

3AC đầu tư lên đến hơn 660 triệu USD giá trị ETH và để gia tăng lợi nhuận như bao quỹ khác (ví dụ: Alameda Research) ⇒ 3AC deposit vào Lido nhằm nhận lãi và lấy stETH.

Sau đó, để tận dụng tính thanh khoản của stETH, 3AC đã thế chấp vào Aave để vay ra ETH và chuyển ETH lên Lido để lấy stETH ⇒ tạo ra vòng lặp nhằm tối ưu lợi nhuận. 

Tuy nhiên, thị trường đã không ủng hộ kế hoạch này của 3AC và nó đã khiến stETH mất peg nghiêm trọng. Lo ngại vấn đề này, 3AC cũng dump hơn 88k stETH để bảo vệ tài sản của mình và kéo theo sự mất peg càng mạnh hơn.

Khoản vị thế vay ETH trên Aave của 3AC có thể đã bị thanh lý. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ khiến Aave buộc phải bán stETH ⇒ dẫn đến mất peg khi so với ETH ⇒ Aave càng bán càng lỗ vì chênh lệch giá cao. 

Tìm hiểu thêm: stETH mất peg và hệ lụy lớn đến thị trường crypto

Sự vay mượn quá mức, không biết điểm dừng

Sự vay mượn và sử dụng đòn bẩy vốn quá mức đã khiến 3AC đang là quỹ đứng trước nguy cơ mất khả năng trả nợ? 

1. Yếu tố biểu thị tài sản của 3AC đang bị thiếu thanh khoản

Các khoản token đầu tư chưa đến hạn trả token ⇒ Bị ôm vốn ⇒ Dẫn đến sự thiếu thanh khoản trầm trọng cho loại tài sản này. Vì các token này bị khóa nên không thể được 3AC thêm vào các vị thế để gia tăng giá trị thế chấp nhằm giảm mức giá thanh lý xuống. Nếu phần tài sản này có tính thanh khoản tốt hơn thì có thể hỗ trợ 3AC trả nợ. 

2. Thua lỗ từ vụ Terra  - 3AC với tâm lý muốn vay thêm để gỡ gạc

3AC là quỹ được cho là đã đầu tư vào LUNA với ~ 600 triệu USD ⇒ Hiện chỉ còn khoảng hơn 700 USD ⇒ Dẫn đến việc phải vay thêm để bù đắp khoản thua lỗ này (1)

3AC vay nợ nhiều hơn và sử dụng đòn bẩy lớn (2) nhưng các loại tài sản thế chấp thì bị rơi vào tình trạng sắp bị thanh lý. 

Từ (1) và (2) + yếu tố tài sản thiếu thanh khoản trên, ta có thể thấy được 3AC đang đứng trước nguy cơ bị mất khả năng trả nợ.

Và khi mà 3AC đối diện nguy cơ không thể trả nợ, nỗi sợ của các nhà đầu tư trong thị trường ở thời điểm này sẽ được nhân lên gấp bội.

3AC đã hành động như thế nào sau các cáo buộc? 

Zhu Su lên tiếng trấn an cộng đồng và cam kết sẽ đưa thông tin đầy đủ nhất.

Một trong những cách giải quyết của 3AC ở thời điểm hiện tại như sau:

  • Bán dự án Starry Night chuyên về NFT trị giá 21-25 triệu USD.
  • Bán những tài sản có giá trị thấp để bù lại những khoản lỗ. 
  • Trốn tránh (“ghosting”) khỏi những bên có liên quan.
  • Cướp 1 triệu USD từ 8 Block Capital.
  • Im lặng trước các cáo buộc.

Bán NFT

15/6/2022: Starry Night (Quỹ NFT được thành lập bởi 3AC) đã dịch chuyển NFT trên SuperRare với tổng giá trị đã chi khoảng 21 triệu đô từ tháng 8/2021 ⇒ Khoản này cũng sẽ được dùng cho các mục đích giảm mức giá thanh lý hoặc trả nợ.

