24h hỗn loạn của Base; MEV trên Etherum hưởng lợi từ vụ hack Curve Finance
Ngày cuối cùng của tháng 7/2023, giá Bitcoin vẫn tiếp tục đi ngang trong khung 29,000 USD - 29,500 USD.
Giá chưa phá khỏi 30,000 USD khiến cho thị trường trở nên nhàm chán với nhiều nhà đầu tư theo trường phái long/short. Các vị thế bị thanh lý cũng không đáng kể.
24h hỗn loạn của Base, memecoin, rug pull và 66 triệu USD deposit
24h qua, người dùng đã chứng kiến một làn sóng điên rồ trên mạng lưới Base. Hàng loạt memecoin ra đời và nhiều dự án bị cáo buộc là lừa đảo vì nhà phát triển “rút ruột" thanh khoản của token. Nhiều nhà đầu tư nắm giữ token “vô giá”, nhưng là vô giá trị.
Theo nền tảng phân tích on-chain Scopescan, một người dùng bị cáo buộc đã thực hiện 29 vụ lừa đảo như vậy trên Base. Địa chỉ ví của người này đã gửi lên Base hơn 103 nghìn USD và lấy đi hơn 1 triệu USD sau khi thực hiện những vụ rug pull này. Scopescan cũng nhấn mạnh rằng kẻ lừa đảo cũng có tiền sử gian lận trên BNB Chain và Arbitrum.
Vì cơn sốt memecoin, số lượng tài sản di chuyển đến Base đã đạt mốc 66 triệu USD. Để so sánh, tổng khối lượng tài sản trên Base trong suốt tháng 7 chỉ là 2 triệu USD.
Đáng nói, tất cả những điều này xảy ra trước khi Base ra mắt mainnet. Mặc dù Base đã công bố một mạng dành cho các nhà phát triển, cho phép các ứng dụng được triển khai trên Base, nhưng việc ra mắt mainnet được cho là đã lên kế hoạch vào tháng 8.
SEC kiện Coinbase, tiếp tục kiện Richard Heart
Ngày 31/7/2023, Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã đệ đơn kiện Richard Schueler, còn được biết đến là Richard Heart - người sáng lập Pulsechain, PulseX và dự án Hex - vì cáo buộc ông ta bán các chứng khoán chưa đăng ký. Hành động này đến sau khi SEC đã tuyên bố kiện Coinbase, một sàn giao dịch tiền điện tử, vào thời điểm trước đó.
Theo SEC, Richard Heart đã vi phạm luật chứng khoán liên bang thông qua việc mở bán STO (Security Token Offering) và bán các chứng khoán chưa đăng ký của Hex, PulseChain và PulseX và thu về hơn 1 tỷ USD vào năm 2019.
Bên cạnh đó, SEC cũng cáo buộc Richard Heart và PulseChain đã lừa đảo nhà đầu tư bằng cách lạm dụng tài sản của nhà đầu tư và chiếm đoạt ít nhất 12 triệu USD để mua sắm các mặt hàng xa xỉ cá nhân, bao gồm một chiếc xe thể thao McLaren, một chiếc Ferrari và năm chiếc đồng hồ.
Trên thực tế, giá của token Hex giảm đến 98.4% so với mức cao nhất từ trước đến nay và các token của hai dự án khác gần như không còn giá trị. Vụ kiện này của SEC tập trung vào việc Richard Heart kiểm soát dự án, những tuyên bố của ông ta về việc giá trị của Hex có thể tăng lên và khuyến khích nhà đầu tư mua thêm token để tham gia staking.
Trước đó, SEC đã đệ đơn kiện Coinbase với cáo buộc rằng sàn giao dịch không tuân thủ đúng theo các quy định chứng khoán khi cho phép giao dịch các loại tiền điện tử. CEO của Coinbase, Brian Armstrong, cho biết SEC đã yêu cầu sàn giao dịch ngừng giao dịch mọi loại tiền điện tử trừ bitcoin trước khi ra tòa.
SEC sau đó phản bác và khẳng định rằng không có yêu cầu chính thức như vậy. Tuy nhiên, Brian Armstrong nói rằng SEC đã không để lại sự lựa chọn nào cho Coinbase ngoại trừ việc kiện ra tòa. Điều này đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi về vai trò của SEC trong việc quản lý và điều chỉnh các quy định liên quan đến tiền điện tử.
