Justin Sun và nhiều 'cá voi' đã hưởng lợi từ sự kiện USDC mất peg
USDC lần đầu tiên mất peg 1 USD kể từ lần đầu tiên năm 2019 do hiện tượng panic-sell khi Circle có liên quan tới sự kiện SVB sụp đổ. Tuy nhiên, sau khi đội ngũ làm rõ và chấn an cộng đồng, USDC đã quay trở lại đúng hướng. Cùng nhìn lại toàn bộ sự kiện và rút ra kinh nghiệm cho những sự kiện sau này.
Sự kiện USDC mất peg
Sự việc bắt đầu vào cuối ngày 10/3, khi ngân hàng Silicon Valley bị Chính quyền bang California và Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) buộc đóng cửa và tịch thu tài sản.
Đây là ngân hàng được đặt niềm tin để gửi tiền của các start-up và một vài công ty crypto, trong đó có ông lớn stablecoin - Circle. Khoảng 25% tài sản bảo chứng cho USDC đang được lưu trữ dưới dạng tiền mặt, và 3,3 tỷ USD đã được gửi tại SVB.
Sự việc diễn ra vào Thứ Bảy (11/3), khi các ngân hàng tại Mỹ đang đóng cửa, dẫn tới người dùng không thể redeem USDC thành tiền mặt. Nhiều người đã bán tháo USDC vì lo lắng đồng stablecoin này sụp đổ.
Xem thêm: Cơn hoảng loạn về USDC xuất hiện dưới tác động của Silicon Valley Bank.
Vào thời điểm USDC mất peg, người dùng không thể redeem qua USD, Binance chưa list USDC (trước đó đã bỏ các cặp stablecoin khác để tập trung cho BUSD) dẫn tới việc thiếu thanh khoản khá nặng nề, người dùng sẽ phải bán ở những orderbook và AMM có thanh khoản mỏng hơn.
Ngay cả nơi tập trung nhiều thanh khoản nhất của stablecoin trên thị trường DeFi là Curve 3pool cũng chứng kiến sự suy giảm trầm trọng, người dùng hoảng loạn swap USDC sang USDT. Trước đó 3pool có mức thanh khoản khá đồng đều của cả 3 đồng stablecoin, mỗi đồng có ít nhất ~170 triệu USD.
Swap USDC trên Uniswap cũng không khả thi vì thanh khoản trên Uniswap tập trung vào cặp USDC-DAI. Do thiếu thanh khoản cùng panic sell, người dùng không có nhiều lựa chọn để swap.
Nhiều người đã gặp phải trường hợp khi swap bị trượt giá, swap khối lượng lớn bị front-run, MEV sandwich attack…
Một ví trong thời gian hoảng loạn thậm chí đã bán 1,68 triệu USDC mua 1,5 triệu USDT ngay tại giá đáy 0,88 USD. Ví này được phát hiện có liên quan tới Abracadabra do nhiều lần giao dịch khối lượng triệu USD với stablecoin MIM trước đó.
Trái ngược với hoạt động trên, khá nhiều người tin tưởng vào khả năng trở lại của USDC và coi đây là một cơ hội arbitrage stablecoin. Những nhà đầu tư này tạo vị thế bằng cách nạp ETH lên Aave hoặc Compound, sau đó vay ra USDT, sử dụng USDT đó để swap nhận USDC.
Sau khi USDC về peg họ sẽ swap lại USDT và trả khoản vay, ghi nhận lãi khoảng 10%. Có thể thấy trong hai ngày 11 và 12, số lượng USDT trên các nền tảng lending crypto được sử dụng một cách triệt để.
Điển hình cho xu thế này có trường hợp của Justin Sun - CEO của Tron. Theo Lookonchain, trong sự kiện USDC mất peg, ví 0xbcb7 có thể thuộc sở hữu của Justin Sun đã rút 214,9 triệu USDT từ sàn Binance để quy đổi sang 75,5 triệu DAI và 103,3 USDC.
Sau đó, CEO của Tron đã thực hiện nhiều giao dịch và gửi lên sàn Coinbase, có thể với mục đích quy đổi ra tiền pháp định. Dựa theo những số liệu mà Lookonchain cung cấp, Justin Sun có thể thu được hơn 3,8 triệu USD từ cuộc khủng hoảng của USDC.
Vitalik Buterin - Nhà sáng lập Ethereum cũng là một trong những cái tên nổi tiếng tranh thủ cuộc khủng hoảng của USDC để kiếm lợi nhuận.
Theo PeckShield Alert, Vitalik đã sử dụng 500 ETH để mint 150 nghìn RAI (stablecoin bảo chứng bằng ETH) và quy đổi hơn 132,5 nghìn stablecoin này sang 378,6 nghìn USDC. Sau đó, ví 0xde4 của Vitalik tiếp tục được cộng đồng soi được đã thực hiện giao dịch chuyển đổi 17,5 nghìn RAI sang 50 nghìn DAI.
Vụ việc của USDC cũng kéo theo một vài đồng stablecoin khác có liên quan mất peg tạm thời như DAI, FRAX, MIM, LUSD… Đến USDP (Pax Dollar) - stablecoin của Paxos, dù không liên quan tới bất kì rủi ro banking nào cũng tuột khỏi peg $1 cho thấy đây là thời điểm thị trường hoảng loạn hoàn toàn.