Bán những tài sản có giá trị thấp

Một trong những địa chỉ ví nhận allocation của 3AC theo dữ liệu on-chain. Theo quan sát, trong ví chỉ còn khoảng 1 triệu USD LIDO token. Còn lại các token khác đều đã được bán.

Còn địa chỉ ví còn lại, 3AC đang nắm giữ khoảng 30,000 USD giá trị token trong đó có 27,000 USDT và khoảng >1,000 stETH.

Thậm chí, khi check ví nhận allocation từ các khoản đầu tư của 3AC, họ đã bán một khoản các token với tổng giá trị dưới 1,000 USD để trả nợ. 

Đặc biệt nhất, quỹ 3AC đã phải đưa 138 SUSHI lên Binance và bán (ước tính giá cao nhất khoảng gần 200 USD).

⇒ Từ đó, ta thấy được 3AC đang rất chật vật trong việc tìm phương án giải quyết những khoản nợ. 

Thậm chí, trong một số những nguồn tin thuộc các quỹ, họ đã liên lạc với 3AC nhằm đàm phán về vị thế của khoản vay đang thực hiện việc thế chấp. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể liên lạc với CEO của quỹ này. 

Phản ứng của các bên liên quan 

Phản ứng của các bên liên quan sẽ được chia thành các bên chính đó là:

  • Chính quỹ 3AC.
  • Các dự án có token được quỹ 3AC đầu tư: Avalanche,...
  • Các dự án lending cho 3AC vay và đối diện nguy cơ vị thế thanh lý của 3AC sẽ ảnh hưởng đến họ: Deribit, Nexo, BlockFi,...
  • Đối tác và các nhà đầu tư: 8Block Capital,..

Về phía quỹ 3AC

CEO đã thông báo trấn an người dùng rằng đang tích cực làm việc với các bên liên quan để sớm thông báo đến mọi người. 

Về phía các dự án được quỹ đầu tư

Các dự án có xu hướng không muốn liên quan đến 3AC. 

1. Avalanche

Avalanche tuyên bố 3AC không hề nắm giữ, quản lý bất kỳ quỹ/kho bạc của Avalanche Foundation.

2. dYdX

dYdX là dự án sàn giao dịch hợp đồng tương lai được triển khai nhờ công nghệ của StarkWare. Họ cũng đã tuyên bố không có bất kì liên hệ nào với 3AC trong vụ việc này.

3. Defiance Capital 

Là một quỹ đầu tư về Web3 và DeFi, DeFiance có được sự góp vốn từ 3AC. Một số nguồn tin từ Ryan Selkis (Founder của Messari) cho rằng Defiance cũng chịu ảnh hưởng từ vụ việc lần này. 

Về phía các nền tảng lending cho 3AC vay

FTX, Deribit và Bitmex đã đồng loạt thanh lý vị thế của 3AC. Theo The Block, 3AC đang nợ Bitmex khoảng 6 triệu USD.

1. Babel Finance

Babel Finance thông báo ngừng nạp/rút với người dùng. Babel Finance là nền tảng lending crypto vừa thông báo vấn đề trên website vì sức ép thanh khoản đang quá lớn. Họ đang chịu khoản lỗ lên đến 9 con số (theo nguồn tin của FatMan).

Một trong những nền tảng cho Babel Finance vay là Genesis Trading, một đội market maker và cũng là bên cấp vốn lớn. Mặc dù Babel Finance chưa bị thanh lý nhưng đang thuộc diện cân nhắc. Nếu việc Babel Finance đóng nạp rút là do ảnh hưởng từ 3AC, hiệu ứng domino sẽ cứ thế mà lan rộng. 

2. Genesis 

Theo thông tin từ CEO Genesis là ông Micheal Moro, trên nguyên tắc thì họ sẽ bảo mật thông tin khách hàng của mình. Tuy nhiên, đối với những thông tin liên quan đến 3AC và Genesis thì ông cho rằng cộng đồng và người dùng có quyền được biết các thông tin chi tiết hơn. 

