Xu hướng airdrop 2025: Liệu có còn những “Hyperliquid” tiếp theo?
Airdrop 2024: Sự trầm lắng trước "cơn bão" Hyperliquid
Kể từ 2017, airdrop đã trở thành một chiến lược marketing phổ biến được nhiều dự án lựa chọn để phân phối token và thu hút cộng đồng. Mặc dù tạo ra cơn sốt ban đầu, các đợt airdrop thường nhanh chóng “nguội lạnh” khi đối diện áp lực bán lớn.
Nghiên cứu của market maker Keyrock về tình hình airdrop 2024 cho thấy dữ liệu không mấy tích cực: hầu hết các token airdrop đều giảm giá mạnh trong 15 ngày đầu niêm yết. Thậm chí, sau 90 ngày, con số này đã tăng lên tới 88.7%.
Bão hòa và sự giảm sút hiệu quả của các đợt airdrop đã khiến chiến lược này dần mất đi sức hút. Airdrop là công cụ hữu hiệu để dự án thu hút cộng đồng và khẳng định giá trị nội tại nhưng nếu không được thiết kế hiệu quả, nó có thể trở thành con dao hai lưỡi.
Việc phân phối token không công bằng, thiếu minh bạch hoặc không đi kèm các hoạt động cộng đồng có thể khiến người dùng cảm thấy bị lợi dụng. Nếu như trước đây người dùng tích cực tham gia các dự án với tâm thế “đi săn”, nay tình thế đã đảo ngược - họ cảm thấy mình "bị săn”.
Điển hình như trường hợp của Puffer Finance, ban đầu, với tỷ lệ phân bổ token hợp lý, dự án nhận được hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Tuy nhiên, gió đảo chiều khi hiệu quả thực tế của airdrop thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Thậm chí, giá trị người dùng nhận được từ airdrop không đủ để bù đắp phí giao dịch họ đã bỏ ra.
Ngay lập tức, dự án nhận về nhiều phản ứng trái chiều và bị cộng đồng “quay lưng”. Theo DefiLlama, TVL của Puffer Finance đã giảm hơn 300% từ 1.4 tỷ USD xuống còn 350 triệu USD sau 2 tháng airdrop.
Puffer Finance chỉ là một trong số những ví dụ điển hình về sự thiếu hiệu quả của các đợt airdrop trong năm 2024. Một số giao thức lớn khác có thể kể đến như EigenLayer, Celestia, Hamster Kombat…
Đọc thêm: Từ airdrop của Puffer nhìn lại hiện trạng mảng Restaking
Tất nhiên, thị trường vẫn có những đợt airdrop thành công của Drift, Grass… tuy nhiên, bức tranh tổng thể vẫn khá ảm đạm. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu mô hình airdrop đã "hết thời" hay chỉ đơn giản là chưa được áp dụng một cách hiệu quả?
Hyperliquid: Người đi ngược số đông
Trong bối cảnh thị trường airdrop đang dần nguội lạnh với việc nhiều dự án chật vật để giữ chân người dùng, Hyperliquid xuất hiện như một làn gió mới, đưa "kèo airdrop đổi đời” quay trở lại.
Cụ thể, tổng số lượng địa chỉ ví nhận airdrop của Hyperliquid là 94,000 ví, trung bình mỗi địa chỉ ví nhận được 2,915 token HYPE. Tại thời điểm TGE, mỗi token HYPE có giá trị 3.9 USD, tương đương trung bình 1 địa chỉ ví nhận về hơn 10,000 USD.
Không dừng lại ở đó, chỉ sau 12 giờ, giá trị token HYPE đã tăng hơn 63%, giao dịch ở mức 6.16 USD. Tại thời điểm viết bài, con số này đã tăng lên hơn 26 USD. Giả sử người dùng vẫn giữ lượng token HYPE được airdrop, giá trị họ nhận được trị giá hơn 70,000 USD.
Với những con số ấn tượng trên, Hyperliquid trở thành dự án airdrop lớn nhất trong năm 2024. Nhiều nhà đầu tư đã “đổi đời” và trở thành triệu phú sau một đêm nhờ airdrop của Hyperliquid.
Airdrop của Hyperliquid đã "đi ngược số đông" như thế nào:
Trước khi TGE token, Hyperliquid đã triển khai hệ thống tính điểm (point system), theo đó người dùng nhận được điểm thưởng khi tham gia giao dịch hoặc thực hiện các hoạt động khác trên nền tảng.
Số điểm này quyết định số lượng token HYPE mà họ nhận được. Hệ thống điểm là cải tiến mới nhất trong thiết kế mô hình airdrop thời điểm hiện tại, với mục đích giảm tình trạng farming, tăng tính minh bạch và phi tập trung.
Tiếp theo, yếu tố quyết định trong thiết kế airdrop của Hyperliquid là tỷ lệ phân bổ token. Khác với hầu hết dự án khác khi tỷ lệ phân bổ token cho cộng đồng chỉ chiếm khoảng 5 - 15%, Hyperliquid đã airdrop 31% (tương đương 310 triệu) tổng cung token HYPE cho người dùng, loại bỏ sự tham gia của VC, sàn CEX, market maker…
Số lượng token airdrop đến cộng đồng cũng được mở khóa ngay lập tức, không phải đợi thời gian khóa hay vesting. Ngoài ra, tại thời điểm TGE, dự án này cũng không niêm yết trên các sàn CEX mà chỉ cho phép người dùng giao dịch trên chính nền tảng.