USDC quay trở lại mốc 1 USD
Mọi chuyện bắt đầu chuyển biến tích cực sau khi Binance quyết định list cặp USDC-USDT và các cặp giao dịch khác với USDC (BTC/USDC & ETH/USDC) trở lại, người dùng có nhiều thanh khoản hơn với USDC.
Tới thời điểm CEO của Circle là Jeremy Allaire lên tiếng khẳng định Circle có đủ khả năng chi trả cho người dùng cho dù phải sử dụng nguồn lực bên ngoài, USDC đã gần như về mức $1.
Điều này kết hợp với thông báo của SEC về việc hỗ trợ rút tiền cho toàn bộ người gửi tiền tại SVB (cả những người có bảo hiểm và không có bảo hiểm) đã làm cho USDC nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo.
Theo thông báo mới nhất, Circle đã có thể tiếp cận với số tiền gửi tại SVB, đồng thời ra thông báo hợp tác với một ngân hàng mới là Cross River Bank để tiếp tục duy trì hoạt động mint & redeem USDC. Ngân hàng này trước đây đã từng tích hợp sản phẩm của Ripple (XRP).
USDC quay trở về mốc 1 USD kéo theo sự ổn định của các stablecoin khác có liên quan. Đồng thời, những người dùng sử dụng USDT làm tài sản thế chấp tạo vị thế short USDC nhanh chóng bị thanh lý. Những cá voi như Vitalik và Justin Sun trong ví dụ kể trên được cộng đồng hết mực khen ngợi rằng "Smart choice, smart money".
Tuy rằng USDC đã ổn định, người dùng vẫn có xu hướng burn USDC nhiều hơn mint. Tổng cung USDC đã giảm từ 41 tỷ USD còn 37 tỷ USD.
Để tiện theo dõi các hoạt động mint/burn USDC của Circle, người dùng có thể sử dụng một vài dashboard sau:
- Arkham
- Dune: USDC Monitor
- Parsec
Hoạt động của các quỹ/KOLs
Trong thời điểm USDC depeg, các quỹ và các KOL đã đưa ra các quyết định khác nhau. Tài khoản Lookonchain đã tổng hợp hoạt động của các ví VC, KOL có liên quan tới USDC.
Theo đó, các quỹ chia thành 3 nhóm chính:
- Deposit USDC vào tài khoản Circle, redeem về tiền mặt (USD): Jump Trading, Wintermute Trading, Genesis Trading, BlockTower Capital.
- Trade USDC sang token/coin khác (DAI, ETH, USDC, USDP…): Kyber Ventures, Chain Capital, Hashed, Spartan Group, Signum Capital, Infinity Ventures Crypto, LD Capital, LedgerPrime, Alpha Citadel Ventures…
- Bắt đáy USDC: Vitalik Buterin, Worthalter (Founder Poap.xyz), Taureon Capital, GCRClassic... Đây là nhóm bullish vào sự bền vững của USDC và họ đã đúng.
Các ví liên quan tới IOSG Ventures được cho là tổn thất nhiều nhất do đã tổng cộng 118 triệu USDC thành 105 triệu USDT và 2756 ETH (~3.98 triệu USD), ghi nhận mức lỗ khoảng 9 triệu USD.
Một vài ví whale đặt niềm tin vào USDC
Ngoài các ví quỹ và KOL, không ít smart money đã có hoạt động arbitrage USDC bằng cách tạo vị thế trên Aave/Compound như đã đề ở trên.
Một trong những ví được cộng đồng quan tâm nhiều nhất là ví có tên miền Czsamsun.eth. Ví này đã sử dụng ETH và stETH làm tài sản thế chấp, sau đó vay ra 28,577,700 USDT, sử dụng số USDT này swap sang 29,961,238 USDC. Sau khi USDC quay trở lại peg, ví này ghi nhận mức lời 1,3 triệu USD. Hiện ví này đã bắt đầu có hoạt động trả lại số USDT đã vay.
Whale 0x86a cũng là một ví có những giao dịch thông minh với stablecoin. Ngay khi USDC mất peg, ví này đã liên tục swap 8,2 triệu USDT sang USDC. Sau đó lại tiếp tục nạp stETH lên Aave, vay ra USDT để tiếp tục mua USDC, đồng thời deposit USDC lên Aave nhận lãi suất.
Trong 2 ngày gần đây, ví này ghi nhận lãi gần 2,5 triệu USD. Hiện tại ví này đã bắt đầu swap ngược lại USDC sang USDT.
Founder của Curve Finance - Michael Egorov cũng tận dụng thời điểm USDC depeg để thực hiện chiến lược tương tự. Michael deposit CRV lên Aave và vay ra USDT, sử dụng USDT swap sang USDC.
Trải qua cơn khủng hoảng depeg, USDC vẫn đang duy trì tốt mức 1 USD, các stablecoin sử dụng USDC làm tài sản thế chấp cũng đã theo đó mà quay lại cuộc chơi, những người dùng đặt niềm tin đúng chỗ cũng đã nhận lại mức lời xứng đáng.