Cụ thể, khách hàng của Genesis (có thể là Babel Finance theo nguồn tin của Fatman - liên quan trực tiếp đến 3AC) đã không thể trả khoản margin call. Tuy nhiên, Genesis là một quỹ lớn và họ đã chuẩn bị rất rõ ràng về kế hoạch quản trị rủi ro trước những tình huống như vậy. Do đó, họ đã thanh lý các tài sản thế chấp của bên đi vay và vụ việc sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ khách hàng nào của Genesis => họ đã giảm thiểu được khoản mất mát xuống mức thấp nhất.

3. Deribit

Quỹ 3AC là một trong những cổ đông của công ty mẹ của Deribit từ năm 2020. Họ không chỉ đích danh nhưng thầm xác nhận rằng các khoản nợ liên quan đến 3AC chưa được hoàn trả. Tuy nhiên, kể cả như vậy thì vẫn không có bất kỳ tổn hại gì cho fund của người dùng và hoạt động của dự án.

Thông báo của Deribit về 3AC

4. BlockFi 

BlockFi là nền tảng đã cho 3AC vay một lượng fund⇒ Họ đã có sự chuẩn bị trước và sẽ thanh lý vị thế của 3AC lẫn bán các khoản thế chấp.

CEO BlockFi thông báo về việc liên quan đến 3AC.

Về phía đối tác và các nhà đầu tư

1. Finblox

Nền tảng staking Finblox cũng đã thông báo ngừng nạp rút và giới hạn mức này xuống 1,500 USD một tháng do có liên quan đến quỹ 3AC. Họ có hành động như trên vì lo ngại liên quan đến một trong những đối tác của Finblox là 3AC - quỹ đang bị cáo buộc không đủ khả năng trả nợ với giá trị lên đến hơn 400 triệu USD.

2. 8Block Capital

Danny - trưởng phòng giao dịch của 8Block Capital (một đội market maker) chia sẻ họ có thoả thuận với 3AC rằng 8Block sẽ sử dụng tài khoản của 3AC và họ sẽ trả phí sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, 8Block sẽ trả phí giao dịch và cả phí cho 3AC nhưng đổi lại 100% lợi nhuận/lỗ sẽ dành cho 8Block. 

Điều khoản sẽ là 3AC sẽ không được tự ý di chuyển fund của 8Blocks (vì có khả năng làm giảm lượng thế chấp ⇒ tăng rủi ro bị thanh lý vị thế).

Ngày 12/6, 8Block có nhu cầu rút fund để sử dụng trên nền tảng khác, họ đã liên lạc với team vận hành của 3AC nhưng không được phản hồi. Sau đó không lâu, 8Block phát hiện khoản tiền họ deposit vào đã bị mất 1 triệu USD (sử dụng chung tài khoản của 3AC). Anh liền liên hệ Kyle Davis (co-founder 3AC) nhưng cũng không được hồi âm. 

Xét thấy 3AC với vị thế long với mức vay mượn sử dụng đòn bẩy khắp nơi và đối diện nguy cơ bị margin call khi giá BTC giảm. Danny đã kêu gọi các nền tảng cho 3AC vay, nắm giữ tài sản của 3AC thuộc diện nguy cơ ⇒ Họ cần đóng băng tài sản của 3AC để tránh trường hợp thị trường sụp thêm vì margin call ⇒ Chờ trả lại tài sản/fund mà 3AC nợ họ sau khi đưa vụ việc ra pháp luật.

Anh nhắn nhủ rằng việc quỹ 3AC thua lỗ là do chính họ đã sai trong việc đầu tư. Tuy nhiên, không vì thế mà 1 quỹ hằng tỷ đô lại trốn tránh (“ghost”) một cách thiếu chuyên nghiệp, vô trách nhiệm và vạ lây các bên khác. 3AC đã dùng 1 triệu USD (tự ý rút fund của 8Block) để trả khoản margin call của mình. 