Tether ăn nên làm ra trong Q2/2023, lợi nhuận ròng 850 triệu USD
Trong Q2/2023, Tether, một đơn vị phát hành stablecoin, đã báo cáo lợi nhuận ròng đạt 850 triệu USD, thấp hơn so với lợi nhuận 1.5 tỷ USD mà họ công bố trong quý đầu tiên. Dự trữ thặng dư của Tether hiện đạt khoảng 3.3 tỷ USD, vượt qua con số 2.44 tỷ USD trong Q1/2023.
Tổng tài sản của Tether tính đến ngày 30/6 là khoảng 86.5 tỷ USD, trong khi tổng nợ đạt 83 tỷ USD, tạo ra dư thặng tài sản lên đến hơn 3 tỷ USD. Công ty cũng công bố rằng gần 72.5 tỷ USD đang được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ nhằm hỗ trợ cho stablecoin USDT của họ.
Bên cạnh đó, Tether cũng tiến hành mua lại cổ phiếu trị giá 115 triệu USD và đầu tư vào các dự án liên quan đến năng lượng sử dụng lợi nhuận từ Q2. Đáng chú ý, stablecoin USDT của Tether có tổng cung lớn hơn 84 tỷ USD, vốn hóa đứng đầu thị trường stablecoin.
MEV trên Ethereum tăng mạnh, ảnh hưởng từ vụ tấn công Curve Finance
Hôm qua, Ethereum ghi nhận khối lượng trả thưởng MEV cao nhất từ trước đến nay, với tổng cộng 6.006 ETH (tương đương 11.1 triệu USD) được trả. Điều này xảy ra đồng thời với một cuộc tấn công bảo mật trên sàn Curve Finance, một sàn giao dịch phi tập trung.
Cuộc tấn công này đã dẫn đến việc lạm dụng bất hợp pháp hơn 52 triệu USD.
Đọc thêm: Phân tích mô hình hoạt động crvUSD - sản phẩm mới nhất của Curve Finance
Trong sự hỗn loạn sau đó, các hacker nhân đạo và các tác nhân độc hại đã cạnh tranh với nhau: nhóm trước nhằm mục đích bảo vệ tiền trong khi nhóm sau cố gắng tận dụng lỗ hổng bảo mật. Cả hai nhóm cuối cùng đã trả phần thưởng MEV cao để đảm bảo các giao dịch của họ được chấp nhận vào các block Ethereum mới càng sớm càng tốt.
Một nhà điều hành bot MEV, được xem là một hacker nhân đạo, được xác định bằng tên ENS 'c0ffeebabe.eth', đã trả lại 2.879 ETH (5.4 triệu USD) cho Curve Finance. Khoản tiền này đã được lấy ra từ nhóm thanh khoản CRV-ETH trong quá trình khai thác. C0ffeebabe.eth đã có thể vượt qua một tin tặc nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho số tiền.
Có 303 triệu USD bị hack trong tháng 7/2023
Theo báo cáo của CertiK, trong tháng 7/2023, các nhà đầu tư tiền điện tử đã gánh chịu tổn thất lên đến 303 triệu USD do những cuộc tấn công DeFi, khiến tháng này trở thành thời điểm tồi tệ nhất trong năm tính đến hiện tại.
Các lỗ hổng trong hệ thống tài chính phi tập trung đã được nhấn mạnh thông qua vụ việc của Curve Finance và Multichain gần đây. CertiK đã báo cáo rằng Curve Finance đã bị đánh cắp tài sản kỹ thuật số trị giá 52 triệu USD do lỗ hổng trong ngôn ngữ lập trình hợp đồng thông minh Vyper. Trong khoảng thời gian đó, Multichain cũng đã mất khoảng 125 triệu USD tài sản và đóng cửa sau khi CEO của họ bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ.
Giao thức DeFi được coi là phần yếu nhất trong hệ sinh thái tiền điện tử, khi các cuộc tấn công xảy ra một cách nhanh chóng và quy mô chưa từng thấy. Trong tổng số 303 triệu USD mất vào tháng 7, có 285 triệu USD do những cuộc tấn công DeFi, 8.7 triệu USD bị rút thông qua hình thức vay flash loan và 8.6 triệu USD bị mất trong các vụ lừa đảo khác.