Cách tiếp cận của Hyperliquid gần như đi ngược xu hướng chung của các dự án crypto. Theo phân tích từ Binance, hầu hết các dự án thiết kế lịch phân phối token theo mô hình “low float, high FDV”, ngụ ý rằng dự án có lượng cung lưu hành thấp nhưng lại có mức vốn hóa pha loãng cao.
Hyperliquid đã lựa chọn một chiến lược khác biệt. Thay vì tạo ra sự khan hiếm token để kích cầu đầu tư ngắn hạn, dự án tập trung xây dựng cộng đồng người dùng bền vững thông qua việc phân phối rộng rãi token. Mô hình này tiềm ẩn rủi ro token bị nhà đầu tư bán tháo, tuy nhiên kết quả thực tế lại khả quan.
Chiến lược airdrop của Hyperliquid không chỉ thúc đẩy giá token mà còn cả khối lượng giao dịch trên nền tảng. Chỉ trong vòng một tuần, từ ngày 27/11 - 5/12/2024, trong mảng Perp DEX, thị phần Hyperliquid đã tăng từ 29% lên 57%.
Ngoài ra, những tính năng nổi bật từ bản thân dự án như giao dịch không tốn phí gas, giao diện thân thiện và tốc độ niêm yết token nhanh cũng góp phần giúp Hyperliquid tăng mạnh từ tháng 10/2024 - 12/2024:
- TVL tăng từ 200 triệu USD lên hơn 2 tỷ USD
- Market cap tăng từ 400 triệu USD lên hơn 8 tỷ USD
- Khối lượng giao dịch cao nhất ở mức hơn 900 triệu USD
Có thể mong đợi gì ở airdrop 2025?
Chiến lược phân bổ lượng lớn token cho airdrop như Hyperliquid thường được dự đoán sẽ dẫn đến tình trạng nhà đầu tư bán tháo token ngay sau khi được nhận do tâm lý muốn chốt lời nhanh.
Tuy nhiên số liệu thực tế lại kể một câu chuyện khác. Báo cáo của Keyrock về mối quan hệ giữa quy mô airdrop và hiệu suất giá chỉ ra rằng:
Các đợt airdrop nhỏ (1-10%) thường ít gây áp lực bán ban đầu nhưng giá token có thể giảm mạnh trong vài tháng tiếp theo. Ngược lại, các đợt airdrop lớn hơn (trên 10%) thường tạo ra biến động mạnh ngay từ đầu, nhưng lại có xu hướng ổn định và tăng trưởng tốt hơn trong dài hạn.
Bên cạnh đó, mối lo ngại nhà đầu tư bán tháo token ngay sau airdrop cũng khiến nhiều dự án áp dụng mô hình "low float, high FDV" để kích thích cơ chế cung cầu trên thị trường.
Cụ thể, khi lượng token đang lưu thông trên thị trường rất ít (low float) so với tổng lượng token tối đa có thể phát hành (FDV), nhu cầu mua sẽ cao hơn do tính khan hiếm. Điều này tạo áp lực lên giá, khiến giá trị token có tiềm năng tăng trưởng.
Tuy nhiên, số liệu thống kê lại cho thấy các dự án có FDV càng cao thường càng khó duy trì đà tăng trưởng về giá. Có hai nguyên nhân chính giải thích cho hiện tượng này:
Giá trị cốt lõi của dự án không nhiều và thanh khoản thấp. Trong đó, yếu tố về thanh khoản chiếm tỷ trọng lớn, vì không có đủ thanh khoản, các token airdrop dễ bị giảm giá mạnh do không đủ vốn để hấp thụ áp lực bán.
Wormhole là ví dụ điển hình cho thấy FDV cao không đồng nghĩa với việc giao thức có tiềm năng tăng trưởng lớn. Ban đầu, khi TGE token, Wormhole có FDV rất lớn, khoảng 13 tỷ USD. Điều này nghĩa là để duy trì mức giá đó, dự án cần một lượng thanh khoản lớn.
Tuy nhiên, theo thống kê của Keyrock, thanh khoản của Wormhole thời điểm đó chỉ khoảng 6 triệu USD, tức là thấp hơn nhiều so với mức cần thiết. Kết quả, giá trị token của Wormhole đã giảm tới 83% kể từ khi ra mắt.
Cuối cùng, sự thành công của một chiến lược airdrop phụ thuộc vào nhiều yếu tố kết hợp như quy mô phân phối, FDV, thanh khoản, sự tương tác với cộng đồng… Có thể nói, Hyperliquid đã tìm thấy điểm cân bằng giữa các yếu tố trên, đồng thời tập trung mạnh vào cộng đồng - một yếu tố quan trọng cốt yếu trong crypto.
Hyperliquid đã "nổ phát súng" đầu tiên mở ra xu hướng mới về airdrop. Chúng ta có thể kỳ vọng các dự án trong năm 2025 sẽ nối gót Hyperliquid để đưa người dùng trở thành nhân vật chính trong các đợt airdrop, chứ không phải VC hay sàn giao dịch.
Đọc thêm: Khi đầu tư theo quỹ VC không còn là chén thánh, cần lưu ý những gì?