3. Các nhà đầu tư

3AC đã có buổi thuyết trình cho các nhà đầu tư nhằm rót vốn vào kế hoạch đầu cơ chênh lệch giá giữa GBTC và BTC thuộc dịch vụ của Grayscale. 3AC sẽ lock tài sản của người dùng trong 1 năm trong quỹ và sẽ tiến hành gửi giấy ký gửi tài sản.

Vị thế GBTC của 3AC đang thua lỗ nặng vì đã chạm mức dưới 19,000 USD.

3AC chính thức sụp đổ và màn “chịu trận” của thị trường 

“Giọt nước tràn ly” sau sự kiện Terra và stETH

Xét về lượng tài sản đang nắm giữ của 3AC rơi vào khoảng 18 tỷ USD (theo The Block) và 1 đến 1.5 tỷ USD tài sản nợ thực (net liabilities).

Sau chuỗi sự kiện xấu trước đó của Terra và stETH, tâm lý cộng đồng đang rơi vào trạng thái hoảng loạn. Sự kiện 3AC nổ ra sẽ là “giọt nước tràn ly” khiến thị trường giảm sâu. 

Thêm một yếu tố cực kỳ quan trọng khác là các lệnh thanh lý của các bên cho vay (lenders) của 3AC sẽ khiến thị trường giảm với biên độ lớn. 

3AC là một trong 5 quỹ đầu tư “lớn nhất” thị trường crypto, ở cả hai nghĩa:

  • Có lượng tiền đầu tư vào các dự án thuộc top *Lớn nhất* 
  • Có lượng tiền vay nợ thuộc top *Lớn nhất* (vay nhiều từ BlockFi,  Aave) và nhiều bên khác chưa công bố. 

*Vì sao sự kiện này lại ảnh hưởng mạnh đến các nền tảng lending? 

Hình dung thế này: 

Nếu người đi vay 100 triệu VND từ bên cho vay thì khi bị thanh lý ⇒ người đi vay sẽ chịu thiệt hại.

Nhưng nếu người đi vay 100 tỷ thì khi bị thanh lý ⇒ nền tảng cho vay bị ảnh hưởng vì khoản nợ này không chắc sẽ được trả (cho tới khi bị thanh lý) và lenders sẽ lỗ nếu giá tài sản giảm trước khi họ kịp bán ra. 

Liên lụy đến các nền tảng lending 

Vì 3AC là quỹ rất thích vay mượn sử dụng đòn bẩy, hiểu đơn giản là nếu 3AC muốn mua 10 tỷ USD BTC với đòn bẩy 5x, họ có thể vay 8 tỷ USD BTC từ các lenders và sử dụng 2 tỷ USD của mình. Khi 3AC mở vị thế long: 

  • Nếu giá BTC tăng 10% ⇒ 3AC có thêm 2 tỷ USD.
  • Nếu giá BTC giảm 10% thì vị thế 3AC bị 3AC mất 2 tỷ đô ⇒ Còn 8 tỷ.

Nếu 3AC lỗ vượt khoản tiền họ deposit vào ban đầu (trừ khoản vay) tức là mức lỗ trên 10% ⇒ Lúc này những bên cho 3AC vay sẽ chịu áp lực. 3AC chắc chắn sẽ mất 2 tỷ và họ cần phải trả nợ khoản còn lại. Điều này sẽ được các bên cho vay theo dõi rất kĩ và sẽ yêu cầu bên đi vay (3AC) bơm thêm tài sản như một phần bảo chứng thêm vì dụ trù khi giá BTC giảm mạnh. 

Chẳng hạn:

  • Nếu giá BTC giảm mạnh quá mức ban đầu 3AC deposit vào thì lenders sẽ yêu cầu 3AC trả một phần khoản nợ để đảm bảo an toàn cho bên cho vay không mất tiền.
  • Nếu giá BTC giảm quá mạnh và vượt mức nhất định ⇒ 3AC sẽ bị margin call, nghĩa là bên lenders sẽ gọi và yêu cầu gia tăng thêm tài sản thế chấp/trả nợ một phần để bảo đảm an toàn cho bên cho vay.

BlockFim, Deribit là những nền tảng cho 3AC vay.

3AC có những lựa chọn như sau:

  • Nếu họ đồng ý trả nợ ⇒ An toàn.
  • Nếu họ không đồng ý trả nợ ⇒ Lenders sẽ lấy lượng BTC của 3AC deposit vào ban đầu để bán ra ⇒ Yếu tố gây sập thị trường nếu lượng BTC của bên đi vay lớn ⇒ Trả lại 3AC phần còn lại nếu dư (thường sẽ có quy tắc cho vay là tỉ lệ LTV- Loan to Value không được lớn hơn 70-85% tuỳ lenders). 
  • Nếu 3AC không đồng ý trả nợ và bên lenders có thoả thuận, trao gửi niềm tin cho nhau ⇒ Cho phép 3AC duy trì thêm một thời gian. 

*Trường hợp thứ 3 sẽ khiến lenders rơi vào nguy hiểm khi họ không thể bán lượng BTC thế chấp của 3AC ra vì tin tưởng 3AC và để giá BTC trôi xuống thấp hơn lúc này lenders sẽ phải chịu thua lỗ.

Ví dụ rõ nhất: Trường hợp của AAVE trong vụ stETH khi:

  • Giá stETH rơi khỏi peg.
  • Chịu thêm áp lực từ các quỹ lớn đã dump trước đó.
  • Thanh khoản của stETH là có hạn tùy theo lượng mà Lido Finance cung cấp ra thị trường thứ cấp (vì là một tài sản mô phỏng cho lượng ETH stake trên Ethereum để bù lại cho tính thanh khoản).

Kết quả: Một số lenders như AAVE khi thanh lý tài sản của bên đi vay đã không đủ thanh khoản để bán vì càng bán thì lenders càng lỗ. 

Đó là chưa kể các lenders của 3AC còn cho nhiều bên khác vay, hoặc vay từ các lenders khác. Nếu vị thế của 3AC khiến lenders thua lỗ, các nhà đầu tư khác hoảng loạn vì thị trường giảm ⇒ rút đồng thời ⇒ áp lực rút tiền như vậy sẽ khiến lenders khủng hoảng vì họ cũng phụ thuộc vào những bên đi vay lớn như 3AC. 

Đó có thể là lí do tại sao gần đây các lenders như Celsius bị buộc phải đóng nạp rút. 

Bài học cho các nhà đầu tư

Quỹ ko phải là thần thánh

Các quỹ đầu tư sở hữu tiềm lực tài chính dồi dào, đội ngũ nghiên cứu chuyên về cơ hội nhằm đem lại lợi nhuận cho tổ chức của mình. Về cơ bản, trong quá trình hoạt động, họ sẽ có những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận lớn, song songvới đó, là các khoản lỗ. Điều đó cho thấy tỉ lệ thành công hay thất bại của các quỹ không phải luôn luôn cao hơn các nhà đầu tư nhỏ lẻ. 

Một trong những điểm quỹ có lợi thế hơn chúng ta là vị thế khi họ sẽ được ưu tiên đầu tư sớm ở mức giá chiết khấu tốt hơn so với nhà đầu tư ở thị trường thứ cấp. Chính vì vậy, đối với danh mục đầu tư của các quỹ, chúng chỉ nên được dùng để tham khảo dựa trên sự uy tín và performance của quỹ đó. 

Ngoài ra, chúng cũng được xem là cơ sở đánh giá giúp chúng ta lọc các dự án tốt, tuy nhiên, nếu có đầu tư theo thì mong mọi người suy xét nhiều khía cạnh bao gồm:

  • Vị thế của quỹ đã mua ở mức nào.
  • Mức độ chấp nhận rủi ro hay trường phái đầu tư của quỹ này ra sao? (như 3AC là chấp nhận rủi ro lớn).

Chú ý đến vấn đề quản lý rủi ro của quỹ

Nhìn vào trường hợp của 3AC, họ là quỹ quản lý rủi ro kém, thể hiện qua việc vay nợ thiếu kiểm soát và không có kế hoạch phòng hộ cho những biến số tiêu cực. CEO của BlockFi đã từng nhắc nhở Su Zhu về những rủi ro tiềm ẩn trong cách đầu tư sử dụng tỉ lệ đòn bẩy lớn (mức vay lớn) nhưng anh ta làm lơ và bây giờ hậu quả khôn lường.

Đúc rút: Hãy chú ý các khoản đầu tư của quỹ và các vị thế họ đang vay nợ. => Tìm xem dòng vốn của họ có “healthy” hay không?  Hoặc ta có thể tra xem các quỹ có kinh qua “thực tập quản trị rủi ro” hoặc đã lên kế hoạch quản lý rủi ro rõ ràng hay chưa? => Từ đó, ta có thể có cơ sở gửi fund cho họ nếu như quỹ đó thuộc dạng hedge fund như 3AC. 

3AC là quỹ mang nhiều tai tiếng liên quan đến các cáo buộc xả token làm ảnh hưởng cộng đồng. Vì vậy, hãy chú ý những ngày vesting và unlock token của các khoản dự án mà 3AC đầu tư. 

Các công cụ giúp tracking ngày trả tokens:

  • Search mã token và đọc các bài viết trên coin98.net 
  • Vest Lab: vestlab.io 
  • Unlocks Calendars.
  • Coingecko (chưa hoàn thiện).

Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn sử dụng Vestlab


Tổng hợp về ngày đầu tư các dự án của 3AC được tổng hợp từ Ki Young Ju. 

Nắm được kinh tế vĩ mô cơ bản 

Thời gian siết dòng tiền vừa qua, mọi người chắc cũng đã thấm được lí do tại sao lại cần biết về kinh tế vĩ mô. Vì tầm quan trọng của ngân hàng Trung Ương Mỹ FED có sức ảnh hưởng lớn nhất lên nền kinh tế, mọi thị trường tài chính trên toàn cầu. 

Đơn cử như những ngày FED công bố mức tăng lãi suất, các thị trường như cổ phiếu và crypto đều có phản ứng rất mạnh trước những tin tức này. 

Luôn có phương án “dự phòng”

Những sự kiện thiên nga đen như Terra, stETH và quỹ 3AC là những trường hợp mà ta không thể ngờ đến. Sức công phá của các sự kiện này không thể đo lường một cách chinh xác về quỹ mô cũng như tổng giá trị thiệt hại vì các tài sản trong thị trường crypto hiện đang có mối liên hệ mật thiết lẫn nhau. 

Đúc kết từ trường hợp của quỹ 3AC trong việc quản lý rủi ro là chúng ta luôn luôn phải có nguồn dự phòng nhằm bảo hiểm cho những trường hợp xấu nhất xảy ra. 

Lời kết 

Sự kiện 3AC vẫn chưa thể kết thúc, các cáo buộc, những vị thế sắp bị thanh lý, khoản nợ, việc tự ý cướp fund, thiếu trách nhiệm với cộng đồng từ “lòng tham” sử dụng đòn bẩy vốn vô tội vạ. Tất cả sẽ được sớm xác minh trong thời gian tới khi 3AC có công bố cụ thể hơn. 

Vụ việc đã đi quá xa khỏi những giới hạn của 1 quỹ và gây thiệt hại cho cả thị trường crypto. Qua sự kiện, ta mới thấy được rằng một quỹ quản lý hàng chục tỉ USD tài sản không có nghĩa là có thể hoàn toàn tin tưởng, thậm chí quản lý rủi ro kém không khác gì những quỹ đầu tư nghiệp dư. 

Trong thị trường giảm giá, bong bóng vay mượn xếp chồng lên nhau “đã liên tiếp nổ”. Tuy nhiên, sự kiện này xảy đến dù không mong muốn nhưng là sự thanh lọc cần thiết để khiến cho thị trường crypto trở nên trong sạch và hứa hẹn tiến tới một thị trường bền vững hơn. 

RELEVANT SERIES